Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50-TT/PC

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 50-TT/PC NGÀY 1 THÁNG 3 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 39/CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Để thực hiện Nghị định 39/CP của Chính phủ thống nhất trong cả nước, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số điểm như sau:

1. Đường sắt chuyên dùng nêu tại Khoản 3 Điều 1 (gọi tắt là ĐSCD) là những đoạn đường sắt có cùng khổ đường được nối vào đường sắt quốc gia để tiến hành các tác nghiệp có liên quan đến việc chuyên chở hàng hoá đi, đến, xếp dỡ và tác nghiệp thương vụ khác; đưa các phương tiện, đầu máy, toa xe vào nhà máy sửa chữa.

1.1. Căn cứ vào nguồn vốn xây dựng, quản lý và khai thác sản xuất kinh doanh đường sắt chuyên dùng chia làm 2 loại:

Đường sắt chuyên dùng thuộc tài sản của nhà máy, xí nghiệp, chủ hàng do nhà máy, xí nghiệp, chủ hàng quản lý khai thác.

Đường sắt chuyên dùng thuộc tài sản của ngành đường sắt do Liên hiệp đường sắt Việt Nam (LHĐSVN) quản lý khai thác.

Đường sắt chuyên dùng phục vụ vận chuyển nội bộ trong nhà máy, xí nghiệp, chủ hàng do đơn vị đó quy định việc quản lý khai thác.

1.2. Việc xây dựng Đường sắt chuyên dùng phải được Bộ Giao thông vận tải cho phép.

Các cấu trúc, thiết bị cầu đường và công trình kỹ thuật khác của Đường sắt chuyên dùng phải tuân theo quy phạm kỹ thuật khai thác đường sắt Việt Nam (QPKTKTĐSVN).

1.3. Việc tổ chức khai thác Đường sắt chuyên dùng phải tuân theo "Quy tắc tổ chức khai thác đường nhánh dùng riêng" ban hành kèm theo Quyết định số 1856 ĐS/PC ngày 9 tháng 11 năm 1979 của Tổng cục Đường sắt.

1.4. Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn các công trình đường sắt chuyên dùng của nhà máy, xí nghiệp, chủ hàng hay của ngành đường sắt từ điểm nối ray vào đường sắt quốc gia đến phân giới điểm của nhà máy, xí nghiệp, chủ hàng hay của ngành đường sắt phải tuân theo các Điều 16, 17, 18, 19, 20, 21, 23, 25 của Nghị định 39/CP.

Đơn vị quản lý khai thác đường sắt chuyên dùng chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn công trình và quản lý phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt chuyên dùng.

Việc cắm mốc chỉ giới quy định phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt thực hiện theo Quyết định số 2977 QĐ/PC ngày 6 tháng 11 năm 1996 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Quy định cọc mốc chỉ giới đường sắt.

Việc thiết lập đường ngang ở đường sắt chuyên dùng tuân theo Quyết định số 575 QĐ/PC ngày 24 tháng 2 năm 1977 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Điều lệ đường ngang.

1.5. Mọi hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt (TTATGTĐS) trên đoạn đường sắt chuyên dùng từ điểm nối ray vào đường sắt quốc gia đến phân giới điểm của nhà máy, xí nghiệp, chủ hàng bị xử lý theo Chương 6 của Nghị định 39/CP.

2. Các công trình phụ trợ khác nêu tại khoản 1 Điều 2 bao gồm: trạm cấp nước, trạm cấp nhiên liệu, cổ hạc, nhà làm việc của nhân viên gác ghi, gác hầm, gác chắn, gác cầu, gác các điểm xung yếu; các cột điện lực, tường rào bảo vệ khu ga, nhà máy, xí nghiệp của đường sắt, các công trình giao thông đường sắt, các biển báo, mốc hiệu, biển hiệu.

3. Khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt nêu tại khoản 7 Điều 2, khoản 3 Điều 36 được thực hiện theo quy định tại phụ bản số I, II, III của QPKTKTĐSVN.

4. Những tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các định mức kinh tế kỹ thuật của ngành đường sắt; điều kiện, tiêu chuẩn của các cơ sở thiết kế, đóng mới, sửa chữa, đăng kiểm thiết bị và phương tiện giao thông đường sắt nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 được thực hiện theo quy định trong các văn bản do Bộ Giao thông vận tải, TCĐS ban hành có nội dung không trái với Nghị định 39/CP đều giữ nguyên hiệu lực thi hành (theo bản thống kê văn bản còn hiệu lực của Liên hiệp Đường sắt Việt Nam).

5. Trường đào tạo công nhân kỹ thuật của ngành đường sắt, nêu tại Khoản 3 Điều 7, giảng dạy theo nội dung chương trình của Bộ Giao thông vận tải, được Bộ uỷ quyền cấp bằng tốt nghiệp và chứng chỉ chuyên môn cho từng chức danh theo văn bản số 1007 TCCB-LĐ ngày 11 tháng 11 năm 1996 của LHĐSVN về việc cấp giấy chứng chỉ nghề nghiệp.

Đơn vị sử dụng công nhân lái máy công nhận chức danh tài xế và cấp giấy phép lái máy theo quy định phân cấp tại mục III văn bản số: 456/TCCB-LĐ ngày 9 tháng 5 năm 1989 của Tổng cục Đường sắt.

6. Chân rãnh dọc hay chân rãnh đỉnh của đường nêu ở Điều 17 là chân phía ngoài của rãnh (xem hình vẽ số 1, 2 của phụ bản 1).

7. Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của đường sắt nêu tại khoản 2 Điều 19 được hiểu như sau:

Trong phạm vi chiều dài của cầu tính từ đuôi mố cầu bên này đến đuôi mố cầu bên kia, kể từ điểm ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra mỗi bên theo quy định là 20m, 50m, 100m, 150m tuỳ theo cầu nhỏ lớn.

Trong phạm vi chiều dài từ đuôi mố cầu mỗi bên trở ra tới cột tín hiệu phòng vệ, hoặc từ đuôi mố cầu mỗi bên trở ra 50 m với cầu không có cột tín hiệu phòng vệ là đoạn đường đặc biệt, phạm vi có thể thu hẹp tuỳ theo địa hình địa thế và mức độ bảo đảm an toàn công trình đường sắt tại địa điểm để quyết định. Nhưng trong mọi trường hợp mỗi bên không nhỏ dưới 20 m tính từ đường kéo dài của điểm ngoài cùng của mỗi bên của kết cấu của cầu; đồng thời vẫn phải phù hợp với các Điều 17, Điều 29.

8. Đơn vị quản lý công trình giao thông đường sắt nêu tại Điều 25 bao gồm các cơ quan, đơn vị thuộc khối quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt.

9. Cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền cấp phép thi công, sửa chữa công trình giao thông đường sắt được quy định như sau:

9.1. Người đứng đầu đường sắt Việt Nam cấp phép thi công phải phong toả khu gian:

9.2. Người đứng đầu đường sắt khu vực cấp phép thi công các công trình trong kế hoạch sửa chữa năm; các công trình cần sửa chữa đột xuất.

9.3 Giám đốc xí nghiệp quản lý công trình giao thông đường sắt cấp phép thi công sửa chữa thường xuyên, duy tu cho các cung cầu đường, hầm, thông tin tín hiệu (làm theo kế hoạch được duyệt); quyết định phong toả khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu khi có trở ngại.

10. Việc kiểm tra, sát hạch chuyên môn, nghiệp vụ của nhân viên đường sắt làm công tác có liên quan đến chạy tàu nêu tại Khoản 1 Điều 34 tiến hành theo quy định tại QPKTKTĐSVN.

11. Cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành biểu đồ chạy tàu nêu tại Điều 39 là Người đứng đầu đường sắt Việt Nam (Theo quyết định số 2207 QĐ/PC ngày 20 tháng 8 năm 1996 của Bộ Giao thông vận tải).

12. Trọng tải quy định của toa xe nêu tại Khoản 2 Điều 42 là trọng tải ghi ở thành toa xe.

Tại các đường nhánh dùng riêng không trang bị cầu cân, chủ hàng tự xếp hàng hoá và niêm phong toa xe (toa xe G có mui) giao nguyên toa cho đường sắt mà quá tải trọng quy định của toa xe thì lỗi thuộc về chủ hàng.

13. Người được phép đi trên tàu hàng, ở trên đầu máy nêu tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 42 được quy định tại Chỉ thị số 1131/CT-VC ngày 17 tháng 12 năm 1996 của LHĐSVN.

14. Tốc độ quy định nêu ở Điều 43 và điểm a, b, c, Khoản 2 Điều 57 được thực hiện theo quy định tại:

- Công lệnh tốc độ;

- Lệnh chạy tầu;

- Cảnh báo cho các đoàn tầu chạy trên đường;

- Các biển báo tốc độ;

- Tín hiệu cố định và di động.

15. Vị trí quy định nêu ở Điều 43 và điểm b Khoản 3 Điều 57 được thực hiện theo quy định tại:

- Lệnh chạy tàu;

- Cảnh báo dừng tầu;

- Tín hiệu dừng tàu (ngừng tàu) cố định và di động;

- Mốc tránh va chạm.

Hành vi để tàu hoặc đầu máy vượt "biển đỗ lại", ký hiệu là chữ "Đ" quy định tại Điều 65 Quy trình tín hiệu năm 1976 của Tổng cục Đường sắt hiện đặt trên các ke ga, trạm mà chưa vượt tín hiệu dừng tàu, mốc tránh va chạm không phải là hành vi vi phạm.

16. Thời gian tác nghiệp dồn hoặc đỗ tàu chiếm dụng đường ngang quy định tại Khoản 2 Điều 44 là quy định đối với đường ngang trên khu gian; còn đường ngang ở trong ga và cầu chung phụ thuộc quy trình công nghệ khai thác đường sắt thì căn cứ thời gian tác nghiệp, giải thể, lập tàu, mật độ người, xe qua lại, chiều dài cụ thể của cầu chung, đường ngang, Bộ Giao thông vận tải uỷ nhiệm cho Người đứng đầu đường sắt Việt Nam quy định.

17. Xe bánh xích, xe chở hàng quá khổ, quá tải khi đi qua cầu chung tuân theo quy định tại Thông tư số 239 TT/PC ngày 30 tháng 9 năm 1995 của Bộ Giao thông vận tải.

18. Tầm nhìn của người điều khiển giao thông qua lại đường ngang nêu tại Khoản 2 Điều 49 được thực hiện theo Quyết định số 575/QĐ ngày 24 tháng 2 năm 1977 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Điều lệ đường ngang.

Tầm nhìn tín hiệu của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt nêu tại điểm e Khoản 1 Điều 53; điểm a Khoản 1 Điều 54 được hiểu như sau:

Tầm nhìn tín hiệu của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt là khoảng cách mà người đó ở vị trí của mình nhìn thấy rõ tín hiệu liên tục khi tiến tới tín hiệu ấy trong các điều kiện thời tiết bình thường. Khoảng cách cho các loại tín hiệu dùng trên đường sắt được quy định tại QPKTKTĐSVN.

19. Vật liệu, thiết bị phục vụ thi công, sửa chữa công trình giao thông đường sắt nêu tại điểm b Khoản 2 Điều 54 được phép tập kết trong thời gian thi công và phải thu dọn ngay theo quy định khi công trình hoàn thành. Việc tập kết vật liệu, máy, phương tiện phải tuân theo quy định trong QPKTKTĐSVN.

Việc cho đàn gia súc vật đi qua đường sắt nêu tại điểm c Khoản 2 Điều 54 phải tuân theo quy định sau đây:

Các súc vật qua đường ngang phải có người chăn dắt đi theo;

Các đoàn xe thô sơ, đàn gia súc lớn khi qua đường ngang phải chia ra từng tốp nhỏ theo quy định của luật lệ giao thông đường bộ hiện hành.

20. Hành vi để người đu bám đầu máy, thành toa xe, ở chỗ nối 2 đầu toa xe giáp nhau, trên nóc toa xe, nhảy lên, xuống tàu đang chạy nêu tại Điều 56, nếu do nguyên nhân khách quan không phát hiện được hoặc trường hợp bất khả kháng như tàu chạy trong đêm tối, sương mù, mưa gió hoặc khi phát hiện đã phối hợp với mọi lực lượng có mặt tại hiện trường mà không ngăn cản được hoặc sự việc xảy ra bất ngờ thì không phải lỗi của nhân viên đường sắt.

21. Quy định với người điều khiển xe cơ giới, xe bánh xích hoạt động trong phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt hoặc kéo vật nặng qua đường sắt nêu tại điểm a Khoản 1 Điều 58 được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Điều lệ đường ngang ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ ngày 24/2/1977 của Bộ Giao thông vận tải.

22. Tổ chức thực hiện:

Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến tới đông đảo nhân dân và hướng dẫn, kiểm tra, thi hành đúng các quy định của Thông tư này;

Cục trưởng Cục đường bộ, Tổng giám đốc liên hiệp đường sắt Việt Nam, Giám đốc các sở giao thông vận tải, giao thông công chính chỉ đạo thực hiện tốt Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

Bùi Văn Sướng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 50-TT/PC-1997 hướng dẫn thi hành Nghị định 39/CP về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 50-TT/PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/03/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Bùi Văn Sướng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 01/03/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản