Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ sơ cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Mục 3. QUY TRÌNH BIÊN SOẠN, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH GIÁO TRÌNH ĐÀO TẠO

Điều 11. Quy trình biên soạn giáo trình đào tạo

1. Bước 1: Thành lập Tổ biên soạn giáo trình đào tạo

a) Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp ra quyết định thành lập Tổ biên soạn giáo trình đào tạo (sau đây gọi là Tổ biên soạn).

b) Thành phần Tổ biên soạn có từ 5 đến 7 thành viên, gồm Tổ trưởng, thư ký và các thành viên là giáo viên, giảng viên, các chuyên gia, cán bộ quản lý có kinh nghiệm đối với nghề đào tạo.

c) Tiêu chuẩn đối với thành viên Tổ biên soạn: có trình độ trung cấp trở lên; có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực của nghề cần biên soạn giáo trình.

d) Quyền hạn và trách nhiệm của Tổ biên soạn:

- Tổ biên soạn có thể thành lập các Nhóm để biên soạn giáo trình một số mô đun của nghề; Mỗi nhóm biên soạn có từ 3 đến 5 thành viên là giáo viên, giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy đối với nghề biên soạn. Nhóm giúp Tổ biên soạn thực hiện nhiệm vụ biên soạn giáo trình đối với nghề được giao;

- Quy định trách nhiệm của các nhóm biên soạn giáo trình đào tạo;

- Tổ chức hướng dẫn phương pháp, quy trình tổ chức biên soạn giáo trình đào tạo cho thành viên các nhóm biên soạn;

- Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của giáo trình; báo cáo trước Hội đồng thẩm định và hoàn thiện dự thảo theo góp ý của Hội đồng thẩm định.

2. Bước 2: Thiết kế cấu trúc giáo trình đào tạo

Tổ biên soạn tổ chức nghiên cứu chương trình đào tạo của nghề, chương trình chi tiết mô - đun; Thu thập, tham khảo các tài liệu có liên quan làm căn cứ thực hiện nhiệm vụ biên soạn giáo trình. Cụ thể:

a) Xác định mục tiêu của tiêu đề, tiểu tiêu đề/mục, tiểu mục trong bài/chương của mô - đun;

b) Xác định kiến thức cốt lõi, đặc trưng; kết cấu, thể loại bài tập/sản phẩm để hình thành kỹ năng nhằm đạt được mục tiêu của tiêu đề, tiểu tiêu đề/mục, tiểu mục trong bài/chương của mô - đun;

c) Tổ chức hội thảo, xin ý kiến chuyên gia về cấu trúc của giáo trình đào tạo;

d) Tổng hợp, hoàn thiện các nội dung về cấu trúc của giáo trình đào tạo.

3. Bước 3: Biên soạn giáo trình đào tạo

a) Biên soạn nội dung chi tiết giáo trình mô - đun;

b) Hội thảo xin ý kiến chuyên gia (gồm các giáo viên, giảng viên đang trực tiếp giảng dạy, cán bộ quản lý, nghiên cứu và chuyên gia của nghề đào tạo về nội dung của từng giáo trình mô - đun);

c) Tổng hợp, hoàn thiện giáo trình đào tạo sau khi có ý kiến chuyên gia.

4. Bước 4: Sửa chữa, biên tập, hoàn thiện dự thảo giáo trình đào tạo

a) Sửa chữa biên tập tổng thể giáo trình đào tạo;

b) Gửi xin ý kiến chuyên gia về giáo trình đào tạo, gồm kỹ sư chuyên ngành đang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan trên địa bàn;

c) Hoàn thiện giáo trình đào tạo.

5. Bước 5: Thẩm định và ban hành giáo trình đào tạo

a) Gửi bản dự thảo giáo trình tới Hội đồng thẩm định giáo trình kèm theo báo cáo tóm tắt quá trình biên soạn và những nội dung cốt lõi của giáo trình đào tạo;

b) Bảo vệ giáo trình trước cuộc họp Hội đồng thẩm định giáo trình;

c) Hoàn thiện giáo trình theo ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định giáo trình;

d) Trình người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp giáo trình đã được hoàn thiện (kèm theo báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình) để xem xét, quyết định ban hành giáo trình đào tạo.

6. Bước 6: Đánh giá và cập nhật nội dung giáo trình đào tạo.

Điều 12. Quy trình thẩm định và ban hành giáo trình đào tạo

a) Bước 1: Thành lập hội đồng thẩm định giáo trình

a) Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giáo trình đào tạo.

b) Hội đồng thẩm định có 5 đến 7 thành viên, gồm: Chủ tịch hội đồng, Phó chủ tịch, thư ký và các ủy viên. Thành phần Hội đồng gồm các giáo viên, giảng viên, các chuyên gia, cán bộ quản lý có kinh nghiệm của nghề và được thành lập theo từng lĩnh vực chuyên môn của nghề, trong đó phải có ít nhất một thành viên là người của đơn vị sử dụng lao động sau đào tạo.

c) Tiêu chuẩn thành viên của Hội đồng thẩm định giáo trình là những người có trình độ cao đẳng trở lên; có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực của nghề.

d) Hội đồng thẩm định có thể quyết định thành lập các tiểu ban và quy định nhiệm vụ, trách nhiệm các tiểu ban để giúp việc Hội đồng thực hiện thẩm định một số giáo trình mô đun được giao của nghề. Mỗi tiểu ban giúp việc có từ 3 đến 5 thành viên là giáo viên, giảng viên có kinh nghiệm trong giảng dạy mô đun tương ứng của nghề.

đ) Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giáo trình: Thẩm định giáo trình đào tạo do Tổ biên soạn dự thảo và báo cáo Hội đồng; Trình thủ trưởng cơ sở đào tạo sơ cấp về kết quả thẩm định để làm căn cứ xem xét, quyết định ban hành giáo trình đào tạo.

2. Bước 2: Tổ chức thẩm định giáo trình

a) Hội đồng thẩm định căn cứ vào chương trình đào tạo, căn cứ các quy định hiện hành về giáo trình để thẩm định từng giáo trình đào tạo. Cụ thể:

- Tổ chức họp dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng với sự có mặt của đầy đủ các thành viên Hội đồng theo nguyên tắc thảo luận công khai và từng thành viên trong hội đồng phải có ý kiến phân tích, đánh giá đối với giáo trình biên soạn; biểu quyết từng nội dung và đưa ra kết luận. Các ý kiến được thống nhất đưa vào kết luận khi có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng đồng ý.

- Báo cáo kết quả thẩm định kèm theo biên bản họp thẩm định của Hội đồng (trong đó có ý kiến của từng thành viên, kết quả biểu quyết đối với từng kết luận và có chữ ký của các thành viên), để người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp xem xét, làm căn cứ quyết định phê duyệt giáo trình để đưa vào đào tạo.

b) Tổ biên soạn giáo trình đào tạo có trách nhiệm giải đáp các câu hỏi của thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định.

c) Hội đồng thẩm định phải kết luận rõ theo các nội dung sau: Hội đồng thông qua giáo trình đào tạo, không cần chỉnh sửa, bổ sung hoặc Hội đồng thông qua giáo trình đào tạo nhưng yêu cầu phải chỉnh sửa, bổ sung và nêu nội dung cụ thể cần phải chỉnh sửa, bổ sung hoặc hội đồng không thông qua giáo trình đào tạo và nêu lý do không được thông qua.

3. Bước 3: Báo cáo kết quả thẩm định

Chủ tịch hội đồng thẩm định báo cáo kết quả thẩm định giáo trình đào tạo, kèm theo biên bản họp hội đồng và hồ sơ thẩm định để người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp xem xét, quyết định ban hành.

4. Bước 4: Ban hành giáo trình

Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp căn cứ kết quả thẩm định giáo trình đào tạo của Hội đồng thẩm định tự chủ, tự chịu trách nhiệm phê duyệt và ban hành giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp để áp dụng cho cơ sở mình.

Điều 13. Lựa chọn, cập nhật, đánh giá giáo trình đào tạo

1. Lựa chọn giáo trình đào tạo

Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp có thể lựa chọn giáo trình đào tạo của cơ sở đào tạo khác, nhưng phải tổ chức thẩm định giáo trình đào tạo theo quy định tại Điều 12 Thông tư này để phê duyệt và áp dụng.

2. Cập nhật, đánh giá giáo trình đào tạo

a) Ít nhất 3 năm một lần, người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp phải tổ chức đánh giá giáo trình đào tạo mà cơ sở mình đang tổ chức đào tạo.

b) Dự thảo những nội dung cần sửa đổi, cập nhật giáo trình đào tạo và tổ chức thẩm định giáo trình đào tạo theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

c) Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp ban hành giáo trình đào tạo cập nhật, bổ sung trên cơ sở đề xuất của Hội đồng thẩm định chương trình sau khi chương trình đào tạo được đánh giá theo quy định tại các Điểm a và b Khoản 2 Điều này.

Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ sơ cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 42/2015/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/10/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Huỳnh Văn Tí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1225 đến số 1226
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH