Hệ thống pháp luật

Điều 29 Thông tư 41/2016/TT-BTNMT quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Điều 29. Quy trình kỹ thuật

Trên cơ sở thông tin, số liệu quan trắc, cho thấy khả năng xuất hiện hoặc đã xuất hiện những dấu hiệu của dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ, cần thực hiện các nội dung sau:

1. Thu thập, xử lý các loại thông tin và dữ liệu

a) Số liệu vệ tinh khí tượng các kênh ảnh hồng ngoại, cận hồng ngoại, ảnh thị phổ và các sản phẩm tính toán thứ cấp: Phân tích mây đối lưu, ước lượng mưa, phân loại mây, phân tích khối khí, tổ hợp mầu tự nhiên, vi vật lý mây;

b) Số liệu ra đa thời tiết và các sản phẩm tổ hợp ảnh ra đa, ước lượng mưa trong phạm vi khu vực cảnh báo và lân cận;

c) Số liệu định vị sét trong khu vực cảnh báo (nếu có);

d) Số liệu quan trắc bề mặt (bao gồm cả quan trắc tự động), thám không vô tuyến trong khu vực cảnh báo và lân cận;

đ) Các sản phẩm dự báo số trị của mô hình khu vực phân giải cao, dự báo điểm;

e) Các bản tin dự báo thời tiết hạn ngắn, bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ (nếu có);

g) Đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các loại dữ liệu đã thu thập và bổ sung, chỉnh lý, chuẩn hóa số liệu.

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng

a) Phân tích chuỗi các ảnh vệ tinh theo thứ tự ưu tiên (kênh thị phổ, hồng ngoại, cận hồng ngoại, hơi nước) và các sản phẩm thứ cấp (phân tích mây đối lưu, ước lượng mưa, phân loại mây, phân tích khối khí, tổ hợp mầu tự nhiên, vi vật lý mây) trong 06 giờ trước cho tới hiện tại để xác định các vùng mây đối lưu có khả năng gây dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ cho khu vực cảnh báo;

b) Phân tích chuỗi số liệu ra đa thời tiết (độ phản hồi vô tuyến, hướng, tốc độ di chuyển, gió, ước lượng mưa) trong 06 giờ trước cho đến hiện tại với ưu tiên sử dụng số liệu của các ra đa gần khu vực cảnh báo để xác định lại các vùng mây đối lưu có khả năng gây dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ cho khu vực cảnh báo;

c) Phân tích số liệu, bản đồ định vị sét về cường độ và mật độ (nếu có);

d) Quan trắc trực tiếp bằng mắt về các loại mây trên bầu trời và nhận định về sự phát triển của các đám mây đối lưu (trong trường hợp cho phép).

3. Thực hiện cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

a) Trường hợp dông, sét hình thành ngay tại khu vực cảnh báo

Khi phân tích dữ liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét nhận thấy mây đối lưu bắt đầu hình thành tại khu vực cảnh báo; nhiệt độ đỉnh mây trên ảnh hồng ngoại, cận hồng ngoại có dấu hiệu liên tục giảm mạnh; suất phản xạ albedo trên ảnh thị phổ có dấu hiệu tăng nhanh; độ phản hồi vô tuyến cao và tăng nhanh; xuất hiện sét đánh trên bản đồ định vị sét thì kết luận về khả năng, mức độ xuất hiện dông, sét và chuyển sang thực hiện ra bản tin và cung cấp bản tin được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.

b) Trường hợp dông, sét ở khu vực bên ngoài di chuyển vào khu vực cảnh báo

Khi phân tích dữ liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét nhận thấy mây đối lưu ở khu vực bên ngoài có xu hướng di chuyển vào khu vực cảnh báo thì tiến hành các bước sau:

b1) Khoanh vùng các đám mây đối lưu trên;

b2) Xác định mức độ phát triển mây đối lưu trên cơ sở phân tích diễn biến nhiệt độ đỉnh mây, suất phản xạ albedo (đối với ảnh vệ tinh), độ phản hồi vô tuyến (đối với ảnh ra đa), cường độ sét, mật độ sét đánh (đối với số liệu định vị sét);

b3) Xác định hướng và tốc độ di chuyển của các đám mây đối lưu; kết luận về khả năng, mức độ xảy ra dông, sét trên các khu vực cảnh báo.

c) Xác định các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: Tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

c1) Trên cơ sở đánh giá về tốc độ phát triển của các đám mây đối lưu và dấu hiệu nhận biết chúng trên ảnh ra đa thời tiết và ảnh mây vệ tinh để nhận định về khả năng có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: Tố, lốc và mưa đá;

c2) Trên cơ sở số liệu ước lượng lượng mưa từ thông tin ra đa, vệ tinh và số liệu mưa tự động để xác định khả năng xuất hiện mưa lớn cục bộ (phạm vi, cường độ mưa).

4. Xây dựng bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

a) Đối với hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia

a1) Tiêu đề bản tin;

a2) Nội dung bản tin cảnh báo bao gồm: Thông tin hiện trạng, phân tích diễn biến hiện tượng, thời gian bắt đầu hiện tượng, khu vực và mức độ ảnh hưởng;

a3) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá và mưa lớn được thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

a4) Thời gian thực hiện bản tin.

b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.

5. Cung cấp bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

a) Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia

Các bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ được cung cấp theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

b) Tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

6. Bổ sung bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

Trong trường hợp phát hiện các hiện tượng dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ có diễn biến bất thường, cần bổ sung bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 30 Thông tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này.

7. Đánh giá bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ

a) Nội dung đánh giá:

a1) Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình kỹ thuật cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ;

a2) Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời việc cung cấp các bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ theo quy định;

a3) Đánh giá chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thông qua so sánh các hiện tượng dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ với quan trắc thực tế, các thông tin từ địa phương và từ phương tiện thông tin đại chúng.

b) Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định chi tiết về phương pháp và các chỉ tiêu đánh giá đối với bản tin cảnh báo dông, sét, tố, lốc, mưa đá và mưa lớn cục bộ trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia.

c) Các tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.

Thông tư 41/2016/TT-BTNMT quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 41/2016/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Chu Phạm Ngọc Hiển
  • Ngày công báo: 05/01/2017
  • Số công báo: Từ số 7 đến số 8
  • Ngày hiệu lực: 10/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH