Hệ thống pháp luật

Chương 9 Thông tư 41/2016/TT-BTNMT quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương IX

QUY TRÌNH KỸ THUẬT DỰ BÁO, CẢNH BÁO XÂM NHẬP MẶN

Điều 25. Nội dung dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

1. Độ mặn cao nhất (lớn nhất).

2. Thời gian xuất hiện độ mặn cao nhất.

3. Phạm vi chịu ảnh hưởng độ mặn 4‰ trở lên.

Điều 26. Quy trình kỹ thuật

Trên cơ sở thông tin, số liệu quan trắc cho thấy khả năng xuất hiện hoặc đã xuất hiện những dấu hiệu của xâm nhập mặn, cần thực hiện các nội dung sau:

1. Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu

a) Thu thập số liệu quan trắc các yếu tố mưa, nhiệt độ lưu vực, khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua;

b) Diễn biến mực nước, lưu lượng các trạm thượng lưu trên lưu vực, khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua;

c) Diễn biến của thủy triều trong lưu vực, khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua. Thu thập số liệu quan trắc của các trạm hải văn có ảnh hưởng đến khu vực dự báo, cảnh báo;

d) Thu thập thông tin, dữ liệu vận hành hồ chứa và các công trình thủy lợi thuộc khu vực dự báo và lân cận;

đ) Thu thập số liệu đo mặn tại các trạm đo mặn trên lưu vực, khu vực dự báo và lân cận;

e) Đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các loại dữ liệu đã thu thập và bổ sung, chỉnh lý, chuẩn hóa số liệu;

g) Thông tin, kế hoạch dự kiến nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực, khu vực dự báo, cũng như nhu cầu sử dụng nước trong nông nghiệp, thủy sản và các hoạt động kinh tế - xã hội khác;

h) Cập nhật dữ liệu vào các công cụ dự báo như bảng, biểu thống kê, biểu đồ, mô hình dự báo mặn.

2. Phân tích, đánh giá hiện trạng

a) Phân tích diễn biến thời tiết:

a1) Sự thay đổi của lượng mưa và diện mưa theo không gian và thời gian;

a2) Thông tin dự báo mưa trên lưu vực, khu vực trong thời hạn dự báo, cảnh báo.

b) Phân tích diễn biến thủy văn:

b1) Phân tích diễn biến mực nước, lưu lượng trên lưu vực, khu vực dự báo;

b2) Phân tích tác động của các yếu tố vận hành hồ chứa, công trình thủy điện, công trình thủy lợi trên lưu vực đến dòng chảy trên lưu vực, khu vực dự báo;

b3) Phân tích xu thế, diễn biến xâm nhập mặn, độ mặn lớn nhất trên lưu vực, khu vực dự báo trong thời khoảng đã qua;

b4) Phân tích ảnh hưởng chế độ thủy triều tới phạm vi ảnh hưởng xâm nhập mặn;

b5) Tổng hợp thông tin cảnh báo các hiện tượng nguy hiểm như triều cường, nước biển dâng ảnh hưởng đến diễn biến xâm nhập mặn khu vực dự báo.

3. Thực hiện các phương án dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

a) Các phương án thường được sử dụng trong dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn bao gồm:

a1) Phương án dựa trên cơ sở các phương pháp truyền thống: Bản đồ tương quan, thống kê...;

a2) Phương án sử dụng mô hình toán.

b) Các phương án dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn được sử dụng tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia do Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định.

c) Căn cứ vào điều kiện cụ thể, tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.

4. Thảo luận dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

a) Đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo bằng các phương án khác nhau.

b) Đánh giá mức độ tin cậy của mô hình dự báo.

c) Đánh giá mức độ ổn định kết quả dự báo từ mô hình.

d) Tổng hợp các kết quả dự báo, cảnh báo từ các phương án khác nhau và nhận định của các dự báo viên.

e) Người chịu trách nhiệm ra bản tin lựa chọn kết quả dự báo cuối cùng có độ tin cậy cao nhất.

5. Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

a) Đối với hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia

a1) Tiêu đề bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn kèm theo thời gian dự kiến, tên lưu vực sông hay khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn;

a2) Xu thế xâm nhập mặn, dự báo độ mặn cao nhất, thời gian xuất hiện;

a3) Phạm vi, thời gian chịu ảnh hưởng độ mặn 4‰ trở lên; khoảng cách chịu ảnh hưởng tính từ cửa sông chính, các xã, huyện trong phạm vi chịu ảnh hưởng;

a4) Thời gian chịu ảnh hưởng độ mặn 4‰ trở lên;

a5) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cấp độ rủi ro thiên tai;

a6) Thời gian thực hiện bản tin; thời gian ban hành bản tin tiếp theo.

b) Căn cứ yêu cầu thực tế, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định nội dung bản tin cho phù hợp.

6. Cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

a) Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia

Các bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn được cung cấp theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

b) Tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định danh sách các địa chỉ được cung cấp bản tin cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

7. Bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

Trong trường hợp phát hiện tình trạng xâm nhập mặn có diễn biến bất thường, cần bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn ngoài các bản tin được ban hành theo quy định tại Điều 27 Thông tư này. Việc bổ sung bản tin được thực hiện theo quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này.

8. Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

a) Nội dung đánh giá

a1) Đánh giá việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định của Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn;

a2) Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời việc cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn theo quy định;

a3) Đánh giá chất lượng bản tin dự báo thông qua so sánh các yếu tố dự báo với quan trắc thực tế.

b) Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia quy định chi tiết về phương pháp và các chỉ tiêu đánh giá đối với các bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia.

c) Các tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia phải tuân thủ các quy định hiện hành về đánh giá chất lượng dự báo.

Điều 27. Tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

1. Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia: Tần suất và thời gian ban hành bản tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn được quy định tối thiểu 10 ngày ban hành 01 bản tin vào 15 giờ 30 trong thời gian các khu vực có nguy cơ xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn. Ngoài ra, dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn còn được lồng ghép trong các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn, hải văn thời hạn dài được ban hành với tần suất và thời gian theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo khí tượng thủy văn trong điều kiện bình thường.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quyết định tần suất và thời gian ban hành bản tin.

Thông tư 41/2016/TT-BTNMT quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 41/2016/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Chu Phạm Ngọc Hiển
  • Ngày công báo: 05/01/2017
  • Số công báo: Từ số 7 đến số 8
  • Ngày hiệu lực: 10/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH