Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 40/2018/TT-BCT quy định về xây dựng và nội dung các tài liệu quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Chương IV

KẾ HOẠCH ỨNG CỨU KHẨN CẤP

Điều 19. Xác định và phân loại các tình huống khẩn cấp

Trên cơ sở đánh giá các mối nguy, xác định tất cả các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Căn cứ vào năng lực, quy mô và độ phức tạp của dự án, công trình để phân loại tình huống khẩn cấp

1. Tình huống khẩn cấp cấp 1: Là tình huống khi sự cố xảy ra với quy mô nhỏ, không có khả năng đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người và sự tồn tại của một phần công trình. Tình huống được xử lý, khắc phục bằng nhân lực tại chỗ.

2. Tình huống khẩn cấp cấp 2: Là tình huống khi sự cố xảy ra với quy mô trung bình, có khả năng đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người và sự tồn tại của một phần công trình. Tình huống được xử lý, khắc phục bởi lực lượng ứng cứu của tổ chức dưới sự chỉ huy của Ban chỉ huy ứng phó sự cố khẩn cấp, có thể cần lực lượng ứng cứu của các đơn vị khác và các cơ quan hữu quan địa phương.

3. Tình huống khẩn cấp cấp 3: Là tình huống khi sự cố xảy ra với quy mô lớn, gây nên mối nguy hiểm nghiêm trọng với nhiều người, có khả năng phá hủy công trình và gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Tình huống này được xử lý và khắc phục bởi lực lượng chuyên trách quốc gia, các bộ, ngành liên quan và có thể từ lực lượng nước ngoài.

Điều 20. Tổ chức, phân cấp trách nhiệm, trách nhiệm trong tình huống khẩn cấp

1. Mô tả sơ đồ tổ chức công tác ứng cứu khẩn cấp tương ứng với các tình huống khẩn cấp, trong đó thể hiện thành phần các đội ứng cứu nhằm đáp ứng công tác ứng cứu khẩn cấp hiệu quả, tương tác giữa các vị trí chủ chốt trong từng đội ứng cứu và giữa các đội ứng cứu.

2. Nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận, thành viên trong cơ cấu tổ chức ứng cứu.

Điều 21. Hệ thống báo cáo khi xảy ra sự cố, tai nạn hoặc xuất hiện các tình huống nguy hiểm

1. Quy trình thông báo và báo cáo

Yêu cầu nội dung về quy trình thông báo từ khi phát hiện sự cố đến khi thông tin cho lực lượng tham gia ứng cứu và lực lượng chỉ đạo/điều hành công tác ứng cứu, nhân viên/bộ phận hỗ trợ ứng cứu, đối tác, nhà thầu, lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp của các cơ quan chính quyền địa phương theo yêu cầu, các tổ chức ứng cứu quốc tế

2. Thông báo nội bộ

Yêu cầu các nội dung sau:

a) Các hình thức thông báo sự cố đến Chỉ huy ứng cứu khẩn cấp, lực lượng tham gia ứng cứu, các phòng ban/bộ phận, nhân viên hỗ trợ ứng cứu.

b) Nội dung thông báo (mô tả sự cố, loại tình huống khẩn cấp, vị trí và thời gian xảy ra, mức độ thiệt hại/số người bị thương, tình trạng, hành động đã khắc phục, yêu cầu hỗ trợ).

c) Kênh thông tin liên lạc (điện thoại, bộ đàm, âm thanh báo động, fax/email...).

d) Người được ủy quyền thông báo khẩn cấp.

3. Thông báo tình huống khẩn cấp ra bên ngoài

Yêu cầu các nội dung sau:

a) Các quy định về hình thức thông báo, người chịu trách nhiệm hoặc được ủy quyền thông báo.

b) Quy trình và nội dung thông báo cho đơn vị chủ quản, các cơ quan có thẩm quyền liên quan, đối tác, tổ chức hỗ trợ ứng cứu, báo chí/truyền thông, thân nhân người bị nạn...

4. Lập báo cáo sự cố

Yêu cầu nội dung về các quy định về lập và nộp các báo cáo tai nạn/sự cố, các biểu mẫu báo cáo tai nạn/sự cố trong nội bộ, cho đơn vị chủ quản và các cơ quan có thẩm quyền, cho truyền thông/báo chí...

Điều 22. Quy trình ứng cứu các tình huống khẩn cấp

1. Danh mục quy trình ứng cứu khẩn cấp

a) Liệt kê danh mục các quy trình ứng cứu khẩn cấp áp dụng cho dự án, công trình tương ứng với các tình huống khẩn cấp. Các Quy trình cần thể hiện số hiệu, mã hiệu, ngày ban hành, ngày cập nhật (nếu có), cấp ban hành.

b) Nếu các bên liên quan đều có quy trình ứng cứu khẩn cấp cho cùng một tình huống khẩn cấp, cần nêu rõ trong những điều kiện nào thì sẽ áp dụng quy trình ứng cứu khẩn cấp của bên nào.

c) Liệt kê tài liệu phối hợp giữa các bên đối tác về ứng cứu khẩn cấp (nếu có)

2. Quy trình ứng cứu khẩn cấp cụ thể

Quy trình ứng cứu khẩn cấp một tình huống điển hình như cháy, nổ, tràn dầu/hóa chất, rò rỉ khí, v.v... đặc thù cho hoạt động dầu khí liên quan. Nội dung trích dẫn tối thiểu bao gồm:

a) Lưu đồ thể hiện quá trình ứng cứu.

b) Mô tả quá trình ứng cứu.

c) Phân cấp vị trí, trách nhiệm của từng cá nhân khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

d) Hệ thống thông tin liên lạc và báo cáo.

Điều 23. Nguồn lực phục vụ ứng cứu khẩn cấp

1. Ban chỉ huy điều hành hoạt động ứng cứu khẩn cấp

a) Thông tin về địa chỉ liên lạc văn phòng trực của Ban chỉ huy.

b) Danh sách các trang thiết bị phục vụ công tác ứng cứu khẩn cấp của Văn phòng trực, Ban chỉ huy.

2. Nguồn lực bên trong phục vụ ứng cứu khẩn cấp và thoát hiểm

Trình bày danh mục bao gồm tên, số lượng, loại, công dụng, vị trí lắp đặt... của các thiết bị được lắp đặt của công trình/nhà máy phục vụ công tác ứng cứu. Danh mục nên bao gồm mô tả đầy đủ về tình huống sẽ sử dụng các thiết bị này.

a) Phương án cứu hộ, cứu nạn và thoát hiểm, nơi trú ẩn tạm thời và trung tâm điều khiển

Sử dụng bản đồ, hình ảnh và mô tả để thực hiện các nội dung sau:

- Lối cứu hộ và thoát hiểm.

- Các khu vực có thể sử dụng làm nơi trú ẩn tạm thời tại công trình.

- Trung tâm điều khiển tại hiện trường.

- Bản đồ, hình ảnh và phần mô tả cũng cần thể hiện rõ việc bố trí các thiết bị, phương tiện cứu hộ tại các lối cứu hộ và thoát hiểm, các nơi trú ẩn tạm thời và trung tâm điều khiển tại hiện trường.

3. Nguồn lực được huy động từ bên ngoài

Mô tả đầy đủ các nguồn lực liên quan cần thiết được huy động từ bên ngoài khi xảy ra tai nạn, sự cố, bao gồm:

a) Các thỏa thuận hỗ trợ nhau với các công trình lân cận và các cơ quan chức năng.

b) Các nguồn lực từ thỏa thuận hợp đồng (ví dụ: Các dịch vụ kỹ thuật, sơ cấp cứu, điều trị y tế, di tản).

c) Danh mục tên, số lượng, loại, công dụng... của các phương tiện, thiết bị an toàn thuê từ bên ngoài phục vụ ứng cứu trong tình huống khẩn cấp.

Điều 24. Địa chỉ liên lạc và thông tin trong ứng cứu khẩn cấp với các bộ phận nội bộ và báo cáo các cơ quan quản lý có thẩm quyền liên quan

1. Địa chỉ liên lạc nội bộ trong tình huống khẩn cấp.

2. Địa chỉ liên lạc với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

3. Địa chỉ liên lạc các đơn vị hỗ trợ ứng cứu.

4. Các mẫu báo cáo nội bộ và cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Điều 25. Huấn luyện và diễn tập ứng cứu khẩn cấp

1. Huấn luyện

a) Các quy định chung về huấn luyện lý thuyết và thực hành ứng cứu khẩn cấp.

b) Nội dung huấn luyện ứng cứu khẩn cấp cho từng nhóm nhân viên, nhóm công việc.

c) Kế hoạch, chương trình huấn luyện.

2. Diễn tập

a) Các hình thức diễn tập: Bàn giấy và thực tế.

b) Kế hoạch diễn tập.

3. Diễn tập bàn giấy phải được tổ chức trước khi thực hiện hoạt động dầu khí.

4. Kế hoạch diễn tập phải mô tả rõ loại tình huống, nội dung diễn tập, tần suất, đối tượng tham gia, thời gian và địa điểm dự kiến, các cơ quan bên ngoài tham gia.

Điều 26. Kế hoạch khôi phục hoạt động sau sự cố, tai nạn

Kế hoạch khôi phục hoạt động của công trình bao gồm công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả để tái lập và nâng cao mức an toàn của công trình.

Yêu cầu các nội dung chính:

1. Quy trình điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả của tai nạn, sự cố

2. Kế hoạch nâng cấp các biện pháp phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp và nâng cao mức an toàn của công trình.

Thông tư 40/2018/TT-BCT quy định về xây dựng và nội dung các tài liệu quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 40/2018/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/10/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: 03/12/2018
  • Số công báo: Từ số 1075 đến số 1076
  • Ngày hiệu lực: 14/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH