Chương 2 Thông tư 40/2015/TT-BLĐTBXH Quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và chế độ làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
QUY ĐỊNH CHUẨN VỀ CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA NHÀ GIÁO DẠY TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP
Điều 4. Mục tiêu ban hành chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo
1. Làm cơ sở để xây dựng mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
2. Giúp nhà giáo tự đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực nghề nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Làm cơ sở để đánh giá nhà giáo hàng năm, phục vụ công tác quy hoạch, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.
4. Làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Điều 5. Tiêu chí 1: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và lối sống
1. Tiêu chuẩn 1: Phẩm chất chính trị
a) Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
b) Thường xuyên học tập nâng cao nhận thức chính trị;
c) Có ý thức tổ chức kỷ luật; có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp;
d) Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
2. Tiêu chuẩn 2: Đạo đức nghề nghiệp
a) Yêu nghề, tâm huyết với nghề; có ý thức giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín, lương tâm nhà giáo; đoàn kết, hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp, có ý thức xây dựng tập thể để cùng thực hiện mục tiêu giáo dục nghề nghiệp;
b) Tận tụy với công việc; thương yêu, tôn trọng người học, giúp người học khắc phục khó khăn để học tập và rèn luyện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người học;
c) Công bằng trong giảng dạy, giáo dục; khách quan trong đánh giá năng lực của người học;
d) Thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, cơ sở, ngành; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, chống bệnh thành tích; phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc.
3. Tiêu chuẩn 3: Lối sống, tác phong
a) Có lý tưởng, có mục đích, ý chí vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;
b) Có lối sống lành mạnh, khiêm tốn, gần gũi, chan hòa với đồng nghiệp; có thái độ ủng hộ, khuyến khích lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ;
c) Tác phong làm việc khoa học; trang phục khi thực hiện nhiệm vụ giản dị, lịch sự; có thái độ văn minh, lịch sự, đúng mực trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học, với phụ huynh người học và nhân dân; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo;
d) Xây dựng gia đình văn hoá; thực hiện nếp sống văn hoá nơi công cộng.
Điều 6. Tiêu chí 2: Năng lực chuyên môn
1. Tiêu chuẩn 1: Kiến thức chuyên môn
a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, chuyên ngành phù hợp với nghề giảng dạy; Có kiến thức về môn học, mô-đun liên quan và hiểu biết về thực tiễn sản xuất của nghề;
b) Có trình độ ngoại ngữ thông dụng tối thiểu Bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng Công nghệ thông tin;
2. Tiêu chuẩn 2: Kỹ năng nghề
a) Có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp sau: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 hoặc bậc thợ 3/7, 2/6 hoặc là nghệ nhân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ trung cấp nghề hoặc tương đương trở lên.
b) Thực hiện thành thạo các kỹ năng nghề quy định trong chương trình mô-đun, môn học, học phần được phân công giảng dạy; biết tổ chức lao động sản xuất, dịch vụ nghề được phân công giảng dạy; nắm vững kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động của nghề.
Điều 7. Tiêu chí 3: Năng lực sư phạm
1. Tiêu chuẩn 1: Trình độ nghiệp vụ sư phạm và thời gian tham gia giảng dạy
a) Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc có chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ sư phạm bậc I hoặc tương đương trở lên.
b) Có thời gian tham gia giảng dạy giáo dục nghề nghiệp ít nhất 6 tháng.
2. Tiêu chuẩn 2: Chuẩn bị hoạt động giảng dạy
a) Lập được kế hoạch giảng dạy mô-đun, môn học, học phần được phân công trên cơ sở chương trình, kế hoạch đào tạo của cả khoá học;
b) Soạn được giáo án theo quy định, thể hiện được các hoạt động dạy và học;
c) Lựa chọn được phương pháp dạy học phù hợp cho các bài học của chương trình môn học, mô-đun, học phần được phân công giảng dạy;
d) Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện dạy học, trang thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu thực hành cần thiết; tự làm được các loại phương tiện dạy học thông thường.
3. Tiêu chuẩn 3: Thực hiện hoạt động giảng dạy
a) Tổ chức dạy học phù hợp với nghề đào tạo và với từng đối tượng người học; thực hiện đầy đủ kế hoạch giảng dạy, theo đúng chương trình, nội dung;
b) Thực hiện các giờ dạy lý thuyết/thực hành/tích hợp theo đúng giáo án, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ theo quy định;
c) Biết vận dụng, phối hợp các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, phát triển năng lực tự học của người học;
d) Sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học, trang thiết bị để nâng cao hiệu quả giảng dạy, đảm bảo chất lượng; ứng dụng được công nghệ thông tin trong giảng dạy.
4. Tiêu chuẩn 4: Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học
a) Lựa chọn và thiết kế được các công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học về kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với môn học, mô-đun, học phần được phân công giảng dạy;
b) Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá toàn diện, chính xác, mang tính giáo dục và đúng với các quy định.
5. Tiêu chuẩn 5: Quản lý hồ sơ dạy học
a) Thực hiện đầy đủ các quy định về sử dụng biểu mẫu, sổ sách, hồ sơ dạy học;
b) Bảo quản, lưu trữ, sử dụng hồ sơ dạy học theo quy định.
6. Tiêu chuẩn 6: Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy
a) Nắm được căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu và quy trình xây dựng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp;
b) Có khả năng tham gia biên soạn, chỉnh lý chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, chương trình bồi dưỡng nghề phù hợp với nguyên tắc xây dựng và mục tiêu của chương trình; tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy trình độ sơ cấp.
7. Tiêu chuẩn 7: Xây dựng kế hoạch, thực hiện các hoạt động giáo dục
a) Xây dựng được kế hoạch giáo dục người học thông qua giảng dạy và qua các hoạt động khác;
b) Thực hiện việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp thông qua việc giảng dạy môn học, mô-đun, học phần theo kế hoạch đã xây dựng;
c) Vận dụng được các hiểu biết về tâm lý, giáo dục vào thực hiện hoạt động giáo dục người học ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
d) Đánh giá kết quả các mặt rèn luyện đạo đức của người học theo quy định một cách chính xác, công bằng và có tác dụng giáo dục.
8. Tiêu chuẩn 8: Quản lý người học, xây dựng môi trường giáo dục, học tập
a) Quản lý được các thông tin liên quan đến người học và sử dụng hiệu quả các thông tin vào giáo dục, dạy học, quản lý người học;
b) Xây dựng môi trường giáo dục, học tập lành mạnh, thuận lợi, dân chủ, hợp tác.
9. Tiêu chuẩn 9: Hoạt động xã hội
a) Phối hợp với gia đình người học và cộng đồng động viên, hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện của người học; góp phần huy động các nguồn lực xã hội xây dựng, phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
b) Tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong và ngoài cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ giữa cơ sở với doanh nghiệp nhằm phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng phong trào học nghề lập nghiệp trong xã hội.
Điều8. Tiêu chí 4: Năng lực phát triển nghề nghiệp
1. Thường xuyên dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, giáo dục với đồng nghiệp; tích cực tham gia hội giảng các cấp.
2. Tích cực tham gia bồi dưỡng đồng nghiệp theo yêu cầu phát triển của khoa, tổ chuyên môn.
3. Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng đồng thời thường xuyên tự học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
4. Tích cực đổi mới phương pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của giáo dục nghề nghiệp.
Thông tư 40/2015/TT-BLĐTBXH Quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và chế độ làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 40/2015/TT-BLĐTBXH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 20/10/2015
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Huỳnh Văn Tí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1107 đến số 1108
- Ngày hiệu lực: 05/12/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 4. Mục tiêu ban hành chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo
- Điều 5. Tiêu chí 1: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và lối sống
- Điều 6. Tiêu chí 2: Năng lực chuyên môn
- Điều 7. Tiêu chí 3: Năng lực sư phạm
- Điều 9. Nhiệm vụ
- Điều 10. Giờ chuẩn, thời gian giảng dạy, định mức giờ giảng, quy mô lớp học
- Điều 11. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm
- Điều 12. Định mức giờ giảng của nhà giáo
- Điều 13. Chế độ dạy thêm giờ đối với nhà giáo
- Điều 14. Chế độ giảm giờ giảng đối với nhà giáo
- Điều 15. Quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra giờ chuẩn