Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 4-TBXH/TC | Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 1976 |
Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định số 284-CP ngày 23-12-1974 về chính sách đối với xí nghiệp sản xuất của thương bình.
Liện Bộ Thương binh và xã hội – Tài chính hướng dẫn thi hành quyết định của Hội đồng Chính phủ như sau.
I. TÍNH CHẤT, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP
1. Về tính chất và nhiệm vụ xí nghiệp.
Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, xí nghiệp sản xuất của thương binh là một tổ chức kinh tế đặc biệt, được thành lập để thu nhận và sắp xếp công việc làm cho những thương binh, bệnh binh không chuyển về địa phương hoặc không tuyển vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.
Vì vậy, xí nghiệp sản xuất của thương binh có nhiệm vụ:
- Thu nhận thương binh, bệnh binh, sắp xếp việc làm phù hợp với thương tật và sức khoẻ của anh chị em, tạo điều kiện để anh chị em đem khả năng lao động còn lại tiếp tục đóng góp cho xã hội và làm tròn nhiệm vụ của mình trong cương vị mới.
- Tổ chức tốt việc sản xuất kinh doanh để duy trì và phát triển sản xuất, nhanh chóng tiến tới tự mình giải quyết được đời sống của thương binh, bệnh binh làm việc tại xí nghiệp.
- Tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần (ăn, ở, học tập chính trị, văn hoá, vui chơi, giải trí...) cho mọi thành viên của xí nghiệp.
Đối tượng thương binh, bệnh binh mà xí nghiệp có trách nhiệm thu nhận là những thương binh, bệnh binh ở các trại, thường do thương tật và sức khoẻ không chuyển về địa phương hoặc không tuyển vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước được, bao gồm: thương binh hạng 4, hạng 5, bệnh binh mất sức lao động tương đương; một số thương binh hạng thương tật thấp hơn nhưng có những vết thương đặc biệt (thần kinh sọ não...); một số thương binh thương tật nặng (hạng 6, hạng 7...) còn có thể làm việc được nếu được sắp xếp công việc phù hợp và được trang bị công cụ lao động thích hợp.
Ngoài các đối tượng trên đây, xí nghiệp sản xuất của thương binh có thể thu nhận một số thương binh thương tật nhẹ nhưng không về địa phương được vì không có cơ sở, không có gia đình ở địa phương.
Ngoài đối tượng thương binh, bệnh binh, các Sở, Ty thương binh và xã hội phải nghiên cứu nhu cầu về công nhận, viên chức Nhà nước cần cử đến hướng dẫn, giúp đỡ xí nghiệp sản xuất của thương binh mà đề nghị với Ủy ban hành chính tỉnh xét duyệt cho số biên chế này, điều động những cán bộ cần thiết đến giúp đỡ cho các xí nghiệp trong một thời gian.
Các Sở, Ty thương binh và xã hội cầng nghiên cứu và ký hợp đồng thu nhận một số người không phải là thương binh, bệnh binh để là những công việc kỹ thuật, nghiệp vụ, những công việc nặng nhọc của xí nghiệp, nhưng tỷ lệ không được quá 30% tổng số biên chế của xí nghiệp.
Danh sách những người mà xí nghiệp thu nhận vào làm việc (thương binh, bệnh binh, cán bộ, công nhân được cử đến giúp đỡ xí nghiệp, những người không phải là thương binh, bệnh binh được xí nghiệp thu nhận làm những công việc kỹ thuật hoặc những công việc nặng nhọc mà thương binh, bệnh binh không có hoặc chưa có điều kiện làm được) đều phải do Sở, hoặc Ty thương binh và xã hội xét duyệt.
3. Về tổ chức và quản lý xí nghiệp.
a) Bộ máy quản lý của xí nghiệp.
Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ: “Xí nghiệp sản xuất của thương binh do thương binh, bệnh binh tự quản lý”, nhưng để điều hành công việc của xí nghiệp phải có Ban quản lý xí nghiệp. Ban quản lý xí nghiệp do thương binh, bệnh binh bầu ra gồm từ 3 đến 5 người trong đó có 1 Chủ nhiệm, 1 hoặc 2 Phó chủ nhiệm; mỗi nhiệm kỳ của Ban quản lý là 2 năm. Sau khi được bầu, Ban quản lý phải được Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh xét duyệt mới được chính thức hoạt động.
Thời gian đầu khi mới thành lập xí nghiệp, Ban quản lý sẽ do Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh chỉ định theo đề nghị của Sở, Ty thương binh và xã hội.
Cần chọn những thương binh có phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực để đưa vào Ban quản lý và chú trọng bồi dưỡng, đào tạo để anh chị em đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.
Tùy tình hình và quy mô của xí nghiệp, có thể tổ chức các tổ sản xuất và những cán bộ giúp việc về mặt chuyện môn nghiệp vụ như: kỹ thuật, kế hoạch tài vụ, cung tiêu, y tế...không nhất thiết tổ chức rập khuôn như tổ chức phân xưởng và thành lập ban, phòng. Bộ máy của xí nghiệp phải gọn, nhẹ, giảm đến mức thấp nhất số người gián tiếp sản xuất và chú trọng khâu quản lý kinh tế, kỹ thuật để đảm bảo cho xí nghiệp hoạt động tốt và có hiệu lực.
b) Sự lãnh đạo của địa phương đối với xí nghiệp.
Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, xí nghiệp sản xuất của thương binh ở địa phương nào đều đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh địa phương đó.
Với chức năng trên, Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh thông qua các cơ quan chuyên môn thuộc quyền (như đã ghi trong quyết định của Hội đồng Chính phủ) để lãnh đạo xí nghiệp và quyết định những vấn đề chủ yếu sau đây:
- Việc thành lập và phát triển các xí nghiệp sản xuất của thương binh;
- Việc cấp vốn xây dựng cơ bản, vốn lưu động ban đầu và trợ cấp khó khăn cho xí nghiệp;
- Việc giao kế hoạch và chỉ tiêu sản xuất, cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm;
- Việc dành ngành nghề và những mặt hàng thích hợp cho thương binh, bệnh binh sản xuất;
- Việc cử cán bộ, công nhân Nhà nước đến giúp việc xí nghiệp về quản lý kỹ thuật, quản lý sản xuất,v.v...
Sở, Ty thương binh và xã hội là cơ quan chủ quản, trực tiếp giúp Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh quản lý các xí nghiệp sản xuất của thương binh, có nhiệm vụ phối hợp với các ngành có liên quan: Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thành phố, tỉnh, Sở, Ty công nghiệp, Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp, Sở, Ty thương nghiệp, Sở, Ty tài chính, Sở, Ty lao động, Sở, Ty y tế...để chỉ đạo và hướng dẫn các xí nghiệp sản xuất của thương binh hoạt động, đồng thời chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh và Bộ Thương binh và xã hội.
II. CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI XÍ NGHIỆP VÀ THƯƠNG BINH, BỆNH BINH
Để tạo điều kiện cho xí nghiệp sản xuất của thương binh hoạt động, Nhà nước đã quy định những chính sách và chế độ cụ thể.
Dưới đây, liên Bộ nói rõ thêm một số điểm như sau:
1. Chế độ học nghề và đài thọ sinh hoạt phí cho thương binh, bệnh binh.
Để tạo điều kiện cho thương binh, bệnh binh sản xuất được tốt, Hội đồng Chính phủ đã quy định việc dạy nghề cho thương binh, bệnh binh bằng các hình thức: gửi đi học nghề ở các trường đào tạo sẵn có của Nhà nước, ngành thương binh và xã hội tổ chức việc dạy nghề cho thương binh, bệnh binh trong các trường lớp riêng hoặc trong các xí nghiệp sản xuất của thương binh.
Thương binh, bệnh binh học nghề trong các trường đào tạo nghề nghiệp của Nhà nước được hưởng chế độ như quân nhân có 5 năm công tác trong quân đội trở lên chuyển đi đào tạo (hướng dẫn trong Thông tư số 12-LĐ/TT ngày 20-11-1974 của Bộ Lao động), thương binh, bệnh binh học nghề do ngành thương binh và xã hội phụ trách việc đào tạo được hưởng sinh hoạt phí và một số chế độ khác như khi còn ở các trại, trường thương binh.
Muốn được hưởng các chế độ trên đây, thương binh phải thực sự học nghề, thực sự tham gia sản xuất trong xí nghiệp, những thời gian tự ý bỏ học hoặc không tham gia lao động sản xuất trong xí nghiệp thì không được cấp sinh hoạt phí. Các xí nghiệp sản xuất của thương binh phải quản lý số ngày học tập, ngày công lao động của thương binh để thực hiện đúng chế độ.
Bộ Thương binh và xã hội sẽ có quy định riêng về thời gian học nghề tại xí nghiệp và thời gian đài thọ sinh hoạt phí tối đa theo ngành nghề để Ủy ban hành chính địa phương căn cứ vào đó mà áp dụng đối với từng xí nghiệp, nhưng tối đa không quá 3 năm.
2. Chế độ đối với thương binh, bệnh binh khi xí nghiệp mới đi vào sản xuất.
Trong thời gian mới đi vào sản xuất, nếu xí nghiệp sản xuất của thương binh chưa thể lấy thu bù chi được thì Nhà nước tiếp tục cho hưởng sinh hoạt phí của thương binh, bệnh binh như khi còn ở trại, trường thương binh trong thời gian tối đa không quá 3 năm.
Căn cứ vào thời gian tối đa đó, Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh quyết định thời gian cho hưởng sinh hoạt phí của thương binh, bệnh binh cho từng xí nghiệp ở địa phương. Hết thời gian này, thương binh, bệnh binh sẽ thôi không lĩnh sinh hoạt phí do Nhà nước cấp mà hưởng thụ theo lao động do xí nghiệp trả.
3. Chế độ trợ cấp cho xí nghiệp khi gặp khó khăn trong sản xuất.
Xí nghiệp thương binh phải phấn đấu tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập và phân phối, thu nhập một cách hợp lý vừa đảm bảo giải quyết đời sống của thương binh, bệnh binh, vừa tích lũy để mở rộng sản xuất.
Khi gặp khó khăn trong sản xuất, thu nhập thấp, xí nghiệp phải sử dụng một phần lợi nhuận của mình để giải quyết việc trả công lao động cho thương binh, bệnh binh, nhưng khi đã tận dụng hết khả năng của xí nghiệp rồi mà vẫn chưa giải quyết được thì đề nghị lên Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh xét trợ cấp.
Điều kiện để được trợ cấp như sau: sau khi trừ chi phí sản xuất và khấu hao cơ bản mà toàn bộ thu nhập của xí nghiệp tính bình quân một thương binh, bệnh binh không đạt được 30đ một tháng (kể cả tiền trợ cấp thương tật và trợ cấp phục viện) thì xí nghiệp đó được xét trợ cấp thêm, do ngân sách địa phương đài thọ.
Số tiền trợ cấp thêm này nhiều hay ít tùy theo mức độ khó khăn của từng xí nghiệp, nhưng phải đảm bảo giữ đựơc mức thu nhập bình quân của thương binh, bệnh binh là 30 đồng để ổn định đời sống cho anh chị em và duy trì sản xuất.
Thời gian để tính trợ cấp cho xí nghiệp tối đa là 3 tháng. Trong thời gian đó, xí nghiệp phải phấn đấu tăng năng suất lao động, cải tiến tổ chức sản xuất, cải tiến quản lý bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và khấu hao cơ bản, đồng thời bảo đảm tăng mức thu nhập của thương binh, bệnh binh.
Việc trợ cấp do Sở, Ty thương binh và xã hội xem xét, bàn bạc thống nhất với Sở, Ty tài chính, lập dự toán trình Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh quyết định.
4. Vấn đề phân phối thu nhập.
a) Thời kỳ thương binh, bệnh binh còn hưởng sinh hoạt phí.
Trong thời gian thương binh, bệnh binh đang học nghề mà có làm ra sản phẩm và thời gian xí nghiệp mới đi và sản xuất mà thương binh, bệnh binh còn được đài thọ sinh hoạt phí thì theo quy định của Hội đồng Chính phủ, xí nghiệp sản xuất của thương binh được trích ra một phần thu nhập (tối đa không quá 20% thu nhập của xí nghiệp sau khi đã trừ chu phí sản xuất, khấu hao cơ bản và trích cho phúc lợi tập thể, nếu có) để khen thưởng cho thương binh, bệnh binh và các người khác trong xí nghiệp có thành tích trong học tập và sản xuất. Như vậy, không phải xí nghiệp nào cũng đều áp dụng mức tối đa, mà phải tùy theo thu nhập và mức tăng năng suất lao động của từng loại xí nghiệp mà định mức trích ra cho thích hợp. Số tiền thưởng cho mỗi người trong trường hợp xí nghiệp có thu nhập cao cũng không được vượt quá một phần ba (1/3) lương hoặc sinh hoạt phí hàng tháng của người được thưởng.
b) Thời ký xí nghiệp tự túc hoàn toàn.
Khi thương binh, bệnh binh đã hết thời gian hưởng sinh hoạt phí thì sẽ hưởng thụ theo lao động. Trên cơ sở thu nhập của xí nghiệp mà quyết định việc phân phối trong nội bộ xí nghiệp sao cho thoả đáng, hợp lý, vừa đảm bảo được đời sống cho thương binh, bệnh binh không ngừng nâng lên, vừa có tích lũy để mở rộng sản xuất.
Việc lập các quỹ tích lũy, quỹ khấu hao, quỹ phúc lợi tập thể và tỷ lệ bỏ vào các quỹ này sẽ được hướng dẫn cụ thể trong điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của các xí nghiệp sản xuất của thương binh và những văn bản khác.
5. Các chế độ khác của thương binh, bệnh binh và những người làm việc trong xí nghiệp.
a) Thương binh, bệnh binh làm việc tại xí nghiệp được hưởng:
- Trợ cấp thương tật theo mức về địa phương (đối với thương binh) và trợ cấp phục viên theo quyết định số 178-CP ngày 20-07-2974 của Hội đồng Chính phủ, kể từ ngày thôi lĩnh sinh hoạt phí như khi ở trại, trường.
- Các chế độ về cung cấp (lương thực, thực phẩm, vải , đường...) như những công nhân, viên chức làm những công việc tương đương, theo Thông tư số 38-CP ngày 03-03-1969 của Hội đồng Chính phủ và công văn số 855-NT.KD ngày 03-04-1972 của Bộ Nội thương.
- Khi ốm đau, nếu còn hưởng sinh hoạt phí thì thực hiện chế độ như thương binh, bệnh binh ở trại, trường, nếu xí nghiệp đi vào tự túc hoàn toàn thì thực hiện chế độ như thương binh, bệnh binh về địa phương theo Thông tư số 19-TT/LB ngày 19-03-1962 và Thông tư số 05-TT/LB ngày 07-02-1975 của liên Bộ Y tế - Nội vụ - Tài chính.
b) Đối với những người khác làm việc trong xí nghiệp:
- Những cán bộ, công nhân được cử đến hướng dẫn, giúp đỡ xí nghiệp thì hưởng lương và các quyền lợi khác theo các chính sách, chế độ của Nhà nước ban hành đối với công nhân, viên chức Nhà nước và do Sở, Ty thương binh và xã hội đài thọ.
- Những người không phải là công nhân viên chức thì tiền lương sẽ do xí nghiệp và những người này thoả thuận với nhau bằng hợp đồng và do xí nghiệp đài thọ. Về mặt cung cấp lương thực, thực phẩm, vải, đường...những người này được hưởng chế độ như công nhân, viên chức làm những ngành nghề tương đương theo Thông tư số 38-CP ngày 03-03-1969 của Hội đồng Chính phủ.
6. Trách nhiệm và nghĩa vụ của xí nghiệp và của thương binh, bệnh binh.
a) Xí nghiệp sản xuất của thương binh có nghĩa vụ phấn đấu hoàn thành kế hoạch và chi tiêu sản xuất được giao với chất lượng tốt và chấp hành đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh cũng như những nguyên tắc, chế độ, thể lệ về quản lý tài chính mà Nhà nước quy định cho xí nghiệp.
Xí nghiệp phải phấn đấu tăng năng suất lao động để nâng cao không ngừng đời sống của thương binh, bệnh binh và những người khác làm việc tại xí nghiệp.
Xí nghiệp phải quản lý chặt chẽ tài sản, vốn liếng của Nhà nước đầu tư cho xí nghiệp và sản phẩm do xí nghiệp sản xuất ra, giáo dục mọi người có tinh thần làm chủ các tài sản, làm chủ xí nghiệp, tuyệt đối không được phân tán chia nhau các tài sản, nguyên vật liệu hoặc dùng vào mục đích khác. Xí nghiệp phải theo đúng chế độ định kỳ kiểm kê tài sản và báo cáo đầy đủ lên trên.
b) Thương binh, bệnh binh có trách nhiệm và nghĩa vụ như sau:
- Tích cực học tập nghề nghiệp và lao động sản xuất, trên cơ sở lao động sản xuất mà tự giải quyết đời sống của mình và góp phần xây dựng xí nghiệp.
- Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy và kỷ luật lao động do xí nghiệp đề ra, chống thái độ chây lười lao động, tự do vô tổ chức, vô kỹ luật.
- Nâng cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, quý trong và bảo vệ tài sản của Nhà nước và của xí nghiệp, chống mọi hành động xâm phạm tài sản của Nhà nước và của xí nghiệp.
Những thương binh, bệnh binh có thành tích trong học tập, lao động thì được xét khen thưởng thích đáng. Những người không chịu lao động, có hành động tự do vô kỷ luật, xâm phạm đến lợi ích của xí nghiệp thì tùy lỗi nặng, nhẹ mà thi hành kỷ luật một cách kịp thời: khiển trách, cảnh cáo, bắt phải bồi thường thiệt hai cho đến khai trừ ra khỏi xí nghiệp. Trường hợp nghiêm trọng, sẽ xét tước danh hiệu, quyền lợi thương binh và truy tố trước pháp luật.
Việc khai trừ ra khỏi xí nghiệp sẽ do xí nghiệp đề nghị, Sở, Ty thương binh và xã hội xem xét và quyết định.
III. NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, CẤP VỐN CHO XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH
Căn cứ vào điểm 1, mục II của quyết định số 284-CP ngày 23-12-1974 của Hội đồng Chính phủ về cấp phát vốn, liên Bộ hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Vốn kiến thiết cơ bản:
Xí nghiệp sản xuất của thương binh được ngân sách Nhà nước cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu bao gồm:
- Xây dựng xưởng sản xuất, nhà ở cho thương binh, bệnh binh;
- Mua sắm các trang bị, thiết bị phục vụ sản xuất, phục vụ sinh hoạt cần thiết của thương binh, bệnh binh;
- Sản xuất thử.
Hàng năm, Sở, Ty thương binh và xã hộ căn cứ chỉ tiêu, số lượng thương binh, bệnh binh ra sản xuất do Chính phủ giao cho địa phương, theo sự hướng dẫn của Bộ Thương binh và xã hội và Ủy ban Kế hoạch thành phố, tỉnh để lập kế hoạch kiến thiết cơ bản các xí nghiệp sản xuất của thương binh, trình Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh xét duyệt và ghi vào kế hoạch của địa phương. Việc xét duyệt nhiệm vụ thiết kế, dự toán và quyết toán công trình,v.v...đều do Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh quy định. Vốn đầu tư lấy ở vốn kiến thiết cơ bản địa phương do Sở, Ty tài chính cấp và ngân hàng kiến thiết quản lý chi tiêu theo nguyên tắc quản lý vốn kiến thiết cơ bản hiện hành.
b) Vốn lưu động của xí nghiệp:
Xí nghiệp sản xuất của thương binh được Nhà nước cấp vốn lưu động ban đầu và được ngân hàng cho vay vốn bổ sung căn cứ vào nhu cầu cần thiết theo chế độ hiện hành. Các Sở, Ty thương binh và xã hội phải xây dựng định mức vốn lưu động cho từng xí nghiệp và làm kế hoạch, làm các thủ tục xin cấp vốn lưu động cho xí nghiệp, trình Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh xét quyết định. Sở, Ty tài chính cấp phát. Về việc vay vốn ngân hàng, xí nghiệp trực tiếp với cơ quan Ngân hàng Nhà nước có giao dịch với xí nghiệp.
c) Những khoản vốn khác:
- Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí đào tạo nghề nghiệp cho thương binh, bệnh binh (kể cả tiền chi phí cho giáo viên và tiền mua nguyên liệu để học tập...).
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước còn tùy theo tình hình cụ thể từng xí nghiệp mà cấp kinh phí cho xí nghiệp sản xuất của thương binh để trang trải những khoản chi khác như:
- Trả sinh hoạt phí và chi về các chế độ trợ cấp cho thương binh, bệnh binh trong thời gian học nghề, sản xuất thử và thời gian xí nghiệp mới đi và sản xuất chưa thể lấy thu bù chi được;
- Trả lương và chi về các chế độ cho cán bộ, công nhân của Nhà nước làm việc ở xí nghiệp.
- Chi về trợ cấp khó khăn trong sản xuất cho xí nghiệp.
Hàng năm, Sở, Ty thương binh và xã hội lập dự trù các khoản chi tiêu trên đây gửi Sở, Ty tài chính để trình Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh xét duyệt (kinh phí sự nghiệp của địa phương). Sở, Ty tài chính cấp phát và quản lý chi tiêu theo các chế độ, thể lệ hiện hành.
Việc tổ chức sản xuất cho thương binh, bệnh binh là vấn đề mới và khó. Muốn làm tốt, Ủy ban hành chính địa phương cần quán triệt tinh thần và nội dung quyết định số 284-CP của Hội đồng Chính phủ, có chủ trương và biện pháp đúng đắn để thực hiện.
Phải xác định trách nhiệm một cách cụ thể cho các ngành có liên quan, đưa việc này vào chi tiêu kế hoạch Nhà nước ở địa phương và huy động các ngành phối hợp cùng với Sở, Ty thương binh và xã hội giúp đỡ xí nghiệp thương binh hoạt động. Mặt khác, cần quan tâm đúng mức đến việc chấn chỉnh, kiện toàn các phòng sản xuất, các bộ môn giúp việc của Sở, Ty thương binh và xã hội về quản lý xí nghiệp để Sở, Ty thương binh và xã hội đủ sức đảm đương tốt nhiệm vụ của mình.
Trong quá trình thi hành quyết định số 284-CP ngày 23-12-1974 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư liên Bộ ngày có gì khó khăn mắc mứu, các địa phương kịp thời báo cáo về Bộ Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính để hai Bộ nghiên cứu giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG
Trịnh Văn Bính | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Kiện |
- 1Thông tư 38-CP-1969 về việc giải quyết một số vấn đề trong công tác đối với thương binh, bệnh binh do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 19-TT/LB năm 1962 Quy định chế độ chữa bệnh đối với thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bệnh binh và quân nhân phục viên đã về địa phương do Bộ Nội vụ- Bộ Y tế- Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 471/2000/QĐ-BLĐTBXH bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 1Thông tư 38-CP-1969 về việc giải quyết một số vấn đề trong công tác đối với thương binh, bệnh binh do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 19-TT/LB năm 1962 Quy định chế độ chữa bệnh đối với thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bệnh binh và quân nhân phục viên đã về địa phương do Bộ Nội vụ- Bộ Y tế- Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 284-CP năm 1974 về chính sách đối với xí nghiệp sản xuất của thương binh do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư 4-TBXH/TC-1976 hướng dẫn thi hành Quyết định 284-CP-1974 về chính sách đối với xí nghiệp sản xuất của thương binh do Bộ Thương binh và xã hội ban hành
- Số hiệu: 4-TBXH/TC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/04/1976
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Thương binh và Xã hội
- Người ký: Lê Chân Phương, Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 7
- Ngày hiệu lực: 02/05/1976
- Ngày hết hiệu lực: 20/05/2000
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra