Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 1969

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG CÔNG TÁC ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Từ trước đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh nhằm tạo điều kiện cho anh em sớm ổn định đời sống, phát huy khả năng còn lại của mình góp sức vào sự nghiệp chung của đất nước. Việc thi hành đúng các chính sách, chế độ đó đã đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên trong quá trình thi hành có một số vấn đề cần được hướng dẫn, quy định cụ thể thêm để việc thi hành chính sách được tốt hơn, tạo thêm điều kiện cho anh em thương binh, bệnh binh có thể làm những công việc thích hợp với sức khỏe của mình, vì vậy hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 30-10-1968 đã quyết nghị như sau:

I. VỀ KHÁM THƯƠNG TẬT CHO THƯƠNG BINH

Xác định đúng mức chế độ thương tật của thương binh là khâu quan trọng để thi hành đúng chính sách đối với thương binh. Muốn xác định thương tật được đúng thì ngoài việc quy định những tiêu chuẩn thương tật đầy đủ, thích hợp với hoàn cảnh của nước ta, còn cần phải tổ chức việc khám thương tật cho chu đáo. Từ trước đến nay, trong quân đội cũng như trong ngành y tế, đều có tổ chức các hội đồng khám thương tật cho thương binh và những người bị thương khác, nhưng các thành viên của hội đồng thường không được chuyên trách, phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác, nên không có điều kiện đi sâu vào nghiệp vụ, do đó việc vận dụng tiêu chuẩn còn có thiếu sót. Vì vậy, Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế phải củng cố lại hội đồng khám thương tật, trước mắt là phải cử cho mỗi hội đồng một số cán bộ chuyên trách tùy theo khối lượng công việc của từng hội đồng, xây dựng các chế độ công tác và tăng cường việc trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công việc này.

Việc khám thương tật và nhận xét khả năng lao động là một công việc ngày càng phát triển, cho nên cần phải xây dựng thành một ngành chuyên khoa, do đó Bộ Y tế phải phối hợp với Bộ Quốc Phòng và Bộ Nội vụ xây dựng cơ sở, có cán bộ chuyên trách để giúp Bộ nghiên cứu và chỉ đạo công việc này và để gây cơ sở dần dần tiến tới thành lập “Viện giám định y khoa và khả năng lao động”.

II. VỀ VIỆC SẮP XẾP CÔNG VIỆC LÀM, SỬ DỤNG HỢP LÝ KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG CỦA THƯƠNG BINH, BỆNH BINH

Trong Thông tư số 51-TTg/NC ngày 17-5-1965, Hội đồng Chính phủ đã đề ra các hướng giải quyết công việc làm cho chương thương binh, bệnh binh và quy định cụ thể các chính sách, chế độ về việc này. Nay Hội đồng Chính phủ bổ sung thêm một số chế độ và giao trách nhiệm cho các ngành như sau:

A. Đối với thương binh có thương tật nhẹ và vừa và bệnh binh còn làm việc được.

Hiện nay các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường của Nhà nước đang cần tuyển thêm nhiều công nhân, viên chức, nên hướng giải quyết công việc làm cho thương binh, bệnh binh trong thời gian tới là trừ những anh em có điều kiện và tự nguyện về địa phương, còn nói chung cần tạo điều kiện đưa anh em vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, coi đấy là một nguồn bổ sung lao động rất tốt cho các ngành.

Để có điều kiện sử dụng anh em được tốt thì ngoài những anh em sẵn có khả năng, trình độ, có thể sử dụng ngay sau khi xuất ngũ, còn nói chung là phải bồi dưỡng văn hóa tối thiểu là hết cấp I và đào tạo về nghiệp vụ rồi mới sử dụng:

1. Đối với thương binh, bệnh binh lúc xuất ngũ chưa học hết cấp I thì Bộ Nội vụ phân phối cho các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố để bổ túc văn hóa cho anh em hết cấp I. Bộ giáo dục có trách nhiệm chỉ đạo về mặt nghiệp vụ giảng dạy.

Bộ Tài chính có trách nhiệm cấp kinh phí riêng về việc bổ túc văn hóa này cho các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội thương có trách nhiệm cung cấp những vật tư cần thiết cho việc xây dựng trường sở, và việc ăn ở, học tập của thương binh, bệnh binh.

Khi thương binh, bệnh binh đã học hết cấp I, Bộ Nội vụ sẽ tuỳ theo thương tật, khả năng, nguyện vọng và quá trình cống hiến của anh em mà phân phối cho các ngành để sử dụng, đào tạo như nói ở điểm 2 dưới đây.

2. Đối với thương binh, bệnh binh lúc xuất ngũ đã học hết lớp 4 thì Bộ Nội vụ cùng Bộ Quốc phòng tùy theo thương tật, khả năng, nguyện vọng và quá trình cống hiến của anh em mà giải quyết theo một trong hai hướng sau đây:

- Phân phối cho các ngành, các địa phương để sử dụng, và trong quá trình sử dụng thì tích cực giúp đỡ để tạo điều kiện tốt cho anh em theo học các lớp bổ túc văn hóa ngoài giờ và học thêm nghiệp vụ. Số anh em này được tính vào biên chế của cơ quan, xí nghiệp.

- Phân phối cho các ngành để đào tạo thành cán bộ, công nhân của các ngành bằng cách tổ chức cho anh em học bổ túc văn hóa tập trung rồi cho học các trường chuyên nghiệp trong ngành. Trong thời gian học tập, anh em chưa tính vào biên chế của cơ quan, xí nghiệp, chi phí do kinh phí đào tạo của các ngành, các địa phương đài thọ.

Các ngành, các địa phương nhất thiết phải nhận anh em thương binh, bệnh binh mới học hết lớp 4 để sử dụng, đào tạo hoặc cho học thêm văn hóa đến trình độ cần thiết cho công tác hay vào học các trường chuyên nghiệp.

Riêng đối với những anh em thương binh, bệnh binh, người miền Nam sau khi học hết lớp 4 thì cố gắng đưa vào các trường bổ túc văn hóa của Bộ Giáo dục hoặc các trường bổ túc văn hóa tập trung của các ngành để học hết cấp II hoặc hết cấp III.

3. Đối với thương binh, bệnh binh lúc xuất ngũ có trình độ văn hóa trên cấp II, cần tổ chức bổ túc văn hóa cho hết cấp III ở các trường của Bộ giáo dục hoặc của các ngành trước khi phân phối anh em cho các ngành sử dụng hoặc đào tạo. Đối với những anh em còn trẻ tuổi có khả năng và triển vọng, sức khỏe bảo đảm, thì cố gắng sắp xếp cho anh em vào học ở các trường đại học sau khi học hết cấp III.

Bộ Nội vụ phải quan hệ chặt chẽ với Bộ Quốc phòng nắm chắc tình hình thương binh, bệnh binh xuất ngũ (số lượng, sức khỏe, thương tật, văn hóa, nghề nghiệp…), bàn với Ủy ban kế hoạch Nhà nước và các ngành, các địa phương để phân phối cho thích hợp, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thu nhận, quản lý, đào tạo, sử dụng thương binh, bệnh binh; các ngành ở trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương phải tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tiếp nhận được hết số thương binh, bệnh binh chuyển giao về quản lý, đào tạo, sử dụng và chấp hành tốt các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với anh em.

Những điểm quy định trên áp dụng đối với thương binh, bệnh binh (là quân đội, công an vũ trang), còn đối với những người bị thương khác được hưởng chính sách như thương binh thì sẽ giải quyết như sau:

- Nếu là công nhân, viên chức Nhà nước bị thương vì trực tiếp tham gia chiến đấu thì sau khi đã chữa lành vết thương sẽ trở về cơ quan, xí nghiệp tiếp tục công tác, nếu không thể làm được việc cũ thì cơ quan, xí nghiệp hoặc ngành quản lý hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có trách nhiệm sắp xếp công việc khác thích hợp trong cơ quan, xí nghiệp, trong ngành hoặc trong địa phương.

- Nếu là thanh niên xung phong bị thương thì giải quyết theo như thông tư số 26-TTg/CN ngày 27-2-1968 của Thủ tướng Chính phủ quy định tạm thời một số chính sách, chế độ đối với các đội thanh niên xung chống Mỹ, cứu nước (tập trung).

- Nếu là người không thoát ly sản xuất bị thương vì trực tiếp tham gia chiến đấu (dân quân, tự vệ, cán bộ xã, dân công phục vụ các chiến trường quan trọng…) thì sau khi đã chữa lành vết thương sẽ trở về địa phương tiếp tục sản xuất và công tác; riêng đối với một số người vì điều kiện thương tật về địa phương sẽ gặp khó khăn thì Bộ Nội vụ sẽ tiếp nhận và giải quyết như thương binh.

B. Đối với thương binh thương tật nặng.

Đối với thương binh thương tật nặng và những người bị thương khác được hưởng chính sách như thương binh, thì cần phân loại giải quyết như sau:

1. Những anh em nào có điều kiện và tự nguyện về địa phương thì tạo điều kiện cho anh em về an dưỡng ở gia đình.

2. Những anh em nào không về địa phương được và cũng không thể làm việc được thì sẽ được nuôi dưỡng lâu dài trong các trại thương binh, Bộ Nội vụ cần thu nhận kịp thời vào trại thương binh những anh em do quân đội và các ngành chuyển giao, kể cả những anh em bị liệt đã điều trị lâu ngày trong các bệnh viện quân y, và tổ chức việc chăm sóc đời sống của anh em cho chu đáo. Trong các trại thương binh, cần xây dựng một số cơ sở sản xuất trang bị bằng những công cụ lao động đặc biệt để thực hiện việc lao động chữa bệnh và cải thiện thêm đời sống tinh thần và vật chất của anh em.

3. Những anh em tuy bị thương tật nặng nhưng còn khả năng làm việc được thì Bộ Nội vụ cần hướng dẫn tổ chức các cơ sở sản xuất thích hợp theo hình thức hợp tác xã để thu nhận anh em. Ngoài những thương binh thương tật nặng, các cơ sở này có thể thu nhận một số thương binh thương tật nhẹ và vừa, và một số bệnh binh không vào làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc về địa phương sản xuất được và một số người ngoài (như cán bộ kỹ thuật, vợ, con của thương binh…) nhưng những người này chỉ được chiếm một tỷ lệ nhất định do Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính quy định.

Ngoài các chế độ mà thông tư số 51-TTg/NC ngày 17-5-1965 của Hội đồng Chính phủ đã quy định cho các cơ sở sản xuất của thương binh được hưởng, nay Hội đồng Chính phủ quy định thêm cho thương binh và những người khác làm việc trong các cơ sở sản xuất của thương binh được hưởng các chế độ cung cấp (đường, vải, lương thực, thực phẩm…) như những công nhân, viên chức làm những công việc tương đương.

Các cơ sở sản xuất của thương binh sau khi đã được thành lập đều giao cho Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố quản lý, Bộ Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ đối với các cơ sở đó cũng như đối với thương binh.

III. VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ

Theo nguyên tắc là cơ quan trung ương phải đi sâu vào việc nghiên cứu chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện, còn việc quản lý cụ thể thì giao cho địa phương, Hội đồng Chính phủ xác định việc phân cấp quản lý trong công tác thương binh, liệt sĩ như sau:

1. Việc xác nhận quân nhân bị thương là thương binh và cấp sổ trợ cấp thương tật cho thương binh thì giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phụ trách. Việc chứng nhận những người bị thương khác được hưởng chính sách như thương binh thì do thủ trưởng cơ quan quản lý người đó phụ trách, còn việc cấp sổ trợ cấp thương tật cho những người ấy thì do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nơi người ấy cư trú chính thức phụ trách, sau khi hội đồng khám thương tật đã quyết định hạng thương tật.

2. Việc xác nhận liệt sĩ thuộc ngành nào, địa phương nào thì do thủ trưởng (Bộ trưởng và cấp tương đương) ngành đó hoặc Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố phụ trách. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm kiểm tra và làm các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công. Việc cấp sổ tiền tuất hoặc giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ thì giao cho Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố nơi gia đình liệt sĩ ở phụ trách.

3. Các cơ sở sự nghiệp được lập nên để phục vụ đời sống của thương binh và gia đình liệt sĩ như trại thương binh, trạm tiếp nhận thương binh, cơ sở sản xuất của thương binh…) đều giao cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quản lý, Bộ Nội vụ chỉ trực tiếp một số cơ sở đặc biệt như xí nghiệp làm chân tay giả, cơ sở sản xuất của thương binh thương tật nặng, trại điều dưỡng thương binh thương tật nặng.

Với sự phân cấp quản lý như trên, Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố chịu trách nhiệm quản lý toàn diện việc thi hành chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ ở địa phương bao gồm việc xác nhận và giải quyết quyền lợi cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, việc đào tạo và sắp xếp công việc làm cho thương binh, bệnh binh, việc theo dõi và ổn định đời sống của thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ ở địa phương. Vì vậy, Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố cần tăng cường ban thương binh – xã hội tỉnh và thành phố, chỉ đạo chặt chẽ các ngành và phối hợp với các đoàn thể để thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Các ngành ở trung ương, nhất là các ngành có nhiều người bị hy sinh hoặc bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (như ngành giao thông vận tải, đoàn thanh niên lao động…) cần có cán bộ chuyên trách để giúp thủ trưởng giải quyết kịp thời quyền lợi cho người bị thương và gia đình người hy sinh.

Công tác thương binh, liệt sĩ trong lúc này là một công tác rất quan trọng, cho nên Hội đồng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ và luôn luôn bổ sung thêm để các chính sách, chế độ ấy được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện cho anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần, đem hết sức mình góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước.

Hội đồng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố có kế hoạch nghiêm chỉnh chấp hành tốt các chính sách, chế độ ấy và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới chấp hành tốt.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 38-CP-1969 về việc giải quyết một số vấn đề trong công tác đối với thương binh, bệnh binh do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 38-CP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/03/1969
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 31/03/1969
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 18/03/1969
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản