Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 284-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1974 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH

Để giải quyết công việc làm cho thương binh, bệnh binh, nghị quyết số 196-CP ngày 16-10-1972 của Hội đồng Chính phủ đã đề ra chủ trương thành lập các xí nghiệp sản xuất của thương binh.

Căn cứ chủ trương trên, Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách đối với các xí nghiệp sản xuất của thương binh như sau.

I. VỀ TÍNH CHẤT VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÁC XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH.

1. Xí nghiệp sản xuất của thương binh là một tổ chức kinh tế do anh chị em thương binh, bệnh binh tự quản lý, có cán bộ, công nhân của Nhà nước được cử đến để hướng dẫn, giúp đỡ xí nghiệp trong hoạt động sản xuất và kinh doanh; các xí nghiệp này hoạt động theo phương thức hạch toán kinh tế, có sự lãnh đạo và giúp đỡ đặc biệt của Nhà nước.

2. Xí nghiệp sản xuất của thương binh thu nhận những thương binh không thể chuyển về địa phương hoặc vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước được, bảo đảm cho anh chị em có công việc làm thích hợp để tự giải quyết đời sống của mình, đồng thời góp phần đẩy mạnh sản xuất xã hội.

Vì vậy, xí nghiệp sản xuất của thương binh phải kinh doanh những ngành nghề thích hợp, từng bước trang bị dần những công cụ lao động thích hợp và có chế độ lao động thích hợp nhằm tạo điều kiện để anh chị em sản xuất tốt, bảo đảm được sức khỏe để làm việc lâu dài tại xí nghiệp.

3. Ngoài số cán bộ, công nhân của Nhà nước được cử đến hướng dẫn, giúp đỡ xí nghiệp về các mặt quản lý sản xuất, quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật, xí nghiệp sản xuất của thương binh có thể thu nhận một số người không phải là thương binh, bệnh binh để làm những công việc kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc những công việc nặng nhọc mà thương binh, bệnh binh không có hoặc chưa có điều kiện làm được. Việc sử dụng những người này phải hết sức chặt chẽ. Tỷ lệ số công nhân, viên chức Nhà nước được cử đến hướng dẫn, giúp đỡ xí nghiệp và những người không phải là thương binh, bệnh binh mà xí nghiệp được sử dụng nhiều nhất cũng không được quá 30% tổng số biên chế của xí nghiệp.

4. Xí nghiệp sản xuất của thương binh ở địa phương nào đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố nơi đó. Ty, Sở thương binh xã hội là cơ quan trực tiếp giúp Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố quản lý những xí nghiệp này. Ủy ban Hành chính tỉnh lãnh đạo những cơ quan chuyên môn thuộc quyền như Ủy ban kế hoạch tỉnh, Ty, Sở công nghiệp, Ty, Sở Thương nghiệp, Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp, Uỷ ban nông nghiệp, Ty, Sở Tài chính, Sở Lao động , Ty , Sở Y tế... phối hợp chặt chẽ với các Ty, Sở thương binh xã hội để hướng dẫn và giúp đỡ các xí nghiệp sản xuất của thương binh về các mặt cung cấp vật tư, quy hoạch và phân công sản xuất, quản lý kỹ thuật, quản lý tài chính , quản lý nghiệp vụ....

Ở trung ương, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm giúp Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách, chế độ, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương xây dựng và quản lý các xí nghiệp sản xuất của thương binh theo đúng các chế độ chính sách chung của Nhà nước.

III. NHỮNG CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH.

1. Xí nghiệp sản xuất của thương binh được Nhà nước cấp vốn xây dựng cơ bản ban đầu để xây dựng xưởng sản xuất, nhà ở, trang bị máy móc thiết bị, mua sắm các dụng cụ sinh hoạt cần thiết.

Xí nghiệp sản xuất của thương binh được Nhà nước cấp vốn lao động ban đầu để bảo đảm sản xuất.

Các tài sản, thiết bị do Nhà nước cấp vốn để xây dựng ban đầu đều là tài sản của Nhà nước; xí nghiệp sản xuất của thương binh được sử dụng những tài sản đó để sản xuất, kinh doanh, phải gìn giữ, bảo vệ những tài sản đó  không được tự ý đem bán hoặc đổi chác. Nếu cần thiết phải có sự thay đổi về tài sản thì phải được Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố cho phép.

Xí nghiệp sản xuất của thương binh phải trích nộp khấu hao cơ bản, những khấu hao này coi là vốn tự tích luỹ của xí nghiệp, không phải nộp cho Nhà nước. Xí nghiệp chỉ được dùng những khấu hao này để sửa chữa , đổi mới hoặc thay thế các thiết bị hư hỏng. Nếu cần đổi mới toàn bộ thiết bị hoặc những thiết bị quan trọng khác mà xí nghiệp không có đủ khả năng tự đầu tư vốn thì Nhà nước sẽ cấp thêm hoặc cho vay vốn đầu tư cơ bản cần thiết. Việc này do Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố xem xét và quyết định.

2. Xí nghiệp sản xuất của thương binh được:

a) Nhà nước ưu tiên dành cho làm những mặt hàng thích hợp. Trước khi thành lập xí nghiệp sản xuất của thương binh, ngành thương binh xã hội đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dành những mặt hàng cho thương binh, bệnh binh sản xuất; nếu có nhiều cơ sở sản xuất cùng yêu cầu kinh doanh những mặt hàng đó thì phải dành trước cho xí nghiệp sản xuất của thương binh. Các cơ quan Nhà nước đảm bảo ổn định những mặt hàng giao cho xí nghiệp sản xuất của thương binh kinh doanh, hết sức tránh giảm bớt sản lượng để không ảnh hưởng đến công việc làm của thương binh, bệnh binh;

b) Nhà nước cấp kinh phí để sản xuất thử;

c) Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch dài hạn và ngắn hạn và cung cấp vật tư, nguyên liệu theo giá cung cấp như đối với các xí nghiệp quốc doanh;

d) Nhà nước tiêu thụ sản phẩm như đối với sản phẩm của xí nghiệp quốc doanh và trả giá tuỳ theo chất lượng, phẩm chất của sản phẩm;

3. Đối với những xí nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, thu nhập thấp, không đủ trả lương và các khoản chi tiêu cần thiết khác, Nhà nước sẽ xét trợ cấp cho những xí nghiệp này để đảm bảo đời sống của thương binh , bệnh binh và duy trì sản xuất. Việc trợ cấp do Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố quyết định.

4. Xí nghiệp sản xuất của thương binh nộp thuế cho Điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 200- NQ/TVQH ngày 18-1-1966.

Xí nghiệp sản xuất của thương binh được miễn thuế lợi tức doanh nghiệp. Số thuế được miễn (bao gồm phần thuế miễn cho xí nghiệp và phần thuế miễn cho cá nhân thương binh) phải được bỏ vào quỹ tích luỹ của xí nghiệp để dùng vào việc mở rộng sản xuất đồng thời bỏ một phần vào quỹ phúc lợi để giải quyết đời sống của thương binh. Tỷ lệ bỏ vào các quỹ này phải theo đúng các quy định của Nhà nước.

Khi các  xí nghiệp của thương binh đã đi vào ổn định, sản xuất có nhiều lãi thì xí nghiệp phải có trách nhiệm góp phần tích luỹ cho Nhà nước ; Bộ Nội vụ và  Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ bổ sung các quy định cho thích hợp.

5. Những thương binh, bệnh binh làm việc trong xí nghiệp sản xuất của thương binh được:

a) Đào tạo nghề nghiệp  trước khi sản xuất. Phí tổn về đào tạo nghề nghiệp do Nhà nước đài thọ. Trong thời gian học nghề thương binh, bệnh binh được giữ nguyên sinh hoạt phí như khi còn ở trường, trạm, trại thương binh. Tuỳ theo ngành nghề, ngành thương binh xã hội có thể gửi thương binh, bệnh binh vào học nghề ở các trường đào tạo nghề nghiệp sẵn có của Nhà nước hoặc mở các trường lớp riêng cho thương binh, bệnh binh hoặc giao cho xí nghiệp sản xuất của thương binh phụ trách việc dạy nghề (trong trường hợp này, thời gian học nghề cho từng ngành nghề do Bộ Nội vụ phối hợp với các ngành có liên quan  quy định)

b) Trong thời gian mới đi vào sản xuất, nếu xí nghiệp sản xuất của thương binh chưa thể lấy  thu bù chi được, thì Nhà nước tiếp tục đài thọ sinh hoạt phí của thương binh, bệnh binh trong một thời gian nhất định. Thời gian Nhà nước đài thọ sinh hoạt phí tối đa không quá 3 năm. Trường hợp quá 3 năm mà vẫn còn tiếp tục được đài thọ sinh hoạt phí thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét và quyết định.

Bộ Nội vụ quy định thời gian tối đa đài thọ sinh hoạt phí cho các xí nghiệp sản xuất của thương binh theo từng ngành nghề kinh doanh.

Căn cứ vào thời gian tối đa đó, các Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố sẽ quyết định thời gian đài thọ sinh hoạt phí cho thương binh, bệnh binh ở từng xí nghiệp ở địa phương. Hết thời gian này, thương binh, bệnh binh sẽ thôi lĩnh sinh hoạt phí của Nhà nước và hưởng thụ theo lao động. Xí nghiệp sẽ tuỳ theo thu nhập của mình mà quyết định việc phân phối trong nội bộ xí nghiệp và tích luỹ để mở rộng sản xuất.

c) Trong thời gian thương binh, bệnh binh học nghề mà có làm ra sản phẩm và trong thời gian thương binh, bệnh binh đã tham gia sản xuất nhưng vẫn lĩnh sinh hoạt phí của Nhà nước, xí nghiệp sản xuất của thương binh có thể trích ra một phần số tiền thu nhập (sau khi đã trừ chi phí sản xuất) để thưởng cho những thương binh, bệnh binh có nhiều thành tích trong học tập và sản xuất. Số tiền thưởng trong từng thời gian không được quá 20% thu nhập của xí nghiệp (sau khi đã trừ chi phí sản xuất) trong thời gian đó số tiền còn lại để vào quỹ tích luỹ của xí nghiệp để mở rộng sản xuất và một phần vào quỹ phúc lợi để giải quyết đời sống cho thương binh, bệnh binh của xí nghiệp khi sản xuất gặp khó khăn.

d) Thương binh, bệnh binh làm việc tại các xí nghiệp sản xuất của thương binh được hưởng các quyền lợi như thương binh, bệnh binh phục viên, được cung cấp lương thực, thực phẩm, đường, vải... như công nhân, viên chức Nhà nước làm những ngành nghề tương đương.

6. Các khoản đầu tư và trợ cấp của Nhà nước nói ở trên đều do ngân sách của địa phương đài thọ, nếu địa phương không đủ khả năng sẽ do Bộ Tài chính xét trợ cấp thêm.

7. Các xí nghiệp sản xuất của thương binh phải sản xuất và kinh doanh theo đúng chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phấn đấu hoàn thành các kế hoạch sản xuất được giao bảo đảm thi hành đầy đủ các hợp đồng kinh tế đã ký với khách hàng.

Các xí nghiệp sản xuất của thương binh phải phấn đấu giải quyết tốt đời sống của thương binh, bệnh binh làm việc tại xí nghiệp, đảm bảo cho anh chị em với lương do xí nghiệp trả và tiền trợ cấp của Nhà nước (trợ cấp thương tật, trợ cấp phục viên...) có thu nhập như những người bình thường làm những công việc tương đương, đồng thời tích luỹ để mở rộng sản xuất, xây dựng các cơ sở và quỹ phúc lợi tập thể phục vụ đời sống của thương binh, bệnh binh làm việc tại xí nghiệp.

Việc xây dựng và quản lý các xí nghiệp sản xuất của thương binh là một việc mới chưa có kinh nghiệm, có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng lại rất cần thiết, trước mắt cũng như về lâu dài, để góp phần giải quyết đời sống và công việc làm cho thương binh, bệnh binh sau chiến tranh. Các ngành, các cấp cần nắm vững tinh thần đó để thực hiện tốt quyết định của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động, Bộ Y tế, các ngành phụ trách về công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp vật tư  phải tích cực và  thiết thực giúp đỡ Bộ Nội vụ và các Ty, Sở thương binh xã hội quản lý và chỉ đạo tốt các xí nghiệp sản xuất của thương binh.

Căn cứ vào những quy định trên đây, Bộ Nội vụ bàn với các ngành có liên quan để hướng dẫn cụ thể việc thi hành quyết định này và nghiên cứu xây dựng bản điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của các xí nghiệp sản xuất của thương binh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 

 
Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 284-CP năm 1974 về chính sách đối với xí nghiệp sản xuất của thương binh do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 284-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/12/1974
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 31/12/1974
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 07/01/1975
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản