Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 39/2024/TT-NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

Điều 14. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

1. Báo cáo kịp thời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 162 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Tham mưu, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này, trừ nội dung về cho vay đặc biệt.

3. Tham mưu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, triển khai kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

4. Tham mưu, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này thuộc chức năng, nhiệm vụ, trừ nội dung về cho vay đặc biệt.

5. Đầu mối tiếp nhận báo cáo, tham mưu, đề xuất, kiến nghị liên quan đến kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này, bao gồm cả nội dung quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.

6. Xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các báo cáo, tham mưu, đề xuất, kiến nghị quy định tại khoản 5 Điều này thuộc chức năng, nhiệm vụ.

7. Tham mưu, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quy định tại điểm b, c và d khoản 2 Điều 163, khoản 4 và khoản 5 Điều 166 Luật Các tổ chức tín dụng đối với tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

8. Cung cấp các thông tin về điều kiện đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ, tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

9. Tiếp nhận, quản lý, lưu trữ tài liệu, hồ sơ, bảo mật thông tin liên quan đến kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ quy định tại khoản 7 Điều 12 Thông tư này.

10. Tham mưu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao các đơn vị liên quan trong Ngân hàng Nhà nước tham mưu, xử lý các đề xuất, kiến nghị, nội dung liên quan đến kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị.

Điều 15. Trách nhiệm của các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Cử người tham gia Ban kiểm soát đặc biệt.

2. Cung cấp các thông tin về điều kiện đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ, tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

3. Tham mưu, xử lý các đề xuất, kiến nghị, nội dung liên quan đến kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị hoặc theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 16. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh

1. Đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này:

a) Cử người tham gia Ban kiểm soát đặc biệt;

b) Thực hiện các công việc kiểm soát đặc biệt đối với đơn vị phụ thuộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trên địa bàn do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao và tham mưu, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao;

c) Xử lý theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến đơn vị phụ thuộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trên địa bàn;

d) Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ban kiểm soát đặc biệt và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn trong quá trình kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.

2. Đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này:

a) Thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này;

b) Báo cáo kịp thời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi tổ chức tín dụng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 162 Luật Các tổ chức tín dụng;

c) Tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng;

d) Làm đầu mối phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng;

đ) Đề nghị tổ chức tín dụng hỗ trợ, tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có liên quan cung cấp các thông tin về điều kiện đối với tổ chức tín dụng hỗ trợ, tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ theo quy định tại Điều 173, khoản 4 Điều 187 Luật Các tổ chức tín dụng;

e) Tiếp nhận, quản lý, lưu trữ tài liệu, hồ sơ, bảo mật thông tin liên quan đến kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ quy định tại khoản 7 Điều 12 Thông tư này;

g) Cung cấp thông tin liên quan đến quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư này;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo thẩm quyền.

Điều 17. Trách nhiệm của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam

1. Cử người tham gia Ban kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

2. Cử người để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chỉ định Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

3. Tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp và có ý kiến về phương án thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt trên cơ sở đề nghị của Ban kiểm soát đặc biệt.

4. Xem xét, quyết định là tổ chức tín dụng hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.

5. Phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt trong việc xây dựng, hoàn thiện phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt và đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại quỹ tín dụng nhân dân.

6. Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này đặt trụ sở chính, Ban kiểm soát đặc biệt trong quá trình kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng.

7. Theo dõi diễn biến, hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này, báo cáo, đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức tín dụng đó đặt trụ sở chính biện pháp xử lý (nếu có).

Điều 18. Trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

1. Cử người tham gia Ban kiểm soát đặc biệt của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

2. Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đặt trụ sở chính, Ban kiểm soát đặc biệt trong quá trình kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng.

3. Cử người để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chỉ định Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

4. Tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt trên cơ sở đề nghị của Ban kiểm soát đặc biệt.

5. Phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt trong việc xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này.

6. Phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt trong việc xây dựng, hoàn thiện phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt và đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại quỹ tín dụng nhân dân.

7. Phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt.

Điều 19. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

1. Thực hiện quy định tại Điều 165 Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư này.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ngân hàng Nhà nước về tính chính xác, kịp thời, đầy đủ của thông tin, tài liệu, hồ sơ cung cấp cho Ban kiểm soát đặc biệt.

3. Báo cáo Ban kiểm soát đặc biệt các khó khăn, vướng mắc, rủi ro phát sinh trong quá trình kiểm soát đặc biệt.

Thông tư 39/2024/TT-NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 39/2024/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/07/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đoàn Thái Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 883 đến số 884
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH