Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2003

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 39/2003/TT-BTC NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỞNG DẪN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TẠI CÁC ĐÔ THỊ

Căn cứ các Luật thuế hiện hành;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích;
Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị bao gồm:

- Doanh nghiệp nhà nước (DNNN), gồm:

+ DNNN hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

+ Bộ phận DNNN hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

+ DNNN hoạt động kinh doanh có tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Các loại hình doanh nghiệp khác tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như: Hợp tác xã vận tải, Công ty liên doanh, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần...

2. DNNN, DNNN hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06 TC/TCDN ngày 24/12/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích và quy định tại Thông tư này.

3. Các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh khác thì phải hạch toán riêng doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước theo quy định.

4. Các doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được hưởng các chính sách ưu đãi về nộp tiền thuê đất, phí cầu đường bộ, lệ phí bến bãi theo quy định hiện hành và quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A- ĐẦU TƯ, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN:

1. Doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng tại các đô thị có trách nhiệm mở sổ và ghi sổ kế toán theo dõi chính xác toàn bộ tài sản và vốn hiện có theo chế độ hạch toán kế toán, thống kê hiện hành để thực hiện nhiệm vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Đối với các DNNN có bộ phận hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thì bộ phận này phải tổ chức hạch toán riêng.

2. Các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tự đầu tư tài sản để tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng tại các đô thị được hưởng các ưu đãi đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10 và được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo hướng dẫn tại Thông tư số 51/2001/TT-BTC ngày 28/6/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 58/2001/QĐ-TTg ngày 24/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư (nếu doanh nghiệp thực hiện vay vốn để đầu tư).

B- KẾT QUẢ TÀI CHÍNH VÀ XỬ LÝ KẾT QUẢ TÀI CHÍNH:

1. Doanh thu hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị:

1.1. Đối với DNNN hoạt động công ích hoặc bộ phận hoạt động công ích của DNNN, doanh thu bao gồm:

- Doanh thu bán vé xe buýt (gồm vé lượt, vé tuyến, vé liên tuyến).

- Trợ giá của Nhà nước;

1.2. Đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, doanh thu bao gồm:

- Doanh thu bán vé xe buýt (vé lượt, vé tuyến).

- Giá trị hợp đồng mua sản phẩm công ích.

Giá vé xe buýt do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

2. Chi phí hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt:

Chi phí hoạt động vận tải hành khách công cộng của doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là những khoản chi phí hợp lý, hợp lệ theo quy định tại Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20/02/2002 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2001/NĐ-CP ngày 4/6/2001 của Chính phủ và Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Để phù hợp với thực tế của hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, một số khoản chi phí được quy định như sau:

a. Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương:

+ Tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước được xác định như sau:

- Lương cơ bản: Xác định theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp; Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ về đổi mới tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp Nhà nước; Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/1/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương và các Thông tư hướng dẫn các Nghị định trên của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

- Các khoản phụ cấp gồm: hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu, phụ cấp độc hại, phụ cấp lưu động, phụ cấp trách nhiệm được xác định theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động Thương binh Xã hội các tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện.

+ Đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác: thực hiện theo quy định của Nhà nước áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp và được vận dụng các quy định về tiền lương như đối với DNNN trong lập dự toán chi phí sản phẩm công ích.

b. Trích khấu hao TSCĐ: Tài sản cố định là xe buýt vận tải hành khách công cộng được trích khấu hao cơ bản theo công suất sử dụng thực tế của xe buýt (theo ca xe hoạt động) nhưng không vượt quá mức khấu hao quy định tại Quyết định số 166/1999/QĐ-BTC ngày 30/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

c. Chi sửa chữa lớn tài sản cố định:

Đối với TSCĐ là xe buýt vận tải hành khách công cộng hành năm doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, trích trước chi phí săm lốp theo định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành vào giá thành và được để lại số dư về trích trước chi phí sửa chữa lớn xe buýt trong năm tài chính khi quyết toán để thực hiện sửa chữa lớn tài sản theo định kỳ.

d. Chi phí quản lý doanh nghiệp bao gồm cả chi phí cho ban điều hành, giám sát hoạt động xe buýt và cho bộ máy quản lý của doanh nghiệp.

e. Các khoản chi khác có liên quan như: chi mua ấn chỉ (vé xe buýt), chi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm hành khách và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quy định.

3. Xử lý kết quả tài chính:

3.1. Các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được sử dụng doanh thu hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng để bù đắp chi phí của hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, thuế và các khoản phải nộp NSNN theo quy định của pháp luật (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp).

3.2. Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

3.3. Khoản chệnh lệch thu lớn hơn chi (nếu có) của các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được xử lý như sau:

a. Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định.

b. Trừ các khoản chi phí hợp lệ chưa được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định.

c. Phần lợi nhuận còn lại được xử lý như sau:

- Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích: Được trích lập các quỹ theo quy định hiện hành (Thông tư số 06 TC/TCDN ngày 24/02/1997 của Bộ Tài chính).

- Đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác: thực hiện phân phối thu nhập theo quy định hiện hành của Nhà nước áp dụng đối với từng loại hình doanh nghiệp.

C- LẬP DỰ TOÁN CHI PHÍ VÀ THANH TOÁN SẢN PHẨM CÔNG ÍCH

1. Lập dự toán chi phí thực hiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt:

1.1. Căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành do Bộ Giao thông vận tải ban hành, Sở Giao thông Vận tải (hoặc Sở Giao thông Công chính) tổ chức nghiên cứu xây dựng các loại định mức phù hợp để trình UBND tỉnh, thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh, thành phố.

1.2. Căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật của hoạt động xe buýt do UBND tỉnh, thành phố ban hành và căn cứ các khoản mục chi phí hợp lý nêu ở điểm 2, phần B, mục II của Thông tư này, Sở Giao thông vận tải (hoặc Sở Giao thông công chính) và Sở Tài chính Vật giá địa phương lập dự toán chi phí thực hiện hoạt động vận tải hành khách công cộng theo năm thực hiện hoặc theo tuyến thực hiện cho từng doanh nghiệp, trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt là cơ sở để thực hiện trợ giá hoặc ký kết hợp đồng và thanh quyết toán chi phí trong trường hợp đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng.

2. Thanh toán sản phẩm công ích:

2.1. Nhà nước trợ giá:

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích hay bộ phận doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nếu có doanh thu bán vé xe buýt không đủ bù dắp chi phí hoạt động công ích thì được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trợ giá từ Ngân sách nhà nước địa phương. Mức trợ giá hàng năm đảm bảo bù đắp các khoản chi phí hợp lý được quy định tại điểm 2 mục B, Phần II của Thông tư này và chế độ Nhà nước hiện hành.

Ngân sách nhà nước địa phương đảm bảo cấp đủ 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 2 tháng lương thực tế cho người lao dộng trong doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

2.2. Mua sản phẩm công ích:

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác được Nhà nước đặt mua sản phẩm công ích vận tải hành khách công cộng:

Việc đặt hàng mua sản phẩm công ích được thông qua các quyết định của UBND tỉnh, thành phố và có thể uỷ quyền cho Sở Giao thông Vận tải (hoặc Sở Giao thông công chính) địa phương ký kết hợp động với doanh nghiệp thực hiện hoạt động công ích. Việc ký kết hợp đồng được tiến hành trước khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động công ích.

Trường hợp trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp cùng đăng ký tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thì tổ chức đấu thầu theo quy định hiện hành của Nhà nước về tổ chức đấu thầu.

Căn cứ vào yêu cầu của người đặt hàng sản phẩm công ích, khối lượng dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp và dự toán chi phí đã lập, giá trị hợp đồng là phần chênh lệch giữa doanh thu bán vé và chi phí của hoạt động cung ứng dịch vụ công ích, có lãi cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động công ích. Nhà nước không bù lỗ trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện vận tải hành khách công cộng theo hợp đồng có các khoản thu không đủ trang trải các khoản chi phí. Trường hợp có lãi thì áp dụng theo quy định tại điểm 3.3, mục B phần II của Thông tư này.

Các doanh nghiệp thực hiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trách nhiệm cung ứng dịch vụ công ích theo chỉ tiêu kế hoạch đặt hàng, thực hiện đúng cam kết về số lượng, chất lượng và bán đúng giá vé.... do UBND tỉnh, thành phố quy định.

3. Nguồn kinh phí để trợ giá và mua sản phẩm công ích vận tải hành khách công cộng do Ngân sách Nhà nước tỉnh, thành phố đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Việc cấp phát, thanh toán sản phẩm công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được Sở Tài chính Vật giá địa phương thực hiện thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khản chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

D. QUYẾT TOÁN TÀI CHÍNH VÀ KIỂM TRA KẾ TOÁN HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TẠI CÁC DOANH NGHIỆP:

1. Lập báo cáo tài chính:

Hàng quý, năm doanh nghiệp thực hiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trách nhiệm lập quyết toán tài chính phần hoạt động công ích cùng với báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Giám đốc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật về tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính.

- Quyết toán tài chính phần hoạt động công ích gửi Sở Giao thông vận tải (hoặc Sở Giao thông công chính), Sở Tài chính vật giá, Cục thuế các tỉnh, thành phố theo quy định.

- Thời gian gửi quyết toán theo quy định hiện hành.

2. Kiểm tra báo cáo tài chính:

- Đối với doanh nghiệp Nhà nước: Hàng năm, Sở Tài chính Vật giá cùng với Sở Giao thông vận tải (hoặc Sở Giao thông công chính) phải tiến hành kiểm tra quyết toán phần hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng của doanh nghiệp để lập Biên bản trợ giá sản phẩm công ích trong năm cho doanh nghiệp.

- Đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác do cơ quan thuế địa phương kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có trách nhiệm chấp hành các chế độ tài chính, kế toán, kỷ luật thu nộp ngân sách và tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính theo quy định.

Những vi phạm về chế độ kế toán, chế độ thu chi tài chính, chế độ thu nộp ngân sách và các chế độ tài chính khác sẽ bị xử phạt hành chính, xử phạt kinh tế theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ngoài những quy định riêng cho hoạt động công ích vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Thông tư này, doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị còn phải thực hiện các quy định khác của pháp luật đối với từng loại hình doanh nghiệp.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 39/2003/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 39/2003/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/04/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Thị Băng Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 42
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản