Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2017

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THANH TOÁN CHI PHÍ HỒI HƯƠNG CHO THUYỀN VIÊN

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội;

Căn cứ Nghị định 121/2014/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam (trừ các tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá) hoạt động tuyến quốc tế quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015; quy định trách nhiệm của chủ tàu về chi trả cho thuyền viên khi hồi hương và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về thu xếp cho thuyền viên hồi hương.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế;

b) Chủ tàu biển Việt Nam có tàu biển hoạt động tuyến quốc tế;

c) Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thu xếp thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hồi hương.

Chương II

CHI PHÍ HỒI HƯƠNG THUYỀN VIÊN VÀ BẢO ĐẢM NGUỒN TÀI CHÍNH CỦA CHỦ TÀU ĐỂ CHI TRẢ CHI PHÍ THUYỀN VIÊN HỒI HƯƠNG

Điều 2. Chi phí hồi hương thuyền viên do chủ tàu thanh toán

1. Chủ tàu có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên hồi hương trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 61 và khoản 1 Điều 66 Bộ luật Hàng hải Việt Nam và thanh toán toàn bộ các chi phí theo quy định.

Trường hợp thuyền viên tự thu xếp hồi hương, chủ tàu phải hoàn trả chi phí hồi hương cho thuyền viên theo các nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Chi phí hồi hương thuyền viên do chủ tàu thanh toán bao gồm:

a) Chi phí đi đến địa điểm hồi hương được quy định trong hợp đồng.

b) Chi phí ăn, ở của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương. Chi phí ăn, ở của thuyền viên thanh toán theo hóa đơn thực tế, tuy nhiên không vượt quá định mức quy định tại Quyết định số 43/2012/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi tên gọi và sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong công ty nhà nước.

c) Tiền lương và trợ cấp đi lại của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương. Tiền lương và trợ cấp đi lại tính theo quy định hợp đồng.

d) Chi phí vận chuyển tối đa 30 ki-lô-gam (kg) hành lý cá nhân của thuyền viên đến địa điểm hồi hương theo hóa đơn thực tế.

đ) Chi phí chăm sóc y tế cần thiết cho tới khi thuyền viên đủ điều kiện sức khỏe để đi đến địa điểm hồi hương theo hóa đơn thực tế.

Điều 3. Bảo đảm nguồn tài chính để chi trả chi phí hồi hương thuyền viên

1. Chủ tàu có trách nhiệm bảo đảm tài chính để chi trả chi phí hồi hương thuyền viên.

Chủ tàu phải có bảo lãnh ngân hàng về việc chi trả chi phí hồi hương thuyền viên. Trường hợp chủ tàu không đảm bảo hoặc không đảm bảo đầy đủ nguồn tài chính để chi trả cho thuyền viên hồi hương thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho chủ tàu có trách nhiệm chi trả chi phí hồi hương thuyền viên; chủ tàu nhận nợ và phải hoàn trả cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài số kinh phí nêu trên theo quy định của pháp luật về bảo lãnh ngân hàng.

2. Mức phí bảo lãnh do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với chủ tàu. Phí bảo lãnh được tính đối với từng tàu hoặc toàn bộ số tàu do chủ tàu sở hữu.

Chương III

TRƯỜNG HỢP CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN THU XẾP THUYỀN VIÊN HỒI HƯƠNG, QUYẾT TOÁN VỤ VIỆC VÀ THU HỒI CHI PHÍ TẠM ỨNG QUỸ BẢO HỘ CÔNG DÂN

Điều 4. Các trường hợp cơ quan có thẩm quyền thu xếp thuyền viên hồi hương

1. Trường hợp chủ tàu không trực tiếp bố trí và thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên, chủ tàu có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại nước sở tại thực hiện thay việc hồi hương thuyền viên.

2. Trường hợp quá thời hạn hồi hương đã ghi trong hợp đồng lao động mà chủ tàu không thực hiện hoặc không trả các chi phí cho thuyền viên hồi hương, thuyền viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tại nước sở tại bố trí và thanh toán chi phí hồi hương.

Điều 5. Cơ quan có thẩm quyền thu xếp thuyền viên hồi hương

1. Cơ quan có thẩm quyền thu xếp cho thuyền viên hồi hương là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009 (sau đây gọi là Cơ quan đại diện).

2. Kinh phí thu xếp cho thuyền viên hồi hương được tạm ứng từ nguồn Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Quỹ Bảo hộ công dân) sau khi có đặt cọc bảo lãnh hoặc cam kết hoàn trả bằng văn bản của chủ tàu hoặc chủ tàu xuất trình được văn bản bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc chi trả các khoản chi phí này.

Việc tạm ứng kinh phí Quỹ Bảo hộ công dân để hồi hương thuyền viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 92/2013/TT-BTC ngày 8 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

3. Chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả Quỹ Bảo hộ công dân toàn bộ các chi phí hồi hương thuyền viên. Trường hợp chủ tàu không hoàn trả thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả các chi phí đó cho Quỹ Bảo hộ công dân.

4. Hồ sơ đề nghị hồi hương gửi cơ quan đại diện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Điều 6. Quyết toán kinh phí

Căn cứ nhiệm vụ thực tế thực hiện, Cơ quan đại diện tập hợp hồ sơ quyết toán gửi Quỹ Bảo hộ công dân, gồm: Hồ sơ đề nghị hồi hương của thuyền viên; văn bản đề nghị quyết toán gửi kèm theo các nội dung các khoản chi, các chứng từ chi theo quy định tại Thông tư này.

Điều 7. Thu hồi chi phí tạm ứng Quỹ Bảo hộ công dân

1. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo thu hồi chi phí hồi hương thuyền viên của Quỹ Bảo hộ công dân, chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí hồi hương thuyền viên theo Thông báo quyết toán vụ việc của Quỹ Bảo hộ công dân bằng cách chuyển vào tài khoản của Quỹ Bảo hộ công dân theo địa chỉ sau:

- Tên tài khoản: Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

- Địa chỉ: 40 phố Trần Phú, Quận Ba Đình, Hà Nội.

- Điện thoại: 04.38489064.

- Số tài khoản tiền Việt Nam (VND): 122 0202 005 149, mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Long Biên; địa chỉ 562 đường Nguyễn Văn Cừ, Quận Long Biên, Hà Nội.

2. Trường hợp chủ tàu trả chậm hoặc không thực hiện chi trả chi phí hồi hương theo thông báo của Quỹ Bảo hộ công dân; Quỹ Bảo hộ công dân có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh chi trả chi phí hồi hương cho thuyền viên. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo thu hồi chi phí tạm ứng hồi hương thuyền viên của Quỹ Bảo hộ công dân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí hồi hương thuyền viên theo Thông báo quyết toán vụ việc của Quỹ Bảo hộ công dân.

3. Xử lý vi phạm chậm nộp hoặc không nộp: Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư số 92/2013/TT-BTC ngày 8 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Phối hợp giữa các cơ quan có liên quan

1. Bộ Giao thông vận tải

a) Phổ biến cho các chủ tàu thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ tàu đối với việc đảm bảo hồi hương của thuyền viên Việt Nam theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

b) Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam kịp thời xác minh các thông tin liên quan đến chủ tàu, thuyền viên phục vụ cho việc hồi hương thuyền viên để cung cấp cho Cơ quan đại diện khi có yêu cầu.

2. Bộ Ngoại giao

a) Ban hành quy định về hồ sơ, thủ tục hồi hương thuyền viên.

b) Chỉ đạo các Cơ quan đại diện kịp thời thực hiện các thủ tục thu xếp cho thuyền viên hồi hương khi nhận được hồ sơ hồi hương của thuyền viên.

3. Bộ Tài chính

Đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động của Quỹ bảo hộ công dân theo đúng quy định.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ, được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 38/2017/TT-BTC hướng dẫn thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 38/2017/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/04/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 477 đến số 478
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản