Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 358-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 1957

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN CÁC CƠ QUAN PHỤ TRÁCH CÔNG TÁC PHỤC VIÊN CÁC CẤP VÀ CƠ QUAN GIÚP VIỆC

Ban phục viên các cấp từ trung ương đến tỉnh đã thành lập theo tinh thần Nghị định số 589-TTg ngày 18-8-1955 của Thủ tướng phủ. Qua quá trình tổ chức và thi hành nhiệm vụ, Thủ tướng phủ thấy cần phải kiện toàn tổ chức, quy định lại về nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan phụ trách để đảm bảo thực hiện chủ trương chính sách phục viên được tốt.

Thể theo yêu cầu của Ban phục viên trung ương và đề nghị của hội nghị phục viên toàn quốc do Thủ tướng phủ triệu tập ngày 10, 13-6-1957, nay đổi Ban phục viên trung ương, thành phố và tỉnh thành Hội đồng phục viên trung ương, thành phố, tỉnh với những nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần sau đây:

I.- NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG PHỤC VIÊN TRUNG ƯƠNG:

Giúp chính phủ lãnh đạo toàn bộ công tác phục viên, cụ thể là:

1) Theo dõi, đôn đốc, và phối hợp các Bộ phụ trách công tác phục viên và các đoàn thể trong sự thi hành chính sách phục viên của Chính phủ. Cùng các Bộ kiểm tra sự thực hiện chính sách phục viên ở các ngành, các cấp.

Các Bộ, các ngành trung ương phải báo cáo sự thi hành chính sách phục viên với Hội đồng phục viên trung ương. Các liên khu, khu, thành phố, tỉnh trực thuộc trung ương khi gửi báo cáo tình hình công tác thực hiện lên các Bộ phụ trách cũng phải đồng gửi lên Hội đồng phục viên trung ương.

2) Tổng hợp tình hình toàn bộ công tác phục viên để báo cáo tổng hợp và phát hiện vấn đề. Thảo luận thông qua các đề nghị bổ sung chính sách và quy định chính sách cụ thể do các Bộ có trách nhiệm nghiên cứu.

Hội đồng phục viên trung ương không ra mệnh lệnh, chỉ thị.

Những nghị quyết của Hội đồng phục viên trung ương đều do các Bộ có trách nhiệm chiếu biên bản hội nghị mà thi hành. Tùy trường hợp, những nghị quyết của Hội đồng phục viên trung ương sẽ được báo cáo Hội đồng Chính phủ quyết định, hoặc sẽ do Thủ tướng phủ hoặc các Bộ có trách nhiệm ra nghị định, thông tư, chỉ thị ban hành.

II.- THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG PHỤC VIÊN TRUNG ƯƠNG:

Phó Thủ tướng Chính phủ........................................................ Chủ tịch

Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng.......................... Ủy viên

Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Nội Vụ................................... Ủy viên

Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Thương Binh......................... Ủy viên

Ông Trưởng hoặc Phó Ban thống nhất..................................... Ủy viên

Một ủy viên đại diện Ban liên lạc nông dân toàn quốc........... Ủy viên

Một ủy viên đại diện Ban chấp hành Hội Liên hiệp

Phụ nữ Việt Nam trung ương.................................................... Ủy viên

Được mời đến dự các cuộc họp của Hội đồng phục viên trung ương:

Tổng tham mưu phó Bộ Tổng tư lệnh,

Cục trưởng Cục động viên dân quân,

Giám đốc phụ trách công tác phục viên của Bộ Nội vụ.

Khi Hội đồng phục viên trung ương họp bàn vấn đề gì có liên quan tới Bộ nào hay là đoàn thể nào, sẽ mời đại biểu các Bộ hay đoàn thể đó tới dự.

Từ trước đến nay, Bộ Thương binh phụ trách chỉ đạo thi hành chính sách phục viên đối với phục viên về xã, Bộ Nội vụ phụ trách đối với phục viên chuyển ngành sang các cơ quan hành chính, sự nghiệp, Bộ Lao động phụ trách đối với phục viên chuyển sang các xí nghiệp, công nông trường quốc doanh. Từ nay về sau sự chỉ đạo thi hành chính sách phục viên đối với cả quân nhân phục viên về xã, phục viên chuyển ngành và phục viên chuyển sang các xí nghiệp công nông trường quốc doanh được tập trung vào Bộ Nội vụ. Nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của các Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Thương binh, Ban Thống nhất và các Bộ khác đối với công tác phục viên sẽ được quy định sau.

Để giải quyết những công việc thường xuyên giữa hai kỳ họp Hội đồng phục viên trung ương, có Ban Thường trực gồm có:

- Phó Thủ tướng Chính phủ............................................. Chủ tịch

- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.......................................... Ủy viên

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ.................................................... Ủy viên

Nhiệm vụ của Ban Thường trực là:

- Giải quyết công việc thường xuyên giữa hai kỳ họp Hội đồng phục viên trung ương.

- Báo cáo tổng hợp tình hình chấp hành chính sách, chủ trương kế hoạch phục viên của các Bộ, các ngành, các địa phương; nghiên cứu đề xuất vấn đề để Hội đồng xét và góp ý kiến với các Bộ phụ trách.

- Triệu tập họp Hội đồng thường lệ hoặc bất thường để nhận định tình hình, để chủ trương công tác mới và chuẩn bị các cuộc hội nghị ấy.

- Chỉ đạo Văn phòng giúp việc Hội đồng phục viên trung ương.

- Phối hợp với các Bộ kiểm tra sự thực hiện chính sách phục viên ở các ngành, các cấp.

Giúp việc Hội đồng phục viên trung ương có một Văn phòng nằm tại Thủ tướng phủ.

III.- Ở CÁC CẤP LIÊN KHU, KHU:

Không tổ chức Hội đồng phục viên, Ủy ban Hành chính liên khu, khu chỉ đạo việc chấp hành chính sách phục viên, cụ thể là đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các ngành, các tỉnh, các cấp trong liên khu, khu thực hiện chính sách, chủ trương kế hoạch phục viên cho được kịp thời và tốt.

IV.- HỘI ĐỒNG PHỤC VIÊN THÀNH PHỐ, TỈNH:

1) Thành phần:

- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh: Chủ tịch

- Ủy viên Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh, phụ trách Nội chính: Ủy viên

- Đại diện Bộ Tư lệnh thành phố, thành đội, tỉnh đội: .. Ủy viên

- Trưởng hoặc phó phòng Ty thương binh thành phố, tỉnh: Ủy viên

- 1 ủy viên Ban chấp hành phụ nữ thành phố, tỉnh: Ủy viên

- 1 ủy viên Ban chấp hành Nông hội thành phố, tỉnh: Ủy viên

2) Nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng phục viên thành phố, tỉnh:

- Giúp Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh chỉ đạo công tác phục viên và chuẩn bị cơ sở sản xuất, công ăn việc làm cho quân nhân phục viên.

- Liên hệ với các cơ quan đoàn thể để chuẩn bị đón tiếp quân nhân phục viên về tỉnh; tiến hành việc đăng ký quân nhân phục viên.

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục cán bộ, quân dân và quân nhân phục viên thi hành chính sách phục viên được tốt.

- Kiểm tra, theo dõi, uốn nắn kịp thời những thiếu sót, lệch lạc trong việc thực hiện chính sách phục viên ở tất cả các cơ quan và đoàn thể trong địa phương.

3) Hội đồng phục viên các thành phố, tỉnh cũng tổ chức Ban Thường trực để giúp Hội đồng và Ủy ban Hành chính các cấp tương đương chỉ đạo thực hiện chính sách phục viên, giải quyết kịp thời công việc giữa hai kỳ họp Hội đồng, triệu tập Hội đồng họp thường lệ hoặc bất thường để nhận định tình hình và đề ra kế hoạch công tác, chuẩn bị các cuộc hội nghị ấy.

Thành phần Ban Thường trực gồm có:

- Ủy viên Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh, phụ trách Nội chính: Trưởng ban

- Đại diện Bộ Tư lệnh thành phố, thành đội, tỉnh đội. : Ủy viên

4) Về vấn đề tổ chức, biên chế để giúp việc cho Ủy ban Hành chính liên khu, khu và Hội đồng phục viên thành phố, tỉnh, Bộ Nội vụ sẽ chỉ thị hướng dẫn cụ thể.

Nhận được thông tư này, mong các Bộ có trách nhiệm và Ủy ban Hành chính liên khu, khu thành phố, tỉnh thi hành khẩn trương để có thể thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ công tác phục viên sắp tới.

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phan Kế Toại

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 358-TTg năm 1957 về việc kiện toàn các cơ quan phụ trách công tác phục viên các cấp và cơ quan giúp việc do Phủ thủ tướng ban hành

  • Số hiệu: 358-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/08/1957
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 34
  • Ngày hiệu lực: 22/08/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản