Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 353/TCHQ-GQ

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 1994

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 353/TCHQ-GQ NGÀY 26-5-1994 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUY CHẾ KHO NGOẠI QUAN BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 104-TTG NGÀY 16-3-1994 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Quy chế Kho ngoại quan được ban hành theo Quyết định số 104/TTg ngày 16-3-1994 là Quy chế chính thức được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nội dung Quy chế đã thể hiện đầy đủ. Các đơn vị Hải quan nơi có kho ngoại quan cần nghiên cứu thực hiện nghiêm chỉnh các điều trong Quy chế.

Căn cứ Điều 3 Quyết định số 104/TTg ngày 16-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:

I. VỀ MỘT SỐ TỪ NGỮ DÙNG TRONG QUY CHẾ KHO NGOẠI QUAN

1. "Hàng hoá chờ xuất khẩu" là hàng từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan và hàng xuất khẩu từ trong nước đã hoàn thành thủ tục hải quan gửi vào kho ngoại quan để chờ đưa ra nước ngoài".

2. "Hàng hoá chờ nhập khẩu" là hàng hoá của các đối tượng được phép thuê Kho ngoại quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy chế Kho ngoại quan từ nước ngoài đưa vào Kho ngoại quan để chờ làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam.

3. "Tái chế và gia cố bao bì". Tái chế bao bì là việc sửa chữa bao bì hoặc thay thế bao bì tương tự như bao bì cũ. Gia cố bao bì là việc làm cho bao bì chắc thêm.

4. Hàng hoá cấm xuất khẩu, hàng cấm nhập khẩu:

Theo danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu của Chính phủ ban hành hàng năm và các văn bản cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu những mặt hàng cá biệt khác. Trường hợp mặt hàng Việt Nam cấm xuất khẩu hoặc cấm nhập khẩu những nước xuất khẩu không cấm xuất khẩu hoặc nước nhập khẩu không cấm nhập khẩu thì trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ chủ quản của đơn vị được kinh doanh Kho ngoại quan, sau khi thống nhất với Bộ Thương mại. Tổng cục Hải quan sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

5. "Chủ hàng" và "Đại diện hợp pháp của chủ hàng" trong văn bản này được gọi chung là "chủ hàng". Chỉ những doanh nghiệp Việt Nam có quyền xuất nhập khẩu trực tiếp mới được làm đại diện hợp pháp cho chủ hàng là pháp nhân. Trường hợp hàng của cá nhân gửi Kho ngoại quan thì đại diện hợp pháp có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.

II. THÀNH LẬP KHO NGOẠI QUAN

1. Đối tượng được phép thành lập Kho ngoại quan:

a. Trên cơ sở nhu cầu thực tế phải có Kho ngoại quan ở từng khu vực, phù hợp với quy định tại khoản 1.a Điều 4 Quy chế Kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan xem xét và trình Thủ tướng cho phép thành lập Kho ngoại quan ở một số khu vực.

b. Các doanh nghiệp Việt Nam có kho bãi tại các khu vực được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Kho ngoại quan có đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều 4 Quy chế Kho ngoại quan ban hành theo Quyết định 104-TTg ngày 16-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ thuộc diện được xét cấp giấy phép thành lập Kho ngoại quan. Trường hợp thuê kho, bãi thì phải có văn bản hợp pháp nhượng quyền sử dụng kho bãi của bên có kho bãi cho bên xin thành lập Kho ngoại quan.

c. Những doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với nước ngoài theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không thuộc diện được xét cấp giấy phép thành lập Kho ngoại quan.

2. Thủ tục xin thành lập Kho ngoại quan:

a. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng cho phép các khu vực thành lập Kho ngoại quan. Tổng cục Hải quan sẽ thông báo và tiếp nhận đơn, hồ sơ xin thành lập Kho ngoại quan. Các doanh nghiệp Việt Nam nói ở điểm II.1 Thông tư này phải gửi đơn (theo mẫu của Tổng cục Hải quan tại phụ lục 2 Thông tư này và hai bộ hồ sơ theo quy định tại điểm 2 Điều 4 Quy chế Kho ngoại quan (1 bộ gửi Tổng cục Hải quan, 1 bộ gửi Hải quan tỉnh, thành phố liên quan).

Nếu hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế Kho ngoại quan thì sau khi kiểm tra nếu thực tế kho bãi đáp ứng các điều kiện Kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Tổng cục Hải quan sẽ cấp giấy phép thành lập Kho ngoại quan. Nếu xét thấy không có đủ điều kiện hoặc Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận thì Tổng cục Hải quan sẽ thông báo cho doanh nghiệp biết.

b. Các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh Kho ngoại quan theo quy chế tạm thời về thành lập và quản lý Kho ngoại quan, nếu vẫn có nhu cầu thành lập Kho ngoại quan cũng phải làm thủ tục xin phép như quy định tại điểm II.2a trên đây, nhưng không phải làm lại toàn bộ hồ sơ mà chỉ cần gửi đơn và bổ sung các phần còn thiếu của bộ hồ sơ cho phù hợp Quy chế Kho ngoại quan. Tổng cục Hải quan sẽ kiểm tra và xem xét kết quả hoạt động của các Kho ngoại quan này trong thời gian vừa qua và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

c. Được cấp giấy phép kinh doanh Kho ngoại quan, Doanh nghiệp phải nộp lệ phí thành lập Kho ngoại quan theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

d. Sau 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép, Kho ngoại quan không hoạt động thì Tổng cục Hải quan thu hồi giấy phép thành lập Kho ngoại quan.

III. THUÊ KHO NGOẠI QUAN

1. Đối tượng được phép thuê Kho ngoại quan:

Các đối tượng nói tại khoản 1 Điều 6 Quy chế Kho ngoại quan đều được phép thuê Kho ngoại quan để gửi hàng chờ xuất khẩu và chờ nhập khẩu của mình. Trường hợp các doanh nghiệp này xuất hoặc nhập khẩu uỷ thác cho các doanh nghiệp khác không được quyền xuất nhập khẩu trực tiếp thì lô hàng uỷ thác đó cũng được phép gửi Kho ngoại quan và bên nhận uỷ thác có nghĩa vụ chấp hành mọi quy định của quy chế kho ngoại quan và các trách nhiệm pháp lý liên quan khác.

Các cá nhân Việt Nam và các doanh nghiệp không được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp thì không được thuê Kho ngoại quan.

2. Thủ tục ký hợp đồng thuê Kho ngoại quan:

Chủ hàng muốn thuê Kho ngoại quan để gửi hàng phải ký hợp đồng thuê kho (theo nội dung hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại Phụ lục 1 Thông tư này) với chủ Kho ngoại quan. Chủ Kho ngoại quan phải đăng ký hợp đồng này với Hải quan Kho ngoại quan ít nhất 24 giờ trước khi hàng đến cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam (đối với hàng từ nước ngoài đưa vào Kho ngoại quan) hoặc trước khi hàng đưa vào từ Kho ngoại quan (đối với hàng từ trong nước gửi Kho ngoại quan). Trước khi hợp đồng thuê kho hết hạn, nếu chủ hàng muốn tiếp tục gửi hàng tại Kho ngoại quan thì chủ kho và chủ hàng phải ký thoả thuận gia hạn hợp đồng và phải đăng ký với Hải quan Kho ngoại quan để Hải quan Kho ngoại quan ký xác nhận việc gia hạn đó. Hợp đồng thuê kho chỉ có giá trị thực hiện một lần. Nếu muốn tiếp tục thuê Kho ngoại quan để gửi hàng thì phải ký hợp đồng khác.

Đối với những mặt hàng khi có lệnh ngừng nhập khẩu, ngừng xuất khẩu của Chính phủ thì ngay sau đó chủ Kho ngoại quan không được ký hợp đồng cho thuê Kho ngoại quan để chứa những mặt hàng đó, trừ trường hợp Chính phủ có quyết định riêng cho phép.

IV. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ ĐƯA VÀO, ĐƯA RA KHO NGOẠI QUAN

1. Hàng đưa vào Kho ngoại quan:

1.1. Hàng từ nước ngoài đưa vào Kho ngoại quan qua cửa khẩu thuộc Hải quan tỉnh, thành phố nơi có Kho ngoại quan:

Khi hàng đến cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam chủ hàng phải nộp cho Hải quan Kho ngoại quan:

- Giấy uỷ quyền nhận hàng (bản photo có công chứng).

- Hợp đồng thuê Kho ngoại quan đã đăng ký với Hải quan (bản photo có công chứng).

- Vận đơn.

- Catalogue hoặc giấy chứng nhận xuất xứ.

- Bản kê chi tiết hàng (riêng ô tô, xe gắn máy phải ghi rõ số khung, số máy).

- Ba tờ khai hàng (HQ 8C).

Sau khi chấp nhận bộ chứng từ, Hải quan Kho ngoại quan cho đăng ký tờ khai hàng, cùng với các chủ hàng mang theo bộ chứng từ đã đăng ký tại Hải quan Kho ngoại quan đến phối hợp với Hải quan cửa khẩu nhập hàng đối chiếu bộ chứng từ và thực tế lô hàng, nếu đúng như khai báo thì áp tải nguyên đai nguyên kiện về Kho ngoại quan và làm thủ tục nhập kho. Sau đó xác nhận hàng thực gửi trên tờ khai hàng và hợp đồng thuê kho.

1.2. Hàng nội địa Việt Nam đưa vào Kho ngoại quan:

Hàng từ nội địa Việt Nam muốn đưa vào Kho ngoại quan thì chủ hàng phải làm đầy đủ thủ tục Hải quan cho lô hàng xuất khẩu đó. Sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan tại Hải quan tỉnh, thành phố chủ hàng phải nộp cho Hải quan Kho ngoại quan các chứng từ sau:

- Hợp đồng thuê Kho ngoại quan đã đăng ký với Hải quan (bản photo có công chứng).

- Bộ chứng từ hàng xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan.

- Tờ khai hàng nhập kho (HQ 8C).

Hải quan Kho ngoại quan đối chiếu bộ chứng từ xuất khẩu, hợp đồng thuê kho, tờ khai hàng nhập kho và thực tế hàng hoá, nếu đúng thì làm thủ tục nhập kho.

2. Hàng đưa ra khỏi Kho ngoại quan:

2.1. Hàng đưa ra nước ngoài qua cửa khẩu thuộc Hải quan tỉnh, thành phố nơi có Kho ngoại quan:

Thủ tục hải quan được tiến hành như quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy chế Kho ngoại quan.

2.2. Hàng nhập và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam:

Hàng từ kho ngoại quan được phép đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam được coi là hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng từ Kho ngoại quan phải làm đầy đủ các thủ tục hải quan và nộp đủ thuế nhập khẩu theo luật định. Thời điểm để tính thuế nhập khẩu và áp dụng các chính sách về thuế nhập khẩu là thời điểm doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký tờ khai hàng nhập khẩu. Hàng gửi kho ngoại quan không được bán cho các đối tượng được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu hàng hoá theo chính sách ưu đãi của Nhà nước Việt Nam.

3. Hàng từ nước ngoài đưa vào Kho ngoại quan hoặc từ Kho ngoại quan đưa ra nước ngoài qua cửa khẩu không thuộc Hải quan tỉnh, thành phố nơi có Kho ngoại quan:

Chủ hàng phải làm đơn xin phép Hải quan tỉnh, thành phố nơi có Kho ngoại quan để được vận chuyển hàng qua lãnh thổ Việt Nam đưa vào Kho ngoại quan hoặc từ Kho ngoại quan qua lãnh thổ Việt Nam xuất ra nước ngoài. Trong đơn phải ghi rõ: Loại hàng, số lượng, tình trạng bao bì, phương tiện vận tải, tuyến đường đi trên lãnh thổ Việt Nam, cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên hoặc cửa khẩu xuất cuối cùng, Kho ngoại quan sẽ gửi hàng hoặc Kho ngoại quan đang giữ hàng. Khi được Hải quan tỉnh, thành phố cho phép thì chủ hàng phải nộp cho Hải quan Kho ngoại quan các giấy tờ và làm thủ tục hải quan như đã nói ở phần IV 1.1 và 2.1.

Hải quan cửa khẩu biên giới giám sát việc làm thủ tục cho hàng qua biên giới, cùng ký xác nhận vào ba tờ khai hàng và hợp đồng thuê kho. Hải quan cửa khẩu biên giới lưu 1 tờ khai hàng và một bản kê chi tiết hàng.

Hải quan Kho ngoại quan phải áp tải hàng và chịu trách nhiệm cho đến khi hàng thực nhập hết vào Kho ngoại quan hoặc thực xuất hết ra khỏi biên giới.

4. Hàng hoá vận chuyển từ Kho ngoại quan này sang Kho ngoại quan khác trên lãnh thổ Việt Nam:

Chủ hàng phải làm đơn xin phép Hải quan tỉnh, thành phố nơi hàng đang gửi Kho ngoại quan cho vận chuyển hàng trên lãnh thổ Việt Nam để gửi Kho ngoại quan khác. Trong đơn phải ghi rõ loại hàng, số lượng, phương tiện vận chuyển, tuyến đường đi trên lãnh thổ Việt Nam, Kho ngoại quan mới dự định gửi hàng. Sau khi được phép của Hải quan tỉnh, thành phố chủ hàng làm thủ tục thanh lý hợp đồng với Kho ngoại quan đang gửi hàng và ký hợp đồng thuê kho với Kho ngoại quan mới. Thủ tục hải quan để đưa hàng ra khỏi Kho ngoại quan cũ, thủ tục đưa hàng vào Kho ngoại quan mới như thủ tục hải quan đối với hàng đưa ra, đưa vào Kho ngoại quan quy định tại các điểm IV 1.2.3. trên. Hồ sơ kèm theo hàng khi vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm: hồ sơ nhập, xuất kho ngoại quan và các chứng từ khác liên quan đến hàng hoá.

5. Việc vận chuyển hàng hoá trên lãnh thổ Việt Nam khi hàng hoá đưa vào, đưa ra khỏi Kho ngoại quan hoặc từ Kho ngoại quan này đến Kho ngoại quan khác đều phải có niêm phong hải quan và có nhân viên hải quan áp tải. Việc vận chuyển hàng trên lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện theo đúng tuyến đường đã được phép, không được lưu giữ hoặc tiêu thụ hàng hoá tại thị trường Việt Nam trong quá trình vận chuyển. Mọi sự cố xảy ra trong quá trình vận chuyển đều phải được lập biên bản ghi nhận làm cơ sở cho giải quyết sau này. Cán bộ hải quan áp tải, chủ hàng, người điều khiển phương tiện vận tải phải ký vào biên bản ghi nhận trên.

6. Hàng hoá vận chuyển từ Kho ngoại quan tới cửa khẩu và ngược lại phải nộp các khoản lệ phí theo quy định tại các khoản II.3 và II.4 Thông tư liên Bộ số 31 ngày 7-4-1993 của Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan.

V. CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN TRONG HOẠT ĐỘNG KHO NGOẠI QUAN

Chủ Kho ngoại quan được làm các dịch vụ quy định tại Điều 5 Quy chế Kho ngoại quan với các điều kiện sau:

- Được chủ hàng uỷ quyền cho làm các dịch vụ trên.

- Nếu làm các dịch vụ tái chế, gia cố bao bì phải được hải quan cấp tỉnh, thành phố nơi có Kho ngoại quan cho phép.

- Không làm thay đổi nhãn hiệu, số lượng, chất lượng hàng hoá.

- Tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về các hoạt động dịch vụ đó.

VI. XỬ LÝ VI PHẠM

Những hành vi vi phạm các Quy định tại Quy chế Kho ngoại quan và Thông tư hướng dẫn này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 11 Quy chế Kho ngoại quan.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này thay thế Quyết định 13/TCHQ-GQ ngày 25-4-1992 và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

2. Cục trưởng Cục giám sát và quản lý, Thủ trưởng các Vụ, Cục thuộc Tổng cục Hải quan. Cục trưởng Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế Kho ngoại quan và Thông tư hướng dẫn này. Các chủ Kho ngoại quan và các chủ hàng thuê Kho ngoại quan có trách nhiệm thi hành các Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc thì kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn chỉ đạo.

Nguyễn Thanh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 353/TCHQ-GQ năm 1994 hướng dẫn thi hành Quy chế kho ngoại quan ban hành kèm theo Quyết định 104 - TTg 1994 do Tổng Cục Hải Quan ban hành

  • Số hiệu: 353/TCHQ-GQ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/05/1994
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/05/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 10/12/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản