Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 34/2012/TT-NHNN quy định về phát triển và bảo trì phần mềm nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bên thứ ba trong việc phát triển và bảo trì phần mềm nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước).

2. Các phần mềm nghiệp vụ ngân hàng dùng cho mục đích nghiên cứu, thử nghiệm của Ngân hàng Nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này được áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các bên thứ ba tham gia phát triển và bảo trì phần mềm nghiệp vụ ngân hàng cho Ngân hàng Nhà nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phần mềm nội bộ là phần mềm được phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa theo các yêu cầu riêng của tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của tổ chức và được sử dụng trong nội bộ tổ chức đó.

2. Phần mềm thương mại là phần mềm được phát triển hoàn chỉnh, được đăng ký thương hiệu và nhân bản hàng loạt để cung cấp ra thị trường.

3. Phần mềm nghiệp vụ ngân hàng (sau đây gọi tắt là phần mềm nghiệp vụ) là phần mềm nội bộ hoặc phần mềm thương mại ứng dụng trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước nhằm tin học hóa một phần hoặc toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ đó.

4. Phát triển phần mềm là việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chức năng của phần mềm nghiệp vụ đã có.

5. Bảo trì phần mềm là các công việc được thực hiện nhằm duy trì sự hoạt động ổn định của phần mềm nghiệp vụ đúng như chức năng đã được thiết kế.

6. Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của Ngân hàng Nhà nước là Cục Công nghệ tin học.

7. Đơn vị chủ trì nghiệp vụ là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng quy trình nghiệp vụ, tổ chức thực hiện và quản lý nghiệp vụ áp dụng trong phần mềm nghiệp vụ.

8. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin là Cục Công nghệ tin học hoặc đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức trang bị, quản lý phát triển, bảo trì phần mềm nghiệp vụ theo từng phần mềm nghiệp vụ cụ thể.

9. Đơn vị phát triển phần mềm là đơn vị chủ trì công nghệ thông tin hoặc bên thứ ba trực tiếp thực hiện việc phát triển phần mềm nghiệp vụ.

10. Đơn vị bảo trì phần mềm là đơn vị chủ trì công nghệ thông tin hoặc bên thứ ba trực tiếp thực hiện việc bảo trì phần mềm nghiệp vụ.

11. Đơn vị sử dụng là đơn vị trực tiếp sử dụng phần mềm nghiệp vụ.

12. Bên thứ ba là tổ chức không thuộc cơ cấu tổ chức Ngân hàng Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước thuê để trực tiếp phát triển hoặc bảo trì phần mềm nghiệp vụ.

13. Quy trình nghiệp vụ là tổng hợp các quy định điều chỉnh về trình tự, thủ tục, mẫu biểu và nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.

14. Tài liệu yêu cầu người sử dụng là tài liệu mô tả các yêu cầu đối với phần mềm của đơn vị chủ trì nghiệp vụ và đơn vị sử dụng.

15. Hạ tầng công nghệ thông tin là hệ thống trang thiết bị bao gồm máy chủ, máy trạm, mạng truyền thông, cơ sở dữ liệu, thiết bị bảo mật, phần mềm và các thiết bị cần thiết khác phục vụ cho việc sản xuất, truyền dẫn, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số.

Điều 4. Nguyên tắc chung

1. Phần mềm nghiệp vụ được phát triển dựa trên yêu cầu nghiệp vụ của đơn vị chủ trì nghiệp vụ và đơn vị sử dụng. Mỗi phần mềm nghiệp vụ phải có đơn vị chủ trì nghiệp vụ chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ và đơn vị chủ trì công nghệ thông tin chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Phần mềm nghiệp vụ sau khi hết hạn bảo hành phải được bảo trì để vận hành, khai thác lâu dài.

2. Cục Công nghệ tin học, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và bên thứ ba phải xác định rõ và thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn theo quy định liên quan trong quá trình phát triển, bảo trì phần mềm nghiệp vụ.

3. Trong trường hợp một đơn vị được phân công đảm nhận nhiều vai trò trong quá trình phát triển và bảo trì một phần mềm nghiệp vụ cụ thể, đơn vị đó phải có văn bản phân công rõ trách nhiệm của các bộ phận trong đơn vị theo từng vai trò được phân công đảm nhận và phải đảm bảo nguyên tắc độc lập giữa các bộ phận lập, kiểm soát và phê duyệt việc phát triển và bảo trì phần mềm.

Điều 5. Định hướng phát triển phần mềm

1. Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin tổ chức xây dựng kế hoạch và kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin của Ngân hàng Nhà nước trong đó bao gồm nội dung định hướng ứng dụng công nghệ thông tin.

2. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin, đơn vị phát triển phần mềm bảo đảm phát triển phần mềm nghiệp vụ tuân thủ theo đúng định hướng ứng dụng công nghệ thông tin của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 6. Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin

1. Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin cung cấp yêu cầu sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin cho đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin.

2. Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin như máy chủ, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, mạng truyền thông, trang thiết bị an ninh bảo mật cho việc triển khai, vận hành phần mềm nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.

3. Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin theo thời hạn như sau:

a) Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu trong trường hợp hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của Ngân hàng Nhà nước đã có sẵn;

b) Trong khoảng thời gian cần thiết để trang bị hạ tầng công nghệ thông tin theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với trường hợp hạ tầng công nghệ thông tin chưa được trang bị hoặc trang bị chưa đủ.

Điều 7. Điều kiện năng lực của đơn vị chủ trì công nghệ thông tin

Đơn vị chủ trì công nghệ thông tin phải có ít nhất 5 cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin và có chứng chỉ hoàn thành các khóa học về nghiệp vụ lập, quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của Chính phủ.

Điều 8. Trình tự phát triển phần mềm nghiệp vụ

1. Các giai đoạn phát triển phần mềm nghiệp vụ:

a) Lập kế hoạch;

b) Khảo sát yêu cầu người sử dụng;

c) Phân tích yêu cầu hệ thống;

d) Thiết kế phần mềm;

đ) Lập trình phần mềm;

e) Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm;

g) Triển khai thí điểm;

h) Đào tạo, tập huấn;

i) Đóng gói, bàn giao phần mềm;

k) Triển khai chính thức;

l) Nghiệm thu phần mềm;

m) Hỗ trợ vận hành.

2. Đối với các phần mềm nghiệp vụ thực hiện theo yêu cầu cấp bách được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, đơn vị chủ trì công nghệ thông tin được quyết định trình tự phát triển rút gọn, có thể không bao gồm các giai đoạn quy định tại điểm a, b, g, i nêu tại Khoản 1 Điều này.

Thông tư 34/2012/TT-NHNN quy định về phát triển và bảo trì phần mềm nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  • Số hiệu: 34/2012/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Toàn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 19 đến số 20
  • Ngày hiệu lực: 10/02/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH