Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2017/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN DỰ BỊ ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Thông tư số 06/2017/TT-BNV ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Bộ Nội vụ quy định mã số chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học;

Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ tại công văn số 6083/BNV-CCVC ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học.

2. Thông tư này áp dụng đối với giáo viên dự bị đại học trong các trường dự bị đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 2. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên dự bị đại học

1. Có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh.

2. Thương yêu, đối xử công bằng, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

3. Các tiêu chuẩn đạo đức khác của giáo viên quy định tại Luật Giáo dục và Luật Viên chức.

Chương II

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN DỰ BỊ ĐẠI HỌC

Điều 3. Giáo viên dự bị đại học hạng I

1. Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên dự bị đại học hạng II, giáo viên dự bị đại học hạng I còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì biên soạn, biên tập, phát triển chương trình, tài liệu giảng dạy của giáo viên dự bị đại học;

b) Tham gia đánh giá, xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm/đề tài nghiên cứu khoa học;

c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi/giáo viên chủ nhiệm giỏi trong khối các trường dự bị đại học;

d) Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên trong khối các trường dự bị đại học;

đ) Chủ trì xây dựng các nội dung bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề của nhà trường; Làm báo cáo viên các lớp/khóa bồi dưỡng giáo viên dự bị đại học; tham gia đánh giá kết quả bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của giáo viên dự bị đại học;

e) Chủ động phối hợp với địa phương, đoàn thể, các tổ chức xã hội tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc trong nhà trường.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng thạc sỹ trở lên, đúng hoặc phù hợp với môn học giảng dạy; nếu là phó hiệu trưởng có thể thay thế bằng thạc sỹ quản lý giáo dục trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông nếu không có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thiểu số;

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện kế hoạch, chương trình giáo dục hệ dự bị đại học;

b) Vận dụng sáng tạo và đánh giá được việc áp dụng những kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh dự bị đại học của đồng nghiệp;

c) Vận dụng linh hoạt những kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế để định hướng hiệu quả nghề nghiệp cho học sinh dự bị đại học;

d) Tích cực và chủ động, linh hoạt trong tổ chức, phối hợp với đồng nghiệp và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh dự bị đại học;

đ) Có khả năng vận dụng sáng tạo khoa học giáo dục hoặc phổ biến sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong khối các trường dự bị đại học;

e) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp Bộ hoặc giáo viên dạy giỏi/giáo viên chủ nhiệm giỏi khối các trường dự bị đại học;

g) Viên chức thăng hạng từ chức danh giáo viên dự bị đại học hạng II lên chức danh giáo viên dự bị đại học hạng I phải có thời gian giữ chức danh giáo viên dự bị đại học hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giáo viên dự bị đại học hạng II tối thiểu từ đủ 01 (một) năm trở lên.

Điều 4. Giáo viên dự bị đại học hạng II

1. Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên dự bị đại học hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng II còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Tham gia biên tập, đánh giá nội dung tài liệu dạy học của giáo viên dự bị đại học;

b) Chủ trì thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học;

c) Tham gia đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp viết sáng kiến kinh nghiệm, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cấp trường;

d) Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dự bị đại học cấp trường;

đ) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn;

e) Chủ động đề xuất các hoạt động giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc trong nhà trường;

g) Hỗ trợ đồng nghiệp trong hoạt động tư vấn tâm lý, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh dự bị đại học;

h) Tham gia tổ chức, đánh giá các cuộc thi/hội thi của học sinh trong khối các trường dự bị đại học.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đối với vị trí việc làm yêu cầu tiếng dân tộc thiểu số;

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững chương trình, kế hoạch giáo dục hệ dự bị đại học;

b) Vận dụng linh hoạt và hướng dẫn đồng nghiệp vận dụng những kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh dự bị đại học;

c) Vận dụng tốt những kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội trong tư vấn nghề nghiệp cho học sinh dự bị đại học;

d) Tích cực phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh dự bị đại học;

đ) Có khả năng vận dụng hiệu quả, đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp viết sáng kiến kinh nghiệm, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cấp trường;

e) Được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi/giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường;

g) Viên chức thăng hạng từ chức danh giáo viên dự bị đại học hạng III lên chức danh giáo viên dự bị đại học hạng II phải có thời gian giữ chức danh giáo viên dự bị đại học hạng III hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giáo viên dự bị đại học hạng III tối thiểu từ đủ 01 (một) năm trở lên.

Điều 5. Giáo viên dự bị đại học hạng III

1. Nhiệm vụ

a) Giảng dạy theo chương trình, kế hoạch giáo dục hệ dự bị đại học; Tham gia biên soạn tài liệu học tập, xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập trên cơ sở đề cương chi tiết các môn học dự bị đại học;

b) Tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học;

c) Vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục học sinh dự bị đại học;

d) Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, hình thành năng lực và phương pháp tự học của học sinh dự bị đại học;

đ) Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ;

e) Tham gia các hoạt động giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc trong nhà trường;

g) Tham gia tư vấn tâm lý, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh dự bị đại học;

h) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình và các tổ chức liên quan để tổ chức, hướng dẫn các hoạt động giáo dục học sinh dự bị đại học;

i) Tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm, hoạt động xã hội cho học sinh dự bị đại học; Tham gia quản lý học sinh nội trú;

k) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thiểu số;

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Co trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Thực hiện được chương trình, kế hoạch, giáo dục hệ dự bị đại học;

b) Vận dụng những kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh dự bị đại học;

c) Vận dụng những kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội trong tư vấn nghề nghiệp cho học sinh dự bị đại học;

d) Phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh dự bị đại học;

đ) Có khả năng biên soạn tài liệu học tập, vận dụng hoặc viết sáng kiến kinh nghiệm, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6. Điều khoản chuyển tiếp

Viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch giáo viên trung học phổ thông và các ngạch giảng viên theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC ngày 08 tháng 6 năm 1994 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành giáo dục và đào tạo, Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV ngày 15 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch của một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa - thông tin, Quyết định số 538/TCCP-TC ngày 18 tháng 12 năm 1995 của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc thay đổi tên gọi các ngạch công chức giảng dạy và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch trong trường đại học, cao đẳng, Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Danh mục các ngạch công chức và ngạch viên chức, nay được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học được bổ nhiệm.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên dự bị đại học trong các trường dự bị đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Hiệu trưởng các trường dự bị đại học trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm:

a) Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;

b) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên dự bị đại học thuộc diện quản lý theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp, ủy quyền sau khi phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các trường dự bị đại học thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường dự bị đại học;

b) Phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức giảng dạy của trường dự bị đại học từ ngạch viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học tương ứng quy định tại Thông tư này; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương.

Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2018.

Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường dự bị đại học chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Như Điều 10 (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục NGCBQLGD (10 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 30/2017/TT-BGDĐT về Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 30/2017/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/12/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Thị Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1059 đến số 1060
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản