Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 30/2011/TT-BYT hướng dẫn xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, ưu tú do Bộ Y tế ban hành

Chương IV

QUY TRÌNH XÉT TẶNG DANH HIỆU THẦY THUỐC NHÂN DÂN, THẦY THUỐC ƯU TÚ

Điều 16. Chuẩn bị ở cấp cơ sở (bước 1)

1. Thủ trưởng đơn vị cấp cơ sở tổ chức cuộc họp liên tịch giữa Đảng, chính quyền, Công đoàn, Đoàn Thanh niên của đơn vị để phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị quán triệt tiêu chuẩn xét chọn danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Thầy thuốc Ưu tú được quy định trong Luật Thi đua, Khen thưởng và tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.

2. Đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai và thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu thầy thuốc của đơn vị.

Điều 17. Đề cử xét tặng (bước 2)

1. Sau khi đã nghiên cứu, thảo luận và nắm vững các quy định về xét tặng danh hiệu Thầy thuốc, thủ trưởng đơn vị cấp cơ sở thông báo và hướng dẫn các khoa, phòng, vụ, cục, trung tâm, trạm đề cử những thầy thuốc đủ tiêu chuẩn ở đơn vị mình tham gia xét danh hiệu Thầy thuốc.

2. Lập danh sách những người được đề cử, kèm theo bản tóm tắt thành tích của từng người, niêm yết công khai tại đơn vị trong thời gian ít nhất 07 ngày làm việc.

3. Đề cử đối với trường hợp thầy thuốc chuyển đổi đơn vị công tác, thầy thuốc đã nghỉ hưu, thầy thuốc làm công tác giảng dạy:

a) Cán bộ làm công tác quản lý y tế có thể tham gia bình xét tại cơ sở trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật trước khi làm công tác quản lý.

b) Thầy thuốc đã nghỉ hưu tham gia bình xét tại đơn vị công tác trước khi nghỉ hưu hoặc tại Hội đồng mở rộng của Sở Y tế tại nơi cư trú.

c) Trường hợp các thầy thuốc làm công tác giảng dạy lâm sàng, cận lâm sàng, phòng chống dịch, bệnh tại các cơ sở thực hành thì tham gia bình xét tại cơ sở thực hành lâu nhất.

d) Trường hợp các thầy thuốc làm công tác giảng dạy lâm sàng, cận lâm sàng, phòng chống dịch, bệnh tại các cơ sở thực hành mà chưa đủ điều kiện thành lập Hội đồng cấp cơ sở thì phải có xác nhận của cơ sở thực hành và tham gia bình xét tại đơn vị đang công tác hoặc Hội đồng mở rộng của Sở Y tế.

Điều 18. Tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức để lấy phiếu tín nhiệm của quần chúng (bước 3)

1. Đơn vị tổ chức Hội nghị (đơn vị bầu):

a) Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức là một đơn vị bầu.

b) Những đơn vị có số lượng cán bộ, công chức, viên chức lớn thì có thể tổ chức Hội nghị riêng theo các bộ phận trực thuộc gồm những cán bộ, công chức, viên chức có tính chất công việc giống nhau. Kết quả bầu của đơn vị là tổng hợp kết quả bầu của các hội nghị cơ sở trực thuộc.

2. Người được tham gia bầu: Cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị có trình độ từ trung cấp trở lên.

3. Tổ chức Hội nghị:

Hội nghị phải tổ chức bỏ phiếu kín. Hội nghị chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số người trong diện tham gia bầu có mặt và bỏ phiếu. Chỉ những thầy thuốc đạt ít nhất 2/3 số phiếu tín nhiệm trên tổng số người tham gia bầu mới được đề nghị đưa ra xem xét tại Hội đồng cấp cơ sở. Kết quả bỏ phiếu phải được lập thành Biên bản.

4. Thông báo kết quả bầu:

Danh sách những người đạt số phiếu tín nhiệm phải được niêm yết hoặc thông báo công khai trong toàn đơn vị ít nhất 07 ngày làm việc để cán bộ công chức, viên chức biết và góp ý kiến. Sau đó, Tổ thư ký tổng hợp để lãnh đạo đơn vị trình lên Hội đồng cấp cơ sở xem xét.

Điều 19. Xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú tại các Hội đồng

1. Tại Hội đồng cấp cơ sở:

a) Thường trực hội đồng tổng hợp, gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng để nghiên cứu trước khi Hội đồng họp. Thành viên Hội đồng nghiên cứu kỹ báo cáo thành tích của các thầy thuốc, đối chiếu với tiêu chuẩn xét tặng và nghe ý kiến phản ánh của quần chúng (nếu có).

Trường hợp thầy thuốc có đơn thư khiếu nại, tố cáo thì thủ trưởng đơn vị phải giải quyết xong trước khi họp Hội đồng.

b) Hội đồng họp thảo luận và bỏ phiếu kín. Chỉ những người đạt ít nhất 90% số phiếu tín nhiệm trên tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập mới được lập danh sách đề nghị lên Hội đồng cấp trên

c) Danh sách những người đạt số phiếu tín nhiệm đề cử danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú phải được niêm yết hoặc thông báo công khai trong toàn đơn vị, cơ quan, tổ chức ít nhất 07 ngày làm việc.

d) Sau thời gian thông báo, Hội đồng cấp cơ sở họp xem xét lần cuối, lập danh sách đề nghị lên Hội đồng cấp trên.

2. Tại Hội đồng cấp Bộ, tỉnh:

a) Thường trực Hội đồng nghiên cứu, xem xét hồ sơ, đối chiếu tiêu chuẩn quy định, tổng hợp danh sách trình Hội đồng.

b) Các thành viên Hội đồng phải xem xét, nghiên cứu danh sách đề nghị do Thường trực Hội đồng tổng hợp.

c) Hội đồng họp thảo luận, xem xét và bỏ phiếu kín. Chỉ những người đạt ít nhất 90% số phiếu tín nhiệm trên tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập mới lập danh sách gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước.

d) Tất cả các đơn thư có danh phải được giải quyết trước khi Hội đồng cấp Bộ, tỉnh họp.

đ) Danh sách những người đạt số phiếu tín nhiệm đề cử danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú phải được thông báo trở lại với Hội đồng cấp cơ sở. Sau khi thu thập ý kiến phản ánh của các đơn vị, Hội đồng cấp Bộ, tỉnh xem xét lần cuối để quyết định lập danh sách đề nghị lên Hội đồng cấp Nhà nước.

Điều 20. Thông báo các trường hợp không đạt

Tất cả những trường hợp đã tham gia xét nhưng không đạt hoặc không được đề nghị lên Hội đồng cấp trên, nếu xét tại cấp nào thì cấp đó phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự biết.

Thông tư 30/2011/TT-BYT hướng dẫn xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, ưu tú do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 30/2011/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/06/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 435 đến số 436
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH