- 1Nghị định 85-HĐBT năm 1988 về điều lệ về kiểu dáng công nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Nghị định 200-HĐBT năm 1988 về Điều lệ giải pháp hữu ích do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Nghị định 31-CP năm 1981 Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 197-HĐBT năm 1982 Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3-NCPL | Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 1989 |
Ngày 11-2-1989 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký lệnh công bố Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Pháp lệnh đã giao cho Toà án nhân dân xét xử một số tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp.
Sau khi trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn các Toà án nhân dân địa phương xét xử các loại việc nói trên như sau:
1. Khiếu nại việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (khoản 3 Điều 9 và khoản 2 Điều 16).
2. Tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và chủ văn bằng bảo hộ về khoản tiền phải trả trong các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 14).
3. Khiếu nại về việc cấp văn bằng bảo hộ cho người không có quyền nộp đơn hoặc xác nhận văn bằng bảo hộ không đúng tác giả (khoản 2 Điều 28).
4. Khiếu nại về việc trả thù lao (khoản 3 Điều 28).
5. Tranh chấp liên quan đến hợp đồng dân sự về chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 30).
II. Nội dung giải quyết các tranh chấp.
1. Khiếu nại việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (khoản 3 Điều 9 và khoản 2 Điều 16).
Kể từ ngày phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình, chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu Toà án xét xử hành vi xâm phạm đó.
Cơ sở pháp lý để chủ văn bằng có thể kiện đến Toà án là họ đã được Nhà nước cấp bằng độc quyền về sáng chế, giải pháp hữu ích, giấy chứng nhận kiểu dáng công nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và giấy chứng nhận đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hoá và các văn bằng bảo hộ này đã có hiệu lực pháp luật.
Trong khi xét xử, các Toà án nhân dân cần chú ý các yếu tố sau đây:
a) Phải có hành vi sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được Nhà nước bảo hộ, cụ thể là:
- Đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp: sản xuất, sử dụng, nhập khẩu, quảng cáo và lưu thông các sản phẩm được sản xuất theo sáng chế, giải pháp hữu ích, kiếu dáng công nghiệp đã được bảo hộ cũng như việc áp dụng các phương pháp đã được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích (khoản 1 Điều 11).
- Đối với nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá: gắn nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá trên sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc trên giấy tờ giao dịch nhằm đánh dấu hoặc chỉ rõ xuất xứ sản phẩm, quảng cáo nhãn hiệu hàng hoá hoặc tên gọi xuất xứ hàng hoá (khoản 2 Điều 11) hoặc sử dụng một dấu hiệu hoặc tên gọi giống với nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ đến mức có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, gây thiệt hại cho quyền lợi của chủ văn bằng bảo hộ (điểm b khoản 1 Điều 12).
b) Hành vi sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên là trái phép.
(Không được phép của chủ văn bằng bảo hộ hoặc không được Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cấp giấy phép sử dụng).
c) Hành vi sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên phải nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh.
d) Hành vi sử dụng xẩy ra trong thời hạn hiệu lực của các văn bằng bảo hộ (quy định tại các điều 23, 24, 25).
Những hành vi sau đây không bị coi là xâm phạm quyền của chủ văn bằng bảo hộ (khoản 2 Điều 12):
a. Sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không nhằm mục đích kinh doanh (chỉ nhằm thoả mãn một nhu cầu cá nhân. Ví dụ: Một người áp dụng sáng chế của người khác để chế tạo và lắp ráp ăng ten cho vô tuyến truyền hình của mình hoặc sử dụng vào mục đích thí nghiệm thì không bị coi là xâm phạm sáng chế);
b. Lưu thông và sử dụng các sản phẩm do chủ văn bằng bảo hộ, người được quyền sử dụng trước hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng đã đưa ra thị trường;
c. Sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ trên các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời ở trên lãnh thổ Việt Nam, nếu việc sử dụng chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện đó. Ví dụ: sử dụng các cơ cấu, chi tiết, bộ phận trên tàu thuỷ, máy bay hoặc các phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời ở trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo quy định của Điều 16 Pháp lệnh thì "Người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị chủ văn bằng bảo hộ yêu cầu Toà án xét xử những xâm phạm gây thiệt hại cho mình. Nếu sau thời hạn 3 tháng kể từ khi nhận được đề nghị mà chủ văn bằng bảo hộ không thực hiện đề nghị đó thì người được chuyển giao quyền sử dụng tự mình có quyền yêu cầu Toà án xét xử".
2. Tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và chủ văn bằng bảo hộ về khoản tiền phải trả cho chủ văn bằng trong các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 14).
Trong các trường hợp tổ chức, cá nhân được chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỷ thuật Nhà nước cấp giấy phép sử dụng phải trả cho chủ văn bằng bảo hộ một khoản tiền thoả đáng trên cơ sở lợi ích thu được. Nếu họ không thoả thuận được với nhau về mức tiền phải trả, thì có thể yêu cầu toà án giải quyết.
Các bên tranh chấp có thể đề xuất với Toà án mức tiền phải trả. Căn cứ vào lợi ích mà tổ chức, cá nhân thu được do áp dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó. Toà án sẽ quyết định.
3. Khiếu nại việc cấp văn bằng bảo hộ cho người không có quyền nộp đơn hoặc xác nhận văn bằng bảo hộ không đúng tác giả (khoản 2 Điều 28).
Mọi tổ chức, cá nhân kể từ ngày phát hiện ra việc cấp sai đó, đều có quyền khiếu nại.
3. a) Khiếu nại việc cấp văn bằng bảo hộ cho người không có quyền nộp đơn. Theo quy định của điều 18 Pháp lệnh thì chỉ những người sau đây mới có quyền nộp dơn yêu cầu Nhà nước bảo hộ:
* Đối với sáng chế, giả pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp quyền nộp đơn thuộc về tác giả hoặc người thừa kế hợp pháp của họ.
* Đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp công vụ được tạo ra khi tác giả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước, đơn vị kinh tế quốc doanh hoặc tập thể trong phạm vi trách nhiệm được giao hoặc cơ quan, đơn vị đầu tư kinh phí thiết bị để tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp đó thì quyền nộp đơn thuộc về các cơ quan, đơn vị này.
* Nếu sau thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của tác giả mà cơ quan, đơn vị không nộp đơn yêu cầu bảo hộ thì quyền nộp đơn thuộc về tác giả.
* Đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp được tạo ra khi thực hiện hợp đồng nghiên cứu, triển khai khoa học - kỹ thuật thì quyền nộp đơn thuộc về bên đã giao việc, nếu trong hợp đồng không thoả thuận về quyền nộp đơn yêu cầu bảo hộ.
*Đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp được tạo ra ở các đơn vị cơ sở thực hiện hợp đồng lao động thì quyền nộp đơn thuộc về đơn vị cơ sở, nếu trong hợp đồng lao động không ghi rõ ai có quyền nộp đơn yêu cầu bảo hộ.
* Đối với nhãn hiệu hàng hoá quyền nộp đơn thuộc về tổ chức hoặc cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh danh hợp pháp.
* Đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá người có quyền nộp đơn là tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp tại địa phương có những yếu tố đặc trưng, quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh.
- Những tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền nộp đơn bằng văn bản cũng có quyền nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.
3. b) Khiếu nại việc xác nhận văn bằng bảo hộ không đúng tác giả cụ thể là xác nhận không đúng những người đã được quy định tại khoản 2 Điều 8 của Pháp lệnh.
* Người được xác nhận là tác giả không phải là người tạo ra pháp chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp bằng chính lao động sáng tạo của mình.
* Người được xác nhận là đồng tác giả không phải là người cùng đóng góp lao động sáng tạo để tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp, mà họ chỉ là người giúp tác giả về mặt kỹ thuật trong quá trình tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp như: chuẩn bị bản vẽ hay ảnh chụp, trình bày tư liệu, chế tạo vật mẫu v.v...
Đối với cả hai trường hợp trên đây người khiếu nại phải gửi đơn đến Cục Sáng chế Uỷ ban Khoa học và kỷ thuật Nhà nước để Cục trưởng Cục Sáng chế xem xét, giải quyết trước trong thời hạn do Hội đồng Bộ trưởng quy định. Nếu không đồng ý với quyết định của Cục trưởng Cục Sáng chế thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định đó các bên liên quan có quyền kiện đến toà án yêu cầu xét xử. Toà án phải kiểm tra lý do khiếu nại và xác minh tính có căn cứ của các yêu cầu mà họ đã nêu ra. Căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh và quyết định giải quyết của Cục trưởng Cục sáng chế và các chứng cứ đã thu được, toà án xác định ai là chủ văn bằng và ai là tác giả thật sự và phải nói rõ trong bản án. Căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân, Cục trưởng Cục sáng chế làm thủ tục giữ nguyên, sửa đổi hoặc huỷ bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ.
4. Khiếu nại về việc trả thù lao (khoản 3 Điều 28).
- Tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiếu dáng công nghệ và người thừa kế hợp pháp của tác giả có quyền yêu cầu Toà án xét xử trong trường hợp không đồng ý với việc trả thù lao, cụ thể là:
+ Không đồng ý với mức thù lao do chủ văn bằng bảo hộ xác định (thấp hơn mức tối thiểu do Hội đồng Bộ trưởng quy định).
+ Chủ văn bằng không trả thù lao hoặc trả thù lao cho tác giả không đúng hạn.
+ Chủ văn bằng xác định mức tiền làm lợi không đúng.
Mức thù lao cho tác giả được xác định trên cơ sở lợi ích thu được do áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Sau khi có quy định cụ thể của Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề này, Toà án nhân dân tối cao sẽ hướng dẫn các Toà án nhân dân địa phương để có cơ sở xét xử.
5. Tranh chấp liên quan đến hợp đồng dân sự về chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 30).
- Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu thể hiện sự định đoạt của chủ văn bằng đối với quyền sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp. Trên cơ sở hợp đồng, quyền sở hữu được chuyển cho người khác, người này sẽ có quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ, các tranh chấp liên quan đến loại hợp đồng này được giải quyết như những tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu các tài sản khác.
Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng dân sự về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có thể phát sinh vì có sự vi phạm điều kiện ký kết hợp đồng như: Thiếu sự tự nguyện do lầm lẫn hoặc bị lừa dối... hoặc do có vi phạm các diều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng như bên ký kết hợp đồng sử dụng các đối tượng quá phạm vi cho phép, quá thời hạn quy định, vi phạm các thoả thuận về giữ bí mật, về thanh toán hợp đồng, v.v...
Toà án nhân dân yêu cầu bên vi phạm phải chấm dứt việc vi phạm, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết. Chủ văn bằng có thể huỷ bỏ hợp đồng hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên vi phạm vẫn tiếp tục hành vi đó.
III. Thủ tục tố tụng và quyền hạn của toà án nhân dân.
1. Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các loại việc nói trên theo thủ tục tố tụng chung về dân sự.
Trong trường hợp một hoặc cả hai bên đương sự là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì tranh chấp do Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử theo yêu cầu của nguyên đơn.
2. Tuỳ từng trường hợp cụ thể các đương sự phải gửi kèm theo đơn kiện các tài liệu sau đây (bản sao hoặc bản chính):
- Bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.
- Giấy chứng nhận kiểu dáng công nghiệp.
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.
- Giấy chứng nhận đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hoá.
- Hợp đồng nghiên cứu, triển khai khoa học - Kỹ thuật, hoặc hợp đồng lao động.
- Giấy chứng nhận phần đóng góp của từng tác giả (nếu là đồng tác giả).
Quyết định giải quyết của Cục trưởng Cục Sáng chế (đối với khiếu nại theo quy định của khoản 2 Điều 28).
- Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Hoặc một số giấy tờ cần thiết khác v.v...
3. Các đương sự phải chứng minh các yêu cầu của mình. Toà án nhân dân có thể yêu cầu các đương sự cung cấp thêm tài liệu chứng cứ hoặc tự mình thu nhập thêm chứng cứ. Nếu thấy cần thiết thì toà án nhân dân trưng cầu giám định. Toà án có quyền quyết định các biện pháp khẩn cấp tạm thời (như buộc bên vi phạm phải chấm dứt việc vi phạm, kê biên hàng hoá phạm pháp hoặc tạm giữ tài sản để bảo đảm cho việc bồi thường...).
4. Toà án phải hoà giải trong quá trình giải quyết loại việc kiện quy định tại các điểm 2 và 5 phần I nói trên.
5. Hội thẩm nhân dân tham gia hội đồng xét xử phải là những cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ chuyên môn, có khả năng giải quyết đúng đắn vụ kiện. Phiên toà có đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tham gia. Các đương sự có thể nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
6. Người bị thiệt hại có quyền đề nghị Toà án nhân dân buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho mình. Mức bồi thường được căn cứ vào thiệt hại thực tế của chủ văn bằng hoặc lợi nhuận mà bên có hành vi trái pháp luận thu được.
7. Các đương sự có quyền kháng cáo và Viện Kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị các bản án và quyết định sơ thẩm Toà án nhân dân cấp tỉnh để yêu cầu Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
8. Nguyên đơn phải nộp án phí và Toà án sẽ quyết định về án phí như các vụ kiện dân sự khác theo các quy định hiện hành.
9. Khi xét xử các Toà án nhân dân cần căn cứ vào các quy định của pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp (ban hành theo Nghị định số 85-HĐBT ngày 13-5-1988 của Hội dồng bộ trưởng), Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế (ban hành kèm theo Nghị định số 31-CP ngày 23-1-1981 của Hội đồng Chính phủ) và Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá (ban hành kèm theo Nghị định số 197-HĐBT ngày 14-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng) và Điều lệ về giải pháp hữu ích (ban hành kèm theo Nghị định số 200-HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng) và các văn bản hướng dẫn thi hành các Điều lệ nói trên của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (Toà án nhân dân tối cao sẽ sao gửi các Toà án nhân dân cấp tỉnh để làm cơ sở xét xử).
Việc xét xử những loại việc nói trên theo quy định của Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là loại mới và phức tạp, cho nên các Toà án nhân dân cấp tỉnh cần nghiên cứu kỹ nội dung của Thông tư này. Trước khi xét xử nên tranh thủ ý kiến của cơ quan khoa học và kỹ thuật địa phương. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Toà án cần báo cáo với toà án nhân dân tối cao để nghiên cứu hướng dẫn tiếp.
Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |
- 1Nghị định 85-HĐBT năm 1988 về điều lệ về kiểu dáng công nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Nghị định 200-HĐBT năm 1988 về Điều lệ giải pháp hữu ích do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 4Nghị định 31-CP năm 1981 Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 197-HĐBT năm 1982 Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Thông tư 3-NCPL-1989 hướng dẫn xét xử một số tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp do Toà án nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 3-NCPL
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/07/1989
- Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
- Người ký: Trịnh Hồng Dương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/07/1989
- Ngày hết hiệu lực: 01/07/1996
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực