Hệ thống pháp luật

BỘ ĐIỆN VÀ THAN
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 26-ĐT/VPI

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1977

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG NGUỒN ĐIỆN, TRIỆT ĐỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN, DÀNH ĐIỆN CHO SẢN XUẤT

Chấp hành Chỉ thị số 252-TTg ngày 15-06-1977 của Thủ tướng Chính phủ, về phần mình Bộ Điện và than đã có hướng dẫn cho các Sở trực thuộc khẩn trương thực hiện. Với các Bộ, các ngành và các địa phương, Bộ chúng tôi xin nêu một số điểm cần làm như sau để thực hiện tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

I. VỀ NHỮNG NGUỒN PHÁT ĐIỆN Ở NGOÀI LƯỚI

…………….

…………….([1])

3. Theo tinh thần Chỉ thị số 252-TTg thì khi nguồn điện lưới không đủ để phục vụ, các xí nghiệp có nguồn điện riêng sẽ không được cung cấp điện lưới hoặc chỉ được cung cấp phần công suất còn thiếu mà thôi, nếu công suất nguồn điện riêng chưa đủ cho nhu cầu điện của xí nghiệp có máy.

4. Đối với các xí nghiệp có nguồn điện riêng, lâu nay vẫn dùng điện lưới, nay tự túc điện bằng máy phát của mình hoặc cung cấp điện cho lưới bằng máy phát của mình thì công ty điện lực (Sở quản lý và phân phối điện khu vực của công ty) có trách nhiệm xác nhận vào kế hoạch huy động nguồn điện riêng này tính bằng kWh, vào cuối quý trước cho quý sau để xí nghiệp có máy làm cơ sở yêu cầu Nhà nước cung cấp than dầu. Nếu là trường hợp cung cấp điện cho lưới thì Sở quản lý phân phối điện có trách nhiệm ký hợp đồng mua điện của xí nghiệp có máy phát. Hai bên phải tôn trọng hợp đồng đã ký và chịu các sự ràng buộc của hợp đồng theo chế độ hợp đồng kinh tế mà Nhà nước đã quy định tại Nghị định số 54-CP (10-03-1975). Các xí nghiệp có nguồn điện riêng không được viện lý do khó khăn mà thoái thác việc huy động nguồn điện riêng của mình và trong trường hợp này ngành điện có thể không chịu trách nhiệm về cung cấp điện cho xí nghiệp đồng thời báo cáo lên bộ chủ quản để can thiệp.

5. Việc hạch toán chi phí trong việc sử dụng nguồn điện diésel riêng để phục vụ sản xuất sẽ tiến hành theo Thông tư số 5-TC/CN/XD ngày 25-03-1974 của Bộ Tài chính.

II. VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP TÍCH CỰC ĐỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN, DÀNH ĐIỆN ƯU TIÊN CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP

A. ĐỂ BẢO ĐẢM CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN CUNG CẤP ĐIỆN.

1. Đối với việc bơm nước chống hạn hoặc chống úng, việc cung cấp điện lưới ở những nơi đã có trạm bơm dùng điện lưới, được xếp vào loại ưu tiên hàng đầu.

Ngành điện của Bộ Điện và than chịu trách nhiệm bảo đảm về sản lượng và về chất lượng điện (điện áp và tính liên tục). Nơi nào mà điện lưới về đến đó không còn đủ điện áp theo quy định của quy phạm và của điều lệ cung cấp tiêu thụ điện, nhưng xét thấy vẫn còn chạy được bơm trong một thời gian ngắn thì Công ty điện lực phải có văn bản thỏa thuận cho trạm bơm ở đó hoặc ở khu vực đó được chạy bơm với điện áp thấp hơn điện áp định mức trong một thời gian nhất định.

2. Công ty điện lực của Bộ Điện và than chịu trách nhiệm nghiên cứu tách từng đường dây cao thế cung cấp điện cho các trạm bơm quan trọng ra khỏi đường dây chung có nhiều phụ tải khác, nhằm có thể thực hiện được chế độ ưu tiên một cách có hiệu lực cho thủy lợi.

3. Khi hạn hoặc úng mà nguồn điện lưới không đủ, Sở quản lý và phối hợp điện khu vực sau khi báo cáo cụ thể với Ủy ban nhân dân tỉnh và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện, phải cắt tất cả những phụ tải không ưu tiên móc vào đường dây hoặc vào máy biến áp của các trạm bơm nông nghiệp để có thể bảo đảm cung cấp ưu tiên đủ số lượng và điện áp cho trạm bơm. Chính quyền địa phương cần phối hợp với Sở quản lý và phân phối điện khu vực để làm việc này và ngăn cấm mọi việc tự ý móc lại điện.

4. Đối với các xí nghiệp và công trường xây dựng cơ bản của các Bộ, Tổng cục và các tỉnh, Bộ Điện và than đề nghị Bộ, Tổng cục, tỉnh lập danh sách thứ tự ưu tiên về cung cấp điện cho từng 6 tháng (có ghi rõ số ca làm việc mỗi ngày và công suất điện cần cung cấp mỗi ca) gửi cho Bộ Điện và than trước một tháng để Bộ Điện và than bố trí cung cấp điện. Mỗi khi cần sửa đổi hoặc bổ sung danh sách thứ tự ưu tiên đó, các Bộ, Tổng cục, tỉnh… làm công văn gửi cho Bộ Điện và than để điều chỉnh và bổ sung.

B. ĐỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP.

1. Hạn chế cao điểm.

Việc dùng điện tập trung vào ban ngày và vào các giờ đầu hôm (18 đến 22h) khiến cho trong các giờ ấy các nhà máy điện và các đường dây dẫn điện cao thế bị quá tải, hiệu suất lò và máy của các nhà máy điện bị giảm thấp, tổn thất điện năng do phát nhiệt trên các đường dây tăng cao, từ đó vốn đầu tư của Nhà nước vào ngành điện phải tăng lên một cách không hợp lý thì mới thỏa mãn được nhu cầu như thế. Để tránh tình trạng đó ngay từ năm 1960 Hội đồng Chính phủ đã có Nghị định số 12-CP ngày 21-05-1960 về tiết kiệm sức điện. Nghị định đã ấn định (ở điều 5) các xí nghiệp, công trường… làm việc 1 ca, 2 ca không được dùng điện chạy máy trong giờ cao điểm, các xí nghiệp làm việc 3 ca cần dùng điện để chạy máy trong giờ cao điểm thì phải bố trí chạy máy thật hợp lý để tránh tiêu thụ nhiều điện. Nghị định số 12-CP ngày 21-05-1960 nay đã được văn bản quyết định số 422-TTg ngày 11-11-1976 cho thi hành trên cả nước ta.

Như vậy, xét về mặt lợi ích kinh tế chung cũng như về mặt chế độ của Nhà nước, các xí nghiệp làm việc 1 ca và 2 ca không được cấp điện lưới vào các giờ cao điểm. Cao điểm về điện buổi tối là từ lúc 18h đến 22h hàng ngày, gọi là “cao điểm tối”. Buổi sáng từ 6h đến 10h cũng là một thời gian cao điểm gọi là “cao điểm sáng”. Tuy nhiên vào các giờ cao điểm sáng các xí nghiệp làm việc 2 ca (16h) vẫn đương nhiên được cung cấp điện.

Tóm lại để thực hiện chế độ nói trên, Bộ Điện và than quy định như sau:

- Các xí nghiệp làm việc 1 ca được cung cấp điện lưới từ 9h đến 17h hoặc từ 10h đến 18h.

- Các xí nghiệp làm việc 2 ca được cung cấp điện lưới từ 10h cho đến 18h và từ 22h cho đến 6h hoặc liên tục từ lúc 22h cho đến 16h hôm sau nếu muốn tránh sự gián đoạn giữa 2 ca kế tiếp.

2. Nghỉ luân phiên.

Việc nghỉ chủ nhật vào các ngày khác trong tuần lễ đã được quy định từ lâu và đã thành nền nếp, có tác dụng tận dụng công suất của lưới điện vào cả ngày chủ nhật. Điều này cũng đã được quy định ở Nghị định số 12-CP nói trên (Điều 7). Các xí nghiệp, công trường trong mỗi khu vực, mỗi tỉnh, thành cần tiếp tục thực hiện chế độ này. Sở quản lý và phân phối điện khu vực có trách nhiệm phối hợp cùng chính quyền địa phương quy định, giám sát và kiểm tra việc thi hành.

3. Nâng cao hệ số công suất.

Hệ số công suất (Cosj) quá thấp ở những nơi dùng điện đòi hỏi các nhà máy điện phải phát nhiều điện năng vô công và tải đến để bù lại cho nơi dùng điện khỏi bị tụt điện áp đến mức quá thấp. Việc tải công suất vô công này không những làm cho tổn thất điện năng trên các đường dây tăng lên một cách lãng phí mà còn hạn chế khả năng phát công suất hữu công của các nhà máy điện.

a) Để tránh lãng phí này, các xí nghiệp công trường, nông trường cần tắt những động cơ không làm việc, không được để chạy không tải và cũng không nên cho các động cơ chạy non tải.

b) Việc cho hoạt động các máy bù quay hoặc các bộ tụ điện tĩnh đã đặt ở một số xí nghiệp góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hệ số công suất (Cosj) và tránh lãng phí nói trên.

Các Bộ, các ngành, và các tỉnh cần chỉ thị cho các xí nghiệp của mình chú ý thực hiện việc này.

Sở quản lý và phân phối điện khu vực có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ, hướng dẫn về mặt kỹ thuật.

4. Định mức, chỉ tiêu sử dụng điện cho một sản phẩm và chỉ tiêu công suất điện cho xí nghiệp; quản lý chặt chẽ các định mức đó.

Điện là một loại vật tư kỹ thuật quan trọng của Nhà nước nhưng cho đến nay việc quản lý chỉ tiêu điện dùng cho mỗi sản phẩm công nghiệp chưa được quan tâm. Từ nay mỗi cơ sở dùng điện đều phải xây dựng định mức điện tính bằng kWh cho mỗi sản phẩm của cơ sở mình và định mức công suất tính bằng kW cần thiết cho mỗi ca trong ngày căn cứ vào kế hoạch sản xuất được Nhà nước giao.

Bảng định mức chỉ tiêu điện dùng cho mỗi sản phẩm của cơ sở do cơ sở tự xây dựng và được Sở quản lý và phối hợp điện thuộc Bộ Điện và than góp ý kiến. Bảng định mức này phải gửi Bộ chủ quản của cơ sở dùng điện, đồng gửi cho Bộ Điện và than, để được xét công nhận với sự tham gia của Bộ Điện và than. Sau khi được Bộ chủ quản duyệt bảng định mức chỉ tiêu dùng điện này sẽ được thông báo lại cho cơ sở dùng điện và cho Công ty điện lực thuộc Bộ Điện và than để làm cơ sở ký hợp đồng cung cấp và tiêu thụ điện giữa hai bên.

C. ĐỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP.

1. Các trạm bơm thủy lợi phải tôn trọng chế độ giờ vận hành mà Bộ Thủy lợi (Cục thủy nông) và Bộ Điện và than (Công ty điện lực) đã phối hợp quy định và thông báo từng thời gian. Trừ các trường hợp được quy định cụ thể (đối với các trạm bơm lớn đầu mối hoặc lúc úng hạn nặng) tất cả các trạm bơm phải chạy vào các giờ từ 22h đến 6h và từ 10h đến 18h, không được chạy vào các giờ cao điểm tối (từ 18h đến 22h).

2. Các máy bù Cốc thành (Hà Nam Ninh) phải đưa vào vận hành. Các bộ tụ điện đã lắp cho các trạm bơm cũng đều phải đưa vào vận hành. Các Sở quản lý và phân phối điện thuộc Công ty điện lực chịu trách nhiệm đôn đốc và giúp đỡ về mặt kỹ thuật trong việc vận hành các thiết bị này.

D. ĐỂ TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG VIỆC DÙNG CHO SINH HOẠT.

1. Nay tạm thời quy định mức điện sinh hoạt bình quân cho mỗi hộ gia đình có diện tích ở chính không quá 30m2 là không quá 30 kWh/tháng, những trường hợp cụ thể cần cung cấp theo định mức cao hơn thì phải được Sở quản lý và phối hợp điện đề nghị Bộ Điện và than duyệt.

Hộ dùng điện sinh hoạt nào dùng quá tiêu chuẩn được quy định thì tháng sau không được cung cấp đủ. Vi phạm ba tháng liên tiếp thì có thể bị cắt điện không cung cấp nữa.

2. Cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế phải gương mẫu chấp hành chủ trương tiết kiệm điện, phải tự mình trả tiền phần điện dùng quá tiêu chuẩn cung cấp theo chế độ hiện hành về nhà ở, điện nước.

3. Cơ quan và xí nghiệp đều phải xem xét lại số đèn, quạt và các dụng cụ sinh hoạt khác của mình, giảm những thứ ít cần thiết như đèn bảo vệ, bếp điện (trừ bếp điện của phòng y tế dùng để luộc kim tiêm).

Sở quản lý và phân phối điện có trách nhiệm soát lại tình hình dùng điện của các xí nghiệp và cơ quan, phối hợp với xí nghiệp, cơ quan đó mà cùng nhau quy định một định mức điện dùng hàng tháng, xí nghiệp hoặc cơ quan và phía cung cấp điện (Sở quản lý và phối hợp điện) đều phải chấp hành nghiêm chỉnh định mức đó, từng tháng không được vượt quá 10%.

4. Các hộ dùng điện sinh hoạt có sử dụng bếp điện, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, đều phải kê khai cho Sở quản lý và phân phối điện.

Mặc dù đã kê khai, hiện nay bếp điện không được dùng, trừ các cơ sở y tế dùng cho công tác chuyên môn.

5. Các sở quản lý và phối hợp điện có trách nhiệm tăng cường việc lắp công tơ đếm điện cho các hộ dùng điện sinh hoạt. Bước đầu dùng biện pháp một công tơ chính với không quá 8 công tơ phụ kèm theo, tiến tới mỗi hộ dùng điện được đặt 1 công tơ chính.

Hộ nào đã tự mua được công tơ thì sở quản lý và phối hợp điện có trách nhiệm bán bảng gỗ, cầu chì, cáp chì, và lắp đặt công tơ cho hộ đó. Khi hộ dùng điện này đã trở thành một hộ chính thức thì công tơ trở thành công tơ chính phải là tài sản của sở quản lý và phân phối điện, cho nên lúc ấy sở quản lý và phân phối điện phải thanh toán lại tiền mua công tơ cho khách hàng của mình theo giá Nhà nước và theo tỷ lệ giá trị còn lại của công tơ đó.

6. Tất cả các cơ quan, cửa hàng, rạp hát, rạp xiếc, rạp chiếu bóng đều không được tự ý thắp đèn trang trí, nếu đã lắp thì không được bật điện. Vào những ngày quốc lễ hoặc những ngày có công tác đối ngoại cần thiết của Nhà nước, mức độ trang trí bằng điện sẽ có quy định cụ thể riêng.

III. NHỮNG BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Về phần các cơ sở sử dụng điện.

Tất cả các cơ quan, đơn vị sản xuất, đơn vị xây dựng, bệnh viện, trường học, v.v… đều phải phổ biến quán triệt tinh thần chỉ thị số 252-TTg ngày 15-06-1977 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này. Tại các địa phương, dùng mọi hình thức để phổ biến đến tận tiểu khu; các huyện xã, thị trấn, thị xã, có lưới điện.

A. CÁC ĐƠN VỊ VÀ CƠ QUAN CẦN LÀM NHỮNG VIỆC SAU ĐÂY:

1. Đăng ký cho Công ty điện lực (các Sở quản lý và phối hợp điện khu vực) các yêu cầu ghi ở điểm 4, mục B và điểm 3, mục D nói trên: định mức sử dụng điện, công suất, định lượng điện ánh sáng, v.v…
2. Lập ngay kế hoạch củng cố và huy động nguồn điện nhỏ, kế hoạch sử dụng điện và biện pháp tiết kiệm điện. Cùng với cơ quan cung cấp điện thống nhất kế hoạch cung cấp và sử dụng điện.

3. Ban hành bổ sung hoặc sửa đổi những nội quy về sử dụng điện trong cơ quan, xí nghiệp cho phù hợp với tinh thần chỉ thị số 252-TTg đồng thời tổ chức kiểm tra đôn đốc chặt chẽ việc sử dụng điện trong đơn vị để bảo đảm thật tốt việc điều hòa tiết kiệm điện.

B. ĐỐI VỚI VIỆC DÙNG ĐIỆN SINH HOẠT:

1. Từng đơn vị, tiểu khu tổ chức đăng ký thiết bị điện, định lượng điện một tháng và vận động dùng điện tiết kiệm.

2. Xây dựng và phổ biến nội quy dùng điện và cử người quản lý điện trong đơn vị, trong ban quản trị hay ban đại diện tiểu khu để cộng tác với sở quản lý phân phối điện thực hiện kế hoạch cải tạo và quản lý điện ánh sáng sinh hoạt.

Về phía cơ quan cung cấp điện:

1. Phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương và các đơn vị sản xuất của các ngành, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các điều quy định trên đây.

2. Phối hợp với các cơ quan đài báo và các cơ quan tuyên giáo địa phương mở đợt tuyên truyền sâu rộng về vấn đề sử dụng điện an toàn, hợp lý và tiết kiệm.

3. Phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể quần chúng địa phương phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, kiểm tra giám sát tình hình cung cấp và sử dụng điện để phát hiện những đơn vị và cá nhân làm đúng và chưa đúng, kịp thời nhắc nhở đưa vào nền nếp.

IV. XỬ LÝ THƯỞNG PHẠT

A. ĐỐI VỚI NHỮNG VIỆC LÀM TỐT.

1. Các cơ quan, đơn vị thực hiện có kết quả kế hoạch tiết kiệm điện được ngành điện (Sở quản lý và phân phối điện hoặc công ty điện lực) đề nghị với cơ quan chủ quản cấp trên của cơ quan, đơn vị đó khen thưởng; ngành điện có thể đưa tin lên đài, báo để biểu dương.

2. Những đơn vị, cá nhân phát hiện những vi phạm về sử dụng điện, sau khi sự việc được kiểm tra và xử lý có thể được ngành điện (Công ty điện lực thuộc Bộ Điện và than) thưởng từ 5 đến 10% tiền phạt thu được.

B. ĐỐI VỚI VIỆC VI PHẠM DÙNG ĐIỆN TRONG SẢN XUẤT.

1. Nếu sử dụng quá công suất đã đăng ký và được phân phối trong giờ cao điểm thì lần thứ nhất bị cảnh cáo, lần thứ hai có thể bị cắt điện.

2. Nếu ca 3 dùng ít công suất thì lấy mức đó để khống chế công suất dùng cho ban ngày (đối với xí nghiệp 2 ca) và cho giờ cao điểm (đối với xí nghiệp 3 ca).

3. Nếu xí nghiệp lấy điện vào ngày quy định phải nghỉ tuần mà không lấy điện vào ngày chủ nhật tức là vi phạm chế độ nghỉ chủ nhật và những ngày khác trong tuần thì tạm ngừng cấp điện chờ đến khi xí nghiệp đó chấp hành đúng mới cấp trở lại.

4. Nếu dùng quá chỉ tiêu định mức đã đăng ký không tiết kiệm điện trong sản xuất, bộ phận kiểm tra sẽ lập biên bản báo về cơ quan chủ quản cấp trên để xử lý.

C. ĐỐI VỚI VIỆC VI PHẠM DÙNG ĐIỆN TRONG SINH HOẠT.

1. Tháng này dùng quá lượng điện đã định mức cho mỗi tháng thì phải trừ vào tháng sau.

2. Nếu dùng điện để đun nấu thì cũng cắt điện và bị tịch thu những dụng cụ điện đó.

3. Nếu lợi dụng điện để sản xuất nước đá bán kiếm lời sẽ bị cơ quan chính quyền địa phương xử lý.

D. ĐỐI VỚI NHỮNG VIỆC LÀM TÙY TIỆN SAI TRÁI CỦA NGÀNH ĐIỆN.

Nhân dân và các cơ quan, đoàn thể đều có quyền phê phán, khiếu nại, tố giác kịp thời với các địa phương và với Bộ Điện và than để xử lý và bắt sửa chữa, hoặc bắt buộc đền bù thiệt hại. Căn cứ vào điều lệ cung cấp, tiêu thụ điện hiện hành và hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa bên cung cấp và bên sử dụng điện.

E. QUYỀN HẠN LẬP BIÊN BẢN VÀ XỬ LÝ.

1. Các đoàn kiểm tra của cơ quan cung cấp điện có đủ giấy tờ hợp lệ hoặc thẻ kiểm tra điện của Bộ Điện và than cấp được quyền kiểm tra, lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm.

2. Các đoàn kiểm tra của cơ quan, xí nghiệp và chính quyền các cấp đều có quyền lập biên bản về các vụ vi phạm, xử lý về mặt hành chính trong nội bộ và chuyển giao cơ quan cung cấp điện xử lý về mặt kinh tế.

3. Những cán bộ, nhân viên của Sở quản lý và phân phối điện đi làm các việc kiểm tra điện, đóng, cắt điện, điều chỉnh công tơ điện phải có giấy công tác do Sở quản lý và phân phối điện cấp. Khi đến làm nhiệm vụ phải xuất trình giấy tờ đó cho xí nghiệp, cơ quan hoặc hộ dùng điện biết.

4. Nghiêm cấm cán bộ, công nhân, viên chức ngành điện đòi hỏi những điều không hợp pháp hoặc không hợp lý với cơ quan, xí nghiệp, hộ dùng điện.

Để thực hiện tốt chỉ thị số 252-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Điện và than yêu cầu các ngành, các địa phương và tất cả các cơ quan đơn vị sử dụng điện thực hiện những quy định trong thông tư này và giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan cung cấp điện làm tròn nhiệm vụ, đồng thời phát hiện những vấn đề cần bổ sung điều chỉnh để những quy định được thêm sát, đúng với yêu cầu chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

BỘ TRƯỞNG BỘ ĐIỆN VÀ THAN




Nguyễn Chấn


[1] Không in điểm 1 và 2.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 26-ĐT/VPI -1977 hướng dẫn thi hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường nguồn điện, triệt để tiết kiệm điện, dành điện cho sản xuất do Bộ Điện và Than ban hành

  • Số hiệu: 26-ĐT/VPI
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/08/1977
  • Nơi ban hành: Bộ Điện và Than
  • Người ký: Nguyễn Chấn
  • Ngày công báo: 15/08/1977
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 16/08/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản