Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 1960

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỂ LỆ CUNG CẤP VÀ TIÊU THỤ ĐIỆN

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 16-03-1960.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Để sử dụng nguồn điện lực hiện có một cách hợp lý, an toàn, liên tục với hiệu suất cao, ngăn ngừa lãng phí sức điện và giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay, kể từ nay việc cung cấp điện và tiêu thụ điện phải theo những nguyên tắc sau đây:

1. Ưu tiên cung cấp điện cho các ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất, đồng thời chú trọng cung cấp điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chú ý đúng mức nhu cầu điện của các ngành Y tế, Văn hóa, Xã hội, giải quyết thích đáng các nhu cầu mới trong sinh hoạt của nhân dân.

2. Ưu tiên cung cấp điện cho các xí nghiệp quốc doanh, nhất là các xí nghiệp lớn, chiếu cố nhu cầu điện của các cơ sở sản xuất công tư hợp doanh và hợp tác xã, không giải quyết thêm nhu cầu điện chạy máy cho các cơ sở sản xuất cá thể.

3. Trước hết đảm bảo phuc vụ cho các nhu cầu sản xuất ghi trong kế hoạch Nhà nước, trường hợp đặc biệt mới giải quyết cho các nhu cầu sản xuất ngoài kế hoạch.

4. Triệt để tiết kiệm điện, chống mọi lãng phí điện trong sinh hoạt và sản xuất, cố gắng hạn chế điện tiêu phí, dành điện cho sản xuất.

5. Điều hòa hợp lý công suất tiêu thụ điện.

6. Tận dụng các khả năng phát điện hoặc động lực hiện có để giảm bớt khó khăn cho những nhà máy điện chính.

Điều 2. - Kể từ nay việc cung cấp điện cho khách hàng mới hoặc xin thêm điện trên 20kw phải được Bộ Công nghiệp đồng ý và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chuẩn y, từ 5 đến 20kw phải được Ủy ban Kế hoạch địa phương và Bộ Công nghiệp chuẩn y.

Điều 3. - Tất cả các máy phát điện riêng hiện có tại các thị xã và cơ sở dùng điện phải được dùng để hỗ trợ cho lưới điện chung, nhất là phải dùng để tự cung cấp điện trong giờ cao điểm của các nhà máy điện chính.

Điều 4. - Trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ làm giảm công suất hoặc mất điện, các nhà máy điện có trách nhiệm bảo đảm ưu tiên cung cấp điện cho các đơn vị tiêu thụ điện sau đây:

1. Các xí nghiệp hoặc bộ phận thiết bị cần thiết dòng điện liên tục, nếu không sẽ hỏng máy và sản phẩm,

2. Các cơ quan thông tin liên lạc trong nước và quốc tế,

3. Các nhà máy nước thành phố, thị xã và các bệnh viện,

4. Các cuộc hội nghị lớn của trung ương, các cuộc đón tiếp quốc tế,

5. Các trạm bơm nước ở các vùng đang bị hạn hán nặng, đồng thời các nhà máy điện có quyền cắt điện hoặc hạn chế điện của các đơn vị tiêu thụ điện khác theo thứ tự sau đây:

1. Điện đèn các nơi công cộng,

2. Điện đèn, tư nhân,

3. Điện đèn cơ quan, trường học,

4. Điện đèn các cửa hàng, doanh trại, xí nghiệp,

5. Điện chạy máy các xí nghiệp không cần dòng điện liên tục, trước hết là những xí nghiệp nhỏ.

Điều 5. - Hết sức hạn chế việc tiêu thụ điện trong giờ cao điểm của các nhà máy điện chính.

Các xí nghiệp, công trường làm việc một ca, hai ca không được chạy máy trong giờ cao điểm. Những xí nghiệp, công trường này, nếu vì lý do đặc biệt cần chạy máy trong giờ cao điểm, thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Các xí nghiệp làm ba ca phải dùng điện chạy máy trong giờ cao điểm cần bố trí chạy máy thật hợp lý để tránh tiêu thụ nhiều điện.

Trong giờ cao điểm, cấm dùng điện vào việc đốt bàn là, bếp điện (trừ trường hợp dùng bếp điện vào việc y tế).

Giờ cao điểm của mỗi nhà máy điện chính trong từng thời gian do Bộ Công nghiệp quy định và công bố cho những nơi tiêu thụ điện biết để thi hành quy chế dùng điện.

Điều 6. - Tại các vùng thiếu điện tạm thời cấm dùng các máy đun nước tắm bằng điện và lò sưởi điện.

(Trong trường hợp đặc biệt, các bệnh viện, cơ quan Ngoại giao, Viện Nghiên cứu khoa học v.v… phải dùng những thứ nói trên cần thương lượng với các nhà máy điện và ghi vào hợp đồng tiêu thụ điện).

Điều 7. - Tại những khu vực thiếu điện, tất cả các xí nghiệp, công trường tiêu thụ điện trong sản xuất và xây dựng đều phải bố trí ngày nghỉ luân phiên để điều hòa công suất điện.

Kế hoạch những ngày nghỉ luân phiên tại từng khu vực sẽ do Ủy ban hành chính các thành phố và các tỉnh quyết định sau khi hỏi ý kiến các nhà máy điện.

Điều 8. - Tất cả các khách hàng dùng điện dù là xí nghiệp, cơ quan, doanh trại hoặc tư nhân đều phải theo sự chỉ dẫn của nhà máy điện trong việc bố trí các đường dây, cầu dao, hầm điện, cầu chì, máu tụ điện và các biện pháp kỹ thuật khác nhằm tiết kiệm dùng điện và tránh mất điện.

Trong việc hướng dẫn cảc biện pháp kỹ thuật cho người dùng điện, các nhà máy điện phải căn cứ vào điều kiện thực tế và tránh gây những phiền phức không cần thiết cho khách hàng.

Điều 9. - Các nhà máy điện và khách hàng tiêu thụ điện phải ký hợp đồng tiêu thụ điện theo công suất thực dụng (không theo công suất của máy móc hoặc của đồng hồ tính điện). Khách hàng có nhiệm vụ báo cáo với nhà máy điện về thiết bị và công suất dùng điện theo các tiêu chuẩn đã quy định, đồng thời có trách nhiệm thực hành tiết kiệm dùng điện không vượt quá mức tiêu thụ điện đã ký trong hợp đồng.

Các nhà máy điện có trách nhiệm cung cấp đủ điện cho khách hàng theo hợp đồng. Trong trường hợp vì sửa chữa thiết bị mà không cung cấp đủ điện, nhà máy điện phải báo trước cho khách hàng biết để chuẩn bị trong khoảng thời gian ít nhất là 24 giờ nếu là khách hàng dùng điện tiêu phí, hoặc ít nhất là một tuần lễ, nhiều nhất là 30 ngày nếu là khách hàng dùng điện sản xuất.

Điều 10. - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm quy định các tiêu chuẩn dùng địên tối đa trong việc dùng điện tiêu phí. Các Bộ có trách nhiệm quy định các tiêu chuẩn dùng điện tối đa cho mỗi đơn vị sản phẩm của các xí nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm xét và chuẩn y các tiêu chuẩn đó.

Điều 11. - Bộ Công nghiệp có trách nhiệm quy định các điều chi tiết để thi hành nghị định này và các tiêu chuẩn do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước quy định.

Điều 12. -Những tổ chức hoặc cá nhân gương mẫu trong việc tiết kiệm điện, chấp hành nghiêm chỉnh những điều đã quy định sẽ được khen thưởng và khuyên khích; những tổ chức hoặc cá nhân không theo đúng những điều đã quy định sẽ bị nghiêm khắc phê bình, cảnh cáo. Trong trường hợp cố ý không chịu chấp hành những điều đã quy định, nhà máy điện có thể bắt bồi thường thiệt hại, không cung cấp điện, có thể bắt bồi thường thiệt hại, không cung cấp điện, hoặc đưa ra truy tố trước pháp luật.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 12-CP năm 1960 quy định thể lệ cung cấp và tiêu thụ điện do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 12-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/05/1960
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản