Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 25/2010/TT-BGTVT quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương III

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY; TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TẠI CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Mục 1. THỦ TỤC PHƯƠNG TIỆN THỦY VÀO VÀ RỜI VÙNG NƯỚC CẢNG, BẾN HÀNG HÓA; CẢNG, BẾN HÀNH KHÁCH

Điều 15. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa vào và rời cảng, bến hàng hóa; cảng, bến hành khách

1. Phương tiện vào cảng bến:

a) Trước khi phương tiện vào cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng hoặc thuyền phó hoặc người lái phương tiện có trách nhiệm nộp và xuất trình Cảng vụ đường thủy nội địa (sau đây gọi là Cảng vụ) hoặc Ban quản lý bến các giấy tờ sau:

- Giấy tờ nộp (bản chính)

+ Giấy phép rời cảng, bến cuối cùng (trừ phương tiện chuyển tải, sang mạn);

+ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;

+ Sổ Danh bạ thuyền viên.

- Giấy tờ xuất trình (bản chính)

+ Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa (hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức tín dụng trong trường hợp phương tiện đang cầm cố, thế chấp);

+ Bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên trên phương tiện;

+ Hợp đồng vận chuyển hoặc hoá đơn xuất kho hoặc giấy vận chuyển (đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá), danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách).

b) Sau khi kiểm tra các giấy tờ được quy định tại điểm a khoản này, Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến kiểm tra thực tế nếu bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định thì cấp Giấy phép vào cảng, bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 9 phần Phụ lục của Thông tư này.

2. Phương tiện rời cảng, bến:

a) Trước khi phương tiện rời cảng, bến, thuyền trưởng hoặc thuyền phó hoặc người lái phương tiện có trách nhiệm xuất trình Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến bản chính các giấy tờ sau:

- Hợp đồng vận chuyển hoặc hoá đơn xuất kho hoặc giấy vận chuyển (đối với phương tiện chở hàng hoá) hoặc danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách);

- Chứng từ xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật;

- Giấy tờ liên quan tới những thay đổi so với giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này (nếu có).

b) Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến kiểm tra thực tế phương tiện, nếu bảo đảm các điều kiện an toàn thì thu hồi Giấy phép vào cảng, bến thuỷ nội địa; trả lại Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, Sổ danh bạ thuyền viên và cấp Giấy phép rời cảng, bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 10 phần Phụ lục của Thông tư này.

Trường hợp phương tiện thuỷ đã được cấp Giấy phép rời cảng, bến thuỷ nội địa nhưng vẫn neo đậu tại vùng nước cảng, bến quá 24 giờ thì thuyền trưởng, thuyền phó hoặc người lái phương tiện phải đến Văn phòng Cảng vụ làm lại thủ tục rời cảng, bến cho phương tiện thuỷ.

3. Đối với phương tiện ra, vào cảng, bến từ hai lần trở lên trong một ngày thì Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến chỉ kiểm tra thực tế lần đầu, từ lần thứ hai trong ngày chỉ kiểm tra các giấy tờ theo quy định.

4. Đối với phương tiện đóng mới hoặc sửa chữa khi hạ thuỷ để chạy thử trên đường thuỷ nội địa, chủ phương tiện hoặc chủ cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện phải xuất trình Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến các giấy tờ sau:

a) Văn bản tiến hành chạy thử trên đường thuỷ nội địa của cơ quan đăng kiểm.

b) Phương án bảo đảm an toàn giao thông khi hạ thuỷ đối với phương tiện hạ thuỷ vượt qua phạm vi hành lang bảo vệ luồng chạy tàu có ý kiến phê duyệt của đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường thuỷ nội địa khu vực.

Điều 16. Thủ tục đối với phương tiện thủy nước ngoài và tầu biển Việt Nam vào và rời cảng, bến thủy nội địa

Phương tiện thủy nước ngoài và tầu biển Việt Nam khi vào và rời cảng, bến thủy nội địa thực hiện thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật hàng hải đối với tầu thuyền khi vào và rời cảng biển.

Mục 2. CHẾ ĐỘ HOA TIÊU

Điều 17. Chế độ hoa tiêu bắt buộc

Phương tiện thủy nước ngoài khi hoạt động trên đường thủy nội địa hoặc vào và rời cảng, bến thủy nội địa bắt buộc phải có hoa tiêu dẫn đường. Phương tiện thủy nội địa, tầu biển Việt Nam khi vào và rời cảng, bến thủy nội địa có thể yêu cầu hoa tiêu dẫn đường nếu thấy cần thiết.

Điều 18. Yêu cầu về thời gian cung cấp hoa tiêu dẫn đường

1. Trừ các trường hợp khẩn cấp phải xin hoa tiêu dẫn đường để phòng ngừa tai nạn, việc yêu cầu hoa tiêu phải thông báo cho Cảng vụ và tổ chức hoa tiêu liên quan chậm nhất 06 giờ trước khi dự kiến đón hoa tiêu.

2. Nếu sau khi xin hoa tiêu mà muốn thay đổi giờ đón hoa tiêu hoặc hủy bỏ việc xin hoa tiêu, thì phải báo cho Cảng vụ và tổ chức hoa tiêu liên quan biết ít nhất 03 giờ trước thời điểm dự kiến đón hoa tiêu lên tầu.

3. Hoa tiêu có trách nhiệm chờ đợi tại địa điểm đã thỏa thuận không quá 04 giờ kể từ thời điểm đã dự kiến đón hoa tiêu lên tầu, nếu quá thời hạn này thì việc xin hoa tiêu coi như bị hủy bỏ và thuyền trưởng phải trả tiền chờ đợi của hoa tiêu theo quy định.

4. Chậm nhất 01 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu xin hoa tiêu, tổ chức hoa tiêu phải xác báo lại cho Cảng vụ, chủ tầu hoặc đại lý của chủ tầu về địa điểm và thời gian dự kiến hoa tiêu sẽ lên tầu. Nếu hoa tiêu lên tầu chậm so với thời gian và sai địa điểm đã xác báo mà buộc tầu phải chờ đợi hoặc di chuyển đến địa điểm khác thì tổ chức hoa tiêu đó phải trả tiền chờ đợi của tầu theo quy định.

Mục 3. HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY TẠI VÙNG NƯỚC CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Điều 19. Xử lý tai nạn trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa

1. Việc cứu người và phương tiện thủy bị tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa là nghĩa vụ bắt buộc đối với thuyền trưởng, người lái phương tiện và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại cảng, bến.

2. Khi phát hiện tai nạn hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện bị nạn phải lập tức phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và tiến hành ngay các biện pháp cứu người, tài sản, đồng thời báo cho Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến để có biện pháp xử lý kịp thời.

3. Cảng vụ có quyền huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, bến và các phương tiện hiện có trong khu vực để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn. Các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ chấp hành lệnh điều động của Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn.

4. Trường hợp phương tiện bị đắm, sau khi cứu người, tài sản, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện bị đắm phải đặt báo hiệu theo quy định và báo cáo ngay với chủ phương tiện để tiến hành trục vớt. Chủ phương tiện phải tổ chức trục vớt theo thời hạn quy định và chỉ được tiến hành khi đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến chấp thuận.

5. Trường hợp phương tiện đắm trong vùng nước cảng, bến nhưng chủ phương tiện không trục vớt hoặc trục vớt không đúng quy định thì Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến có quyền tổ chức trục vớt. Chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí, ngoài ra còn bị xử phạt nếu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Điều 20. Trách nhiệm của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện khi phương tiện thủy hoạt động tại vùng nước cảng, bến hàng hóa; cảng bến hành khách

1. Chỉ được cho phương tiện neo đậu tại những nơi do Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến chỉ định và không được tự ý thay đổi vị trí.

2. Tuân thủ nội quy cảng, bến và các quy định về phòng chống lụt bão; chấp hành lệnh điều động của Cảng vụ trong các trường hợp khẩn cấp.

3. Khi phương tiện bị trôi dạt hoặc bị thay đổi nơi neo đậu do các nguyên nhân khách quan khác, phải tiến hành ngay các biện pháp xử lý thích hợp và báo cho Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến biết.

4. Khi đã neo đậu an toàn tại các nơi được chỉ định, thuyền trưởng phải phân công thuyền viên trực ca để duy trì máy móc, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, động cơ chính của phương tiện luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động để xử lý kịp thời những trường hợp trôi neo, đứt dây, mắc cạn và các sự cố khác.

5. Trường hợp phát hiện trên phương tiện thủy có người, động vật mắc bệnh truyền nhiễm hoặc thực vật có khả năng gây bệnh phải báo ngay cho Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến, các cơ quan chức năng có liên quan và đưa phương tiện neo đậu tại khu vực riêng để có biện pháp xử lý.

6. Trong quá trình xếp dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách phải kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm an toàn lao động, nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện phải đình chỉ ngay để có biện pháp khắc phục.

7. Phương tiện thủy nước ngoài phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở đỉnh cột cao nhất từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn; trường hợp muốn treo cờ lễ, cờ tang, kéo còi trong các dịp nghi lễ của nước mình phải thông báo trước cho Cảng vụ.

8. Nghiêm cấm:

a) Tự ý đưa phương tiện vào xếp, dỡ hàng hóa hoặc đón, trả hành khách khi chưa được cấp Giấy phép vào cảng, bến thuỷ nội địa;

b) Sử dụng tín hiệu tùy tiện;

c) Bơm xả nước bẩn, đổ rác thải, các hợp chất có dầu, các loại chất độc khác xuống vùng nước cảng, bến;

d) Cản trở hoặc gây khó khăn cho người thi hành công vụ, thuyền viên của phương tiện thủy khác đi qua phương tiện mình.

Mục 4. TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ CẢNG, BẾN VÀ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC HOẠT ĐỘNG TẠI CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Điều 21. Trách nhiệm của chủ cảng, bến thủy nội địa

1. Thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận và công bố cảng, cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11, 12 và Điều 13 của Thông tư này.

2. Trường hợp cho thuê cảng, bến thuỷ nội địa phải ký kết hợp đồng với chủ khai thác cảng, bến theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết.

3. Trường hợp chấm dứt hoạt động, chủ cảng, bến phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đã công bố cảng hoặc cấp giấy phép hoạt động bến để ra quyết định đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa.

4. Chủ bến dân sinh có trách nhiệm bảo đảm điều kiện hoạt động của bến theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này, không gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, không sử dụng bến dân sinh vào mục đích kinh doanh.

Điều 22. Trách nhiệm của chủ khai thác cảng, bến thủy nội địa

1. Đối với cảng, bến hàng hóa; cảng, bến hành khách

a) Duy trì điều kiện an toàn công trình, vùng nước cảng, bến theo quy định;

b) Không xếp hàng hóa hoặc đón trả hành khách xuống phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không đủ giấy tờ quy định;

c) Không xếp hàng hóa quá kích thước hoặc quá trọng tải cho phép hoặc nhận hành khách quá số lượng theo quy định;

d) Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về xếp dỡ hàng hoá nguy hiểm (nếu cảng, bến chuyên xếp dỡ hàng hoá nguy hiểm);

đ) Tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn; báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết; khắc phục hậu quả tai nạn và ô nhiễm môi trường (nếu có);

e) Chấp hành các quy định bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và phòng chống lụt bão;

g) Thiết bị xếp dỡ phải bảo đảm đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, người điều khiển thiết bị xếp dỡ phải có chứng chỉ chuyên môn theo quy định;

h) Không xếp dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách cho phương tiện chưa được cấp Giấy phép vào cảng, bến thuỷ nội địa;

i) Tuân thủ sự điều động của Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến trong việc cứu người, hàng hóa, phương tiện khi có tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa và trong việc phòng chống lụt bão;

k) Tạo điều kiện và phối hợp với Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong vùng nước cảng, bến;

l) Chịu sự kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

2. Đối với bến khách ngang sông

a) Thực hiện trách nhiệm nêu tại các điểm a, b, c, đ và điểm l khoản 1 Điều này;

b) Không sử dụng phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật, không đủ giấy tờ theo quy định; người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp;

c) Thống nhất với chủ khai thác bến ngang sông trên bờ đối diện thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo quy định; thống nhất phương án điều hành, giá cước vận tải (nếu Nhà nước không quy định) để bảo đảm tính đồng bộ của hoạt động vận tải khách ngang sông tại bến và trật tự an toàn trong quá trình khai thác.

Điều 23. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khảo sát, thi công công trình, nạo vét, trục vớt chướng ngại vật hoặc làm các công việc khác trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa

1. Chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại vùng nước cảng, bến thủy nội địa và bảo vệ môi trường.

2. Chấp hành sự điều động của Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến trong trường hợp khẩn cấp cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn hoặc khi có bão lũ (theo Mẫu số 11 phần Phụ lục của Thông tư này).

3. Trước khi khảo sát, thi công công trình, nạo vét, trục vớt vật chướng ngại hoặc làm các công việc khác trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa phải có sự trao đổi thống nhất của chủ cảng, bến, Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến về phương án bảo đảm an toàn cho các hoạt động tại cảng, bến thuỷ nội địa.

Thông tư 25/2010/TT-BGTVT quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 25/2010/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/08/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: 22/10/2010
  • Số công báo: Từ số 601 đến số 602
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH