Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 25/2010/TT-BGTVT quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương II

CÔNG BỐ CẢNG THỦY NỘI ĐỊA, CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Điều 7. Cơ quan có thẩm quyền công bố cảng thủy nội địa; cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố cảng thủy nội địa, vùng đón trả hoa tiêu đối với cảng thuỷ nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

2. Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam công bố cảng thuỷ nội địa không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài nằm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

3. Chi cục trưởng Chi cục Đường thuỷ nội địa thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa đối với các bến hàng hoá, bến hành khách thuộc phạm vi quản lý nằm trên tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa chuyên dùng nằm trên địa giới hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

4. Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa đối với bến hàng hoá, bến hành khách thuộc phạm vi khu vực quản lý của mình.

5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải:

a) Công bố cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài; cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đối với cảng, bến thuỷ nội địa nằm trên tuyến đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương và vùng nước cảng biển thuộc phạm vi địa giới hành chính của địa phương.

b) Cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông thuộc phạm vi địa giới hành chính của địa phương.

c) Tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.

6. Trường hợp các cảng, bến thủy nội địa (trừ bến khách ngang sông) do một tổ chức, cá nhân quản lý khai thác cùng nằm trên một khu đất vừa nằm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia vừa nằm trên tuyến đường thủy nội địa địa phương; hoặc vừa nằm trên đường thủy nội địa quốc gia vừa nằm trên vùng nước cảng biển sẽ do Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Chi cục trưởng Chi cục Đường thuỷ nội địa hoặc Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều này.

Điều 8. Thủ tục chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa

1. Đối với cảng thuỷ nội địa không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1a phần Phụ lục của Thông tư này.

- Sơ đồ mặt bằng cầu cảng và vùng nước trước cầu cảng đã được đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa xác nhận cầu cảng không nằm trong hành lang bảo vệ luồng và vùng nước trước cầu cảng không chồng lấn với luồng chạy tàu thuyền.

b) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

c) Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải xem xét, nếu bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 4 của Thông tư này thì có văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Căn cứ văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa, chủ đầu tư tiến hành các thủ tục về đầu tư xây dựng công trình cảng. Trong thời hạn 24 tháng đối với dự án nhóm A, 12 tháng đối với dự án khác kể từ ngày có văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa nếu dự án đầu tư không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng thì văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa hết hiệu lực. Chủ đầu tư muốn tiếp tục triển khai dự án phải làm lại thủ tục chấp thuận xây dựng cảng thủy nội địa.

2. Đối với cảng thuỷ nội địa có tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư gửi 02 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo phạm vi thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

b) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, thẩm định hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

Sau khi thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải trình Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định kèm theo 01 bộ hồ sơ do chủ đầu tư nộp.

c) Bộ Giao thông vận tải gửi văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xem xét các điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 4 của Thông tư này để có văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa trả lời chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do

d) Thời hạn hiệu lực của văn bản chấp thuận xây dựng cảng thuỷ nội địa theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 9. Thủ tục công bố cảng thuỷ nội địa

1. Đối với cảng không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng, chủ đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Chi cục Đường thuỷ nội địa thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (đối với cảng thuỷ nội địa thuộc thẩm quyền công bố của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam) hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị công bố cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1 phần Phụ lục của Thông tư này;

- Bản sao chứng thực Quyết định đầu tư xây dựng cảng của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư;

- Bản sao chứng thực giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất;

- Bản chính biên bản nghiệm thu đưa công trình cảng vào sử dụng kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt cắt ngang công trình cầu cảng;

- Bình đồ vùng nước cảng do đơn vị đủ tư cách pháp nhân về tư vấn thiết kế công trình thuỷ thực hiện bảo đảm theo đúng quy phạm về khảo sát lập bình đồ địa hình và phải đầy đủ các nội dung: vị trí vùng nước theo lý trình từ km…đến km…, bờ (trái, phải), sông (kênh)…, thuộc xã…, huyện…, tỉnh (thành phố)…hoặc xác định theo hệ toạ độ hoặc xác định khoảng cách tới vật chuẩn; đường ranh giới vùng nước ghi rõ kích thước; cao độ đáy vùng nước, mực nước thấp nhất và cao nhất, công trình cầu tàu xếp dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách; cấp kỹ thuật và chiều dài của luồng vào cảng; các mốc đo đạc định vị; thời điểm khảo sát lập bình đồ;

- Bản chính văn bản xác nhận việc hoàn thành lắp đặt báo hiệu cảng thuỷ nội địa; xác nhận hoàn thành việc rà quét, thanh thải vật chướng ngại hình thành trong quá trình thi công xây dựng cảng (nếu có) của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện (nếu sử dụng phao nổi thay cho cầu tàu);

b) Chi cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thẩm định hồ sơ, trình Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam kết quả thẩm định kèm theo hồ sơ đề nghị công bố cảng thuỷ nội địa.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải xem xét, nếu bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 4 của Thông tư này thì ra quyết định công bố cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 2 phần Phụ lục của Thông tư này.

2. Đối với cảng có tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng, chủ đầu tư gửi 02 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo phạm vi thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

b) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.

c) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ, trình Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định kèm theo 01 bộ hồ sơ do chủ đầu tư nộp.

d) Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình, Bộ Giao thông vận tải xem xét, nếu bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 4 của Thông tư này thì ra quyết định công bố cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 2 phần Phụ lục của Thông tư này.

3. Cơ quan có thẩm quyền công bố cảng thuỷ nội địa căn cứ thời hạn sử dụng đất để quy định thời hạn hiệu lực của Quyết định công bố cảng thuỷ nội địa.

4. Trường hợp cảng mới xây dựng xong phần cầu tàu nhưng chủ đầu tư cần đưa vào sử dụng ngay phục vụ cho việc xây dựng các hạng mục công trình khác của cảng thì có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố tạm thời phần cầu tàu đã hoàn thành theo thủ tục quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, nhưng thời hạn hiệu lực của quyết định công bố tạm thời không quá 12 tháng.

Điều 10. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động bến hàng hóa, bến hành khách

1. Thủ tục chấp thuận xây dựng bến

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở bến hàng hóa, bến hành khách gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị chấp thuận mở bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 3a phần Phụ lục của Thông tư này;

- Sơ đồ mặt bằng cầu bến và vùng nước trước bến đã được đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa xác nhận cầu bến không nằm trong hành lang bảo vệ luồng và vùng nước trước bến không chồng lấn với luồng chạy tàu thuyền.

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu đủ điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 4 của Thông tư này thì có ý kiến chấp thuận vào đơn, trả lại tổ chức, cá nhân xin mở bến để thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật và tiến hành việc xây dựng, gia cố bến. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận xây dựng bến, dự án xây dựng bến phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (đối với dự án phải phê duyệt theo quy định) hoặc phải được triển khai xây dựng, nếu quá thời hạn trên thì văn bản chấp thuận không còn hiệu lực.

2. Thủ tục cấp giấy phép hoạt động bến

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng, gia cố bến và các công việc có liên quan, tổ chức, cá nhân xin mở bến gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo Mẫu số 3 phần Phụ lục của Thông tư này;

- Bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng sử dụng đất theo quy định của pháp luật có kèm theo bản vẽ khu đất.

- Bản chính Sơ đồ vùng nước bến và luồng vào bến (nếu có) do chủ bến tự lập hoặc do đơn vị tư vấn lập nhưng phải đầy đủ các nội dung: vị trí vùng nước theo lý trình từ km…đến km…, bờ (trái, phải)…, sông (kênh), thuộc xã…, huyện…, tỉnh (thành phố) hoặc xác định khoảng cách tới vật chuẩn; đường ranh giới vùng nước ghi rõ kích thước; độ sâu nhỏ nhất của vùng nước bến và luồng vào bến ứng với mực nước khi đo đạc; chiều dài và chiều rộng của luồng vào bến; cầu bến xếp dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách, thời điểm khảo sát lập sơ đồ;

- Bản chính văn bản xác nhận việc hoàn thành lắp đặt báo hiệu bến thuỷ nội địa; xác nhận hoàn thành việc rà quét, thanh thải vật chướng ngại (nếu có) của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa;

- Bản sao Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phao nổi (nếu sử dụng phao nổi làm cầu bến);

- Văn bản chấp thuận cho phép san lấp mặt bằng của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp mở bến để phun đất, cát san lấp mặt bằng.

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho sử dụng tạm thời đối với trường hợp bến nằm trong hành lang bảo vệ các công trình theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa xem xét, nếu thoả mãn điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 4 của Thông tư này thì cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 4 phần Phụ lục của Thông tư này.

c) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa căn cứ thời hạn sử dụng đất, mục đích, tính chất sử dụng (thời vụ hay thường xuyên) hoặc theo đề nghị của chủ bến để quy định thời hạn hiệu lực của Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa nhưng thời hạn nhiều nhất không quá 5 năm.

3. Đối với trường hợp nhiều bến có vùng nước liền kề nhau (gọi là cụm bến), các tổ chức, cá nhân xin mở bến được phép thoả thuận bằng văn bản cử đại diện thay mặt các chủ bến làm thủ tục đề nghị chấp thuận xây dựng và cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa cho cụm bến đó theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 11. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông

1. Thủ tục chấp thuận mở bến khách ngang sông

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở bến khách ngang sông gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị chấp thuận mở bến khách ngang sông có ý kiến của Uỷ ban nhân dân xã, phường (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp xã) nơi mở bến theo Mẫu số 5a phần Phụ lục của Thông tư này;

- Văn bản của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa xác nhận vị trí hoạt động của bến bảo đảm các điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này.

b) Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông xem xét, nếu đủ điều kiện theo quy định thì có văn bản chấp thuận mở bến khách ngang sông để tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật đồng thời triển khai xây dựng bến, lắp đặt các trang thiết bị an toàn, hệ thống báo hiệu theo quy định.

c) Văn bản chấp thuận mở bến khách ngang sông có giá trị hiệu lực 24 tháng đối với bến được phép chở ô tô, 12 tháng đối với các bến còn lại kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận. Quá thời hạn trên mà dự án chưa được phê duyệt theo quy định hoặc chưa được triển khai xây dựng (đối với dự án không phải phê duyệt) thì văn bản chấp thuận hết hiệu lực.

2. Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng bến khách ngang sông, chủ bến khách ngang sông có thể trực tiếp kinh doanh khai thác hoặc cho thuê hoặc giao cho tổ chức, cá nhân khác khai thác.

Chủ khai thác bến khách ngang sông gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5 phần Phụ lục của Thông tư này;

- Văn bản của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa xác nhận việc hoàn thành lắp đặt báo hiệu bến khách ngang sông;

- Bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật kèm theo bản vẽ khu đất;

- Sơ đồ vùng nước bến và luồng vào bến do chủ bến tự lập hoặc đơn vị tư vấn lập nhưng phải đầy đủ các nội dung: Vị trí vùng nước theo lý trình từ km... đến km..., bờ (trái, phải), sông (kênh)..., thuộc xã..., huyện..., tỉnh (thành phố) hoặc xác định khoảng cách tới vật chuẩn; đường ranh giới vùng nước ghi rõ kích thước; độ sâu nhỏ nhất của vùng nước bến và luồng vào bến ứng với mực nước khi đo đạc; chiều dài và chiều rộng của luồng vào bến; cầu lên xuống đón trả hành khách; thời điểm khảo sát lập sơ đồ;

- Bản chính văn bản xác nhận hoàn thành việc rà quét, thanh thải vật chướng ngại trong vùng nước bến (nếu có) của đơn vị quản lý đường thuỷ;

- Bản thiết kế và biên bản nghiệm thu hoàn công đưa công trình bến vào sử dụng đối với bến có phương tiện chở khách ngang sông được phép chở ô tô;

- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện tham gia vận tải hành khách ngang sông;

- Hợp đồng thuê bến hoặc văn bản của chủ bến giao cho tổ chức, cá nhân khai thác bến (đối với trường hợp thuê bến hoặc được giao khai thác bến).

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản này, cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu thoả mãn điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 5 của Thông tư này thì cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông cho chủ khai thác bến theo Mẫu số 6 phần Phụ lục của Thông tư này.

Trường hợp bến khách ngang sông ở hai bên bờ đều do một chủ khai thác và thuộc thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động của một cơ quan thì chủ khai thác bến khách ngang sông làm Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5b phần Phụ lục của Thông tư này. Cơ quan có thẩm quyền cấp một Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông cho cả hai đầu bến theo Mẫu số 6b phần Phụ lục của Thông tư này.

c) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông căn cứ quy mô xây dựng công trình bến, thời hạn sử dụng đất, thời hạn hợp đồng thuê bến hoặc thời hạn được giao khai thác bến để quy định thời hạn của Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.

Điều 12. Thủ tục công bố lại cảng thủy nội địa

1. Đối với cảng không tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Chi cục Đường thuỷ nội địa thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (đối với cảng thuỷ nội địa thuộc thẩm quyền công bố của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam) hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Đối với trường hợp công bố lại do quyết định công bố hết hiệu lực:

+ Đơn đề nghị công bố lại cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này.

- Đối với trường hợp công bố lại do có sự thay đổi chủ sở hữu nhưng không thay đổi các nội dung đã công bố:

+ Đơn đề nghị công bố lại cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Văn bản hợp pháp về phân chia hoặc sáp nhập hoặc văn bản hợp pháp về chuyển nhượng cảng và hồ sơ liên quan đến việc bàn giao chủ sở hữu trong trường hợp cảng có sự thay đổi chủ sở hữu.

- Đối với trường hợp công bố lại do có sự thay đổi những nội dung đã công bố như: vùng nước, vùng đất:

+ Đơn đề nghị công bố lại cảng thuỷ nội địa theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Bản chính hoặc bản sao chứng thực các giấy tờ chứng minh các nội dung thay đổi nói trên.

b) Chi cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thẩm định hồ sơ, trình Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam kết quả thẩm định kèm theo 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố cảng thuỷ nội địa.

c) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải xem xét, nếu đủ điều kiện thì ra quyết định công bố lại cảng thuỷ nội địa. Nếu không đủ điều kiện công bố phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Thời hạn giải quyết và hiệu lực của quyết định công bố lại cảng thuỷ nội địa theo quy định tại điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 9 của Thông tư này.

đ) Đối với trường hợp công bố lại do xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp để nâng cao năng lực thông qua cảng, thực hiện theo quy định tại Điều 8 và khoản 1, khoản 3 Điều 9 của Thông tư này đối với phần xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp.

2. Đối với cảng có tiếp nhận phương tiện thuỷ nước ngoài

a) Tổ chức, cá nhân gửi 02 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

- Đối với trường hợp công bố lại do quyết định công bố hết hiệu lực:

+ Đơn đề nghị công bố lại theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

- Đối với trường hợp có sự thay đổi chủ sở hữu nhưng không thay đổi các nội dung đã công bố:

+ Đơn đề nghị công bố lại theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Văn bản hợp pháp về phân chia hoặc sáp nhập hoặc văn bản hợp pháp về chuyển nhượng cảng và hồ sơ liên quan đến việc bàn giao chủ sở hữu trong trường hợp cảng có sự thay đổi về chủ sở hữu.

- Đối với trường hợp công bố lại do có sự thay đổi nội dung so với Quyết định đã công bố trước đây như: vùng nước, vùng đất:

+ Đơn đề nghị công bố lại theo Mẫu số 1b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Các giấy tờ pháp lý chứng minh các sự thay đổi trên.

b) Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, thẩm định hồ sơ; nếu đủ điều kiện thì có văn bản trình Bộ Giao thông vận tải kèm theo 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố lại cảng thuỷ nội địa.

c) Bộ Giao thông vận tải xem xét ra quyết định công bố lại cảng thuỷ nội địa. Trường hợp không đủ điều kiện công bố lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Thời hạn giải quyết và hiệu lực quyết định công bố lại cảng thuỷ nội địa theo quy định tại điểm d khoản 2, khoản 3 Điều 9 của Thông tư này.

đ) Đối với trường hợp công bố lại cảng do xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp để nâng cao năng lực thông qua cảng, thực hiện theo quy định tại Điều 8 và khoản 2, khoản 3 Điều 9 của Thông tư này.

Điều 13. Thủ tục cấp lại Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông

1. Thủ tục cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa

a) Tổ chức, cá nhân gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép hoạt động do giấy phép hết hiệu lực:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 3b phần Phụ lục của Thông tư này.

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép do có sự thay đổi chủ sở hữu nhưng không thay đổi các nội dung của giấy phép đã được cấp:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 3b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Văn bản hợp pháp về phân chia hoặc sáp nhập hoặc văn bản hợp pháp về chuyển nhượng bến và hồ sơ liên quan đến việc bàn giao chủ sở hữu trong trường hợp có sự thay đổi chủ sở hữu bến.

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép do có sự thay đổi nội dung so với giấy phép đã được cấp:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo Mẫu số 3b phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Các giấy tờ pháp lý chứng minh các sự thay đổi nói trên.

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu bảo đảm đủ điều kiện thì cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Thời hạn giải quyết và hiệu lực của Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 10 của Thông tư này.

d) Đối với trường hợp cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa do xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp để nâng cao năng lực thông qua bến, thực hiện theo quy định tại khoản 1và khoản 2 Điều 10 của Thông tư này.

2. Thủ tục cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.

a) Chủ khai thác bến gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép hoạt động do giấy phép hết hiệu lực:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5c phần Phụ lục của Thông tư này.

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép do có sự thay đổi chủ sở hữu nhưng không thay đổi các nội dung của giấy phép đã được cấp:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5c phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Văn bản hợp pháp về phân chia hoặc sáp nhập hoặc văn bản hợp pháp về chuyển nhượng bến và hồ sơ liên quan đến việc bàn giao chủ sở hữu trong trường hợp có sự thay đổi chủ sở hữu bến.

- Đối với trường hợp cấp lại giấy phép do có sự thay đổi nội dung so với giấy phép đã được cấp:

+ Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 5c phần Phụ lục của Thông tư này;

+ Các giấy tờ pháp lý chứng minh các sự thay đổi nói trên.

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; nếu bảo đảm điều kiện theo quy định thì cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Thời hạn giải quyết và hiệu lực Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông thực hiện theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.

d) Đối với trường hợp cấp lại Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông do xây dựng mở rộng hoặc nâng cấp để nâng cao năng lực thông qua bến, thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 14. Đình chỉ hoạt động, đình chỉ hoạt động có thời hạn cảng, bến thủy nội địa.

1. Cảng, bến thuỷ nội địa bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp sau:

a) Điều kiện về địa hình, thủy văn biến động không bảo đảm an toàn cho hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;

b) Chủ cảng, bến chấm dứt hoạt động;

c) Có yêu cầu đình chỉ hoạt động hoặc giải toả của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Cảng, bến thuỷ nội địa bị đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các trường hợp sau:

a) Công trình cảng, bến thủy nội địa xuống cấp không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 3 Điều 4 (đối với cảng, bến hàng hóa) điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 hoặc điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 4 (đối với cảng, bến hành khách) hoặc khoản 2 Điều 5 (đối với bến khách ngang sông) của Thông tư này;

b) Chủ cảng, bến không chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và quy định của Thông tư này.

3. Cơ quan có thẩm quyền đã quyết định công bố cảng, cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông có quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn cảng, bến thuỷ nội địa.

Quyết định đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 7 phần Phụ lục của Thông tư này.

Quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn của cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 8 phần Phụ lục của Thông tư này.

Thông tư 25/2010/TT-BGTVT quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 25/2010/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/08/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: 22/10/2010
  • Số công báo: Từ số 601 đến số 602
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH