THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 23-TTg | Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 1960 |
Kính gửi : Uỷ ban hành chính các Khu, Tỉnh, Thành phố có đê
Năm 1959, nhờ tuyên truyền giáo dục, động viên tốt nên trong một thời gian ngắn chúng ta đã đắp được 15.219.000 mét khối đất, gấp ba lần so với năm 1958, vượt kế hoạch 1,8%, chất lượng công trình và năng suất lao động cũng hơn trước đây. Đó là một thành tích lớn.
Tuy nhiên, việc thi hành chính sách chưa được thống nhất, một số nơi không nắm vững nguyên tắc tài chính nên gây ảnh hưởng không tốt như:
Một số địa phương huy động nhân dân làm quá 30 ngày đã định trong nghĩa vụ dân công, bắt dân phải tự túc. Tổ chức bình nghị người được trợ cấp, người không được trợ cấp, có nơi làm 1m3 đất chỉ được hưởng hai ba hào hoặc ít hơn nữa.
Sử dụng kinh phí không hợp lý, chi nhiều về gián tiếp phí, mua sắm nhiều dụng cụ chưa thật cần thiết, thậm chí có nơi đem chi vào việc khác hoặc giữ tiền lại làm quỹ riêng ở địa phương mà không báo cáo.
Trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành một chính sách mới, hiện nay vẫn duy trì điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công trong thời bình ban hành ngày 27-7-1957 và Thông tư số 125-TTg ngày 30-3-1959 quy định tạm thời việc trả thù lao cho công tác đắp đê:
"Người được huy động đi làm đê năm nay cũng được coi là đi dân công, được tính vào trong số 30 ngày dân công nghĩa vụ hàng năm. Nhưng tiền thù lao và các quyền lợi vật chất khác thì không nhất thiết phải thi hành theo điều lệ dân công, mà do Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào số kinh phí được cấp mà quyết định".
Phải dành phần lớn kinh phí để trả thù lao dân công. Mỗi người đi đắp đê phải được hưởng một số thù lao nhất định, không phải bình nghị.
Các khoản gián tiếp phí, tập thể phí, mua sắm dụng cụ... chỉ được chi từ 15% đến 17% của tổng số, cụ thể là khi người dân công hoàn thành 1m3 đất, người ấy sẽ được hưởng số thù lao từ 4 hào đến 5 hào, tuỳ theo loại đất dễ hay khó làm. Tuỳ trường hợp ở một vài nơi khó khăn đặc biệt. Bộ Thuỷ lợi xét, có thể cấp trên 5 hào một mét khối đất.
Ở các công trường phải công bố giá 1m3 đất cho dân công biết. Bộ Thủy lợi, Bộ Lao động sẽ có chỉ thị hướng dẫn cụ thể hơn.
Uỷ ban hành chính các cấp cần chú ý phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa các động tác lao động, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ đê điều năm nay.
Để động viên được tinh thần phấn khởi của nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch đê điều năm 1960, mong Uỷ ban hành chính các cấp nghiên cứu thi hành đúng tinh thần Thông tư này.
Phạm Hùng (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 155-TTg năm 1961 về đẩy mạnh công tác đắp đê, xếp kè, tu sửa cống do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 06-LB/TT năm 1960 hướng dẫn sử dụng kinh phí và định các mức trợ cấp trong công tác đắp đê năm 1960 do liên bộ Bộ Lao Động- Bộ Tài Chính- Bộ Thuỷ Lợi ban hành.
- 3Nghị định 338-TTg năm 1957 Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công trong thời kỳ kiến thiết hoà bình do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 125-TTg năm 1959 quy định tạm thời trả thù lao cho công tác đắp đê do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư 23-TTg năm 1960 thi hành chế độ dân công trong công tác đắp đê do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 23-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 18/01/1960
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 02/02/1960
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định