Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ LỢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-LB/TT

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 1960 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VIỆC SỬ DỤNG KINH PHÍ VÀ ĐỊNH CÁC MỨC TRỢ CẤP TRONG CÔNG TÁC ĐẮP ĐÊ NĂM 1960

Thi hành Thông tư số 023-TTg ngày 18-01-1960 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành chế độ dân công trong công tác đắp đê nam 1960, Liên bộ đã ra Thông tư số 5-LB/TT ngày 27-01-1960 để hướng dẫn một số điểm cụ thể.

Nay một số địa phương còn gặp lúng túng trong việc áp dụng mức trợ cấp vào hoàn cảnh cụ thể từng vùng. Liên bộ giải thích cách phân phối kinh phí và định mức trợ cấp sau đây để các khu, tỉnh, thành nghiên cứu thi hành gấp, khỏi trở ngại đến công tác đắp đê.

Chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước trong công tác đắp đê năm 1960 là 10 triệu mét khối đất và 6 triều đồng kinh phí. Việc sử dụng kinh phí và định các mức trợ cấp nhằm đạt hai mục đích chính:

1. Bảo đảm kế hoạch Nhà nước (khối lượng, chất lượng và thời hạn).

2. Bảo đảm tiền trợ cấp vào tay dân công.

Muốn thế, phải đề ra những nguyên tắc phân phối khối lượng và kinh phí một cách hợp tình hợp lý, mặt khác phải lãnh đạo phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (dụng cụ, tổ chức) để tăng năng suất.

Thông tư trước (số 5) của Liên bộ có nhấn mạnh tiền trợ cấp đắp đê không được dùng vào công tác khác ngoài công tác đắp đê theo kế hoạch của Trung ương và phải dành phần lớn để thù lao dân công. Mỗi người đi đắp đê phải được hưởng một số tiền thù lao nhất định tùy theo khối lượng đất đã thực hiện và không phải bình nghị. Đó là nguyên tắc phân phối theo kế quả lao động vừa để bảo đảm kế hoạch vừa gây phấn khởi hào hứng đẩy mạnh năng suất.

Để bảo đảm tất cả tiền đắp đê đưa xuống hết địa phương, Bộ Thủy lợi căn cứ vào điều kiện đắp đê khó dễ, cao thấp, xa gần của các các triền đê mà phân ra 3 mức trợ cấp bình quân:

1. Loại dễ: 1 mét khối, trợ cấp 0đ50

2. Loại khó: 1 mét khối, trợ cấp 0đ60

3. Loại đặc biệt khó: 1 mét khối, trợ cấp 0đ70 và tính toán xét cấp kinh phí tùy theo khối lượng từng loại đê của các khu, tỉnh và thành.

Mỗi khu, tỉnh, thành sẽ căn cứ vào kinh phí được Bộ Thủy lợi cấp, vào khối lượng và điều kiện đắp đê khó, dễ, cao, thấp, gần, xa đúng vào thực tế từng vùng, từng nơi trong mỗi triền đê mà phân ra nhiều mức trợ cấp. Nơi nào dễ làm năng suất bình quân cao, thì mức trợ cấp theo thước khối sẽ ít; nơi nào khó lắm, năng suất bình quân thấp, thì mức trợ cấp theo thước khối sẽ nhiều hơn, cứ như thế bù qua sát lại để bảo đảm cấp phát tối thiểu 83% tổng số kinh phí vào tay dân công và thu hoạch của mỗi ngày công sẽ tương đương nhau trên các công trường nếu đạt được năng suất bình quân.

Số tiền dành lại cho mọi khoản gián tiếp phí và quản lý phí (bao gồm các khoản bồi thường, tuyên truyền thi đua, thuốc men, tai nạn, mua sắm dụng cụ, xe, tàu vận chuyển, khó khăn đột xuất...) không được quá 17% tổng số kinh phí.

Tính toán cân đối và quy định các mức trợ cấp xong thì ở từng công trường phải công bố mức trợ cấp 1 thước khối đất cho dân công biết.

Đối với địa phương nào nhờ công tác chính trị tốt, sinh hoạt của nhân dân tương đối khá, dân công hăng hái phấn khởi đắp đê bảo đảm khối lượng chất lượng và thời hạn, lại thật sự tự nguyện tự giác không nhận trợ cấp hoặc nhận một mức ít hơn mức trợ cấp đã công bố, thì khu, tỉnh hoặc thành không nên từ chối mà phải báo cáo cho Liên bộ biết, đồng thời phải nộp số kinh phí dôi ra vào công quỹ chứ không được dùng cho địa phương khác hoặc cho việc khác. Đây là trường hợp hãn hữu và phải dựa trên cơ sở nhiệm vụ đắp đê và các mức trợ cấp đã được công bố rõ ràng, dân công thật sự tự nguyện, tuyệt đối không vận động một cách gò ép.

Các khu tỉnh và thành phải hoàn thành nhiệm vụ tốt để bảo đảm khối lượng chất lượng và thời hạn, nhưng không được xin thêm kinh phí vì Bộ Thủy lợi đã phân phối hết số kinh phí Nhà nước quy định cho công tác đắp đê năm 1960.

Trong quá trình công tác, cán bộ công trường phải ra sức lãnh đạo động viên thi đua và giao khoán cho dân công. Về phần xã và dân công thì phải có trách nhiệm nhận khoán, hăng hái thi đua cải tiến dụng cụ, cải tiến tổ chức và kỹ thuật, tăng hiệu suất lao động để bảo đảm thực hiện vượt mức kế hoạch tỉnh, huyện đã giao cho. 

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ THỦY LỢI
THỨ TRƯỞNG

 


 
Trần Quý Kiên

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

 


 
Trịnh Văn Bính

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG

 


 
Lê Minh Hiền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 06-LB/TT năm 1960 hướng dẫn sử dụng kinh phí và định các mức trợ cấp trong công tác đắp đê năm 1960 do liên bộ Bộ Lao Động- Bộ Tài Chính- Bộ Thuỷ Lợi ban hành.

  • Số hiệu: 06-LB/TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 05/02/1960
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ lợi
  • Người ký: Lê Minh Hiền, Trịnh Văn Bính, Trần Quý Kiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản