Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2011/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2011

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, BÃI BỎ MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THỦY SẢN THEO NGHỊ QUYẾT 57/NQ-CP NGÀY 15/10/2010

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3, Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng thủy sản theo Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 15/10/2010 như sau:

Điều 1. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (sau đây gọi là Quyết định số 117)

1. Khoản 4 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

" Điều 14. Tần suất kiểm tra định kỳ

4. Cơ sở xin hoãn kiểm tra định kỳ nộp hồ sơ gồm 01 văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ lý do xin hoãn kiểm tra. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xin hoãn kiểm tra định kỳ của cơ sở, Cơ quan kiểm tra, công nhận phải có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ biện pháp kiểm soát được áp dụng đối với Cơ sở tùy theo lý do xin hoãn kiểm tra của Cơ sở, các biện pháp được áp dụng có thể là:

a) Kiểm tra tăng cường sản phẩm xuất xưởng của Cơ sở;

b) Tạm dừng kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ;

c) Đình chỉ hiệu lực công nhận Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP."

2. Bãi bỏ khoản 3 Điều 15 và Phụ lục 3a, 3b Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 117.

3. Mẫu Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP theo Phụ lục số 01, 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Điểm h, điểm i Khoản 1 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 17. Đình chỉ hiệu lực công nhận

1. Quyết định công nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP sẽ bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau:

h) Cơ sở vi phạm quy định về kiểm soát, sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm";

i) Cơ sở thu mua, sử dụng nguyên liệu từ các hộ nuôi thuỷ sản, vùng nuôi thuỷ sản và vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị cấm hoặc đình chỉ thu hoạch".

5. Khoản 2 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 17. Đình chỉ hiệu lực công nhận

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ vi phạm của các Cơ sở nêu tại khoản 1 Điều 17 Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 117, Cơ quan kiểm tra, công nhận ra quyết định đình chỉ hiệu lực công nhận Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP và tạm thời đình chỉ việc sử dụng mã số công nhận được cấp. Quyết định đình chỉ hiệu lực công nhận được gửi cho Cơ sở bị đình chỉ hiệu lực công nhận, Cơ quan kiểm tra chứng nhận chất lượng sản phẩm, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cơ sở và lưu hồ sơ của Cơ quan kiểm tra, công nhận".

6. Bãi bỏ Điều 18 Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 117.

7. Điểm a khoản 1 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 19. Cấp lại Giấy chứng nhận

a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến thuỷ sản được cấp lại trong những trường hợp sau: Giấy chứng nhận bị mất; Giấy chứng nhận bị hư hỏng; khi Cơ sở có thay đổi hay bổ sung thông tin liên quan đến tên, địa chỉ hoặc loại hình sản xuất; Cơ sở đã bị thu hồi Giấy chứng nhận, nay xin cấp lại".

8. Khoản 2 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

" Điều 19. Cấp lại Giấy chứng nhận

2. Việc cấp lại Giấy chứng nhận được thực hiện như sau:

a) Cơ sở làm văn bản đề nghị Cơ quan kiểm tra, công nhận cấp lại Giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Số lượng hồ sơ: 01 văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

c) Cơ sở có thể nộp hồ sơ trực tiếp, gửi qua Fax, E-mail, mạng điện tử (sau đó gửi hồ sơ bản chính); gửi theo đường bưu điện.

d) Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận của Cơ sở, Cơ quan kiểm tra, công nhận phải cấp lại Giấy chứng nhận cho Cơ sở".

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 118/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá thuỷ sản (sau đây gọi là Quyết định số 118)

1. Khoản 3 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 11. Đăng ký kiểm tra

3. Chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra đến cơ quan kiểm tra bằng các hình thức: gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, gửi qua fax (có điện thoại xác nhận), thư điện tử hoặc đăng ký trực tuyến qua Internet, sau đó nộp hồ sơ đăng ký cho Cơ quan kiểm tra khi được kiểm tra".

2. Khoản 1 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 19. Trình tự, nội dung thực hiện miễn kiểm tra

1. Chủ hàng làm 01 văn bản đề nghị miễn kiểm tra theo mẫu quy định tại phụ lục 1b Quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá thuỷ sản ban hành kèm theo Quyết định số 118. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày lô hàng bị triệu hồi hoặc bị trả về có nguyên nhân liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (bị thị trường nhập khẩu cảnh báo vi phạm về các chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm) được thông quan, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo cơ quan kiểm tra các biện pháp đã xử lý đối với lô hàng theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản ban hành kèm theo Quyết định số 118/2008/QĐ-BNN ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Bãi bỏ điểm b, điểm d khoản 1 Điều 20

4. Khoản 1 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

" Điều 21. Thực hiện giảm kiểm tra đối với hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu

1. Thủ tục xem xét áp dụng giảm kiểm tra

a) Doanh nghiệp gửi 01 Giấy đề nghị giảm kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này cho Cơ quan kiểm tra.

b) Trong thời gian 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra tổ chức xem xét, thẩm định hồ sơ và gửi Thông báo cơ sở đủ điều kiện giảm kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản theo mẫu tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này nếu kết quả thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu; hoặc Thông báo không đủ điều kiện giảm kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản theo mẫu tại Phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư này nếu kết quả thẩm định hồ sơ không đạt yêu cầu cho cơ sở".

5. Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 21.

6. Khoản 2 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 21. Thực hiện giảm kiểm tra đối với hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu

2. Thực hiện giảm kiểm tra

a) Doanh nghiệp gửi phân tích đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định tại chương trình quản lý chất lượng đã được phê duyệt tại các phòng kiểm nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định và lưu trữ đầy đủ kết quả kiểm nghiệm;

b) Doanh nghiệp đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lô hàng thủy sản theo quy định tại Điều 11 của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 118 trước thời điểm dự kiến lấy giấy chứng nhận tối thiểu 05 (năm) ngày làm việc. Kèm theo hồ sơ đăng ký là bản kê chi tiết các thông tin liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận;

c) Sau khi xem xét hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp, Cơ quan kiểm tra xác nhận vào Giấy đăng ký và gửi lại cho doanh nghiệp, trong đó nêu rõ lô hàng được áp dụng chế độ giảm kiểm tra hay kiểm tra thông thường. Cơ quan kiểm tra chỉ thực hiện kiểm tra cảm quan, ngoại quan đối với các lô hàng được giảm kiểm tra và chỉ thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng theo chế độ thông thường với tần suất được quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư số 78/2009/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng thủy sản. Thực hiện kiểm tra chứng nhận đối với các lô hàng thực hiện chế độ kiểm tra thông thường như quy định tại Chương II Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 118;

d) Đối với các lô hàng thuộc diện giảm kiểm tra, trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra cảm quan, ngoại quan tại hiện trường và trên cơ sở kết quả tự kiểm tra của doanh nghiệp, Cơ quan kiểm tra thực hiện cấp giấy chứng nhận theo mẫu do thị trường nhập khẩu quy định.".

7. Bãi bỏ các thủ tục "Kiểm tra và chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa thuỷ sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa", thủ tục "Kiểm tra tăng cường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa" và thủ tục "Miễn kiểm tra và chứng nhận chất lượng, vệ sinh ATTP hàng hóa thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa", cụ thể như sau:

a) Bãi bỏ: Điểm a Khoản 1 Điều 4, Khoản 1 Điều 5, Khoản 1 Điều 6, Điểm c Khoản 1 Điều 10, Điều 12, Khoản 1 Điều 18.; Khoản 2 Điều 23.; Điểm c Khoản 2 và Điểm c Khoản 3 Điều 24 và Điều 30.

b) Điểm a khoản 1 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 15. Cấp chứng nhận

1. Kể từ khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường, cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cho lô hàng có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu theo thời hạn sau:

a) Không quá 1 (một) ngày làm việc đối với hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu ở dạng tươi, sống".

8. Điểm a, b khoản 2 Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 24. Nội dung, trình tự thực hiện kiểm tra tăng cường

2. Nội dung kiểm tra: Ngoài các nội dung kiểm tra thông thường theo quy định, hàng hoá thuỷ sản thuộc diện kiểm tra tăng cường sẽ bị kiểm tra thêm các nội dung sau:

a) Đối với hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Thông tư số 78/2009/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng thủy sản.

b) Đối với hàng hoá thuỷ sản nhập khẩu để chế biến: Chỉ định phân tích thêm các chỉ tiêu có thông tin cảnh báo hoặc lấy mẫu kiểm nghiệm đối với 05 (năm) lô hàng liên tiếp cùng loại sản phẩm, cùng xuất xứ để chỉ định phân tích các chỉ tiêu bị phát hiện không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường hợp chủ hàng đã có 05 (năm) lô hàng trước đó cùng chủng loại sản phẩm, cùng xuất xứ đã có kết quả kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm đạt yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, Cơ quan kiểm tra thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm với tần suất 01 (một) trong 05 (năm) lô hàng nhập khẩu tiếp theo của chủ hàng".

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 Quyết định số 131/2008/QĐ-BNN ngày 31/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chế kiểm soát vệ sinh an toàn trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ như sau:

"Điều 7. Triển khai thực hiện Chương trình

3. Tổ chức kiểm soát thu hoạch:

a) Cơ sở thu hoạch phải thông báo thời gian, địa điểm, khối lượng NT2MV dự kiến thu hoạch cho cơ quan kiểm soát thu hoạch.

b) Căn cứ thông báo chế độ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, cơ quan kiểm soát thu hoạch/cơ quan, tổ chức được ủy quyền phải tổ chức giám sát thu hoạch tại hiện trường và cấp phiếu giám sát thu hoạch/giấy chứng nhận xuất xứ NT2MV cho từng lô nguyên liệu trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ sở.

c) Trường hợp cấp phiếu giám sát thu hoạch, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thu hoạch, cơ sở thu hoạch phải chuyển bản chính phiếu giám sát thu hoạch đến cơ quan kiểm soát thu hoạch để được cấp đổi Giấy chứng nhận xuất xứ NT2MV chính thức. Cơ quan kiểm soát thu hoạch phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận xuất xứ NT2MV trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ thời điểm nhận phiếu giám sát thu hoạch của cơ sở.

d) Tổ chức ngăn chặn việc thu hoạch NT2MV từ vùng bị đình chỉ, cấm thu hoạch và việc vận chuyển NT2MV từ vùng chưa được kiểm soát sang vùng đã được kiểm soát."

Điều 4. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 56/2009/TT-BNNPTNT ngày 7/9/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản trước khi đưa ra thị trường như sau:

1. Điểm b khoản 1 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

" Điều 5. Điều kiện sản phẩm thủy sản được đưa ra thị trường

Sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm đưa ra tiêu thụ tại thị trường trong nước

b) Đối với sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, chế biến phải đáp ứng một trong các điều kiện: được sản xuất, kinh doanh tại cơ sở sơ chế, chế biến, lưu giữ, bảo quản đã được công nhận đủ điều kiện đảm bảo VSATTP; hoặc đã được xác nhận công bố hợp quy;".

2. Bãi bỏ khoản 3 Điều 10.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 23/2011/TT-BNNPTNT sửa đổi, bãi bỏ quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng thủy sản theo Nghị quyết 57/NQ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 23/2011/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/04/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 245 đến số 246
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 10/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản