Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2017/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2017

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn xác định tiền dịch vụ môi trường rừng; hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, kế hoạch thu, chi; xác định diện tích để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; miễn, giảm tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (sau đây viết chung là Nghị định số 99/2010/NĐ-CP) và Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP (sau đây viết chung là Nghị định số 147/2016/NĐ-CP).

2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có hoạt động liên quan đến cung ứng, sử dụng và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chủ rừng là tchức gồm các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

2. Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng gồm chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật;

3. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng gồm tổ chức, cá nhân sản xuất thủy điện; sản xuất và cung ứng nước sạch; sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước; kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng; tổ chức, cá nhân phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản;

4. Hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng là hợp đồng được ký giữa Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng hoặc cơ quan, tổ chức làm thay nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng để trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

5. Hợp đồng khoán bảo vệ rừng là hợp đồng được ký giữa bên khoán bảo vệ rừng với bên nhận khoán bảo vệ rừng;

6. Hệ số K là hệ số điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trữ lượng rừng, mục đích sử dụng rừng, nguồn gốc hình thành rừng và mức độ khó khăn của lô rừng;

7. Diện tích rừng quy đổi theo hệ số K là tích số của diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hệ số K;

8. Số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm là số tiền Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thực tế đã thu được từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12, gồm tiền ủy thác thực nhận từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng, tiền lãi thu được từ số tiền bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chậm trả và lãi tiền gửi từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng;

Chương II

XÁC ĐỊNH TIỀN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Điều 3. Hệ số K

1. Hệ số K được xác định cho từng lô rừng, làm cơ sở để tính toán mức chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Hệ số K bằng tích số của các hệ số K thành phần theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

2. Các hệ số K thành phần gồm:

a) Hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trữ lượng rừng, gồm rừng rất giàu và rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo. Hệ số K1 có giá trị bằng: 1,00 đối với rừng rất giàu và rừng giàu; 0,95 đối với rừng trung bình; 0,90 đối với rừng nghèo. Tiêu chí trữ lượng rừng theo quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng;

b) Hệ số K2 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo mục đích sử dụng rừng được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Hệ số K2 có giá trị bằng: 1,00 đối với rừng đặc dụng; 0,95 đối với rừng phòng hộ; 0,90 đối với rừng sản xuất;

c) Hệ số K3 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo nguồn gốc hình thành rừng, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng. Hệ số K3 có giá trị bằng: 1,00 đối với rừng tự nhiên; 0,90 đối với rừng trồng;

d) Hệ số K4 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo mức độ khó khăn được quy định đối với diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng nằm trên địa bàn các xã khu vực I, II, III theo quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ số K4 có giá trị bằng: 1,00 đối với xã thuộc khu vực III; 0,95 đối với xã thuộc khu vực II; 0,90 đối với xã thuộc khu vực I.

Điều 4. Áp dụng hệ số K

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương và hệ số K được quy định tại Điều 3 Thông tư này, quy định, hướng dẫn áp dụng các hệ số K thành phần trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh xác định hệ số K của các lô rừng khi có sự thay đổi về trữ lượng, mục đích sử dụng, nguồn gốc hình thành và mức độ khó khăn.

Điều 5. Xác định số tiền điều phối từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Hàng năm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam xác định số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm để điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan, tổ chức làm thay nhiệm vụ của quỹ (sau đây viết chung là Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh) đối với diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính từ hai tỉnh trở lên.

a) Xác định số tiền chi trả cho 01 ha rừng từ một bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

Số tiền chi trả cho 01 ha rừng (đồng/ha)

=

Số tiền dịch vụ môi trường rừng do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam thực thu trong năm (đồng)

-

Kinh phí quản lý của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (đồng)

(1)

Tổng diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng (ha)

b) Xác định số tiền điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh từ một bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

Số tiền điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (đồng)

=

Số tiền chi trả cho 01 ha rừng (đồng/ha)

x

Diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng của tỉnh (ha)

(2)

c) Xác định tổng số tiền điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh từ nhiều bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

Tổng số tiền điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (đồng)

=

Số tiền chi trả từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng thứ 1 (đồng)

Số tiền chi trả từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng thứ 2 (đồng)

Số tiền chi trả từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng thứ n (đồng)

(3)

2. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối số tiền không xác định hoặc chưa xác định được bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho các tỉnh có mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 ha từ thấp nhất trở lên.

Điều 6. Xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng

1. Hàng năm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo số tiền thực thu trong năm, gồm số tiền điều phối từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và thu nội tỉnh.

a) Xác định số tiền chi trả cho 01 ha rừng từ một bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

Số tiền chi trả cho 01 ha rừng (đồng/ha)

=

Số tiền dịch vụ môi trường rừng do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thực thu trong năm (đồng)

-

Kinh phí quản lý của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (đồng)

-

Kinh phí dự phòng (đồng)

(4)

Tổng diện tích rừng đã quy đổi theo hệ số K (ha)

Trường hợp có thiên tai, khô hạn và trường hợp mức chi trả cho 01 ha rừng thấp hơn năm trước liền kề, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ sung từ nguồn kinh phí dự phòng.

Đối với diện tích rừng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp.

b) Xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng từ một bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

Số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (đồng)

=

Số tiền chi trả cho 01 ha rừng (đồng/ha)

x

Tổng diện tích rừng đã quy đổi theo hệ số K (ha)

(5)

c) Xác định tổng số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng từ nhiều bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

Tổng số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (đồng)

=

Số tiền chi trả từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng thứ 1 (đồng)

Số tiền chi trả từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng thứ 2 (đồng)

Số tiền chi trả từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng thứ n (đồng)

(6)

2. Trường hợp không xác định hoặc chưa xác định được bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều tiết số tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 ha từ thấp nhất trở lên.

Điều 7. Xác định số tiền chi trả cho bên nhận khoán bảo vệ rừng

Hàng năm, bên khoán bảo vệ rừng (sau đây viết chung là bên khoán) xác định số tiền chi trả cho bên nhận khoán bảo vệ rừng (sau đây viết chung là bên nhận khoán) theo số tiền thực nhận trong năm từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

1. Xác định đơn giá khoán bảo vệ rừng cho 01 ha (sau đây viết chung là đơn giá khoán) từ một bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

Đơn giá khoán (đồng/ha)

=

Số tiền bên khoán nhận được cho diện tích khoán (đồng)

-

Kinh phí quản lý của bên khoán (đồng)

(7)

Tổng diện tích rừng khoán đã quy đổi theo hệ số K (ha)

2. Xác định số tiền chi trả cho bên nhận khoán từ một bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

Số tiền chi trả cho bên nhận khoán (đồng)

=

Đơn giá khoán (đồng/ha)

x

Diện tích rừng của bên nhận khoán đã quy đổi theo hệ số K (ha)

(8)

3. Xác định tổng số tiền chi trả cho bên nhận khoán từ nhiều bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng:

Tổng số tiền chi trả cho bên nhận khoán (đồng)

=

Số tiền chi trả cho diện tích khoán từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng thứ 1 (đồng)

Số tiền chi trả cho diện tích khoán từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng thứ 2 (đồng)

Số tiền chi trả cho diện tích khoán từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng thứ n (đồng)

(9)

Chương III

HỢP ĐỒNG CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG VÀ KẾ HOẠCH THU CHI

Điều 8. Ký hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng

1. Trường hợp chi trả trực tiếp

a) Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ký hợp đồng với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng, trong đó xác định loại dịch vụ, mức chi trả, thời gian chi trả, phương thức chi trả. Mức chi trả không thấp hơn mức chi trả được quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và Nghị định số 147/2016/NĐ-CP.

b) Hợp đồng lập thành bốn bản, bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng giữ một bản, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng giữ một bản, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh giữ một bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ một bản.

2. Trường hợp chi trả gián tiếp

a) Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng ký hợp đồng ủy thác với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đối với diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính từ hai tỉnh trở lên.

b) Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng ký hợp đồng ủy thác với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh đối với diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính của một tỉnh.

c) Hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Thực hiện hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng

1. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền dịch vụ môi trường rừng từ ngày có hoạt động sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

2. Trường hợp chi trả trực tiếp, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo hợp đồng.

3. Trường hợp chi trả gián tiếp

a) Trước ngày 15 tháng 10 hàng năm, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng gửi kế hoạch nộp tiền dịch vụ môi trường rừng năm sau về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng lập bản kê nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.

c) Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng nộp tiền theo từng quý; thời gian nộp tiền chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý đối với Quý I, II, III; 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý đối với Quý IV.

d) Chậm nhất 50 ngày kể từ ngày kết thúc năm, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng tổng hợp tình hình nộp tiền dịch vụ môi trường rừng gửi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Lập, thông báo kế hoạch thu, chi và dự toán chi quản lý

1. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam

a) Rà soát, xác định diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính từ hai tỉnh trở lên trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.

b) Tổng hợp kế hoạch nộp tiền của các bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng nằm trên địa giới hành chính từ hai tỉnh và thông báo cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh số tiền dự kiến điều phối theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 31 tháng 10 hàng năm.

c) Lập kế hoạch thu, chi theo mẫu số 06 và dự toán chi quản lý theo mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này vào Quý IV hàng năm, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam thông qua, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

2. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh

a) Rà soát, xác định diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng, lập danh sách bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

b) Tổng hợp kế hoạch nộp tiền dịch vụ môi trường rừng của các bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

c) Lập kế hoạch thu, chi theo mẫu số 08 và dự toán chi quản lý theo mẫu số 09 ban hành kèm theo Thông tư này vào Quý IV hàng năm; báo cáo Hội đồng đồng quản lý Quỹ thông qua, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

d) Thông báo kế hoạch thu, chi cho chủ rừng là tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, tổ chức chính trị-xã hội; gửi quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thu, chi cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.

Điều 11. Xác định số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả trong năm

1. Trước ngày 01 tháng 02 hàng năm, căn cứ số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu năm trước và kết quả xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh xác định số kinh phí quản lý, kinh phí dự phòng, số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm trước.

2. Trước ngày 01 tháng 03 hàng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thông báo cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo mẫu số 10 và mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương IV

XÁC ĐỊNH DIỆN TÍCH ĐỂ CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Điều 12. Căn cứ xác định diện tích rừng

1. Kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng.

2. Kết quả theo dõi diễn biến rừng.

3. Bản đồ dùng để xác định diện tích rừng trong lưu vực quy định tại Thông tư số 60/2012/TT-BNNPTNT ngày 9 tháng 11 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng (sau đây viết chung là Thông tư số 60/2012/TT-BNNPTNT).

4. Kết quả chi trả dịch vụ môi trường rừng của năm trước liền kề.

Điều 13. Xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng

1. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn; Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức chính trị-xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên cơ sở chồng xếp bản đồ kiểm kê rừng cấp xã với bản đồ dùng để xác định diện tích rừng trong lưu vực quy định tại Thông tư số 60/2012/TT-BNNPTNT.

2. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, chủ rừng là tổ chức xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở chồng xếp bản đồ kiểm kê rừng của chủ rừng là tổ chức với bản đồ diện tích rừng trong lưu vực quy định tại Thông tư số 60/2012/TT-BNNPTNT.

3. Chi phí xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng được sử dụng từ nguồn kinh phí quản lý của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, của chủ rừng là tổ chức hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 14. Xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn; Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức chính trị-xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng

1. Trước ngày 31 tháng 12, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức chính trị-xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên cơ sở cập nhật bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm. Trường hợp chưa có kết quả theo dõi diễn biến rừng cả năm, thì sử dụng số liệu, bản đồ được cập nhật đến hết Quý III của năm đó.

2. Trước ngày 15 tháng 01 năm sau, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm kiểm tra, xác minh diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trường hợp có kiến nghị.

3. Trước ngày 25 tháng 01 năm sau, Quỹ Bảo và phát triển rừng cấp tỉnh tổng hợp diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn; Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức chính trị-xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo mẫu số 12 ban hành kèm theo Thông tư này làm cơ sở thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

4. Chi phí xác định diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng được sử dụng từ nguồn kinh phí quản lý của Quỹ Bảo vệ và phát triển cấp tỉnh hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 15. Xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng là tổ chức

1. Trước ngày 31 tháng 12, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng là tổ chức trên cơ sở cập nhật bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ kết quả theo dõi diễn biến rừng. Trường hợp chưa có kết quả theo dõi diễn biến rừng cả năm, thì sử dụng số liệu, bản đồ được cập nhật đến hết Quý III của năm đó.

2. Trước ngày 15 tháng 01 năm sau, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, xác minh diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trường hợp có kiến nghị.

3. Trước ngày 25 tháng 01 năm sau, Quỹ Bảo và phát triển rừng cấp tỉnh tổng hợp diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng là tổ chức theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này làm cơ sở thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

4. Chi phí xác định diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng được sử dụng từ nguồn kinh phí quản lý của Quỹ Bảo vệ và phát triển cấp tỉnh, của chủ rừng là tổ chức hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Chương V

MIỄN, GIẢM TIỀN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Điều 16. Trường hợp miễn, giảm

Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng được miễn, giảm trong trường hợp:

1. Thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, động đất, bão lụt, lũ quét, lốc, sóng thần, lở đất xảy ra, làm thiệt hại trực tiếp đến vốn, tài sản dẫn tới mất khả năng hoặc phải ngừng hoạt động, hoạt động sản xuất kinh doanh và không thuộc đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.

2. Mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích không còn tài sản để trả hoặc không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho cá nhân đó.

3. Có quyết định giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật, không còn vốn, tài sản để chi trả nợ cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Điều 17. Mức miễn, giảm

1. Tổ chức, cá nhân được miễn 100% số tiền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp mức độ rủi ro thiệt hại về vốn và tài sản của bên chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 70% đến 100% so với tổng tài sản hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.

2. Tổ chức, cá nhân được giảm tối đa 50% số tiền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp mức độ rủi ro thiệt hại về vốn và tài sản của bên chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 40% đến dưới 70% so với tổng tài sản hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.

Điều 18. Hồ sơ và trình tự miễn, giảm

1. Hồ sơ miễn, giảm

Khi xảy ra rủi ro bất khả kháng tại Điều 16 Thông tư này, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng lập 01 bộ hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền dịch vụ môi trường rừng gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính của một tỉnh) hoặc Tổng cục Lâm nghiệp (đối với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính từ hai tỉnh trở lên). Hồ sơ miễn, giảm gồm:

a) Văn bản đề nghị miễn, giảm của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng, trong đó nêu rõ nguyên nhân, nội dung rủi ro bất khả kháng; mức độ thiệt hại về vốn và tài sản; nội dung đề nghị miễn, giảm; thời gian đề nghị miễn, giảm;

b) Bản sao chụp quyết định của tòa án trong trường hợp mất năng lực hành vi dân sự; bản sao chụp giấy chứng tử, chứng nhận mất tích trong trường hợp chết hoặc mất tích đối với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng là cá nhân;

c) Bản kê tổn thất, thiệt hại về vốn và tài sản đối với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng là tổ chức;

2. Trình tự miễn, giảm

a) Đối với hồ sơ nộp trực tiếp, trong vòng 1/2 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận hồ sơ, bên nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính hợp lệ của hồ sơ.

b) Đối với hồ sơ nhận qua đường bưu điện hoặc qua mạng, trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, bên nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính hợp lệ của hồ sơ.

c) Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị miễn, giảm hợp lệ, bên nhận hồ sơ quyết định thành lập Đoàn kiểm tra xác minh.

d) Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi có quyết định thành lập, Đoàn kiểm tra phải tiến hành kiểm tra, xác minh. Trong vòng 07 ngày làm việc sau khi kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra hoàn thành biên bản kiểm tra gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Tổng cục Lâm nghiệp.

đ) Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được biên bản kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành báo cáo gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn, giảm đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính của một tỉnh; Tổng cục Lâm nghiệp hoàn thành báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định miễn, giảm đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính từ hai tỉnh trở lên.

e) Quyết định miễn, giảm được gửi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng để thực hiện.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam về ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng, lập kế hoạch và dự toán thu, chi; tình hình thu, chi và điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng.

2. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam

a) Xác định diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng và ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với các bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng có lưu vực nằm trên địa giới hành chính từ hai tỉnh trở lên; tiếp nhận và điều phối số tiền cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

b) Hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh về ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng, lập kế hoạch và dự toán thu, chi; tình hình thu, chi và trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

d) Tổng hợp tình hình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng toàn quốc của năm trước, báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 6 hàng năm.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn cấp tỉnh thực hiện Thông tư này, cụ thể:

a) Xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; xác định diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng; lập kế hoạch thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng; thực hiện miễn giảm tiền dịch vụ môi trường rừng;

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh về ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng, lập kế hoạch và dự toán thu, chi; tình hình thu, chi và trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng

4. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh

a) Chủ trì xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; chủ trì xác định diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng; ký hợp đồng với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính của tỉnh; tiếp nhận tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát chủ rừng là tổ chức, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã có cung ứng dịch vụ môi trường.

c) Báo cáo kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của năm trước theo mẫu số 14 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 31 tháng 5 năm sau.

5. Các cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có hoạt động liên quan đến việc cung ứng, sử dụng và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

2. Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phương pháp xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; Thông tư số 20/2012/TT-BNNPTNT ngày 07 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục nghiệm thu thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT/BNNPTNT-BTC ngày 16 tháng 11 năm 2012 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; Điều 4 Thông tư số 20/2016/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư 38/2007/TT-BNNPTNT, 78/2011/TT-BNNPTNT, 25/2011/TT-BNNPTNT, 47/2012/TT-BNNPTNT, 80/2011/TT-BNNPTNT, 99/2006/TT-BNN hết hiệu lực từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết./.