Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2147/1999/TT-BQP | Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 1999 |
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN, CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG
Căn cứ Điều 11 Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điểm của Bộ luật lao động về an toàn lao động và vệ sinh lao động; trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Thông tư 19/LĐTBXH-TT ngày 02/08/1997;
Sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại công văn số 2188/LĐTBXH-BHLĐ ngày 30/06/1999, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện bồi thường đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị tai nạn như sau:
1. Đối tượng, điều kiện được bồi thường tai nạn lao động:
Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng (kể cả lao động hợp đồng, người học nghề, tập nghề) thuộc các đơn vị, doanh nghiệp... trong Quân đội bị tai nạn lao động trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện, công tác, học tập, sản xuất hoặc các hoạt động gắn với việc thực hiện nhiệm vụ mà dẫn đến chết hoặc mất khả năng lao động từ 81% trở lên.
Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp bị thương, hy sinh được xác nhận là thương binh, liệt sĩ.
Mức bồi thường được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật lao động và Điều 11 Nghị định 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về an toàn lao động và vệ sinh lao động. Cụ thể như sau:
Mức bồi thường bằng 30 tháng lương (đối với người hưởng lương) hoặc sinh hoạt phí (đối với người hưởng sinh hoạt phí) cho quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng chết mà không do lỗi của họ. Trường hợp do lỗi của quân nhân, công nhân viên chức thì cũng được trợ cấp 12 tháng lương hoặc sinh hoạt phí. Các doanh nghiệp có thể bồi thường cao hơn mức quy định trên.
Tiền lương làm căn cứ để tính chế độ bồi thường cho người bị tai nạn lao động thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 197/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ là tiền lương bình quân của 6 tháng liền trước khi bị tai nạn lao động gồm: Lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp chức vụ (nếu có).
Trường hợp chưa đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ để tính chế độ bồi thường là tiền lương bình quân tương ứng với thời gian làm việc của các tháng trước khi xảy ra tai nạn.
Mức sinh hoạt phí hàng tháng để làm căn cứ bồi thường cho người hưởng sinh hoạt phí bị tai nạn lao động được tính bằng 2 tháng lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động.
3. Trách nhiệm bồi thường và nguồn kinh phí:
Chi phí bồi thường cho người bị tai nạn lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, phí lưu thông của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đối với cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách được tính vào chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Trường hợp quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị chết hoặc bị thương do các tổ chức, cá nhân gây ra phải bồi thường cho quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị nạn hoặc cho gia đình họ theo luật định. Nếu mức bồi thường đã chấp hành theo luật định thấp hơn mức quy định bồi thường tai nạn lao động có quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị nạn sẽ trợ cấp thêm phần còn thiếu so với mức bồi thường tai nạn lao động quy định ở trên.
4. Thủ tục hồ sơ làm căn cứ để bồi thường tai nạn lao động:
4.1. Đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng chết vì tai nạn lao động:
- Biên bản kết luận tai nạn lao động của cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên
- Giấy báo tử
4.2. Đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị tai nạn lao động suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên:
- Biên bản kết luận tai nạn lao động của cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên;
- Kết luận mức độ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên của Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền theo Quyết định số 1636/QĐ-QP ngày 05/10/1996 của Bộ Quốc phòng về Quy định việc giám định y khoa trong Quân đội.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các đối tượng được bồi thường tai nạn lao động theo Thông tư này vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động (nếu có tham gia bảo hiểm xã hội) theo quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995, Nghị định số 45/CP ngày 15/07/199 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội.
Đối tượng được thực hiện chế độ bồi thường tai nạn lao động theo quy định tại Thông tư này thì không được trợ cấp thêm 3 tháng lương hoặc sinh hoạt phí quy định tại khoản a Điều 3 Quyết định 106/QĐ-QP ngày 26/02/1994 của Bộ Quốc phòng.
Cục Chính sách Tổng cục Chính trị, Cục Tài chính Bộ Quốc phòng căn cứ vào Thông tư 19/LĐTBXH-TT ngày 02/08/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư này có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể thêm, quy định về quy trình, thủ tục để thực hiện việc bồi thường tai nạn lao động theo quy định tại Thông tư này.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, xem xét, ra quyết định bồi thường tai nạn lao động cho đối tượng thuộc quyền.
Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị tai nạn lao động từ 01/01/1995 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa được bồi thường thì đơn vị hoặc tổ chức cá nhân gây ra tai nạn đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng có trách nhiệm bồi thường cho người bị nạn hoặc gia đình họ theo các quy định tại Thông tư này (không truy thu khoản tiền lương 3 tháng đã được cấp theo quy định tại khoản a Điều 3 Quyết định 106/QĐ-QP ngày 26/02/1994 của Bộ Quốc phòng).
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các đơn vị phản ảnh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách) để xem xét giải quyết.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG |
- 1Thông tư 14/2004/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với quân nhân, công chức, công nhân viên quốc phòng và lao động hợp động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ Tư pháp ban hành
- 2Thông tư 10/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 1Bộ luật Lao động 1994
- 2Nghị định 197-CP năm 1994 hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động về tiền lương
- 3Nghị định 12/CP năm 1995 ban hành Điều lệ Bảo Hiểm Xã Hội
- 4Nghị định 06/CP năm 1995 Hướng dẫn Bộ Luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động
- 5Nghị định 45-CP năm 1995 về điều lệ bảo hiểm xã hội đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân
- 6Thông tư 19-LĐTBXH/TT-1997 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường cho người bị tai nạn lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 7Thông tư 10/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 8Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Thông tư 2147/1999/TT-BQP hướng dẫn chế độ bồi thường đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị tai nạn lao động do Bộ Quốc phòng ban hành
- Số hiệu: 2147/1999/TT-BQP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/07/1999
- Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
- Người ký: Nguyễn Văn Rinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/08/1999
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra