Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 20/2019/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh khí và hoạt động công bố cơ sở pha chế khí tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Trách nhiệm của cơ quan quản lý

1. Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Tổ chức triển khai thực hiện hoạt động quản lý đo lường, chất lượng khí và hoạt động công bố cơ sở pha chế khí theo quy định tại Thông tư này;

b) Tiếp nhận bản thông báo tiêu chuẩn của phụ gia (tên phụ gia, thành phần, hàm lượng phụ gia trước khi đưa vào sản xuất, chế biến khí) và cam kết bảo đảm chất lượng phụ gia không ảnh hưởng đến an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường và chất lượng khí theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Thông tư này;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về đo lường, chất lượng đối với thương nhân kinh doanh khí theo quy định tại Thông tư này;

d) Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày nhận được bản tự công bố của thương nhân pha chế khí, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra (hậu kiểm) tại các cơ sở pha chế khí theo bản tự công bố phù hợp điều kiện pha chế của thương nhân và theo quy định tại Thông tư này.

Trường hợp qua kiểm tra, nếu thương nhân không đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP và các yêu cầu tại Thông tư này liên quan đến hoạt động pha chế khí, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng loại bỏ tên thương nhân khỏi danh sách cơ sở pha chế khí đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đồng thời có văn bản thông báo cho Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân pha chế khí hoạt động và thương nhân biết;

đ) Phê duyệt mẫu phương tiện đo; cấp giấy chứng nhận đăng ký và chỉ định tổ chức kiểm định phương tiện đo theo quy định của pháp luật về đo lường;

e) Hướng dẫn chi tiết về yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phương tiện đo, hệ thống đo, quy đổi kết quả đo lượng khí về điều kiện cơ sở, phương pháp tính toán xác định lượng khí; hướng dẫn về việc kiểm tra phép đo, kết quả đo;

g) Tiếp nhận thông báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng khí không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng để xem xét, xử lý;

h) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản này và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả triển khai thực hiện theo quy định về báo cáo định kỳ hoặc yêu cầu báo cáo đột xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn:

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này trên địa bàn địa phương;

b) Phê duyệt kế hoạch thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về đo lường, chất lượng trên cơ sở đề xuất của cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ theo quy định tại Thông tư này trên địa bàn địa phương;

c) Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và cơ quan Thanh tra thuộc cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng khí đối với trạm nạp khí, trạm cấp khí, trạm nén khí CNG, thương nhân kinh doanh mua bán khí, cửa hàng bán lẻ LPG chai, thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí trên địa bàn và các nhiệm vụ khác theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

d) Định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình quản lý chất lượng, đo lường trong kinh doanh khí, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh khí trên địa bàn, theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về đo lường, chất lượng tại các trạm nạp khí, trạm cấp khí, trạm nén khí CNG, thương nhân kinh doanh mua bán khí, cửa hàng bán lẻ LPG chai và các đơn vị phân phối khác có trụ sở tại địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư này;

b) Định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp báo cáo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về tình hình quản lý chất lượng, đo lường trong kinh doanh khí theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 22. Trách nhiệm của thương nhân kinh doanh khí

1. Tuân thủ các quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, chất lượng liên quan.

2. Bảo đảm thực hiện các biện pháp quản lý đo lường, chất lượng khí theo quy định tại Thông tư này. Bảo đảm chất lượng khí khi đưa ra lưu thông trên thị trường phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Kịp thời ngừng sản xuất, chế biến, pha chế, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện khí sản xuất, chế biến, pha chế có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan có thể kiểm tra phương tiện đo, phép đo, chất lượng của khí cung cấp cho khách hàng.

4. Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật về an toàn, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.

5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng theo quy định của pháp luật. Tuân thủ yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật. Chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Thương nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật liên quan về quản lý đo lường, chất lượng khí trong kinh doanh thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý hành chính theo quy định pháp luật.

7. Lưu giữ hồ sơ đo lường, chất lượng khí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 23. Trách nhiệm của thương nhân pha chế khí

1. Tuân thủ và thực hiện quy định tại Thông tư này.

2. Chỉ đưa vào lưu thông trên thị trường các loại khí đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định tại Thông tư này.

3. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động pha chế khí.

4. Lưu giữ hồ sơ pha chế khí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 24. Trách nhiệm của tổ chức kiểm định phương tiện đo

1. Thực hiện kiểm định phương tiện đo theo yêu cầu của thương nhân kinh doanh khí và tuân thủ quy định về trách nhiệm của tổ chức kiểm định phương tiện do tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác về đo lường.

2. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan nhà nước về đo lường, chất lượng tại địa phương để xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 25. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo

1. Thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường (như phê duyệt mẫu, kiểm định ban đầu) phương tiện đo theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật về đo lường.

2. Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống sự tác động làm thay đổi các đặc trưng kỹ thuật đo lường chính hoặc chương trình điều khiển của phương tiện đo so với mẫu đã phê duyệt trong quá trình sử dụng.

3. Tuân thủ quy định về trách nhiệm của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác về đo lường.

Thông tư 20/2019/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh khí và hoạt động công bố cơ sở pha chế khí tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 20/2019/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/12/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Văn Tùng
  • Ngày công báo: 28/02/2020
  • Số công báo: Từ số 247 đến số 248
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH