Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Thông tư 20/2019/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh khí và hoạt động công bố cơ sở pha chế khí tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Mục 3. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG KHÍ SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN, PHA CHẾ TRONG NƯỚC

Điều 11. Quản lý chất lượng sản xuất, chế biến, pha chế khí

Thương nhân sản xuất, chế biến, pha chế khí thực hiện các yêu cầu sau:

1. Xây dựng, áp dụng và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 (ISO 9001:2015) hoặc Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/TS 29001:2013 (ISO/TS 29001:2010).

2. Về năng lực thử nghiệm

Có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân, tổ chức có phòng thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định của pháp luật, có đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng khí theo tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

3. Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm khí do thương nhân ………. chế biến, pha chế với nội dung không trái với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (nếu có) và bảo đảm chất lượng khí phù hợp tiêu chuẩn công bố trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Hoạt động công bố tiêu chuẩn áp dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

a) Trường hợp sản phẩm khí được nhà máy sản xuất lần đầu trên thị trường, thương nhân đăng ký chứng nhận với tổ chức chứng nhận được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định để được kiểm tra, đánh giá bảo đảm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, đo lường theo quy định pháp luật.

b) Trường hợp pha chế khí, thương nhân xây dựng bản thuyết minh năng lực của từng cơ sở pha chế khí gồm các thông tin cơ bản sau:

b1) Tên sản phẩm khí thành phẩm; bản công bố tiêu chuẩn áp dụng và chứng chỉ chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố của loại khí thành phẩm được pha chế tại cơ sở;

b2) Phương pháp pha chế khí được sử dụng và hệ thống bồn bể, thiết bị tương ứng;

b3) Bảng kê khai chủng loại, chất lượng và xuất xứ các nguyên liệu, phụ gia sử dụng trong quá trình pha chế các loại khí thành phẩm;

b4) Kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm khí trong hoạt động pha chế khí thể hiện rõ các nội dung về quy trình kiểm tra, quy trình thử nghiệm, quy trình pha chế khí, kế hoạch tự kiểm tra, thử nghiệm chất lượng cho từng lô sản phẩm khí; tài liệu kỹ thuật;

b5) Phương án kiểm tra an toàn đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ để phát hiện và khắc phục kịp thời các dấu hiệu không đảm bảo an toàn trong suốt quá trình pha chế khí;

b6) Quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường;

4. Trường hợp có hệ thống phân phối khí trong nước, thương nhân xây dựng và thực hiện quy chế kiểm tra, kiểm soát và tổ chức thực hiện việc tuân thủ các quy định về chất lượng trong hoạt động kinh doanh khí của hệ thống phân phối khí do thương nhân quản lý;

5. Cung cấp cho khách hàng, thương nhân kinh doanh khí, thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí bản sao thông báo tiếp nhận công bố hợp quy hoặc có biện pháp quản lý thích hợp để bảo đảm hồ sơ công bố hợp quy luôn được lưu giữ và cung cấp kịp thời khi được yêu cầu;

6. Khi sử dụng phụ gia để sản xuất, chế biến, pha chế khí, thương nhân thông báo về Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiêu chuẩn của phụ gia (tên phụ gia, thành phần, hàm lượng phụ gia trước khi đưa vào sản xuất, chế biến khí) và cam kết bảo đảm chất lượng phụ gia không ảnh hưởng đến an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường và chất lượng khí.

Tiêu chuẩn áp dụng để công bố thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng phụ gia trong sản xuất, chế biến, pha chế khí;

7. Tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

Điều 12. Khí thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Khí được sản xuất, chế biến, pha chế trong nước thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thương nhân sản xuất, chế biến, pha chế khí thực hiện các yêu cầu sau:

1. Đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng;

2. Công bố hợp quy trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp; công bố tiêu chuẩn áp dụng. Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng;

3. Bảo đảm chất lượng khí phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và tiêu chuẩn công bố áp dụng;

4. Khí sản xuất, chế biến, pha chế trong nước khi xuất khẩu bị nước nhập khẩu trả lại, thương nhân xuất khẩu thực hiện các yêu cầu sau:

a) Thực hiện kiểm tra thử nghiệm chất lượng đối với từng lô khí thành phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, chỉ đưa vào lưu thông các lô khí có chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, tiêu chuẩn công bố áp dụng;

b) Lưu giữ kết quả kiểm tra thử nghiệm của từng lô khí và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

5. Thực hiện ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Điều 13. Khí không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Khí được sản xuất, chế biến, pha chế trong nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, thương nhân sản xuất, chế biến, pha chế khi thực hiện các yêu cầu sau:

1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với từng loại khí theo quy định;

2. Bảo đảm chất lượng khí phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng;

3. Khí sản xuất, chế biến, pha chế trong nước khi xuất khẩu bị nước nhập khẩu trả lại, thương nhân xuất khẩu thực hiện các yêu cầu sau:

a) Thực hiện kiểm tra thử nghiệm chất lượng đối với từng lô khí thành phẩm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, chỉ đưa vào lưu thông các lô khí có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng;

b) Lưu giữ kết quả kiểm tra thử nghiệm của từng lô khí và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

c) Thực hiện ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Điều 14. Công bố cơ sở pha chế khí

1. Thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí (sau đây viết tắt là thương nhân pha chế khí) lập một (01) bộ hồ sơ pha chế khí theo quy định tại Điều 11 Thông tư này, lưu giữ tại trụ sở, nơi đăng ký hoạt động kinh doanh của thương nhân và lập bản tự công bố phù hợp điều kiện pha chế khí gửi về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Thương nhân chịu trách nhiệm về tính xác thực, trung thực đối với hồ sơ pha chế khi tại cơ sở pha chế khí của thương nhân.

2. Thương nhân công bố cơ sở pha chế khí lựa chọn hình thức gửi bản tự công bố phù hợp điều kiện pha chế khí qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Nội dung của bản tự công bố cơ sở pha chế khí thực hiện theo quy định tại Mẫu CBPH-ĐKPCK Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận bản tự công bố cơ sở pha chế khí của thương nhân, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét, đăng tải tên thương nhân và cơ sở pha chế khí trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Thương nhân tiến hành pha chế khí khi bản tự công bố cơ sở pha chế khí của thương nhân được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Thông tư 20/2019/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh khí và hoạt động công bố cơ sở pha chế khí tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 20/2019/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/12/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Văn Tùng
  • Ngày công báo: 28/02/2020
  • Số công báo: Từ số 247 đến số 248
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH