Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 168-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 1960

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VIỆC ĐÃI NGỘ CÁC GIÁO VIÊN DO NHÂN DÂN ĐÀI THỌ TRONG CÁC TRƯỜNG DÂN LẬP

Hiện nay ở các trường phổ thông, ngoài số giáo viên do ngân sách Nhà nước đài thọ, chúng ta còn có một lực lượng đông đảo giáo viên do nhân dân đài thọ.

Với nhiệm vụ vẻ vang của người thầy giáo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng như anh chị em giáo viên các trường quốc lập, anh chị em giáo viên các trường dân lập đã có nhiều cố gắng và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục.

Chính sách của Nhà nước ta là luôn luôn coi trọng vai trò người thầy giáo, ở trường quốc lập cũng như trường dân lập. Đối với anh chị em giáo viên các trường dân lập, hiện nay chúng ta cần chú ý giúp anh chị em khắc phục những khó khăn về đời sống, học tập và công tác.

Vì vậy, Chính phủ thấy cần thiết quy định một số điểm về đãi ngộ các anh chị em giáo viên trường dân lập như sau:

1. Để giúp anh chị em giáo viên các trường dân lập có điều kiện tiến bộ, không ngừng nâng cao trình độ và hiệu suất công tác của mình, cần bảo đảm các quyền lợi về học tập chính trị, văn hóa, nghiệp vụ của anh chị em đó như đối với giáo viên trường quốc lập.

2. Về mặt đãi ngộ vật chất, căn cứ vào khả năng kinh tế tài chính của Nhà nước và của nhân dân hiện nay, cần thực hiện những điểm sau đây:

Trước hết cần bảo đảm sinh hoạt phí tối thiểu của người giáo viên, mức sinh hoạt phí đó vừa nhằm đãi ngộ thích đáng công sức của người thầy giáo, vừa nhằm giữ được quan hệ tốt đối với những người lao động khác cùng qua một công trình đào tạo và có trình độ nghiệp vụ tương đương. Cần bảo đảm sinh hoạt phí cả trong những tháng nghỉ hè của người giáo viên trường dân lập.

Đối với những giáo viên đã công tác lâu năm trong nghề, giáo viên kiêm hiệu trưởng, giáo viên các địa phương khác đến, mức sinh hoạt phí phải cao hơn; giáo viên dạy toàn cấp hưởng mức lương cao hơn giáo viên không dạy được toàn cấp.

Ngoài ra, giáo viên trường dân lập được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi như giáo viên trường quốc lập: nằm bệnh viện, được săn sóc khi thai sản, mua hàng bán cung cấp, hưởng trợ cấp khó khăn cho gia đình đông con, hưởng sinh hoạt phí khi đi học, dạy thêm giờ được nhận thù lao, miễn dân công, hưởng phụ cấp giữ trẻ và mất sữa.

3. Để thực hiện các quy định trên đây, trong điều kiện hiện nay, việc bảo đảm lương cho giáo viên các trường dân lập chủ yếu là do nhân dân đài thọ; tuy nhiên tùy theo tình hình và yêu cầu của từng nơi và trong phạm vi khả năng kinh tế tài chính của Nhà nước, Chính phủ sẽ giúp đỡ một phần như sau:

a) Chính phủ sẽ đài thọ các khoản chi phí về đào tạo giáo viên (bồi dưỡng giáo viên, cung cấp chương trình, tài liệu giáo khoa) và các chi phí về chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi nhằm giảm bớt chi tiêu cho quỹ tiền học để có thể dùng quỹ đó chủ yếu vào việc trả lương cho giáo viên.

b) Trường hợp có địa phương quỹ học phí không đủ trả lương cho giáo viên, hoặc gặp lụt, bão, hạn hán v.v… ảnh hưởng đến thu học phí, thì Chính phủ sẽ xét trợ cấp.

Liên bộ Nội vụ - Tài chính – Giáo dục sẽ có thông tư quy định cụ thể việc thi hành các quy định trên.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng