Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 38-TT/LB | Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 1960 |
Ngày 04/8/1960 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 168-TTg và 169-TTg quy định các chế độ đối với giáo viên do nhân dân đài thọ. Nay Liên bộ hướng dẫn chi tiết thi hành như sau:
Quy chế tổ chức trường lớp dân lập và một số chế độ quy định đối với giáo viên dân lập do Bộ giáo dục ban hành tháng 8/1957 đã có tác dụng động viên khuyến khích giáo viên dân lập và thúc đẩy phong trào nhân dân cùng với Nhà nước xây dựng giáo dục.
Ngày nay do yêu cầu mới của cách mạng, ngành giáo dục phải tận lực phát triển và nâng cao chất lượng các cấp học phổ thông, tạo điều kiện để có thể phổ cập giáo dục cấp một.
Tính đến nay, số lượng giáo viên lên đến 34.724 người trong đó có 19.442 giáo viên do nhân dân đài thọ. Hiện nay số giáo viên này là một lực lượng quan trọng trong ngành đối với sự nghiệp xây dựng giáo dục.
Nhưng nhận thức chung đối với vị trí và vai trò của người giáo viên dân lập chưa được đúng và các chế độ ưu đãi ngộ về vật chất và tinh thần hiện nay còn chênh lệch nhiều so với giáo viên do ngân sách Nhà nước đài thọ.
Vì vậy, Phủ Thủ tướng ban hành chính sách để bảo đảm một số quyền lợi và giải quyết bớt các khó khăn hiện tại cho giáo viên, đồng thời đề cao trách nhiệm của giáo viên nhằm mục đích cổ vũ giáo viên, cổ vũ nhân dân giáo dục.
Trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ của giáo viên dân lập và quốc lập đều giống nhau: Ngoài việc lên lớp giảng dạy, người giáo viên dân lập còn phải lo soạn bài, chấm bài, làm công tác ngoại khóa, tham gia các mặt công tác xây dựng nhà trường. Người giáo viên dân lập cũng như người giáo viên quốc lập đều có trọng trách đào tạo thanh niên thành những người thợ tương lai xây dựng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Nhưng tình hình kinh tế của nước ta hiện nay, cần phải dựa vào dân để phát triển giáo dục, nên còn có mặt nào đó giáo viên dân lập chưa được đãi ngộ ngang với giáo viên quốc lập. Tình hình kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của giáo viên nhân dân do nhân dân đài thọ sẽ càng ngày càng được cải thiện hơn.
Vì vậy, để đãi ngộ về tinh thần, Thông tư của Phủ Thủ tướng đã quy đinh: “Các quyền lợi về học tập chính trị, văn hóa, nghiệp vụ của người giáo viên do nhân dân đài thọ được bảo đảm như giáo viên do ngân sách Nhà nước đài thọ”. Cụ thể là Chính phủ đã đài thọ các khoản chi phí về đào tạo bao gồm các khoản bồi dưỡng giáo viên, cung cấp chương trình, tài liệu giáo khoa… để tạo điều kiện và phương tiện cho giáo viên dân lập giảng dạy như giáo viên quốc lập.
Để đãi ngộ về vật chất, Thông tư của Phủ Thủ tướng đã quy định : “… Căn cứ vào khả năng tài chính của Nhà nước và của nhân dân hiện nay, cần thực hiện:
Trước hết cần bảo đảm sinh hoạt phí tối thiểu của người giáo viên, mức sinh hoạt phí tối thiểu đó vừa nhằm đãi ngộ thích đáng công sức của người thầy vừa nhằm giữ được quan hệ tốt đối với những người lao động khác cùng qua một qúa trình đào tạo và có trình độ nghiệp vụ tương đương. Cần bảo đảm sinh hoạt phí cả trong những tháng nghỉ hè cho giáo viên trường dân lập.
Đối với những giáo viên đã công tác lâu năm trong nghề, giáo viên kiêm hiệu trưởng, giáo viên các địa phương khác đến, mức sinh hoạt phí phải cao hơn, giáo viên dạy toàn cấp hưởng mức lương cao hơn giáo viên không dạy được toàn cấp”. Cụ thể là:
1. Về mức lương:
Từ trước đến nay, về định mức lương cho giáo viên cũng đã có nhiều địa phương thực hiện việc trả thù lao theo lao động, song vì khả năng tài chính của từng nơi nên còn một số địa phương chưa thực hiện được nguyên tắc trên. Tình trạng bình quân trong việc trả lương còn khá nặng nề, mức lương qúa thấp còn khá phổ biến, nên cũng cần phải giải quyết sự chênh lệch qúa xa đó.
Để đạt được yêu cầu trên đây, Liên bộ quy định mức lương tối thiểu của từng cấp như sau:
GIÁO VIÊN CẤP I
Giáo viên dạy lớp 1, 2 mới vào được hưởng lương tối thiểu …26 đồng.
Giáo viên dạy lớp 3, 4 mới vào được hưởng lương tối thiểu …30 đồng.
GIÁO VIÊN CẤP II
Giáo viên không toàn cấp mới vào được hưởng lương tối thiểu … 35 đồng
Giáo viên toàn cấp mới vào được hưởng lương tối thiểu … 40 đồng
Trên đây Liên bộ chỉ hướng dẫn mức lương tối thiểu cho từng loại giáo viên mới vào ngành, coi như còn trong thời gian tập sự. Đối với cấp I sau một năm học, và đối với cấp II, sau 18 tháng có thể xét để nâng mức lương lên. Mức lương quy định có thể xét để nâng mức lương tối thiểu, các mức lương khác cho từng loại giáo viên khác nhau thì từng khu, tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào mức lương đã cấp phát lâu nay, căn cứ vào tình hình và khả năng tài chính của địa phương, có thể nâng dần lên nhưng phải nhìn vào khả năng của quỹ học phí, số tiền phải chi trả cho giáo viên trong toàn năm, nhằm cải tiến thêm một bước đời sống cho giáo viên dân lập và trả đủ 12 tháng. Cụ thể là:
Đối với các loại giáo viên các loại giáo viên dân lập toàn cấp và không toàn cấp cũng cần chia thời gian phục vụ ra từng thâm niên một để đãi ngộ. Việc tính thâm niên trong nghề dạy học là một tiêu chuẩn trong chính sách tiền lương đối với người giáo viên. Nhưng khả năng đài thọ của nhân dân có hạn, nên việc áp dụng tiêu chuẩn thâm niên và quy định mức lương cho từng thâm niên chưa có thể thực hiện như đối với giáo viên quốc lập. Song bước đầu cũng cần vận dụng phần nào tiêu chuẩn thâm niên để phân biệt giáo viên đã phục vụ lâu năm trong ngành hay mới vào ngành và để khuyến khích anh chị em đi sâu vào nghiệp vụ. Ví dụ: mỗi thâm niên quy định là 3 năm, và mức tăng có thể từ 2đ đến 4đ. Nhưng khi xét thâm niên cần kết hợp xét khả năng hiện nay, tinh thần và thái độ công tác.
- Đối với giáo viên ở miền xuôi lên miền núi, giáo viên ở các địa phương sinh hoạt thấp điều động đến những địa phương sinh hoạt đắt đỏ hơn thì mức lương phải cao hơn giáo viên ở tại địa phương.
- Đối với giáo viên kiêm hiệu trưởng, được trả thêm khoản phụ cấp hàng tháng kể cả tháng nghỉ hè và tùy theo trường hợp lớn nhỏ mà quy định như quyết định số 273-QĐ ngày 1/7/1960 của Bộ giáo dục, vì thực chất những hiệu trưởng dân lập này cũng làm nhiệm vụ như hiệu trưởng là giáo viên quốc lập.
Hiệu trưởng được hưởng phụ cấp phải là những giáo viên có quyết định chính thức của Ty. Đối với miền xuôi, trường nhỏ phải có từ 3 lớp trở lên. Đối với miền núi, trường nhỏ phải có từ 2 lớp trở lên, hiệu trưởng mới được hưởng phụ cấp.
2. Việc trợ cấp của Chính phủ:
Thông tư Phủ Thủ tướng quy định: “Trường hợp có địa phương qũy học phí không đủ trả lương cho giáo viên hoặc gặp lụt, bão, hạn hán… ảnh hưởng đến việc thu học phí thì Chính phủ sẽ xét trợ cấp”.
Theo tinh thần trên, ở đây cần phân biệt hai trường hợp:
a) Có địa phương qũy học phí đã tận thu rồi mà không đủ trả lương cho giáo viên thì bắt đầu từ niên khóa 1960-1961 này Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố có kế hoạch chỉ đạo các khu, Sở, Ty Giáo dục phân loại giáo viên dân lập, quy định những mức lương cụ thể cho từng cấp học, các khoản trợ cấp theo lương như phụ cấp hiệu trưởng, phụ cấp dạy thêm giờ, làm dự trù các khoản thu, chi hàng năm để trình Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố duyệt và giải quyết.
Chú ý: Khoản trợ cấp này là khoản trợ cấp cho những địa phương mà qũy học phí không đủ trả lương cho giáo viên.
b) Đối với những địa phương gặp lụt, bão, hạn hán… ảnh hưởng lớn đến việc thu học phí, như không thu được, hoặc chỉ thu được một ít, hoặc chỉ thu được độ 2/3, trong khi đó phải bảo đảm đủ lương cho giáo viên thì Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết.
Chú ý: Khoản trợ cấp này là khoản trợ cấp đặc biệt, công qũy phải đài thọ tương đối nhiều, bất thường.
Cả hai trường hợp trên, theo nguyên tắc phân cấp đặc biệt, các khoản trợ cấp này đều do ngân sách khu, tỉnh, thành phố đài thọ.
3. Chế độ bảo hiểm xã hội, phúc lợi:
Đối với các quyền lợi về bảo hiểm xã hội và phúc lợi đã ghi trong chính sách như: nằm bệnh viện, thai sản, mua hàng bán cung cấp, hưởng trợ cấp khó khăn cho gia đình đông con, hưởng sinh hoạt phí khi đi học, miễn dân công, hưởng phụ cấp giữ trẻ và mất sữa, thì giáo viên dân lập được hưởng như giáo viên quốc lập.
Để thi hành đúng tinh thần Thông tư của Phủ Thủ tướng và để phù hợp với tình hình của giáo viên dân lập, Liên bộ quy định.
- Chế độ nằm bệnh viện: Giáo viên dân lập được khám bệnh, chữa bệnh như giáo viên quốc lập, khám bệnh, chữa bệnh như giáo viên quốc lập, được hưởng tiền thuốc, tiền bồi dưỡng do bệnh viện cung cấp, cơ quan giáo viên công tác sẽ thanh toán với bệnh viện. Trong lúc giáo viên đi nằm bệnh viện, giáo viên vẫn được hưởng lương và có nhiệm vụ trả đủ số tiền ăn cho bệnh viện. Thời gian được trả nguyên lương sẽ căn cứ vào thời gian công tác trong ngành của người giáo viên và khả năng đài thọ của qũy dân lập quy định.
Bộ giáo dục sẽ nghiên cứu hướng dẫn sau khi các chế độ bảo hiểm xã hội được ban hành.
- Chế độ thai sản: Nữ giáo viên dân lập được hưởng chế độ thai sản như nữ giáo viên quốc lập (2 tháng nghỉ đẻ có lương và các khoản phụ cấp về sinh đẻ như tiền bồi dưỡng và phụ an phí).
- Chế độ mai táng phí : Khi chết, giáo viên dân lập sẽ được hưởng khoản phụ cấp mai táng phí như đối với giáo viên quốc lập. Tuỳ theo thời gian công tác trong ngành, gia đình sẽ được xét để trợ cấp từ 1 đến 3 tháng lương.
- Chế độ mua hàng bán cung cấp: Từ nay giáo viên dân lập được các Khu, Sở, Ty Thương nghiệp cấp các loại phiếu mua hàng như đã cấp cho giáo viên quốc lập.
- Chế độ hưởng sinh hoạt phí khi đi học: sẽ thi hành như các văn bản của Bộ giáo dục đã quy định cho giáo viên quốc lập.
- Chế độ hưởng trợ cấp khó khăn cho gia đình đông con: Những giáo viên có đông con, gia đình gặp nhiều khó khăn thì được xét để trợ cấp khó khăn khi cần thiết như đối với cán bộ, công nhân viên trong biên chế Nhà nước.
- Chế độ giữ trẻ và mất sữa: Nữ giáo viên mất sữa sẽ được hưởng trợ cấp mất sữa như nữ cán bộ, công nhân viên trong biên chế Nhà nước.
Về tổ chức giữ trẻ, chị em tự giải quyết là chính, Công đoàn nhà trường và Ban bảo trợ sẽ liên hệ với các đoàn thể, các hợp tác xã, các tổ chức giữ trẻ ở địa phương để giúp chị em giải quyết.
- Chế độ dân công: Giáo viên dân lập được miễn đi dân công.
Các khoản cho phí về bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể đối với giáo viên dân lập đều do ngân sách Nhà nước đài thọ. Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh sẽ căn cứ vào các bản dự trù của từng địa phương để tính các khoản chi cần thiết và giao cho các cơ quan có trách nhiệm đảm nhận theo như quy định.
Để bảo đảm được đầy đủ chính sách lương đối với giáo viên, để tiếp tục đẩy mạnh được phong trào xây dựng trường sở, để nền giáo dục nước nhà phát triển được tận lực và có kế hoạch, mặt khác để tránh sự suy bì giữa học sinh trường này và trường khác, Thông tư số 169-TTg ngày 4/8/1960 Phủ Thủ tướng đã quy định chế độ thu học phí thống nhất cho tất cả các học sinh các trường quốc lập cũng như dân lập cấp I, II, III, có phân biệt giữa nông thôn và thành thị.
Mức học phí phải phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức và có chính sách miễn giảm đối với con của tử sĩ, liệt sĩ, thương binh, đối với các cháu mà gia đình nghèo túng đông con.
Để thực hiện được tinh thần Thông tư trên, Liên bộ hướng dẫn mức học phí tối thiểu và tối đa, thể lệ miễn giảm, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố sẽ tham khảo các mức ấy mà quy định mức học phí cho sát với tình hình thực tế của địa phương mình, bảo đảm được chính sách thu học phí và trả lương cho giáo viên.
HỌC PHÍ
Mức phải đóng của một học sinh ở nông thôn | Mức phải đóng của một học sinh ở thành phố và các thị trấn do địa phương quy định |
Cấp I từ 0đ50 đến 0đ80 Cấp II từ 1,00 đến 1,50 Cấp III từ 1,50 đến 2,00 | Cấp I từ 0đ60 đến 1đ00 Cấp II từ 1,20 đến 1,80 Cấp III từ 1,80 đến 2,20 |
THỂ LỆ MIỄN GIẢM
Việc miễn giảm học sinh nhằm chiếu cố đến những gia đình liệt sĩ, thương binh, mặt khác chiếu cố đến những gia đình nghèo và gia đình có đông con đi học. Trong khi thực hiện miễn giảm, cần chú trọng bảo đảm chính sách đối với giáo viên.
Sau đây Liên bộ hướng dẫn một số nguyên tắc về miễn giảm, các địa phương sẽ dựa vào đó quy định cụ thể thêm:
- Con liệt sĩ, tử sĩ được miễn hẳn tiền học.
- Con thương binh, tùy theo hoàn cảnh gia đình được miễn giảm từ 1/3 đến 1/2 tiền phải đóng.
- Gia đình hiện nay nghèo túng, hoặc gia đình có từ 3 con trở lên đi học thì được giảm cho mỗi con 1/3 số học phí.
Tổng số miễn giảm không qúa 10% đối với tổng số thu.
QUẢN LÝ HỌC PHÍ
Thông tư Phủ Thủ tướng quy định: “Ban bảo trợ nhà trường giúp Ủy ban hành chính cùng cấp thu và quản lý qũy tiền học. Việc chi tiêu sẽ do Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố phụ trách”. Liên bộ giải thích thêm:
Từ trước đến nay các Ban bảo trợ nhà trường đã giúp cho Ủy ban địa phương cấp mình rất đắc lực trong công tác thu, phát, đã đem lại nhiều kết quả khá tốt. Tuy vậy cũng có địa phương chi tiêu quỹ học phí không có kế hoạch (chi nhiều hơn thu như: đem qũy học phí làm trường, đóng bàn ghế, phát phần thưởng, liên hoan đưa tiễn giáo viên đi công tác…) làm ảnh hưởng đến việc trả lương cho giáo viên. Đã có địa phương không trả được lương hè, không bảo đảm được lương hàng tháng cho giáo viên.
Để bảo đảm được việc thu, chi theo đúng nguyên tắc Bộ Tài chính đã quy định, để thực sự bảo đảm mức lương đã quy định cho giáo viên dân lập, từ nay Ban bảo trợ nhà trường ngoài nhiệm vụ tuyên truyền cổ động cho con em đi học, góp ý kiến xây dựng giáo dục ở địa phương, vận động nhân dân xây dựng trường trại còn có nhiệm vụ giúp Ủy ban hành chính thu học phí, quản lý qũy học phí để chuyển lên Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố. Các khoản chi sẽ do Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố quyết định.
Qũy tiền học chỉ tập trung để trả lương cho giáo viên, và từ nay việc trả lương cho giáo viên dân lập, và từ nay việc trả lương cho giáo viên dân lập, việc chi quỹ học phí sẽ do Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố phụ trách. Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố có nhiệm vụ điều hòa qũy học phí trong khu, tỉnh, thành phố mình, điều phối giáo viên quốc lập trong toàn tỉnh và toàn ngành phổ thông nhằm giảm nhẹ bớt sự đóng góp cho những huyện, xã, khu phố có nhiều giáo viên và trường lớp dân lập.
Vấn đề trợ cấp căn cứ vào dự toán thu và dự toán chi hàng năm cho giáo viên dân lập, do Ty Giáo dục làm và Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố duyệt. Nếu có trường hợp phải trợ cấp thì các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố xét khả năng tài chính của địa phương mà giải quyết.
IV. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN PHẢI LÀM ĐỂ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH.
Để việc thực hiện chính sách đối với giáo viên do nhân dân đài thọ được tốt, cần làm mấy việc sau đây:
1. Tuyên truyền phổ biến sâu rộng chính sách, cụ thể hóa chính sách ở từng địa phương và hướng dẫn việc thực hiện.
2. Kiện toàn tổ chức các trường dân lập, chú trọng kiện toàn tổ chức các Ban bảo trợ nhà trường. Kiện toàn công tác quản lý thu và chi qũy học phí.
3. Nghiên cứu kế hoạch điều phối giáo viên quốc lập.
Các vấn đề trên, qua việc thực hiện quy chế trường dân lập từ hòa bình lập lại, các địa phương đã tổng kết được rất nhiều kinh nghiệm tốt. Liên bộ yêu cầu các địa phương căn cứ vào những kinh nghiệm ấy, hướng dẫn thật cụ thể các huyện, xã, khu phố, thị trấn trong việc thực hiện chính sách. Những kinh nghiệm đã tổng kết được cho ta thấy rằng những nơi giải quyết chính sách đối với giáo viên được tốt đã chú trọng những điểm sau đây:
- Tuyên truyền phổ biến sâu rộng chính sách trong phụ huynh, trong nhân dân, cán bộ cốt cán ở các xã và khu phố.
- Đặc biệt chú trọng đến việc củng cố Ban bảo trợ nhà trường, lựa chọn được những đại biểu phụ huynh học sinh tốt, có uy tín trong quần chúng nhân dân, đồng thời luôn quan tâm đến việc vận động viên đề cao vai trò của các đại biểu trong Ban bảo trợ.
- Nhà trường phải đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền chú ý giúp Ban bảo trợ làm nhiệm vụ.
- Cần tổ chức quản lý thu chi tốt, có sổ sách rành mạch, có báo cáo rõ ràng và đúng kỳ hạn với hội nghị thường kỳ của phụ huynh học sinh và cấp trên.
- Về việc điều phối giáo viên quốc lập và dân lập, hầu hết các tỉnh đã chú trọng giải quyết, nhưng đầu năm học này cũng cần phải chú ý hơn nữa, nhằm mục đích điều hòa chất lượng giảng dạy, đồng thời điều hòa mức đóng góp của nhân dân để bảo đảm việc thực nhiện chính sách đối với giáo viên.
Riêng đối với giáo viên dân lập, cần làm cho anh chị em nhận thức rõ sự quan tâm cố gắng của Chính phủ và nhân dân đối với đội ngũ giáo viên dân lập, ra sức giữ vững và phát triển chất lượng giảng dạy, luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác giảng dạy, khắc phục mọi khó khăn để góp phần với giáo viên quốc lập xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa, để xứng đáng là người giáo viên ưu tú của chế độ ta.
Chính sách đối với giáo viên do nhân dân đài thọ là một chính sách lớn, kết qủa của việc thực hiện có ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển của ngành Giáo dục phổ thông và đến cả sự nghiệp phát triển Giáo dục nói chung.
Liên bộ yêu cầu Ủy ban hành chính các cấp, các Khu, Sở, Ty Giáo dục, nghiên cứu kỹ chính sách và Thông tư hướng dẫn này để chấp hành được tốt.
Trong khi thực hiện chính sách, nếu gặp những khó khăn gì xin báo cáo ngay cho Liên bộ biết, để có biện pháp kịp thời.
Đối tượng thi hành: Thông tư này áp dụng cho tất cả các trường dân lập và quốc lập ở các tỉnh miền xuôi. Riêng các khu tự trị Thái Mèo, Việt Bắc và các tỉnh miền núi, nơi nào có trường lớp dân lập đã được Bộ giáo dục cho phép mở tùy theo tình hình của địa phương đó mà quy định một mức học phí thấp hơn.
BỘ TRƯỞNG | BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Thông tư liên bộ 38-TT/LB năm 1960 hướng dẫn Thông tư 168-TTg và 169-TTg về một số chế độ với giáo viên do nhân dân đài thọ do Bộ Giáo Dục- Bộ Nội Vụ- Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 38-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 27/08/1960
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Văn Huyên, Phan Kế Toại, Trịnh Văn Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 40
- Ngày hiệu lực: 11/09/1960
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra