Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1988

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 15-LĐTBXH/TT NGÀY 10-10-1988 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG CHO CÁN BỘ, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC NĂM 1988

Thi hành Chỉ thị số 243-CT ngày 6-9-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc nâng bậc lương cho cán bộ, viên chức năm 1988, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Về nâng bậc lương.

Tiêu chuẩn và điều kiện xét nâng bậc lương cho cán bộ, viên chức năm 1988 là căn cứ vào điều 1 và điều 2 của Quyết định số 274-CP ngày 25-7-1979 của Hội đồng Chính phủ và các mục I, II của Thông tư số 10-LĐTBXH/TT ngày 24-10-1987 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trừ điểm 3, mục II phần quy định về chỉ tiêu nâng bậc sớm 5%.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn bổ sung một số điểm sau:

- Điều 4 của Quyết định số 274-CP không áp dụng, vì điều này chỉ có hiệu lực thi hành "trong năm 1979".

- Để việc nâng bậc lương có tác dụng khuyến khích cán bộ, viên chức hoàn thành nhiệm vụ được giao có năng xuất và chất lượng cao, bảo đảm quan hệ tiền lương giữa các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, năm 1988, chỉ tiêu nâng bậc chung cho cán bộ, viên chức sau 5 năm và sau 3-4 năm công tác không quá 20% trên tổng số cán bộ, viên chức của bộ, ngành, địa phương.

- Cán bộ, viên chức nói chung được nâng bậc lương tháng nào thì hưởng lương mới từ tháng ấy. Riêng đối với cán bộ, viên chức được nâng bậc lương mà thời gian hưởng lương cũ tính đến tháng 9 năm 1988 đã đủ 60 tháng trở lên thì được hưởng lương mới từ tháng 9 năm 1988.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương thi hành nghiêm túc Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc nâng bậc lương cho cán bộ, viên chức Nhà nước; chỉ đạo việc nâng bậc lương gắn với tinh giảm biên chế, sắp xếp lại tổ chức, nhằm nâng cao hiệu lực của bộ máy quản ký. đặc biệt, những cán bộ, viên chức được nâng bậc lương trước 1 - 2 năm cần tổ chức thực hiện thông báo công khai để bảo đảm tính khách quan dân chủ, công minh công bằng trong việc nâng bậc lương.

2. Về điều chỉnh lương.

Tiếp tục điều chỉnh lương cho một số trường hợp đã xếp lương theo Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng theo mục III của Thông tư số 10-LĐTBXH/TT ngày 24-10-1987 và công văn số 2603-LĐTBXH/VC ngày 3-12-1987 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trừ điểm 3 của công văn số 2603-LĐTBXH/VC.

Cán bộ, viên chức được điều chỉnh lương tháng nào thì hưởng lương mới từ tháng ấy.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 6 tháng 9 năm 1988 (ngày ký Chỉ thị số 243-CT) cho đến ngày 31-12-1988, sau đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, và Bộ Tài chính. Nội dung báo cáo cần ghi rõ tổng số cán bộ, viên chức được nâng bậc lương theo thời hạn sau 5 năm, sau 3-4 năm công tác và số được điều chỉnh lương trên tổng số cán bộ, viên chức.

4. Điểm 2, Chỉ thị số 243-CT ngày 6 tháng 9 năm 1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn riêng.

5. Chế độ nâng bậc nghề đối với công nhân ở các xí nghiệp hoặc trong các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp thực hiện theo Thông tư số 10-LĐ/TT ngày 30-9-1986 của Bộ Lao động.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 15-LĐTBXH/TT-1988 hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương cho cán bộ, viên chức nhà nước năm 1988 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 15-LĐTBXH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/10/1988
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản