Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 141-HCTP

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 1957

THÔNG TƯ

VỀ TỔ CHỨC VÀ PHÂN CÔNG NỘI BỘ CỦA TÒA ÁN

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Kính gửi: Các Ủy ban hành chính và các Toà án nhân dân khu, tỉnh và thành phố

Trong thời gian qua, tòa án vì thiếu biên chế hoặc cán bộ mặc bận đi công tác khác do đó có khi một thẩm phán kiêm luôn nhiệm vụ của hai ông công tố ủy viên và chánh án hoặc công tố ủy viên kiêm nhiệm vụ của chánh án hay ngược lại. Ranh giới giữa bộ phận xử án và công tố viên không được rành rẽ và tổ chức nội bộ của tòa án mỗi nơi khác.

Tình trạng ấy đã hạn chế rất nhiều kết qủa công tác của tòa án.

Hội nghị của Bộ Tư pháp lần thứ 10 năm 1957 cũng đã thông qua đề án về tổ chức tòa án. Căn cứ vào kinh nghiệm làm việc trong ngành, Bộ đề ra một số điểm sau đây về tổ chức và sự phân công phân nhiệm trong tòa án.

I. VỀ TỔ CHỨC.

Tòa án nhân dân gồm có: chánh án, công tố, ủy viên, có thể có phó chánh án, phó công tác ủy viên và thẩm phán ở những nơi nhiều việc.

Hai ông chánh án, công tố ủy viên có nhiệm vụ và quyền hạn riêng biệt đều là thủ trưởng cơ quan.

II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC VỊ THẨM PHÁN

1. Ông công tố ủy viên, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp, có nhiệm vụ:

a) Điều tra, thẩm cứu các việc hình sự (chính trị và hình sự thường): tiến hành điều tra, phối hợp điều tra với công an, ra lệnh bắt kẻ phạm pháp, thẩm tra lại hồ sơ, đinh cứu, miễn tố, và làm nhiệm vụ công tố của Nhà nước trước tòa án đối với các việc hình sự, khởi tố làm cáo trạng luận tội trước phiên tòa xử án.

b) Theo dõi những hoạt động của các cơ quan điều tra có hợp pháp không: như việc bắt tha có đúng không, có dùng nhục hình trong việc điều tra không..

c) Theo dõi việc xét xử và hòa giải tòa án nhân dân có hợp pháp không (kháng nghị đối với các bản án hoặc nghị quyết của tòa án xét không đúng luật pháp, đối với biên bản hòa giải thành phạm đến trật tự hoặc quyền lợi chung, công tố ủy viên có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền sửa đổi lại hoặc bác bỏ những điều mà hai bên đã thỏa thuận).

d) Thi hành và đôn đốc thi hành các bản án và quyết định của tòa án về hình sự, dân sự, và kiểm sát chế độ giam giữ ở các trại tạm giam, trại cải tạo có hợp pháp không (như việc thi hành án có làm trong hạn luật định không) việc tịch thu tài sản và những mệnh lệnh khác của tòa án có thi hành đúng như luật định không, những phạm nhân mãn hạn tù đã được tha chưa…).

e) Có quyền khởi tố hoặc tham gia tố tụng những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân (như những vụ án có liên quan đến nhà máy, hợp tác xã, trường học, phương tiện vận tải… hoặc những vụ án có liên quan đến quyền lợi của người vị thành niên, người mất trí…).

f) Hướng dẫn đường lối truy tố của tòa cấp dưới.

2. Ông Chánh án, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp, có nhiệm vụ:

a) Đối với những vụ dân sự thụ lý, điều tra lập hồ sơ, hòa giải hoặc đưa ra tòa án xét xử.

b) Đối với những vụ hình sự, khi công tố ủy viên chuyển sang hồ sơ thì tự mình tăng cứu hoặc đề nghị công tố ủy viên tăng cứu nếu cần, đưa ra xét xử. Trong lúc nghiên cứu hồ sơ, ông chánh án thấy không cần thiết giam cứu bị can nữa, hoặc thấy cần thiết giam cứu bị can còn tại ngoại thì ông chánh án đề nghị với công tố ủy viên giải quyết. Nếu công tố uỷ viên không đồng ý thì sẽ báo cáo lên công tố ủy viên cấp trên quyết định.

Khi ra trước phiên tòa chánh án là chủ trì có trách nhiệm giữ gìn trật tự, bảo đảm sự tôn thu pháp luật, gặp trường hợp thấy cần thết bắt giam cứu bị can thì ông Chánh án, sau khi trao đổi ý kiến với ông công tố ủy viên và được sự đồng ý của hai hội thẩm nhân dân thì ký lệnh bắt.

c) Nhận đơn chống án của đương sự, lập hồ sơ kháng cáo, nghiên cứu và phúc lại những vụ án bị chống trong phạm vi thẩm quyền do luật định.

d) Hướng dẫn đường lối hòa giải và xét xử của tòa án cấp dưới.

3. Ông Phó Chánh án, cùng với ông chánh án chịu trách nhiệm chung (ông chánh án chịu trách nhiệm chính) về đường lối xử án, giúp ông chánh án về mọi mặt công tác và đương nhiên thay mặt ông này khi đi vắng.

4. Ông phó công tố ủy viên cùng với ông công tố ủy viên chịu trách nhiệm chung (ông công tố ủy viên chịu trách nhiệm chính) về đường lối truy tố, có nhiệm vụ giúp đỡ ông công tố ủy viên về mọi mặt và đương nhiên thay mặt ông này khi đi vắng.

Ngoài ra ông phó công tố ủy viên, phó chánh án còn được phân công riêng phụ trách nhiệm một vài loại việc nào, tuỳ theo hoàn cảnh tình hình cán bộ. Trong phạm vi được phân công, ông phó công tố uỷ viên, phó chánh án với đường lối chủ trương đường lối chung quyết định việc thực hiện, ký các giấy tờ cần thiết thay cho ông công tố ủy viên, và chánh án.

5. Ông thẩm phán làm việc ở phòng công tố thì chịu sự điều khiển của ông công tố ủy viên, nếu ở phòng xét xử án thì chịu sự điều khiển của ông chánh án, có trách nhiệm trong phạm vi phân công và uỷ nhiệm, từng công tác, hoặc từng thời gian công tác, hoặc từng thời gian nào, khác hơn ông phó công tố uỷ viên và chánh án là người cùng với ông công tố ủy viên và chánh án chịu trách nhiệm chung về mọi mặt. Tuy nhiên việc phân công các ông thẩm phán cần phải được rành mạch, có chuẩn bị, có phân công trước để cho ông thẩm phán có thể chủ động công tác của mình, phát huy sáng kiến, trừ việc đột xuất thì không kể, tránh tình trạng như một vài nơi mắc phải là phân công linh tinh không rõ trách nhiệm, làm trở ngại của ông thẩm phán.

Trong phạm vi được phân công, ông thẩm phán với chủ trương đường lối chung quyết định việc thực hiện, ký các giấy tờ cần thiết. Trường hợp một trong các ông công tố uỷ viên, phó công tố ủy viên, chánh án, phó chánh án đi vắng, ông thẩm phán được thay thế là khi được ủy quyền của các ông này khác hơn ông phó công tố ủy viên, phó chánh án là người đương nhiên thay mặt ông công tố ủy viên và chánh án.

III. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÔNG TỐ ỦY VIÊN VÀ CHÁNH ÁN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC, HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP.

Công tác hành chính tư pháp có nhiều vần đề cũng phức tạp cho nên việc phân công phụ trách công tác này cũng gặp khó khăn trong lúc ta chưa có một cơ quan riêng biệt phụ trách. Hơn nữa cũng có nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau về vấn đề này, và Bộ thì cũng không hướng được trước những trở ngại khó khăn có thể có. Cho nên trong giai đoạn qúa độ, để tiến dần xây dựng ngành vững mạnh hiện này, Bộ có thể tạm thời giao cho ông chánh án và công tố uỷ viên lãnh đạo tập thể, phân công cho công tố ủy viên phụ trách. Như thế không có nghĩa vai trò của ông chánh án là phụ chỉ tham gia ý kiến rồi tuỳ ông ủy viên định đoạt lấy mà chính ông chánh án cũng là người có trách nhiệm và quyết định mọi chủ trương thuộc về hành chính tư pháp. Nếu ý kiến hai ông không thống nhất với nhau thì đưa ra hội đồng tư pháp hoặc báo cáo Ủy ban hành chính hay cấp trên giải quyết.

Nhưng đứng trên quan điểm và tinh thần phục vụ chung thì thiết tưởng ý kiến của hai bên cũng có thể nhất trí được. Vấn đề là cần thông cảm nhau, để giải quyết công việc cho kịp thời, nên tránh tình trạng không ăn khớp với nhau, nguyên tắc máy móc, mà là phải có tình và lý.

Công tác hành chính tư pháp gồm có:

1) Phần chuyên môn.

2) Phần hành chính quản trị.

1. Chuyên môn gồm có các công tác sau đây:

a) Kiểm tra, nắm tình hình, làm báo cáo, thống kê, chương trình, tổ chức hội nghị, phiên tòa thi đua.

b) Thực hiện chủ trương đường lối tổ chức các cấp Tòa án nhân dân, các chế định.

c) Tuyên truyền phổ biến pháp luật trong cán bộ và nhân dân (kể cả việc khuếch trương kết qủa phiên tòa, giải thích luật lệ cho cấp dưới, góp ý kiến xây dựng luật pháp).

d) Thực hiện chính sách cán bộ, quản lý công nhân, huấn luyện cán bộ.

e) Điều khiển công việc hành chính tư pháp của cấp dưới.

2. Phần hành chính quản trị gồm có các công tác sau đây:

a) Kế toán, quản ký công sản của tòa án, giữ tang vật, thu án lệ phí và tiền thi hành án.

b) Tiếp phát công văn, nhận đơn từ.

c) Đánh máy, liên lạc.

d) Lao công, vệ sinh, cấp dưỡng.

IV. NGUYÊN TẮC CHUNG VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC.

Theo sự phân công trên thì thấy ông Chánh án và công tố ủy nhiệm lãnh đạo chung cơ quan, chỉ có vấn đề truy tố và xét xử là mỗi ông có trách nhệm riêng biệt. Nhưng mặc dầu thế nếu gặp gì khó khăn thì hai ông nên trao đổi giúp đỡ nhau, không nên cứng rắn để lợi cho công việc chung là bảo đảm chế độ pháp trị dân chủ mà đồng thời cũng không xâm phạm đến nhiệm vụ quyền hạn của nhau.

Do đó các ông Chánh án, công tố ủy viên, phó công tố uỷ viên, phó chánh án, thẩm phán, hội thẩm nhân dân thường trực nếu có họp lại thành hội đồng tư pháp do công tố ủy viên, chánh án lãnh đạo tập thể. Lãnh đạo tập thể có nghĩa là hai người cùng chịu trách nhiệm chung, họp thường lệ hàng ngày thì luân phiên nhau làm chủ tọa; nếu ai có vấn đề gì cần nêu ra Hội đồng tư pháp thì tự mình triệu tập, chủ tọa phiên họp. Về việc đi dự hội nghị Ủy ban hành chính, các đoàn thể ở Bộ thì có thể cả hai cùng đi, hoặc một người đi về báo cáo lại cơ quan.

Hội đồng tư pháp là một lề lối làm việc tập thể có nhiệm vụ góp ý kiến về đường lối chính sách chung đối với những vấn đề quan trọng và tổng kết kinh nghiệm về truy tố và xét xử từng loại việc hoặc từng thời gian. Cho nên đối với công việc thông thường về truy tố, xét xử thì không cần thiết đưa ra Hội đồng tư pháp, công tố ủy viên và chánh án dựa theo đường lối sẵn có mà giải quyết. Còn về công tác hành chính tư pháp nếu hai ông không thống ý kiến với nhau thì đưa ra Hội đồng tư pháp hoặc báo cáo Ủy ban hành chính hay cấp trên giải quyết. Việc đưa ra Ủy ban hành chính hoặc cấp trên là việc bất đắc dĩ, vì nếu mọi việc đều làm như thế thì mất thì giờ, mà tốt nhất là hai ông công tố ủy viên và chánh án tự giải quyết với nhau.

V. VỀ VĂN PHÒNG TÒA ÁN

Văn phòng tòa án chia ra làm ba phòng:

1. Phòng công tố.

2. Phòng xét xử.

3. Phòng hành chính tư pháp.

Mỗi phòng có thể có trưởng phòng hoặc một thẩm phán kiêm nhiệm ở những nơi biên chế ít. Vấn đề có trưởng phòng hay không là do tòa án nhận xét tuỳ hoàn cảnh công tác cán bộ, miễn sao lợi cho công việc. Ông trưởng phòng có nhiệm vụ đôn đốc, giúp đỡ các cán bộ trong phòng mình thi hành các công tác của tòa án đề ra và giải quyết bớt những việc thông thường do công tố uỷ viên hoặc chánh án ủy nhiệm, rồi phải báo cáo lại.

Ở Hà Nội và Hải Phòng, Tòa án nhân dân thành phố và phúc thẩm đóng gần nhau thì có thể tổ chức một phòng hành chính tư pháp chung cho cả hai tòa vì hoàn cảnh và tính chất công tác cũng giống nhau.

Về người ngồi chép bút lục ở phiên tòa để thống nhất danh từ, thì nếu là trưởng phòng hay cán bộ, thì từ nay gọi là thư ký phiên tòa chứ không phải lục sư vì chúng ra không tổ chức phòng lục sư nữa.

Thông tư này hủy bỏ các thông tư, văn bản khác, của Bộ ra trước đây quy định về tổ chức, phân công phân nhiệm trong nội bộ tòa án trái với tinh thần thông tư này.

Để cho bộ máy tư pháp được thống nhất chung cho toàn quốc và hoạt động có nề nếp, Bộ mong rằng các tòa án cần xúc tiến gấp việc chấn hỉnh lại tổ chức đúng theo tinh thần thông tư này và báo cáo về Bộ biết và kinh nghiệm mới.

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP




Vũ Đình Hòe

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 141-HCTP năm 1957 về tổ chức và phân công nội bộ của tòa án do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 141-HCTP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/12/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Vũ Đình Hoè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 54
  • Ngày hiệu lực: 20/12/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản