Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ LỢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-TT/TL

Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC LÀM CÔNG TÁC KHẢO SÁT ĐỊA HÌNH, ĐỊA CHẤT THƯỜNG XUYÊN LƯU ĐỘNG NGOÀI CƠ QUAN

Để phục vụ kịp thời kế hoạch thủy lợi trước mắt và việc phát triển công tác thủy lợi sau này, căn cứ đặc điểm và yêu cầu công tác khảo sát địa hình, địa chất hiện nay, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động, Bộ quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công nhân, viên chức làm công tác khảo sát địa hình, địa chất thường xuyên lưu động ngoài cơ quan, nhằm mục đích:

- Giải quyết một phần khó khăn về điều kiện lưu động vất vả của cán bộ, công nhân, viên chức để mỗi người thêm hăng hái phấn khởi bảo đảm thực hiện tốt khối lượng và chất lượng công tác;

- Đãi ngộ thêm đối với những cán bộ, công nhân, viên chức làm việc ở những nơi rừng núi xa xôi, hẻo lánh, sinh hoạt khó khăn… để khuyến khích mỗi người ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ công tác thủy lợi.

Dưới đây là những quy định cụ thể:

I. NGUYÊN TẮC VÀ MỨC ĐỘ PHỤ CẤP

1. Nguyên tắc:

Căn cứ mục đích đã nói ở trên, nguyên tắc phụ cấp đối với cán bộ, công nhân, viên chức làm công tác khảo sát địa hình, địa chất cũng xuất phát từ nguyên tắc đãi ngộ theo lao động, cho nên tùy theo tính chất, điều kiện, hoàn cảnh công tác và mức độ khó khăn khác nhau mà có sự đãi ngộ khác nhau.

Cụ thể có phân biệt đãi ngộ trong các trường hợp:

- Làm việc ở những vùng xa xôi, hẻo lánh không có điều kiện dựa vào nhân dân, khó khăn gian khổ hơn làm việc ở những vùng có dân cư có điều kiện dựa vào dân.

- Làm việc trong rừng núi gian khổ nhiều hơn làm việc ngoài rừng.

- Làm việc lưu động ngoài trụ sở vất vả nhiều hơn làm việc tại trụ sở.

2. Mức phụ cấp:

Căn cứ đặc điểm và yêu cầu công tác khảo sát địa hình, địa chất hiện nay, Bộ tạm phân làm 3 hạng phụ cấp như sau:

- Phụ cấp hạng I: 6 hào một ngày.

Điều kiện được hưởng phụ cấp hạng I: những ngày công tác lưu động trong rừng sâu, thuộc các vùng rừng núi hẻo lánh, xa dân cư làng mạc. Trụ sở di động thường xuyên trong rừng núi. Hoàn toàn không có điều kiện dựa vào nhân dân địa phương.

- Phụ cấp hạng II: 4 hào 5 xu mỗi ngày.

Điều kiện hưởng phụ cấp hạng II: Những ngày công tác lưu động trong rừng, thuộc các vùng rừng núi hiểm trở, gần bản, gần làng. Trụ sở di động thường xuyên trong các bản, các làng. Hết ngày có thể đi về trụ sở. Điều kiện làm việc vất vả gian khổ, nhưng điều kiện sinh hoạt tương đối ít khó khăn hơn.

- Phụ cấp hạng III: 3 hào mỗi ngày.

Điều kiện hưởng phụ cấp hạng III: Những ngày công tác lưu động dọc các triền sông, suối, khe, ngòi ở các vùng dân cư đông đúc, không có rừng núi hiểm trở, tuy có vất vả nhưng ít khó khăn gian khổ hơn, điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần được dễ chịu hơn.

Những ngày làm việc tại trụ sở tạm thời, cán bộ, công nhân, viên chức sẽ được hưởng phụ cấp như sau:

- Nếu trụ sở di động thường xuyên trong rừng núi, thuộc hạng I, thì những ngày làm việc tại trụ sở sẽ được hưởng phụ cấp 3 hào.

- Nếu trụ sở di động thường xuyên trong các bản, các làng thuộc hạng II, thì những ngày làm việc tại trụ sở được phụ cấp 2 hào.

- Những nơi khác thuộc hạng III, thì những ngày làm việc tại trụ sở được phụ cấp 1 hào 5 xu.

II. CÁCH THỨC THI HÀNH TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

Trên mục I, Bộ đã nêu lên những điều kiện cơ bản để phân định các hạng phụ cấp, dưới đây Bộ nói rõ thêm cách thức thi hành trong một số trường hợp đặc biệt như sau:

1. Trường hợp di chuyển đơn vị:

- Những ngày di chuyển đơn vị từ khu vực đang hưởng phụ cấp hạng I hay hạng II sang khu vực khác, nếu đi trong rừng không có đường sẵn, thì cũng coi như đi công tác lưu động trong rừng và tất cả những người cùng đi trong đoàn đều được hưởng phụ cấp đi công tác lưu động trong rừng. Trước khi di chuyển, đang hưởng phụ cấp mức hạng nào thì ngày di chuyển cũng hưởng phụ cấp mức hạng ấy.

Ví dụ:

Đoàn X, trước công tác ở khu vực L (đang hưởng phụ cấp hạng I) nay di chuyển đến khu vực Q (sẽ hưởng phụ cấp hạng II hoặc hạng III). Ngày di chuyển trong rừng không có đường sẵn sẽ hưởng phụ cấp 6 hào, thống nhất trong tất cả những người cùng đi trong đoàn.

- Những trường hợp di chuyển từ nơi đang hưởng phụ cấp hạng III đến nơi hưỏng phụ cấp hạng II hay hạng I, thì kể từ ngày đi vào rừng, được hưởng phụ cấp theo hạng II, tức là 4 hào 5 xu mỗi ngày. Khi đến địa điểm đã định và bắt đầu làm việc, nếu đủ điều kiện hưởng phụ cấp mức hạng nào sẽ hưởng phụ cấp theo mức hạng ấy.

- Nếu di chuyển đơn vị trên những đoạn đường sẵn có ở địa phương, thì không được hưởng phụ cấp như trên mà chỉ hưởng phụ cấp đi đường theo tinh thần quy định của Thông tư số 14-TT/TL ngày 26-1-1957 của Bộ Tài chính về trường hợp di chuyển từng đoàn có mang theo người và dụng cụ nấu ăn. Cụ thể là:

- 3 hào một bữa ăn dọc đường

- 6 hào hai bữa ăn dọc đường

Trường hợp đến địa điểm đã định, mới nấu ăn thì không được hưởng phụ cấp.

Riêng đối với các đội khoán, những lúc phải vận chuyển máy móc nặng, bằng sức người, trong trường hợp di chuyển địa điểm, thì từng người thực sự làm công tác vận chuyển sẽ được hưởng phụ cấp thêm, ngoài những điểm quy định trên như sau:

- Nếu đi trong rừng núi không có đường sẵn, phụ cấp thêm mỗi ngày 2 hào.

- Nếu đi trên những đoạn đường sẵn có ở địa phương, phụ cấp thêm mỗi ngày 1 hào.

Ví dụ:

a) Đi trong rừng không có đường sẵn: lấy ví dụ đoàn X đã nói trên, di chuyển đơn vị không có đường sẵn phải đi trong rừng, đã hưởng phụ cấp lúc di chuyển qua rừng là 6 hào mỗi ngày. Cũng đoàn X ấy, nếu có vận chuyển máy móc nặng thì những người làm công tác vận chuyển sẽ được tính phụ cấp là: 6 hào + 2 hào = 8 hào mỗi ngày.

b) Đi trên những đoạn đường sẵn có ở địa phương: bình thường sẽ được hưởng 6 hào hai bữa ăn dọc đường. Nhưng có vận chuyển máy móc nặng được phụ cấp thêm 1 hào tức là: 6 hào + 1 hào = 7 hào mỗi ngày nếu có ăn hai bữa ở dọc đường. Nếu chỉ ăn một bữa dọc đường thì phụ cấp: 3 hào + 1 hào = 4 hào v.v…

2. Cách thức thi hành đối với một số địa phương.

Đối với một số địa phương ở miền núi, trường hợp có cán bộ, công nhân, viên chức làm công tác khảo sát địa hình, địa chất lưu động trong rừng, sớm đi tối về cơ quan thì sẽ áp dụng phụ cấp hạng II. Những người làm việc tại cơ quan không được hưởng phụ cấp.

Các trường hợp khác thì căn cứ những điều kiện cơ bản đã nói ở trên mục I, để áp dụng phụ cấp theo quy định chung.

3. Cách tính những giờ lẻ.

Nguyên tắc là tính gọn một buổi hay một ngày để dễ thanh toán. Cụ thể là:

- Nếu làm việc từ 2 tiếng đến 4 tiếng tính 1/2 ngày và từ trên 4 tiếng tính cả ngày.

- Những người nghỉ việc không có phụ cấp.

Thông tư này thi hành kể từ ngày 1-5-1959 đối với tất cả cán bộ, công nhân, viên chức các đơn vị khảo sát địa hình, địa chất và các đơn vị khảo sát đặt trạm thủy văn, làm việc lưu động ở ngoài cơ quan không phân biệt trong biên chế hay ngoài biên chế thuộc địa phương hay thuộc trung ương. Những người thuê mướn tạm thời tại địa phương, lúc có làm việc thì làm không có việc thì nghỉ, tiền lương trả theo giá công thuê mướn của địa phương (do Hội đồng giá công thuê mướn địa phương quy định) thì không thi hành chế độ phụ cấp này.

Cục Khảo sát Thiết kế, Phòng thủy văn và các cơ quan thủy lợi địa phương có trách nhiệm xét định phụ cấp cho các đơn vị trong từng thời gian công tác. Những quy định trước đây về phụ cấp lưu động thường xuyên đối với các đơn vị khảo sát địa hình, địa chất, nay không thi hành nữa.

Sau khi thi hành, đề nghị các đơn vị, các địa phương phản ảnh những điểm bất hợp lý, những khó khăn mắc mứu tồn tại để Bộ nghiên cứu bổ sung dần dần.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI
THỨ TRƯỞNG





Trần Quý Kiên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 14-TT/TL năm 1959 về phụ cấp đối với cán bộ, công nhân, viên chức làm công tác khảo sát địa hình, địa chất thường xuyên lưu động ngoài cơ quan do Bộ Thuỷ Lợi ban hành.

  • Số hiệu: 14-TT/TL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/05/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi
  • Người ký: Trần Quý Kiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 01/05/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản