PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT |
Số: 131-TTg | Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 1957 |
Để tăng cường việc quản lý theo kế hoạch của các xí nghiệp quốc doanh, đồng thời khuyến khích sản xuất, đẩy mạnh kiến thiết, tiết kiệm vốn, nay tạm thời quy định như sau việc phân biệt một số chi phí trong kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh năm 1957.
I – QUY ĐỊNH VỀ DỰ TOÁN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC CẤP PHÁT KIẾN THIẾT CƠ BẢN
1. – Khối lượng công tác kiến thiết cơ bản gồm khối lượng công tác kiến thiết cơ bản trong năm kế hoạch và khối lượng công tác kiến thiết cơ bản thuộc năm trước phải hoàn thành nhưng chưa làm xong (cụ thể xem bản thể lệ lập kế hoạch kinh tế quốc dân).
2. - Nguồn vốn kiến thiết cơ bản gồm:
a) Số cấp phát của dự toán Nhà nước.
b) Vốn thừa của kiến thiết cơ bản, trong đó gồm có: thiết bị, vật liệu, tiền mặt và số vốn khác chờ thanh toán (phần sử dụng được).
c) Vốn khác.
3. – Phạm vi sử dụng vốn kiến thiết cơ bản như sau:
a) Dùng để hoàn thành khối lượng công tác kiến thiết cơ bản.
b) Dùng để dự trù vật liệu và thiết bị cho các công trình kiến thiết năm sau.
Định mức về vật liệu và thiết bị dự trù cho công trình kiến thiết cơ bản năm sau sẽ ghi và chi theo quy định như sau: đối với ngành công nghiệp thì định mức thiết bị dự trù cho kiến thiết cơ bản năm sau có thể độ 30% giá trị số thiết bị cần dùng trong năm kế hoạch. Về định mức vật liệu dự trù có thể độ 20 đến 30% giá trị khối lượng công tác xây lắp trong năm kế hoạch.
Định mức thiết bị và vật liệu dự trù cho kiến thiết cơ bản năm sau của các ngành không phải là công nghiệp phải thấp hơn tỷ lệ quy định trên. Trường hợp là dự trù đặc biệt hoặc dự trù quá định mức thì sau khi được Thủ tướng phủ duyệt y, sẽ ghi vào khoản riêng để chi.
4. - Số tiền dự toán Nhà nước cấp cho kiến thiết cơ bản sẽ tính theo công thức sau đây:
Số tiền dự toán Nhà nước cấp cho kiến thiết cơ bản = số vốn cần thiết “để hoàn thành khối lượng công tác kiến thiết cơ bản” + số vốn cần thiết “để dự trù thiết bị và vật liệu cho kiến thiết cơ bản năm sau” – “vốn thừa của kiến thiết cơ bản” – “vốn khác”.
Các Bộ chủ quản xí nghiệp phải dựa theo con số kiểm tra về khối lượng công tác kiến thiết cơ bản và con số kiểm tra về cấp phát kiến thiết cơ bản của Chính phủ giao cho mà phổ biến xuống dưới và dựa vào đó để lập kế hoạch kiến thiết cơ bản và kế hoạch tài vụ kiến thiết cơ bản theo từng cấp. Các Bộ chủ quản xí nghiệp cần chỉ đạo các đơn vị tích cực động viên nguồn vốn nội bộ (vốn thừa), khai thác khả năng tiềm tàng về giảm giá thành công trình, mở rộng khối lượng công tác kiến thiết cơ bản, bố trí hợp lý khoản chi về vật liệu và thiết bị dự trù cho công trình kiến thiết cơ bản năm sau.
II – QUY ĐỊNH VỀ DỰ TOÁN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC CẤP PHÁT VỐN LƯU ĐỘNG
1. – Đối với các xí nghiệp quốc doanh công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, dự toán Nhà nước phải cấp 100% số vốn lưu động định mức trong năm kế hoạch đã được duyệt y cần thiết cho sản xuất và hoạt động nghiệp vụ tương đối bình thường.
Số vốn cần thiết có tính chất thời vụ và số vốn cần thiết khi luân chuyển tạm bị trở ngại thì xí nghiệp được đề nghị vay ngắn hạn ở ngân hàng quốc gia để giải quyết, không được ghi vào vốn lưu động định mức để xin dự toán Nhà nước cấp phát.
2. – Đối với ngành thương nghiệp quốc doanh, do việc luân chuyển vốn tương đối nhanh, nên đối với số vốn lưu động định mức cần thiết trong năm kế hoạch đã được duyệt y phải căn cứ vào tình hình cụ thể của tài chính Nhà nước và vốn tín dụng của ngân hàng để xác định tỷ lệ do dự toán Nhà nước cấp phát và tiền vay ngân hàng. Nói chung, dự toán Nhà nước cấp 30%, ngân hàng quốc gia cho vay 70%. Lợi tức về tiền cho vay sẽ ghi vào kế hoạch phí tổn lưu thông hàng hóa.
Đối với các Tổng Công ty xuất nhập khẩu, là những tổ chức kinh doanh nghiệp vụ đại lý, số vốn tạm ứng trước, cần thiết trong kỳ kế toán, sẽ đề nghị vay ngắn hạn của ngân hàng quốc gia giải quyết; thể thức cho vay và trả tiền sẽ do Bộ Thương nghiệp và ngân hàng quốc gia quy định cụ thể.
3. - Về vốn lưu động định mức cần thiết trong năm kế hoạch đã được duyệt y (bộ phận hàng qua kho) của các tổ chức cung tiêu thuộc Bộ chủ quản xí nghiệp, cần căn cứ tình hình thực hiện hạch toán kinh tế của tổ chức đó, mà định tỷ lệ do dự toán Nhà nước cấp phát, phần còn lại do ngân hàng quốc gia cho vay. Tỷ lệ cấp phát và cho vay do Bộ Tài chính căn cứ theo tình hình cụ thể của từng tổ chức để xác định riêng.
4. - Để thích ứng với sự cần thiết cho việc thi công thường xuyên của các xí nghiệp xây lắp và để hạch toán giá thành công trình được chính xác, các xí nghiệp xây lắp sẽ được dự toán Nhà nước cấp cho số vốn lưu động định mức độ 10% của khối lượng công trình xây lắp. Vốn lưu động của xí nghiệp xây lắp dùng để chuyển nhiên liệu, phụ tùng linh tinh, vật rẻ tiền mau hỏng, những kiến trúc nhỏ tạm thời, ván ghép, giông làm nhà… (Những kiến trúc tạm thời như nhà ở cho công nhân xí nghiệp xây lắp phải do đơn vị cho thầu ghi vào kế hoạch kiến thiết cơ bản. Những khoản chi về vật liệu chủ yếu và tiền lương thì do đơn vị cho thầu lấy trong khoản cấp phát kiến thiết cơ bản của mình để tạm ứng giải quyết).
Xí nghiệp xây lắp dùng vốn lưu động để mua nhiên liệu, phụ tùng linh tinh… dùng cho việc luân chuyển, không được ghi cả một lần vào khoản giá thành công trình, mà phải phân bổ đều vào giá thành các công trình theo từng kỳ một để thu hồi.
Để tránh tình trạng lãng phí và ứ đọng vốn của Nhà nước, tất cả các xí nghiệp xây lắp không có công tác xây lắp thường xuyên và chưa thành tổ chức cố định thì tạm thời chưa được lĩnh số vốn lưu động để dùng; toàn bộ số vốn lưu động cần thiết sẽ do đơn vị cho thầu ứng trước để giải quyết.
5. – Số vốn lưu động định mức của các xí nghiệp kể trên đã được Nhà nước duyệt y, ngoài phần quy định vay của ngân hàng ra, trước hết phải lấy số vốn tự có của các xí nghiệp để dùng, sau đó nếu còn thừa thì phải ghi vào số nộp cho dự toán Nhà nước, nếu còn thiếu sẽ ghi vào số cấp phát của dự toán Nhà nước.
III – QUY ĐỊNH VỀ DỰ TOÁN NHÀ NƯỚC CẤP LỢI NHUẬN CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY LẮP
Để khuyến khích các đơn vị kiến thiết tự làm và các xí nghiệp xây lắp, thực hiện từng bước chế độ hướng dẫn, hoàn thành kế hoạch, hạ thấp giá thành, các đơn vị kiến thiết tự làm và các xí nghiệp xây lắp được ghi thêm 2,5% tổng số chi tiêu trực tiếp và gián tiếp, theo kế hoạch của công trình xây lắp, để làm lợi nhuận cho kế hoạch.
Khi lập kế hoạch khối lượng công tác kiến thiết cơ bản và kế hoạch thu chi tài vụ kiến thiết cơ bản, các đơn vị thuộc Bộ chủ quản xí nghiệp phải ghi khoản lợi nhuận đó vào kế hoạch.
Khi định giá công trình thực tế của các đơn vị kiến thiết tự làm và của xí nghiệp xây lắp thấp hơn định giá của kế hoạch quy định thì phần hạ thấp đó được coi như lợi nhuận vượt kế hoạch.
IV – QUY ĐỊNH VỀ CHI PHÍ VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP TỔ CHỨC KỸ THUẬT
Để đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh phải tích cực phổ biến những kinh nghiệm tiên tiến, cải tiến thiết bị kỹ thuật, cải tiến phương pháp kỹ thuật sản xuất, cải tiến tổ chức sản xuất và tích cực áp dụng những biện pháp khác về kỹ thuật và tổ chức.
1. - Nội dung chính của những biện pháp tổ chức kỹ thuật gồm:
a) Biện pháp cải tiến chất lượng sản phẩm.
b) Biện pháp cải tiến tổ chức lao động và cải tiến động tác nghiệp vụ sản xuất.
c) Biện pháp cải tiến trình tự kỹ thuật sản xuất.
d) Biện pháp thi hành kiểm tra kỹ thuật, giảm bớt những thiệt hại về hàng bị hỏng.
đ) Biện pháp cải tiến quản lý kỹ thuật, giảm bớt sự tiêu hao nguyên vật liệu.
e) Biện pháp làm tăng số năm sử dụng các thiết bị máy móc và nâng mức sử dụng thiết bị máy móc.
g) Biện pháp cải tiến chất lượng của việc sửa chữa máy móc thiết bị và rút ngắn thời gian sửa chữa.
h) Biện pháp cải tiến việc bảo quản kho tàng và vận chuyển ở trong kho xưởng.
i) Biện pháp bảo đảm an toàn về mặt kỹ thuật và bảo hộ lao động.
k) Biện pháp tăng tốc độ luân chuyển vốn, cải tiến việc quản lý kinh doanh và đẩy mạnh thi hành chế độ hạch toán kinh tế.
2. – Được ghi để chi tiêu, những biện pháp tổ chức kỹ thuật nói trên, nếu có thể trực tiếp tính được hiệu quả kinh tế theo cả hai nguyên tắc sau đây:
a) Trong năm kế hoạch năm sau có thể thu được kết quả kinh tế.
b) Số tiền thu nhiều hơn số chi về biện pháp tổ chức kỹ thuật.
Trường hợp biện pháp tổ chức kỹ thuật không trực tiếp tính được hiệu quả kinh tế, thì có thể không tính, nhưng phải có lợi cho việc cải thiện điều kiện lao động hoặc thực tế có tác dụng làm lợi cho việc tiết kiệm kinh tế quốc dân: trường hợp này cũng được ghi để chi tiêu.
3. - Những chi phí về biện pháp tổ chức kỹ thuật sẽ phân biệt theo tính chất chi tiêu khác như sau:
a) Những khoản chi phí làm tăng thêm số lượng và giá trị tài sản cố định để nâng mức tự động hóa trong quá trình sản xuất, để thay đổi trình tự kỹ thuật sản xuất, để làm thăng bằng mức sử dụng thiết bị, thì khi lập kế hoạch, được ghi vào khoản riêng trong đó tiền cấp phát mà dự toán Nhà nước đã quy định cho các Bộ. Sau khi được duyệt y, thì khoản nào phải dùng cho khoản ấy.
b) Những khoản chi phí để thay đổi tổ chức sản xuất và thiết bị kỹ thuật sản xuất như: tháo máy móc ra để lắp thêm hoặc kiểm tra để sửa chữa lại nhiều trong phạm vi quy định sửa chữa lớn thì phải ghi chi trong quý sửa chữa lớn.
c) Những khoản chi phí về những biện pháp tổ chức kỹ thuật khác, không làm tăng tài sản cố định, thì phải ghi vào phí tổn sản xuất phân bố từng kỳ một. Cách phân bố như sau:
- Nếu hiệu quả thu được trong năm kế hoạch có thể bù cho những khoản chi trong năm hoặc nhiều hơn khoản chi trong năm thì tính vào giá thành trong năm.
- Nếu hiệu quả thu được trong năm kế hoạch ít hơn toàn bộ số chi trong năm, những hiệu quả thu được trong năm thứ hai lại nhiều hơn toàn bộ số chi, thì được phân bố cho hai năm.
V – QUY ĐỊNH VỀ CHI PHÍ CHẾ THỬ CÁC LOẠI SẢN PHẨM MỚI
Chi phí để chế thử sản phẩm mới là những chi phí trong năm kế hoạch để làm những thứ sản phẩm mà trước đây xí nghiệp chưa từng sản xuất.
1. - Những sản phẩm nào đủ mấy điều kiện sau đây thì được coi làm sản phẩm mới:
a) Những sản phẩm mà xí nghiệp chưa làm ra bao giờ.
b) Thiết kế mới.
c) Đã được Chính phủ hay Bộ chủ quản xí nghiệp chuẩn y.
2. - Nội dung chi phí để chế thử các loại sản phẩm mới như sau:
a) Chi phí để thiết kế những loại sản phẩm mới và tiền mua những tài liệu kỹ thuật.
b) Những chi phí để đặt ra trình tự sản xuất của những loại sản phẩm mới.
c) Chi phí để thiết kế và để đặt ra trình tự sản xuất những công cụ dùng riêng cho các loại sản phẩm mới.
d) Chi phí để thí nghiệm những vật liệu, bán thành phẩm, công cụ và thiết bị phụ thuộc dùng cho những loại sản phẩm mới.
e) Tiền mua mẫu hàng định chế thử và giá thành mẫu hàng chế thử.
g) Tiền mua sắm máy móc thiết bị dùng cho các loại sản phẩm mới và chi phí để điều chỉnh và lắp các máy móc thiết bị đã có.
h) Chi phí để giám định kỹ thuật những loại sản phẩm mới và chi phí để kiểm nghiệm lại những vật liệu kỹ thuật trước khi bước vào sản xuất hàng loạt.
i) Chênh lệch giữa giá thành sản phẩm mới chế thử vượt quá giá thành sản phẩm sản xuất bình thường.
k) Tiền thưởng cho việc chế thử những loại sản phẩm mới và những chi phí khác có liên quan trực tiếp tới việc chế thử sản phẩm.
3. – Phương pháp ghi chi những chi phí chế thử những loại sản phẩm mới như sau:
a) Khi chế thử sản phẩm mới phải cố lợi dụng những thiết bị sẵn có; những máy móc thiết bị cần phải tăng thêm và những công cụ thuộc phạm vi tài sản cố định mua thêm, thì khi lập kế hoạch được ghi vào khoản riêng trong số cấp phát mà dự toán Nhà nước đã quy định cho các Bộ chủ quản xí nghiệp; sau khi duyệt ý thì khoản nào phải dùng cho khoản ấy.
b) Chi phí thuộc giá bình thường thì ghi chi trong kế hoạch giá thành của xí nghiệp.
c) Phần chi phí do giá thành chế thử vượt quá giá thành bình thường và những thiệt hại do việc chế thử sản phẩm mới gây ra, thì có thể ghi vào khoản lỗ lãi ngoài kinh doanh trong kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp, hết năm căn cứ số thực tế ghi vào kết toán để thanh toán.
VI – QUY ĐỊNH VỀ CHI PHÍ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH LINH TINH
1. – Vì sự cần thiết của sản xuất và kinh doanh, các đơn vị xí nghiệp không có kiến thiết cơ bản cần mua sắm tài sản cố định linh tinh hoặc cần làm những việc kiến thiết cơ bản linh tinh, thì các Bộ chủ quản xí nghiệp có thể phân phối cho xí nghiệp một số tiền nhất định trong số tiền mà dự toán Nhà nước đã quy định cấp phát cho Bộ (xí nghiệp không phải lập kế hoạch kiến thiết cơ bản). Số tiền này ghi vào kế hoạch thu chi tài vụ bằng khoản riêng; sau khi được duyệt thì khoản nào phải dùng cho khoản ấy.
2. – Các đơn vị kiến thiết và các đơn vị xí nghiệp tiến hành việc xây dựng mới, khôi phục hoặc mở rộng xây dựng, mỗi năm đều có nhiệm vụ kiến thiết cơ bản, nên khoản tiền mua sắm tài sản cố định linh tinh hoặc chi về kiến thiết cơ bản linh tinh đều được ghi vào kế hoạch kiến thiết cơ bản.
Sau khi bản quy định này đã ban hành, các xí nghiệp không được lấy vốn lưu động để mua sắm tài sản cố định linh tinh hoặc để chi về kiến thiết cơ bản linh tinh.
VII – QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHÂN BIỆT TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VỚI VẬT RẺ TIỀN MAU HỎNG
1. – Những công cụ, khí cụ… của các xí nghiệp quốc doanh có đủ cả hai điều kiện dưới đây thì coi là tài sản cố định:
a) Giá trị đơn vị từ 15 vạn đồng trở lên.
b) Thời hạn sử dụng được trên một năm.
Nếu không phù hợp với một trong hai điều kiện đó thì coi là vật rẻ tiền mau hỏng.
2. - Để thích ứng với một số trường hợp đặc biệt, sau khi được Bộ Tài chính thoả thuận, các Bộ chủ quản xí nghiệp có thể để một số công cụ, khí cụ giá trị dưới 15 vạn đồng, ghi là tài sản cố định, hoặc có thể để một số công cụ, khí cụ giá trị trên 15 vạn đồng ghi là vật rẻ tiền mau hỏng.
VIII – QUY ĐỊNH VỀ CHI PHÍ THỬ MÁY
1. - Tất cả những chi phí của đơn vị xây dựng mới, đơn vị mở rộng hay đơn vị khôi phục cần cho việc thử máy thuộc loại thiết bị lắp đặt bằng vốn kiến thiết cơ bản, dù là thử máy chạy không hay là thử máy có sản xuất, đều nhất loạt ghi chi theo như quy định dưới đây:
a) Những chi phí thử máy trước khi kiểm nhận thì ghi vào kế hoạch kiến thiết cơ bản.
b) Những chi phí thử máy sau khi kiểm nhận thì phân bố từng kỳ một vào giá thành sản phẩm.
Trước khi kiểm nhận nếu có những sản phẩm, những hàng đang làm dở, những vật liệu dùng thừa vì thử máy, thì sau khi kiểm nhận phải giao cho đơn vị sản xuất để làm vốn lưu động.
2. – Chi phí thử máy thuộc loại những thiết bị sản xuất đang được sửa chữa lớn thì phải ghi chi trong khoản tiền sửa chữa lớn.
3. – Chi phí thử máy về sửa chữa nhỏ và sửa chữa trung bình trong sản xuất, thì phân bố vào giá thành sản phẩm trong năm.
1. – Con số cấp phát cần thiết cho khối lượng công tác kiến thiết cơ bản gồm có con số cấp phát cần thiết cho kiến thiết cơ bản của xí nghiệp và con số cấp phát cần thiết cho kiến thiết cơ bản của sự nghiệp.
2. – Con số cấp phát cần thiết để dự trữ vật liệu và thiết bị cho công trình kiến thiết năm sau.
3. – Con số cấp phát cần thiết cho chi phí về:
- Những biện pháp tổ chức kỹ thuật.
- Việc chế thử sản phẩm mới.
- Việc mua sắm tài sản cố định linh tinh.
4. – Con số cấp phát kinh phí sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ.
Con số kiểm tra cấp phát của Nhà nước phổ biến cho các Bộ chủ quản xí nghiệp kể trên không bao gồm số vốn lưu động cấp cho các xí nghiệp.
Con số cấp phát về vốn lưu động cần thiết cho các xí nghiệp sẽ cấp riêng sau khi đã duyệt kế hoạch thu chi tài vụ của các Bộ.
Bản quy định tạm thời về vấn đề phân biệt một số chi phí trong kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh năm 1957 phải là một trong những văn bản để chỉ đạo việc lập và chấp hành kế hoạch kinh tế quốc dân, kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp và dự toán Nhà nước năm 1957. Vì vậy Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, các Bộ chủ quản xí nghiệp cần nghiên cứu kỹ và hướng dẫn các đơn vị thuộc ngành mình chấp hành cho đúng.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 260-TTg-1977 sửa đổi quy định về quản lý và hạch toán tài sản cố định của các xí nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 09-TD/NT năm 1961 hướng dẫn biện pháp cho vay ngắn hạn đối với các nông trường quốc doanh trung ương do Ngân Hàng Nhà Nước ban hành.
- 3Quyết định 130-TTg năm 1957 về việc thi hành từng bước chế độ hạch toán kinh tế để tăng cường việc quản lý kinh doanh của xí nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thể lệ tạm thời số 133-TTg về việc trích lập và sử dụng quỹ tiền thưởng xí nghiệp ở các xí nghiệp quốc doanh do Phủ Thủ tướng ban hành
- 5Thể lệ tạm thời số 134-TTg về việc lập và xét duyệt kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh do Phủ Thủ tường ban hành
- 1Thông tư 260-TTg-1977 sửa đổi quy định về quản lý và hạch toán tài sản cố định của các xí nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 09-TD/NT năm 1961 hướng dẫn biện pháp cho vay ngắn hạn đối với các nông trường quốc doanh trung ương do Ngân Hàng Nhà Nước ban hành.
- 3Quyết định 130-TTg năm 1957 về việc thi hành từng bước chế độ hạch toán kinh tế để tăng cường việc quản lý kinh doanh của xí nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thể lệ tạm thời số 133-TTg về việc trích lập và sử dụng quỹ tiền thưởng xí nghiệp ở các xí nghiệp quốc doanh do Phủ Thủ tướng ban hành
- 5Thể lệ tạm thời số 134-TTg về việc lập và xét duyệt kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh do Phủ Thủ tường ban hành
Thông tư 131-TTg năm 1957 quy định tạm thời vấn đề phân biệt một số chi phí trong kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh năm 1957 do Phủ Thủ tướng ban hành
- Số hiệu: 131-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 04/04/1957
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: 19/04/1957
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định