THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 260-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 1977 |
Chế độ quản lý và hạch toán tài sản cố định của các xí nghiệp quốc doanh đã được quy định trong nhiều văn bản của Nhà nước như quy định tạm thời số 131-TTg ngày 04-04-1957, thể lệ tạm thời số 132-TTg ngày 04-04-1957, quyết định số 150-TTg ngày 17-05-1971 v.v…
Những chế độ này đã góp phần vào việc tăng cường quản lý kinh tế, tài chính và bảo vệ tài sản Nhà nước.
Đến nay, công tác quản lý và hạch toán tài sản cố định tại nhiều xí nghiệp còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến hậu quả là nhiều máy móc, thiết bị chưa được sử dụng hết công suất; nhiều tài sản cố định bị mất hoặc hư hỏng trước thời hạn sử dụng đã được quy định; nhiều tài sản cố định đang dùng trong sản xuất kinh doanh không được ghi vào sổ sách của xí nghiệp, không tính khấu hao, v.v…
Tài sản cố định của ta hiện nay đã tăng lên gấp bội so với trước. Để chấn chỉnh và tăng cường quản lý theo phương thức hạch toán kinh kế, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điểm trong chế độ quản lý và hạch toán tài sản cố định như sau.
I. TIÊU CHUẨN VỀ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
1. Những công cụ lao động của xí nghiệp quốc doanh có đủ hai điều kiện dưới đây, được coi là tài sản cố định:
a) Giá trị đơn vị từ 500 đồng trở lên;
b) Thời gian sử dụng trên một năm.
Thiếu một trong hai điều kiện nói trên, thì coi là công cụ lao động thuộc tài sản lưu động.
2. Để đáp ứng yêu cầu quản lý công cụ lao động của từng ngành, đối với một số trường hợp đặc biệt, sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận, các Bộ và Tổng cục của quản xí nghiệp có thể xếp vào tài sản cố định một số công cụ lao động có giá trị dưới 500 đồng.
3. Riêng đối với các tỉnh phía Nam, trong khi chưa đánh giá lại tài sản cố định, thì tạm thời vẫn theo các phân loại tài sản cố định đã ghi sổ sách kế toán và sử dụng giá trị tài sản cố định được phép tạm tính trong đợt kiểm kê ngày 01 tháng 01 năm 1977 cho đến khi có quyết định mới.
II. KHẤU HAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÀ SỬA CHỮA LỚN TÀI SẢN CỐ ĐỊNH.
1. Tất cả những tài sản cố định hiện có ở xí nghiệp đều phải được huy động, sử dụng trong năm kế hoạch và phải tính khấu hao. Trong trường hợp có những tài sản cố định thừa không cần dùng hoặc chưa cần dùng, xí nghiệp phải lập bảng kê chi tiết, báo cáo lên Bộ, Tổng cục chủ quản (đối với các xí nghiệp trung ương) hoặc Sở, Ty chủ quan (đối với các xí nghiệp địa phương) để xem xét và giải quyết. Các Bộ, Tổng cục chủ quản và các Sở, Ty chủ quản ở địa phương, sau khi kiểm tra và xác nhận những tài sản cố định đó thực sự không cần dùng cho xí nghiệp, phải có kế hoạch điều động cho các xí nghiệp khác trong ngành sử dụng, hoặc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để huy động, sử dụng cho các ngành khác nếu xét thấy trong ngành mình không cần dùng. Trong trường hợp có những tài sản cố định không cần dùng hoặc chưa cần dùng, nhưng được Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời giữ lại trong ngành; Bộ và Tổng cục chủ quản (hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh đối với xí nghiệp địa phương) được quyền quyết định cho các xí nghiệp không tính khấu hao đối với những tài sản cố định đó.
Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định phải được tính toán căn cứ vào thời gian sử dụng, điều kiện và chế độ làm việc của tài sản cố định, bảo đảm thu hồi vốn nhanh cho Nhà nước và khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả tài sản cố định. Tỷ lệ khấu hao quy định riêng cho khấu hao cơ bản và khấu hao sữa chữa lớn.
Trong khi chờ đợi Nhà nước quy định lại chế độ khấu hao tài sản cố định cho các ngành kinh tế, các Bộ, Tổng cục, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, chủ quản xí nghiệp vẫn thi hành những tỷ lệ khấu hao đã có, nhưng cần bổ sung, điều chỉnh những tỷ lệ không hợp lý, bảo đảm tất cả tài sản cố định hiện có đều có tỷ lệ khấu hao. Tất cả các xí nghiệp phải thi hành các tỷ lệ khấu hao do Bộ, Tổng cục chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định.
Các Bộ, Tổng cục chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào tỷ lệ khấu hao của các Bộ chuyên ngành để định tỷ lệ khấu hao thống nhất cho các đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ mình, địa phương mình
Nếu có trường hợp cần điều chỉnh tỷ lệ khấu hao cho phù hợp với điều kiện sử dụng tài sản cố định, thì việc điều chỉnh được thực hiện bằng cách áp dụng hệ số tăng giảm, tỷ lệ khấu hao (khấu hao cơ bản và khấu hao sữa chữa lớn). Áp dụng hệ số tăng cho những tài sản cố định được sử dụng trong điều kiện khắc nghiệt làm tăng nhanh sự hao mòn. Áp dụng hệ số giảm cho những tài sản cố định được sử dụng trong những điều kiện thuận lợi (ít bị tác động của môi trường bên ngoài) làm giảm bớt sự hao mòn.
Bộ Tài chính có trách nhiệm bàn với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, Tổng cục chủ quản để ban hành biểu tỷ lệ khấu hao và bảng hệ số tăng giảm tỷ lệ khấu hao, áp dụng thống nhất cho tất cả các ngành trong phạm vi cả nước.
Sau khi có biểu tỷ lệ khấu hao và bảng hệ số tăng giảm tỷ lệ khấu hao thống nhất, các Bộ, Tổng cục chủ quản quy định tỷ lệ khấu hao và hệ số tăng giảm tỷ lệ khấu hao (khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn) cho ngành mình trong phạm vi tỷ lệ khấu hao và hệ số tăng giảm tỷ lệ khấu hao thống nhất của Nhà nước sau khi bàn với Bộ Tài chính.
2. Số tiền khấu hao cơ bản của tài sản cố định xây dựng, mua sắm bằng vốn do ngân sách cấp hoặc bằng vốn tự có của xí nghiệp vẫn được phân phối theo chế độ hiện hành; số tiền khấu hao cơ bản của tài sản cố định xây dựng, mua sắm bằng vốn vay Ngân hàng Nhà nước phải được dùng để trả vốn theo đúng thời hạn quy định.
Số tiền khấu hao sửa chữa lớn tài sản cố định do xí nghiệp quản lý và phải gửi vào tài khoảng riêng ở ngân hàng.
Dưới đây là hai trường hợp được giải quyết đặc biệt :
a) Đối với tài sản cố định đã được thu hồi hoặc hoàn trả đủ vốn (khấu hao cơ bản hết) nhưng vẫn còn sử dụng được, xí nghiệp tiếp tục trích khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn theo tỷ lệ và nguyên giá cũ, hạch toán vào giá thành (hay phí lưu thông), nhưng không hạch toán giảm vốn cố định. Số tiền khấu hao cơ bản này sẽ bổ sung vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất (hoặc quỹ chuyên dùng); số tiền khấu hao aư3a chữa lớn vẫn do xí nghiệp quản lý.
b) Đối với tài sản cố định chưa khấu hao cơ bản hết mà đã hư hỏng (do khuyết điểm chủ quan của xí nghiệp), xí nghiệp phải tiếp tục nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền chưa khấu hao cơ bản hết (nguyên giá trừ số khấu hao cơ bản đã trích) và phân bổ dần vào khoản lỗ cho tới khi nộp đủ vốn. Mức nộp ngân sách hàng tháng tương ứng với mức trích khấu hao của tài sản cố định đó khi còn sử dụng được.
Nếu tài sản cố định xây dựng, mua sắm hoặc tự chế tạo bằng vốn vay của Ngân hàng Nhà nước, thì xí nghiệp phải tiếp tục hoàn trả vốn vay, nếu chưa hoàn trả đủ vốn. Số tiền trả ngân hàng (hàng tháng) cũng được hạch toán vào khoản lỗ như trường hợp nói trên.
3. Các Bộ, Tổng cục và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ quản căn cứ vào những quy định hiện hành về nội dung công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định mà quy định tiêu chuẩn phân loại nội dung công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên một cách cụ thể và thích hợp với từng loại tài sản cố định. Các xí nghiệp phải căn cứ vào quy định này để lập kế hoạch và hạch toán sửa chữa tài sản cố định.
III. NHƯỢNG BÁN TÀI SẢN CỐ ĐỊNH GIỮA CÁC XÍ NGHIỆP VÀ TỔ CHỨC KINH TẾ
1. Việc nhượng bán tài sản cố định giữa các xí nghiệp hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Bộ và Tổng cục (đối với các xí nghiệp trung ương), hoặc Sở, Ty (đối với các xí nghiệp địa phương) do cơ quan cấp trên trực tiếp của xí nghiệp quyết định và phải thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp biết. Việc nhượng bán tài sản cố định của xí nghiệp trung ương cho xí nghiệp địa phương hoặc cho xí nghiệp trung ương thuộc Bộ, Tổng cục khác, do Bộ, Tổng cục quyết định, sau khi bàn với Bộ Tài chính và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Xí nghiệp nhận tài sản phải thanh toán tiền cho xí nghiệp giao tài sản cố định theo giá mà hai bên đã thỏa thuận. Giá thỏa thuận là giá được xác định căn cứ vào nguyên giá của tài sản cố định, xét mức hao mòn thực tế và giá trị sử dụng hiện có của tài sản cố định, và tham khảo giá hiện hành của tài sản cố định cùng loại.
Xí nghiệp nhận tài sản phải hạch toán tài tản cố định vào sổ sách theo giá quy định như sau :
1. Giá thỏa thuận của tài sản cố định;
2. Chi phí vận chuyển tài sản cố định;
3. Chi phí lắp đặt, chạy thử (nếu có);
Xí nghiệp nhận tài sản phải khấu hao cơ bản cho đủ giá trị mới của tài sản cố định bao gồm 3 khoản 1, 2, 3 kể trên.
Số chênh lệch giữa nguyên giá tài sản cố định của bên giao (trừ chi phí vận chuyển, lắp đặt, chạy thử (nếu có) và giá thỏa thuận của tài sản cố định ở khoản 1) phải được hạch toán riêng và bổ sung vào nguyên giá tài sản cố định để giúp Nhà nước nắm được giá trị nguyên thủy của tổng số tài sản cố định.
Xí nghiệp giao tài sản phải nộp ngân sách Nhà nước hoặc trả vốn vay ngân hàng số tiền thu về nhượng bán tài sản cố định bằng đúng giá trị còn lại (nguyên giá trừ số khấu hao cơ bản đã trích) của tài sản cố định chuyển giao. Nếu số tiền thu về chuyển giao tài sản cố định có chênh lệch với giá trị còn lại, thì giải quyết như sau :
- Trong trường hợp số tiền thu về lớn hơn giá trị còn lại, xí nghiệp được hưởng số tiền chênh lệch này và cho vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất.
- Trong trường hợp số tiền thu về ít hơn giá trị còn lại, xí nghiệp phải nộp số tiền chênh lệch vào ngân sách Nhà nước hoặc hoàn trả vốn vay ngân hàng và phân bố dần vào khoản lỗ cho đến khi hết số tiền chênh lệch đó.
2. Việc nhượng bán tài sản cố định giữa các xí nghiệp hạch toán kinh tế độc lập sang đơn vị dự toán, do cơ quan cấp trên trực tiếp độc lập trong một liên hiệp xí nghiệp do Tổng giám đốc liên hiệp quyết định, sau khi có sự bàn bạc với xí nghiệp giao và xí nghiệp nhận tài sản cố định.
Xí nghiệp giao và xí nghiệp nhận tài sản phải cùng thực hiện phương thức thanh toán như đã quy định ở điểm 1 mục III.
3. Việc nhượng bán tài sản cố định giữa các xí nghiệp hạch toán kinh tế độc lập sang đơn vị dự toán, do cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị quyết định và thanh toán qua ngân sách Nhà nước theo phương thức đã được quy định ở điểm 1 mục III.
4. Việc nhượng bán tài sản cố định của xí nghiệp quốc doanh cho hợp tác xã phải do Bộ, Tổng cục (đối với xí nghiệp trung ương), hoặc Sở, Ty (đối với xí nghiệp địa phương) quyết định, sau khi bàn với cơ quan kế hoạch và cơ quan tài chính cùng cấp. Việc nhượng bán tài sản cố định cho các hợp tác xã là nhằm tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hợp tác xã để phát triển sản xuất; nghiêm cấm hợp tác xã mua đi, bán lại để kiếm lời.
Tài sản cố định được bán theo giá thỏa thuận (quy định ở điểm 1, mục III).
5. Đối với những tài sản cố định thừa không cần dùng, xí nghiệp phải báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để có kế hoạch điều đi nơi khác. Nếu quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày xí nghiệp gửi báo cáo mà không nhận được ý kiến giải quyết của cấp trên thì coi như cơ quan cấp trên đồng ý cho phép xí nghiệp nhượng bán cho cơ quan Nhà nước và đơn vị quốc doanh khác. Giá cả nhượng bán tài sản cố định và số tiền thu về nhượng bán được tiến hành như đã quy định ở điểm 1, 2, 3 của mục III.
6. Đối với những tài sản cố định xây dựng hoặc mua sắm hoặc tự chế tạo bằng vốn vay của Ngân hàng Nhà nước, xí nghiệp phải hoàn trả đủ vốn, và lãi cho ngân hàng đúng thời hạn.
Nếu cơ quan cấp trên trực tiếp xét thấy cần phải chuyển nhượng lại tài sản cố định đó trong xí nghiệp chưa hoàn trả đủ vốn vay cho ngân hàng, thì phải báo cho Ngân hàng Nhà nước để xác định lại đơn vị vay mới mà trả nợ.
7. Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ có liên quan nghiên cứu và đề nghị Chính phủ ban hành sớm chế độ thu trên vốn sản xuất.
Bộ Tài chính, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê căn cứ vào thông tư này, sửa đổi các chế độ có liên qua và hướng dẫn việc thi hành; đồng thời phối hợp với các ngành để xúc tiến những công việc chuẩn bị cần thiết cho việc đánh giá lại tài sản cố định trong phạm vi cả nước trong thời gian tới.
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ. |
- 1Quyết định 150-TTg năm 1971 về chế độ báo cáo kế hoạch hàng năm của các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh trung ương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 157-HĐBT năm 1983 về việc tiến hành tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định trong các đơn vị cơ sở, xí nghiệp sản xuất kinh doanh vào 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 1985 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Thông tư 131-TTg năm 1957 quy định tạm thời vấn đề phân biệt một số chi phí trong kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh năm 1957 do Phủ Thủ tướng ban hành
- 4Thể lệ tạm thời số 132-TTg về nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao của các xí nghiệp quốc doanh do Phủ thủ tướng ban hành
- 5Quyết định 1407/2001/QĐ-NHNN về Chế độ quản lý, sử dụng và hạch và hạch toán tài sản cố định, công cụ lao động, vật liệu của Ngân hàng nhà nước do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành
- 1Quyết định 150-TTg năm 1971 về chế độ báo cáo kế hoạch hàng năm của các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh trung ương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 157-HĐBT năm 1983 về việc tiến hành tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định trong các đơn vị cơ sở, xí nghiệp sản xuất kinh doanh vào 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 1985 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Thông tư 131-TTg năm 1957 quy định tạm thời vấn đề phân biệt một số chi phí trong kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh năm 1957 do Phủ Thủ tướng ban hành
- 4Thể lệ tạm thời số 132-TTg về nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu hao của các xí nghiệp quốc doanh do Phủ thủ tướng ban hành
- 5Quyết định 1407/2001/QĐ-NHNN về Chế độ quản lý, sử dụng và hạch và hạch toán tài sản cố định, công cụ lao động, vật liệu của Ngân hàng nhà nước do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành
- 6Thông tư 7-TC/GTTL-1979 hướng dẫn về thủ tục nhượng bán tài sản cố định tại Thông tư 260-TTg 1977 do Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 260-TTg-1977 sửa đổi quy định về quản lý và hạch toán tài sản cố định của các xí nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 260-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 20/06/1977
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: 30/06/1977
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 05/07/1977
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định