Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

MỤC 3. TỶ LỆ VỀ KHẢ NĂNG CHI TRẢ

Điều 11. Quản lý khả năng chi trả

1. Tổ chức tín dụng phải thành lập một bộ phận quản lý tài sản “Nợ”, tài sản “Có” (từ cấp phòng hoặc tương đương trở lên), để theo dõi và quản lý khả năng chi trả hàng ngày. Bộ phận quản lý tài sản “Nợ”, tài sản “Có” do Tổng Giám đốc (Giám đốc) hoặc Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) được ủy quyền phụ trách.

2. Tổ chức tín dụng phải xây dựng và ban hành quy định nội bộ về quản lý khả năng chi trả đối với Đồng Việt Nam, đồng Euro, đồng Bảng Anh và đồng đô la Mỹ (bao gồm đồng đô la mỹ và các ngoại tệ khác còn lại được quy đổi sang đồng đô la Mỹ theo tỷ giá liên ngân hàng cuối mỗi ngày), trong đó tối thiểu phải có các nội dung sau:

2.1. Việc phân cấp, ủy quyền, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các bộ phận, cá nhân có liên quan trong việc quản lý tài sản “Nợ”, tài sản “Có” và việc bảo đảm duy trì tỷ lệ khả năng chi trả.

2.2. Quy trình thống kê, xây dựng, quản lý theo dõi kỳ hạn đối với tài sản “Nợ” và tài sản “Có”. Hệ thống đo lường, đánh giá và báo cáo về khả năng chi trả, khả năng thanh khoản và hệ thống cảnh báo sớm về rủi ro thiếu hụt tạm thời khả năng chi trả và các giải pháp xử lý.

2.3. Các phương án xử lý, bảo đảm khả năng chi trả, khả năng thanh khoản trong trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời khả năng chi trả, cũng như trong trường hợp khủng hoảng về thanh khoản.

2.4. Kế hoạch và biện pháp tăng cường nắm giữ các giấy tờ có giá có khả năng thanh khoản cao.

2.5. Việc xây dựng mô hình đánh giá và thử nghiệm khả năng chi trả, thanh khoản (Stress-testing). Mô hình đánh giá và thử nghiệm khả năng chi trả, thanh khoản phải có các tình huống để phân tích (scenario analysis) về khả năng chi trả, tính thanh khoản, trong đó phải đảm bảo:

a) Phân tích tình huống tối thiểu gồm hai trường hợp sau:

- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng diễn ra bình thường;

- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng khi gặp khó khăn về khả năng chi trả, thanh khoản.

b) Phân tích tình huống phải thể hiện được các nội dung sau:

- Khả năng thực hiện các nghĩa vụ và cam kết hàng ngày;

- Các biện pháp xử lý để tổ chức tín dụng có đủ khả năng chi trả tối thiểu bảy (07) ngày trong trường hợp gặp khó khăn về khả năng chi trả, thanh khoản.

3. Quy định nội bộ về quản lý khả năng chi trả phải được Hội đồng quản trị thông qua và phải được rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung tối thiểu 6 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng).

Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quy định nội bộ về quản lý khả năng chi trả, khả năng thanh khoản được ngân hàng nước ngoài phê duyệt.

4. Tổ chức tín dụng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng);

4.1. Quy định nội bộ về quản lý khả năng chi trả và các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về quản lý khả năng chi trả trong thời hạn 5 ngày sau khi được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung;

4.2. Ngay sau khi phát sinh rủi ro về khả năng chi trả, khả năng thanh khoản và các biện pháp xử lý.

Điều 12. Tỷ lệ về khả năng chi trả

Cuối mỗi ngày, tổ chức tín dụng phải xác định và có các biện pháp để đảm bảo các tỷ lệ về khả năng chi trả cho ngày hôm sau như sau:

1. Tỷ lệ tối thiểu bằng 15% giữa tổng tài sản “Có” thanh toán ngay và tổng Nợ phải trả.

1.1. Tổng tài sản “Có” thanh toán ngay bao gồm:

a) Số dư tiền mặt, giá trị sổ sách của vàng tại quỹ;

b) Số dư tiền gửi, giá trị sổ sách của vàng gửi tại Ngân hàng Nhà nước (trừ tiền gửi dự trữ bắt buộc);

c) Phần chênh lệch dương giữa số dư tiền gửi không kỳ hạn, giá trị sổ sách của vàng gửi không kỳ hạn gửi tại các tổ chức tín dụng khác, trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội và số dư tiền gửi không kỳ hạn, giá trị sổ sách của vàng gửi không kỳ hạn của các tổ chức tín dụng khác gửi tại tổ chức tín dụng;

d) Phần chênh lệch dương giữa số dư tiền gửi có kỳ hạn, giá trị sổ sách của vàng gửi có kỳ hạn đến hạn thanh toán gửi tại các tổ chức tín dụng khác, trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội và số dư tiền gửi có kỳ hạn, giá trị sổ sách của vàng có kỳ hạn đến hạn thanh toán của các tổ chức tín dụng khác gửi tại tổ chức tín dụng;

đ) Giá trị sổ sách của các loại trái phiếu, công trái do Chính phủ Việt Nam, chính phủ hoặc ngân hàng trung ương các nước thuộc OECD phát hành hoặc được Chính phủ Việt Nam, chính phủ hoặc ngân hàng trung ương các nước thuộc OECD bảo lãnh thanh toán;

e) Giá trị sổ sách của tín phiếu Kho Bạc, tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành;

g) Giá trị sổ sách của trái phiếu do chính quyền địa phương, công ty đầu tư tài chính địa phương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành;

h) Giá trị sổ sách của các chứng khoán được niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, nhưng tối đa không vượt quá 5% tổng Nợ phải trả;

i) Giá trị sổ sách của các loại chứng khoán, giấy tờ có giá khác được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận cho tái chiết khấu hoặc lưu ký, giao dịch thực hiện nghiệp vụ thị trường tiền tệ.

1.2. Tổng Nợ phải trả được xác định bằng số dư trên khoản mục Tổng nợ phải trả.

2. Tỷ lệ tối thiểu bằng 1 giữa tổng tài sản “Có” đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo kể từ ngày hôm sau và tổng tài sản “Nợ” đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo kể từ ngày hôm sau đối với đồng Việt Nam, đồng Euro, đồng Bảng Anh và đồng đô la Mỹ (bao gồm đồng đô la Mỹ và các ngoại tệ khác còn lại được quy đổi sang đô la Mỹ theo tỷ giá liên ngân hàng cuối mỗi ngày).

2.1. Tài sản “Có” đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo kể từ ngày hôm sau bao gồm:

a) Số dư tiền mặt tại quỹ cuối ngày hôm trước;

b) Giá trị sổ sách của vàng cuối ngày hôm trước, kể cả vàng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác;

c) Số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (trừ tiền gửi dự trữ bắt buộc), tiền gửi không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng khác cuối ngày hôm trước;

d) Số dư tiền gửi có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng khác đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo kể từ ngày hôm sau;

đ) 95% giá trị các loại chứng khoán do Chính phủ Việt Nam, chính phủ các nước thuộc OECD phát hành hoặc được Chính phủ Việt Nam, chính phủ các nước thuộc OECD bảo lãnh thanh toán nắm giữ đến cuối ngày hôm trước;

e) 90% giá trị các loại chứng khoán do tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán, các ngân hàng của các nước thuộc OECD phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán nắm giữ đến cuối ngày hôm trước;

g) 85% giá trị các loại chứng khoán khác được niêm yết nắm giữ đến cuối ngày hôm trước;

h) 80% số dư các khoản cho vay có bảo đảm, cho thuê tài chính, trừ nợ xấu, đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau;

i) 75% số dư các khoản cho vay không có bảo đảm, trừ nợ xấu, đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau.

2.2. Tài sản “Nợ” đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo kể từ ngày hôm sau bao gồm:

a) Số dư tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác cuối ngày hôm trước;

b) Số dư tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác, tổ chức, cá nhân đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau;

c) 15% số dư bình quân tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức (trừ tiền gửi của tổ chức tín dụng khác), cá nhân trong thời gian 30 ngày liền kề trước kể từ ngày hôm trước. Tổ chức tín dụng phải xác định số dư bình quân này để làm cơ sở tính toán;

d) Số dư tiền vay từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau;

đ) Số dư tiền vay từ các tổ chức tín dụng khác đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau;

e) Số dư giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau;

g) Giá trị các cam kết cho vay không hủy ngang đối với khách hàng đến hạn thực hiện trong 7 ngày tiếp theo kể từ ngày hôm sau;

h) Giá trị các cam kết bảo lãnh vay vốn đối với khách hàng đến hạn thực hiện trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau;

i) Giá trị các cam kết bảo lãnh thanh toán, trừ phần giá trị được bảo đảm bằng tiền, đến hạn thanh toán trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau;

k) Các khoản tiền lãi, phí đến hạn phải trả vào từng ngày trong 7 ngày tiếp theo, kể từ ngày hôm sau.

Điều 13. Bảng theo dõi và quản lý các tỷ lệ khả năng chi trả

1. Tổ chức tín dụng căn cứ quy định tại Điều 12 và Phụ lục số 02 đính kèm Thông tư này xây dựng bảng theo dõi, quản lý kỳ hạn thanh toán của tài sản “Có” và kỳ hạn phải trả của tài sản “Nợ” của từng ngày trong khoảng thời gian 30 ngày tiếp theo kể từ ngày hôm sau để hỗ trợ cho việc quản lý khả năng chi trả.

2. Bảng theo dõi, quản lý kỳ hạn thanh toán quy định tại Khoản 1 Điều này phải đảm bảo các yêu cầu sau:

2.1. Phải đảm bảo hàng ngày theo dõi được trước toàn bộ tài sản “Có” đến hạn thanh toán của từng ngày trong thời gian 30 ngày tiếp theo kể từ ngày hôm sau và tài sản “Nợ” đến hạn thanh toán của từng ngày trong thời gian 30 ngày tiếp theo kể từ ngày hôm sau.

2.2. Tài sản “Có” và tài sản “Nợ” đến hạn thanh toán, đến hạn thực hiện tại từng ngày cụ thể được xác định căn cứ vào thời gian đến hạn quy định tại các hợp đồng tín dụng, hợp đồng tiền vay, tiền gửi, các cam kết và bảo lãnh.

Điều 14. Xử lý thực hiện các tỷ lệ về khả năng chi trả

1. Trên cơ sở kết quả bảng theo dõi, quản lý kỳ hạn thanh toán và tính toán các tỷ lệ về khả năng chi trả, trường hợp cuối mỗi ngày không đảm bảo các tỷ lệ quy định tại Điều 12 Thông tư này, tổ chức tín dụng phải có các biện pháp xử lý, kể cả việc vay từ tổ chức tín dụng khác để hỗ trợ khả năng chi trả, đảm bảo đáp ứng các tỷ lệ về khả năng chi trả cho ngày hôm sau theo quy định; đồng thời báo cáo ngay Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về các biện pháp xử lý.

2. Sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng tiếp tục gặp khó khăn hoặc có rủi ro về khả năng chi trả, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, tổ chức tín dụng phải báo cáo ngay Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) theo quy định tại Khoản 4.2 Điều 11 Thông tư này. Ngân hàng Nhà nước được áp dụng các biện pháp cần thiết để xử lý đối với tổ chức tín dụng gặp khó khăn và có rủi ro về khả năng chi trả, khả năng thanh khoản.

3. Tổ chức tín dụng chỉ được cam kết cho vay hỗ trợ khả năng chi trả, khả năng thanh khoản đối với tổ chức tín dụng khác khi tổ chức tín dụng đã đảm bảo các tỷ lệ về khả năng chi trả quy định tại Điều 12 Thông tư này.

4. Tổ chức tín dụng thiếu hụt tạm thời các tỷ lệ về khả năng chi trả quy định tại Điều 12 Thông tư này không được cam kết cho vay tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng.

5. Tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc thực hiện các tỷ lệ về khả năng chi trả và được Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp cần thiết để xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này, kể cả việc cho vay tái chiết khấu, thì không được tham gia thị trường liên ngân hàng.

Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 13/2010/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/05/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 261 đến số 262
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH