Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 125/2021/TT-BCA | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021 |
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ; Danh mục pháo hoa, pháo hoa nổ; Danh mục chi tiết mã số HS pháo hoa, pháo hoa nổ.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này:
1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ, mã số QCVN 04:2021/BCA và các phụ lục ban hành kèm theo Quy chuẩn, bao gồm: Hồ sơ kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ (Phụ lục A); Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử pháo hoa, pháo hoa nổ (Phụ lục B).
2. Danh mục pháo hoa, pháo hoa nổ quy định tại Phụ lục C và Phụ lục D.
3. Danh mục chi tiết mã số HS pháo hoa, pháo hoa nổ quy định tại Phụ lục Đ.
1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ ban hành kèm theo Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2022.
2. Danh mục pháo hoa, pháo hoa nổ quy định tại Phụ lục C, Phụ lục D và danh mục chi tiết mã số HS pháo hoa, pháo hoa nổ quy định tại Phụ lục Đ ban hành kèm theo Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2022.
Đối với sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ được sản xuất, nhập khẩu trước ngày Quy chuẩn kỹ thuật này có hiệu lực mà còn tồn đọng thì tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong kinh doanh, bảo quản, sử dụng, tiêu hủy theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này khi có hiệu lực thi hành.
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này; căn cứ yêu cầu thực tiễn phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu rà soát, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục pháo hoa, pháo hoa nổ; danh mục chi tiết mã số HS pháo hoa, pháo hoa nổ.
2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
| BỘ TRƯỞNG |
National technical regulation on safety in production, preservation, use and destruction of consumer fireworks and fireworks
LỜI NÓI ĐẦU
QCVN 04:2021/BCA do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì biên soạn, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành kèm theo Thông tư số 125/2021/TT-BCA ngày 30 tháng 12 năm 2021.
MỤC LỤC
1. | Quy định chung |
1.1 | Phạm vi điều chỉnh |
1.2 | Đối tượng áp dụng |
1.3 | Tài liệu viện dẫn |
1.4 | Giải thích từ ngữ |
1.5 | Yêu cầu chung |
2. | Yêu cầu về kỹ thuật an toàn |
2.1 | Kỹ thuật an toàn trong sản xuất, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ |
2.1.1. | Hạng mục, công trình xây dựng trong khu vực cơ sở sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ |
2.1.2. | Nhà xưởng sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ |
2.1.3. | Địa điểm thử nghiệm pháo hoa, pháo hoa nổ |
2.1.4 | Kỹ thuật an toàn trong quản lý, bảo quản thuốc pháo và trong sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ |
2.1.5. | Quy định về bao gói và ghi nhãn |
2.1.6. | Bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ trong quá trình sản xuất |
2.1.7. | Kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ trong quá trình sản xuất |
2.2. | Kỹ thuật an toàn trong kinh doanh pháo hoa |
2.2.1. | Bố trí cửa hàng kinh doanh pháo hoa |
2.2.2. | Kho bảo quản pháo hoa để kinh doanh |
2.3. | Kỹ thuật an toàn trong sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ |
2.3.1. | Sử dụng pháo hoa nổ |
2.3.2. | Khoảng cách an toàn đối với người xem, khu dân cư, công trình cần bảo vệ khi bắn pháo hoa nổ |
2.3.3. | Bảo quản pháo hoa nổ tại trận địa khi chưa tiến hành lắp theo kịch bản bắn |
2.3.4 | Tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh |
3. | Yêu cầu về quản lý |
3.1. | Công bố hợp quy |
3.2. | Nghiệm thu pháo hoa, pháo hoa nổ |
3.3 | Kiểm tra và thử nghiệm pháo hoa, pháo hoa nổ |
4. | Tổ chức thực hiện |
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH, BẢO QUẢN, SỬ DỤNG VÀ TIÊU HỦY PHÁO HOA, PHÁO HOA NỔ
National technical regulation on safety in production, preservation, use and destruction of sparkler and fireworks
1.1.1. Quy chuẩn kỹ thuật này quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ.
1.1.2. Các loại pháo hoa, pháo hoa nổ trong Quy chuẩn kỹ thuật này có mã HS được quy định tại Phụ lục Đ danh mục chi tiết mã số HS pháo hoa, pháo hoa nổ ban hành kèm theo Thông tư số 125/2021/TT-BCA.
1.2.1. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ thì trong hoạt động kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy thực hiện theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này.
1.2.2. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với việc bảo quản, sử dụng pháo hoa trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Các tài liệu viện dẫn trong Quy chuẩn kỹ thuật này được áp dụng phiên bản nêu dưới đây:
1.3.1. Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.
1.3.2. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
1.3.3. Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.
1.3.4. Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành.
1.3.5. Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
1.3.6. Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quan trắc kỹ thuật môi trường.
1.3.7. Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
1.3.8. Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
1.3.9. Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN ngày 10/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ.
1.3.10. QCVN 01:2019/BCT Quy chuẩn về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ.
1.3.11. QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
1.3.12. TCVN 2622-1995 Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế.
1.3.13. QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
1.3.14. TCVN 4513-1988 Cấp nước bên trong - Tiêu chuẩn thiết kế.
1.3.15. TCVN 5738:2001 Hệ thống báo cháy tự động - Yêu cầu kỹ thuật.
1.3.16. TCVN 7336:2003 Phòng cháy, chữa cháy - Hệ thống Sprinkler tự động - Yêu cầu thiết kế và lắp đặt.
1.3.17. TCVN 4255:2008 Cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài (mã IP).
1.3.18. TCVN 3890-2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.
1.3.19. TCVN 7447-4-41:2010 Hệ thống lắp đặt điện hạ áp - Phần 4-41: Bảo vệ an toàn - Bảo vệ chống giật.
1.3.20. TCVN 9385:2012 (BS 6651:1999) Chống sét cho công trình xây dựng - Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống.
Trong Quy chuẩn kỹ thuật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.4.1. Sản xuất là quá trình tạo ra sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ.
1.4.2. Thử nghiệm là thao tác tại phòng thí nghiệm, bãi thử nghiệm hoặc địa điểm quy định để xác định chỉ tiêu, đặc tính kỹ thuật và mức độ rủi ro ở điều kiện thực tế sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ.
1.4.3. Nghiệm thu là quá trình xác định chỉ tiêu, đặc tính kỹ thuật, chất lượng sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ so với các chỉ tiêu của sản phẩm đã được công bố phù hợp với quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn.
1.4.4. Khoảng cách an toàn là cự ly cần thiết nhỏ nhất, theo mọi hướng tính từ vị trí phát hỏa, tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ, nhà xưởng, kho, phương tiện chứa pháo đến các công trình, đối tượng cần bảo vệ.
1.4.5. Phát hỏa là phương pháp sử dụng nguồn lửa đốt hoặc nguồn điện và các thiết bị điểm hỏa làm cho pháo hoa, pháo hoa nổ hoạt động.
1.4.6. Mồi lửa điện là sản phẩm gồm phần thuốc mồi được gắn cố định với dây dẫn điện, có tác dụng phát hỏa pháo hoa, pháo hoa nổ.
1.4.7. Nhà kho là công trình được xây dựng để cất chứa từng loại sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ, bao gồm: Kho bảo quản tại nơi sản xuất và kho bảo quản để phục vụ hoạt động kinh doanh.
1.4.8. Hoạt động tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ là quá trình sử dụng các phương pháp kỹ thuật cơ, nhiệt, điện, hóa có kiểm soát làm mất hoàn toàn tính năng, tác dụng, không thể khôi phục lại trạng thái ban đầu của pháo hoa, pháo hoa nổ đảm bảo an toàn cho người và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
1.5.1. Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kho bảo quản trong sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ phải bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định tại Phụ lục 7 Quy chuẩn QCVN 01:2019/BCT.
1.5.2. Việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa, cải tạo cơ sở sản xuất, kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, bảo vệ môi trường, an toàn và phòng cháy, chữa cháy.
1.5.3. Pháo hoa, pháo hoa nổ được phân loại mức độ nguy hiểm theo quy định tại Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.
1.5.4. Kỹ thuật an toàn
a) Nhà xưởng sản xuất và kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ phải bảo đảm kỹ thuật an toàn theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này;
b) Pháo hoa, pháo hoa nổ trong cùng 01 nhà kho phải sắp xếp riêng biệt theo quy định tại mục 2.1.7.4 của Quy chuẩn kỹ thuật này;
c) Không để pháo hoa nổ trong vùng ảnh hưởng của các nguồn năng lượng điện, cảm ứng điện và tĩnh điện gây ra từ các nguồn thu, phát sóng điện từ, giông sét, đường dây điện cao áp hoặc dòng điện lạc.
1.5.5. Khi làm việc, tiếp xúc với sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ phải thực hiện đầy đủ những quy định sau:
a) Cấm hút thuốc, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt dưới 100 m so với vị trí để sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ;
b) Không để sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ va đập, xô đẩy hoặc ở khu vực nhiệt độ cao hơn mức quy định của nhà sản xuất;
c) Không chọc, đâm, đẩy, ném, kéo lê vật chứa sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ;
d) Không mang theo người các loại dụng cụ có khả năng phát ra tia lửa, nguồn thu phát sóng điện từ, trừ người được phân công, giao nhiệm vụ phát hỏa;
đ) Không đi guốc, giày, dép có đế đóng bằng đinh sắt hoặc đóng cá sắt khi tiếp xúc với sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ;
e) Không sử dụng các dụng cụ đóng, mở vật chứa sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ bằng vật liệu có khả năng phát ra tia lửa.
1.5.6. Thiết bị điện
a) Sử dụng thiết bị điện phòng nổ, có cấp bảo vệ vỏ ngoài IP từ 54 trở lên trong nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản. Trường hợp thiết bị phân phối, đóng cắt điện không phải loại phòng nổ phải đặt trong hộp phòng nổ hoặc lắp đặt ở gian riêng biệt;
b) Cáp cấp điện vào nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản phải là loại cáp chôn ngầm dưới đất hoặc đặt trong ống thép bảo vệ chôn dưới đất. Vỏ kim loại của các thiết bị điện đều phải được nối đất và đảm bảo điện trở không lớn hơn 4 Ω;
c) Phải có thiết bị bảo vệ quá tải, ngắn mạch và đảm bảo yêu cầu an toàn về bảo vệ chống rò điện đối với hệ thống thiết bị điện trong cơ sở sản xuất theo quy định của TCVN 7447-4-41:2010;
d) Phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn điện khi thực hiện các công việc sửa chữa hoặc thay thế thiết bị điện tại cơ sở sản xuất, kho bảo quản.
1.5.7. Thiết bị phòng nổ phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm định theo quy định và bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động.
1.5.8. Phòng chống sét
a) Lắp đặt hệ thống chống sét đánh thẳng, chống sét cảm ứng điện từ, chống sự xâm nhập của điện áp cao đối với nhà xưởng sản xuất, kho bảo quản sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ theo quy định tại QCVN 01:2019/BCT;
b) Việc thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng, kiểm tra, đo đạc, sửa chữa định kỳ hệ thống chống sét thực hiện theo quy định tại TCVN 9385:2012 (BS 6651:1999).
1.5.9. Phòng cháy, chữa cháy
a) Căn cứ quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy để xác định đối với cơ sở sản xuất, kho bảo quản trước khi xây dựng, đưa vào hoạt động phải được thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
b) Bảo đảm thực hiện theo quy định về nội quy an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu tại chỗ;
d) Bảo đảm trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở theo quy định tại Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; TCVN 2622-1995; TCVN 4513-1988; TCVN 5738:2001; TCVN 7336:2003; TCVN 3890-2009; QCVN 06:2021/BXD và các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác có liên quan;
đ) Trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ phải thực hiện theo phương châm 04 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và thực hiện theo phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được phê duyệt;
e) Thực hiện việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật.
1.5.10. Bảo vệ môi trường
a) Bảo đảm tuân thủ quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi xây dựng cơ sở sản xuất, kho bảo quản theo quy định tại Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
b) Chất thải của cơ sở sản xuất được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định về bảo vệ môi trường theo QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp;
c) Định kỳ kiểm tra nồng độ chất độc hại của môi trường xung quanh khu vực sản xuất theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quan trắc kỹ thuật môi trường.
1.5.11. Quy trình, nội quy về an toàn
a) Cơ sở sản xuất, kho bảo quản phải xây dựng, ban hành và niêm yết nội quy, quy định, quy trình về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy;
b) Trong khu vực dây chuyền sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ, phải niêm yết nội quy, quy trình làm việc;
c) Trong kho bảo quản phải niêm yết nội quy, quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ.
1.5.12. Người trực tiếp sản xuất, bảo quản, sử dụng, khi tiếp xúc với sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ phải được bảo đảm trang bị bảo hộ cá nhân phù hợp với tính chất, mức độ độc hại, nguy hiểm.
2. YÊU CẦU VỀ KỸ THUẬT AN TOÀN
2.1. Kỹ thuật an toàn trong sản xuất, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ
2.1.1. Hạng mục, công trình xây dựng trong khu vực cơ sở sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ
Trong phạm vi, khu vực cơ sở sản xuất được xây dựng các công trình, hạng mục công trình sau:
2.1.1.1. Nhà xưởng sản xuất.
2.1.1.2. Kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ.
2.1.1.3. Phòng thí nghiệm.
2.1.1.4. Bãi thử nghiệm và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ.
2.1.1.5. Công trình phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động.
2.1.1.6. Nhà điều hành sản xuất; phòng y tế; trạm gác bảo vệ.
2.1.1.7. Ụ chắn giữa nhà sản xuất và kho chứa.
2.1.1.8. Hệ thống cấp điện, cấp nhiệt.
2.1.1.9. Hệ thống chống sét.
2.1.1.10. Hệ thống cấp thoát nước.
2.1.1.11. Công trình chứa chất thải rắn sau khi sản xuất, hủy pháo hoa, pháo hoa nổ.
2.1.1.12. Vị trí ẩn nấp và lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
2.1.2. Nhà xưởng sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ
2.1.2.1. Bảo đảm được xây dựng theo quy định tại QCVN 06:2021/BXD.
2.1.2.2. Bảo đảm được thông gió tự nhiên hoặc bằng hệ thống thông gió nhân tạo.
2.1.2.3. Bố trí cửa thoát hiểm và mở theo hướng trực tiếp thoát ra ngoài; khoảng cách từ cửa thoát hiểm đến điểm xa nhất trong nhà không quá 15 m; kích thước từ 1,2 m x 2,2 m trở lên và tại cửa thoát hiểm có đèn, biển chỉ dẫn.
2.1.2.4. Có hệ thống tường rào bảo vệ khu vực nhà xưởng, xung quanh nhà xưởng phải có rãnh thoát nước.
2.1.2.5. Sàn nhà bảo đảm cao hơn mặt bằng xung quanh từ 0,2 m trở lên, khô ráo, không trơn, trượt, thấm nước (trừ nhà sản xuất viên màu), không có khe nứt, lỗ rỗng, không bị ăn mòn khi tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
2.1.2.6. Các thiết bị sinh nhiệt phục vụ sấy pháo hoa, pháo hoa nổ phải đặt ở phòng riêng cách ly với nhà xưởng và bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng, chống cháy, nổ theo quy định sau:
a) Thiết bị sinh nhiệt sử dụng nhiên liệu rắn khoảng cách từ 50 m trở lên;
b) Thiết bị sinh nhiệt sử dụng nhiên liệu lỏng, khí khoảng cách từ 10 m trở lên;
c) Thiết bị sinh nhiệt sử dụng năng lượng điện khoảng cách từ 5 m trở lên.
2.1.3. Địa điểm thử nghiệm pháo hoa, pháo hoa nổ
2.1.3.1. Địa điểm thử nghiệm là phòng chống có hệ thống thông gió hoặc bãi trống có nền bằng đất cứng, gạch hoặc bê-tông.
2.1.3.2. Địa điểm thử nghiệm phải đảm bảo khoảng cách an toàn đến công trình, đối tượng cần bảo vệ như sau:
a) Từ 100 m trở lên đối với pháo hoa nổ;
b) Từ 0,5 m trở lên đối với pháo hoa loại cầm tay;
c) Từ 10 m trở lên đối với pháo hoa loại không cầm tay.
2.1.3.3. Không lưu trữ pháo hoa, pháo hoa nổ qua đêm tại địa điểm thử nghiệm.
2.1.4. Kỹ thuật an toàn trong quản lý, bảo quản thuốc pháo và trong sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ
2.1.4.1. Hoạt động sản xuất, bảo quản thuốc pháo tại cơ sở được phép sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ phải bảo đảm về kỹ thuật an toàn như sau:
a) Việc mua nguyên liệu là tiền chất thuốc nổ thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2019;
b) Người không có trách nhiệm không được vào nơi sản xuất thuốc pháo;
c) Nhà xưởng phải có biện pháp chống bụi, độc làm ô nhiễm môi trường và xử lý chất thải theo quy định trước khi thải ra môi trường; phải bịt kín những khe hở, vết nứt trên tường, sàn nhà, trần nhà, đường dây điện, đường ống dẫn nước để có thể dễ dàng quét sạch và không tích tụ thuốc pháo;
d) Phương tiện, thiết bị nghiền, sàng, pha, trộn phải được chế tạo bằng vật liệu không phát sinh tia lửa khi hoạt động;
đ) Trước và sau ca làm việc phải vệ sinh các phương tiện, thiết bị dùng trong sản xuất thuốc pháo;
e) Phải kiểm tra an toàn điện đối với các thiết bị sản xuất thuốc pháo;
g) Người pha trộn phải đeo găng tay cao su mỏng; khi pha trộn không được làm việc khác; chỉ dùng những vật không sinh ra tia lửa để pha trộn;
h) Nơi pha trộn phải thông thoáng; phải có tấm chắn an toàn giữa các bàn pha trộn; khi pha trộn phải cân riêng từng loại nguyên liệu, bảo đảm đúng công thức, liều lượng, tỷ lệ theo quy trình công nghệ;
i) Khi sấy phải bảo đảm nguồn nhiệt cấp không quá 80°C; thuốc pháo sấy không được tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt cấp; không sử dụng dây điện trở để gia nhiệt trực tiếp khi sấy thuốc pháo. Thuốc pháo sau khi sấy nếu chưa đem vào sản xuất ngay phải bảo quản trong vật chứa kín, chống ẩm;
k) Khi nghiền thuốc pháo phải có biện pháp che chắn đối với các bộ phận truyền động, hệ thống răng nghiền của máy nghiền; loại trừ hoàn toàn các tạp chất có thể sinh nhiệt do ma sát trong quá trình nghiền; làm sạch máy nghiền theo định kỳ trong ca hoặc cuối ca sản xuất; xử lý bụi sau khi thu gom theo quy trình. Trường hợp có hiện tượng khác thường trong quá trình vận hành, phải dừng máy ngay để kiểm tra, xử lý;
l) Thuốc pháo khi sàng phải được đặt trong buồng kín riêng của máy sàng, ngăn cách với người thao tác và tránh bụi đối với sàng quay, lắc; làm sạch máy sàng theo định kỳ trong ca hoặc cuối ca sản xuất; xử lý bụi sau khi thu gom theo quy trình. Trường hợp có hiện tượng khác thường trong quá trình vận hành, phải dừng máy ngay để kiểm tra, xử lý.
2.1.4.2. Kỹ thuật an toàn trong sản xuất pháo hoa, pháo hoa nổ:
a) Người sản xuất phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Khi phơi hoặc sấy ngòi, pháo hoa, pháo hoa nổ, phải đặt trên giá đỡ và có người trông coi; giá phơi phải sạch, không có các mảnh gạch, sỏi, đá, kim loại; cấm phơi trực tiếp trên nền gạch, xi măng hoặc sào sắt; khi sấy phải bảo đảm nguồn nhiệt cấp không quá 60°C; ngòi, pháo hoa nổ, pháo hoa không được tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt cấp;
c) Dụng cụ cắt ngòi phải sắc và được chế tạo bằng vật liệu không gỉ; khi cắt ngòi phải thao tác chính xác, dứt khoát; ngòi cắt xong phải để trong các vật chứa bảo đảm an toàn;
d) Dụng cụ để đưa thuốc pháo vào khuôn đúc hoặc phễu nạp của máy, thiết bị đong nén phải được chế tạo bằng vật liệu không phát sinh tia lửa khi hoạt động;
đ) Sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ sau khi sấy hoặc phơi khô phải để nguội đến nhiệt độ không lớn hơn 35°C mới đưa vào bảo quản, sử dụng.
2.1.5. Quy định về bao gói và ghi nhãn
2.1.5.1. Pháo hoa, pháo hoa nổ được đóng gói bằng các vật chứa bảo đảm an toàn, thuận tiện, trong quá trình bảo quản, vận chuyển. Khối lượng của vật chứa và pháo hoa, pháo hoa nổ không vượt quá 40kg.
2.1.5.2. Bảo đảm thực hiện theo quy định về dán tem đối với sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ.
2.1.5.3. Việc ghi nhãn trên vật chứa pháo hoa, pháo hoa nổ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 111/2021/NĐ-CP, gồm: Tên loại pháo hoa, pháo hoa nổ; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất; thành phần, định lượng; khối lượng, số lượng; mã phân loại; ngày sản xuất, hạn sử dụng; biểu trưng về chống cháy, nổ, mưa, nắng ở hai bên thành vật chứa, biểu trưng chống cháy nổ phải có màu đỏ còn các biểu trưng khác có màu tương phản với màu nền của vật chứa; hướng dẫn sử dụng, bảo quản.
2.1.5.4. Pháo hoa, pháo hoa nổ trong vật chứa phải xếp, chèn sát nhau, tránh xê dịch, va chạm trong quá trình vận chuyển.
2.1.6. Bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ trong quá trình sản xuất
2.1.6.1. Pháo hoa, pháo hoa nổ phải được bảo quản trong kho bảo đảm theo quy định tại mục 2.1.7 của Quy chuẩn kỹ thuật này.
2.1.6.2. Không sử dụng các chất có phản ứng sinh nhiệt với nước, không khí để chống ẩm trong các kho hoặc vật chứa pháo hoa, pháo hoa nổ.
2.1.6.3. Người được giao quản lý kho phải lập sổ theo dõi, quản lý riêng từng loại pháo hoa, pháo hoa nổ; sổ phải đánh số trang, đóng dấu giáp lai của đơn vị và ghi chép đầy đủ thông tin về loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng.
2.1.6.4. Pháo hoa, pháo hoa nổ, khi nhập kho phải tổ chức tiếp nhận ngay, đối chiếu loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng với lệnh nhập hoặc giấy phép vận chuyển; người giao, nhận phải ký vào sổ theo dõi, quản lý.
2.1.6.5. Pháo hoa nổ, khi xuất kho phải có lệnh xuất của Thủ trưởng đơn vị và ghi chép đầy đủ loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, ngày xuất, tên người nhận hàng, nơi đi, nơi đến; người giao, nhận phải ký vào sổ theo dõi, quản lý.
2.1.6.6. Sổ theo dõi, quản lý phải được ghi chép rõ ràng, đầy đủ, không được viết bằng bút chì; không được tự ý sửa chữa, tẩy xóa thông tin, số liệu ghi trong sổ. Trường hợp cần thiết sửa chữa số liệu tại sổ theo dõi, quản lý thì phải được người có thẩm quyền ký xác nhận.
2.1.6.7. Hàng ngày người được giao quản lý kho phải thống kê và xác định cụ thể số lượng pháo hoa, pháo hoa nổ tồn kho.
2.1.6.8. Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo đơn vị phải kiểm tra, đối chiếu giữa sổ theo dõi, quản lý xuất, nhập với thực tế số lượng pháo hoa, pháo hoa nổ tồn trong kho. Kết thúc kiểm tra phải lập biên bản ghi nhận. Trường hợp vi phạm phải được xử lý theo quy định.
2.1.6.9. Đối với pháo hoa, pháo hoa nổ tồn kho không còn nhu cầu sử dụng hoặc hư hỏng, hết hạn sử dụng thì phải tổ chức tiêu hủy theo quy định tại mục 2.3.4 Quy chuẩn kỹ thuật này.
2.1.6.10. Chỉ được mở vật chứa pháo hoa, pháo hoa nổ tại vị trí nằm bên ngoài ụ bảo vệ hoặc cách nhà kho từ 50 m trở lên.
2.1.6.11. Đối với trường hợp nghỉ lễ hoặc tạm thời không sử dụng kho từ 48 giờ trở lên thì người quản lý kho phải kẹp chì hoặc niêm phong cửa kho.
2.1.7. Kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ trong quá trình sản xuất
2.1.7.1. Kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ được xây dựng cố định nổi hoặc nửa ngầm và đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Được xây dựng bằng vật liệu không cháy bậc 1 chịu lửa theo QCVN 06:2021/BXD; tường dày từ 0,2 m trở lên; nền cao hơn mặt bằng quanh kho từ 0,2 m trở lên, lát bằng gạch hoặc đổ bê tông và đảm bảo khô ráo; mái làm bằng vật liệu không cháy; trần làm bằng bê tông cốt thép, trường hợp trần nhà làm bằng vật liệu nhẹ phải bảo đảm chống cháy và phía trên trần có lưới bảo vệ;
b) Xung quanh nhà kho phải có rãnh thoát nước; nhà kho phải bảo đảm cự ly an toàn, có ụ chống nổ lây, ụ chắn nổ, tường chắn nổ theo quy định;
c) Sức chứa nhà kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ phải bảo đảm trữ lượng và khoảng cách an toàn theo quy định tại Phụ lục 7 Quy chuẩn QCVN 01:2019/BCT;
d) Cửa ra, vào kho phải có 02 lớp, cửa ngoài bằng sắt hoặc bằng gỗ bọc tôn, cửa trong bằng gỗ, có kích thước từ 1,2 m x 2,2 m trở lên; then cửa, khuy cửa phải làm bằng thép hoặc ống thép dày bảo đảm không có khe hở để lùa thanh bẩy, kìm cộng lực, khóa cửa là loại khóa chống cắt; khoảng cách từ cửa ra, vào nhà kho đến điểm xa nhất của nhà kho không quá 15 m;
đ) Cửa sổ hoặc lỗ thông hơi có kích thước cạnh lớn hơn 0,2 m hoặc đường kính từ 0,2 m trở lên; tỷ lệ diện tích cửa sổ so với mặt sàn lớn hơn 1/25; cửa sổ, lỗ thông hơi diện tích phải đảm bảo để khí thuốc thoát ra ngoài khi cháy và có biện pháp chống mưa hắt, chống người, động vật xâm nhập;
e) Đèn chiếu sáng có điện áp không lớn hơn 220V; không sử dụng đèn có ngọn lửa trần, hồ quang để chiếu sáng; dây dẫn điện chiếu sáng trong nhà kho phải có ống bọc, sử dụng loại cáp chống cháy hoặc đặt trong ống cứng làm bằng vật liệu không bắt lửa; dây dẫn hoặc cáp điện không được kéo qua phía trên nóc nhà kho; khi treo cáp điện dọc theo tường và trần nhà kho phải có giá đỡ cách nhau 1 m khi đặt ngang, 2 m khi đặt đứng; nối cáp và đèn chiếu sáng trong nhà kho phải dùng các hộp nối phòng nổ chuyên dùng. Hộp điện đặt ngoài nhà kho phải cách từ 7 m trở lên, đoạn cáp cấp điện từ hộp vào nhà kho phải đi ngầm; thiết bị điện phục vụ cho nhà kho (trạm phân phối, mạng điện lực, hệ thống chiếu sáng) phải được trang bị bảo vệ dò và đoản mạch; tiến địa phải phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế;
g) Trong phạm vi kho được xây dựng phòng thường trực, trạm gác, chòi gác, phòng riêng để mở các vật chứa pháo hoa, pháo hoa nổ và cắt dây cháy nhanh, dây cháy chậm, phòng thí nghiệm và bãi thử, bể nước, bể cát. Các phòng, kho phải được xây dựng bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định tại Phụ lục 7 Quy chuẩn QCVN 01:2019/BCT và bảo đảm lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát an ninh, trật tự.
2.1.7.2. Kho phải được xây dựng tường rào bảo vệ, đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Tường rào phải cách tường nhà kho từ 15 m trở lên; đối với nhà kho gần sườn núi thì khoảng cách có thể giảm về phía sườn núi nhưng không được nhỏ hơn 8 m, chân taluy phần sườn núi phải cách tường nhà kho từ 5 m trở lên và phải có biện pháp bảo vệ ngăn đất đá ở sườn núi sạt lở vào tường nhà kho, trường hợp sườn núi là đá cứng chắc thì khoảng cách có thể từ 2 m trở lên;
b) Tường rào được xây dựng bằng gạch, đá hoặc lưới B40 có khung thép bao quanh và có cổng ra, vào; tường rào xây bằng gạch, đá có chiều cao từ 2 m trở lên, phía trên có các cọc sắt cao 0,5 m trở lên, khoảng cách giữa các cọc là 1 m và gắn dây thép gai; tường rào được làm bằng lưới B40 có khung thép bao quanh, chiều rộng của khung thép không được lớn hơn 2 m, chiều cao từ 2 m trở lên và phía trên có gắn dây thép gai;
c) Phải đặt biển báo “Nguy hiểm - Cấm lửa” cách tường rào từ 100 m trở lên trên đường vào kho.
2.1.7.3. Phải xây dựng ụ bảo vệ đối với trường hợp khoảng cách giữa các nhà kho hoặc từ nhà kho đến các công trình lân cận không đảm bảo an toàn. Chân ụ bảo vệ cách tường nhà kho từ 1 m đến 6 m, giữa chân ụ và tường nhà kho phải có rãnh thoát nước, chân ụ được xây bằng gạch hoặc đá, chiều cao từ 0,8 m trở lên, bên trên đắp đất; chiều cao của ụ phải cao hơn tường nhà kho; chiều rộng chân ụ xác định theo độ dốc ổn định của loại vật liệu dùng đắp ụ, đỉnh ụ rộng từ 1 m trở lên; khi đắp ụ bảo vệ phải để lối ra vào.
2.1.7.4. Sắp xếp, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ trong nhà kho:
a) Pháo hoa, pháo hoa nổ phải đặt trong vật chứa là hộp carton và chèn lót cố định hoặc hộp carton đặt trong khung gỗ được xếp trên kệ, giá hoặc xếp chồng lên nhau thành các khối nhưng phải bảo đảm không hư hỏng hộp và sản phẩm trong hộp; các khối xếp cách tường nhà kho 0,2 m trở lên, cách sàn nhà kho 0,15 m, cách trần nhà kho 1,2 m trở lên; lối đi chiều dọc giữa các khối từ 1,3 m trở lên, lối đi chiều ngang giữa các khối từ 0,5 m trở lên;
b) Khi sắp xếp pháo hoa, pháo hoa nổ trong kho phải ghi tên loại pháo hoa, pháo hoa nổ, số lô vào mặt ngoài vật chứa, thùng carton hoặc trên giá đỡ; bảo đảm loại nhập trước được xuất trước, nhập sau xuất sau. Không sắp xếp pháo hoa và pháo hoa nổ trong cùng vật chứa.
2.1.7.5. Cho phép sử dụng đèn pin, đèn ắc quy dạng phòng nổ để chiếu sáng trong kho khi kiểm tra an toàn, hướng dẫn xuất nhập trong điều kiện không đủ ánh sáng. Điện áp của đèn pin, ắc quy không được lớn hơn 12 V. Sau khi kết thúc quá trình làm việc phải đưa đèn pin, đèn ắc quy ra ngoài khu vực kho theo quy định.
2.1.7.6. Kho bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ được người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp phê duyệt bảo đảm nội dung theo Phụ lục A của Quy chuẩn kỹ thuật này.
2.2. Kỹ thuật an toàn trong kinh doanh pháo hoa
2.2.1. Bố trí cửa hàng kinh doanh pháo hoa
2.2.1.1. Cửa hàng kinh doanh được xây dựng bảo đảm theo quy định tại QCVN 06:2021/BXD.
2.2.1.2. Bảo đảm thông gió tự nhiên hoặc bằng hệ thống thông gió nhân tạo.
2.2.1.3. Thực hiện theo quy định về ban hành và niêm yết nội quy, quy định, quy trình về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
2.2.1.4. Có biển hiệu kinh doanh pháo hoa và được niêm yết trước cửa hàng.
2.2.1.5. Tủ, giá bên trong cửa hàng để trưng bày pháo hoa phải được đóng bằng các vật liệu khó cháy, nổ; số lượng pháo hoa để trưng bày mỗi loại không quá 20 sản phẩm.
2.2.1.6. Cửa hàng kinh doanh pháo hoa phải bố trí nơi cất giữ pháo hoa bảo đảm an toàn để phục vụ hoạt động trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm.
2.2.2. Kho bảo quản pháo hoa để kinh doanh
2.2.2.1. Kho bảo quản được xây dựng bảo đảm theo quy định tại QCVN 06:2021/BXD.
2.2.2.2. Địa điểm đặt kho bảo đảm khoảng cách an toàn từ 50 m trở lên đối với cửa hàng xăng, dầu, gas, cơ sở kinh doanh có sử dụng gia nhiệt bằng nhiên liệu hóa thạch hoặc có ngọn lửa trần.
2.2.2.3. Kho được niêm yết nội quy, quy định, quy trình về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trong kho niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập pháo hoa.
2.2.2.4. Người quản lý kho được huấn luyện về kỹ thuật an toàn theo quy định;
2.2.2.5. Trữ lượng kho không được vượt quá 15 tấn sản phẩm.
2.3. Kỹ thuật an toàn trong sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ
2.3.1. Sử dụng pháo hoa nổ
2.3.1.1. Căn cứ kế hoạch (kịch bản) bắn pháo hoa nổ, người chỉ huy cuộc bắn tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm, mặt bằng trận địa đặt các giàn ống phóng pháo hoa nổ bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định tại Điều 16 Quy chuẩn kỹ thuật này. Trên cơ sở kết quả khảo sát, đơn vị tổ chức bắn pháo hoa thiết kế mặt bằng trận địa để thực hiện.
2.3.1.2. Chỉ được tập kết pháo hoa nổ khi trận địa đã được khoanh vùng bảo đảm khoảng cách an toàn, không có người dân ở khu vực trận địa.
2.3.1.3. Khi lắp đặt giàn, ống phóng pháo hoa nổ phải được đặt trên nền bằng phẳng, ngay ngắn, không nghiêng, lệch. Các giàn ống phóng được cố định chắc chắn thành khối vững chắc bảo đảm khi có sự cố hoặc ngoại lực tác động cũng không làm giàn pháo bị nghiêng, đổ trong quá trình bắn.
2.3.1.4. Quá trình lắp đặt pháo hoa nổ tuyệt đối cấm lửa hoặc làm phát sinh tia lửa.
2.3.1.5. Bố trí phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phương tiện cứu thương ở vị trí gần trận địa bắn pháo hoa nổ. Trước thời điểm bắn pháo hoa nổ 30 phút phải kiểm tra lại các điều kiện bảo đảm an toàn tại các điểm kết nối, kiểm tra lớp giấy chống cháy, hệ thống thông tin liên lạc, bộ phận cứu thương, cứu hỏa. Trong thời gian bắn pháo hoa nổ cần thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người xem; trường hợp có sự cố cháy, nổ xảy ra thì căn cứ tính chất, mức độ để xem xét, quyết định dừng bắn pháo hoa nổ và triển khai ngay các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
2.3.1.6. Sau khi ngừng hẳn việc bắn pháo hoa nổ, người có thẩm quyền, trách nhiệm mới được vào khu vực bắn để kiểm tra, thu gom các quả pháo hoa nổ chưa phát hỏa và thực hiện tiêu hủy theo quy định.
2.3.2. Khoảng cách an toàn đối với người xem, khu dân cư, công trình cần bảo vệ khi bắn pháo hoa nổ
2.3.2.1. Khoảng cách an toàn từ trận địa lắp đặt giàn ống phóng pháo hoa nổ đến khu vực bố trí người xem bắn pháo hoa nổ, khu dân cư, công trình cần bảo vệ là từ 100 m trở lên.
2.3.2.2. Trường hợp vì lý do địa bàn, địa lý không thể lựa chọn được điểm bắn bảo đảm khoảng cách an toàn từ 100 m trở lên thì bảo đảm có khoảng cách tối thiểu từ 50 m và yêu cầu phải có biện pháp che chắn trận địa bắn bảo đảm khi có sự cố xảy ra thì pháo hoa không bắn đến vị trí người xem, người qua lại hoặc khu dân cư, các công trình cần bảo vệ.
2.3.3. Bảo quản pháo hoa nổ tại trận địa bắn khi chưa tiến hành lắp theo kịch bản bắn
2.3.3.1. Khi pháo hoa nổ vận chuyển đến nơi tập kết phải để trong thùng xe hoặc sắp xếp vào kho lưu động đặt trong khu vực trận địa bắn và có người bảo vệ. Người được giao nhiệm vụ bảo quản, bảo vệ phải là người có chuyên môn; kho lưu động gồm các hòm, thùng chứa, container hoặc kết cấu tương đương.
2.3.3.2. Pháo hoa nổ tại trận địa bắn khi chưa lắp đặt được bảo đảm khoảng cách an toàn đối với khu dân cư, công trình cần bảo vệ từ 100 m trở lên và đặt các biển báo cấm quanh khu vực trận địa bắn. Trường hợp vì lý do địa bàn, địa lý thì có thể bảo đảm khoảng cách tối thiểu từ 50 m và phải có biện pháp bảo đảm an toàn.
2.3.4. Tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh
2.3.4.1. Pháo hoa, pháo hoa nổ trong quá trình sản xuất mà bị hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng, không còn nhu cầu sử dụng thì phải tổ chức tiêu hủy theo quy định. Đối với các cơ sở kinh doanh pháo hoa, khi pháo hoa bị hư hỏng, hết hạn sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng phải được vận chuyển về các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất pháo hoa để tổ chức tiêu hủy theo quy định.
2.3.4.2. Địa điểm tiêu hủy được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng phê duyệt.
2.3.4.3. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng phê duyệt địa điểm tiêu hủy, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng phương án, quy trình tiêu hủy bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
2.3.4.4. Tổ chức, doanh nghiệp thành lập Hội đồng để tổ chức tiêu hủy, bao gồm: Người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp làm chủ tịch Hội đồng và đại diện các phòng, ban chuyên môn kỹ thuật là thành viên.
2.3.4.5. Phương pháp tiêu hủy
a) Phương pháp tiêu hủy bằng cách đốt cháy:
- Chỉ được hủy bằng phương pháp đốt cháy khi pháo hoa, pháo hoa nổ không còn khả năng chuyển từ phản ứng cháy sang phản ứng nổ. Trước khi tiến hành hủy đốt phải tháo rời các chi tiết sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ;
- Khoảng cách từ vị trí đốt đến vị trí trú ẩn, vị trí để pháo hoa, pháo hoa nổ chờ tiêu hủy từ 50 m trở lên;
- Khối lượng, chiều dài, chiều rộng, chiều dày trong mỗi dải hủy đốt và địa điểm hủy được quy định trong từng trường hợp cụ thể nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn;
- Việc mồi cháy ban đầu phải thực hiện gián tiếp. Được phép sử dụng các vật liệu dễ cháy (phôi bào, giấy, củi khô chẻ nhỏ...) xếp dài thành đường dẫn lửa có chiều dài không nhỏ hơn 1 m, đặt ở cuối hướng gió;
- Chỉ được châm lửa đốt sau khi kết thúc toàn bộ công việc chuẩn bị và mọi người đã rút về địa điểm trú ẩn an toàn. Sau khi đốt cháy đường dẫn lửa, người thao tác phải lập tức rút về địa điểm trú ẩn;
- Sau khi đốt hủy phải đợi tắt hết lửa, khói, người thao tác mới được trở lại chỗ đốt để kiểm tra. Trường hợp còn sản phẩm chưa cháy hết phải thu gom và tiến hành hủy lại theo quy định;
- Chỉ được hủy đốt vào lúc thời tiết khô ráo.
b) Phương pháp hủy bằng nước:
- Yêu cầu việc hủy pháo hoa, pháo hoa nổ bằng phương pháp hòa tan trong nước phải bảo đảm nước sau khi đã xử lý thải trực tiếp ra môi trường đạt Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT;
- Phương pháp hủy: Sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ được ngâm trong thùng chứa hoặc bể nước; khối lượng sản phẩm hủy không quá 2/3 khối lượng nước; thời gian ngâm hủy phải bảo đảm pháo hoa, pháo hoa nổ mất hoàn toàn tính năng nổ; vật liệu còn lại không tan được vớt lên, phơi khô sau đó hủy bằng phương pháp đốt cháy hoặc chôn lấp theo quy định.
c) Phương pháp hủy chôn lấp:
- Chỉ được chôn lấp những vật liệu của pháo hoa, pháo hoa nổ sau khi đã thực hiện phương pháp tiêu hủy bằng đốt cháy hoặc ngâm nước và phải bảo đảm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường;
- Phương pháp: Đào hố có kích thước phù hợp với số lượng cần chôn lấp tại vị trí đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm khối lượng sản phẩm cần chôn lấp không vượt quá 2/3 chiều sâu của hố và lấp kín bằng đất.
2.3.4.6. Kết thúc tiêu hủy phải tiến hành kiểm tra lại hiện trường, bảo đảm tất cả sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng và lập biên bản tiêu hủy, gồm các nội dung sau:
a) Tên, số lượng hoặc khối lượng pháo hoa, pháo hoa nổ;
b) Lý do tiêu hủy;
c) Phương pháp tiêu hủy;
d) Địa điểm, thời gian tiêu hủy;
đ) Kết quả tiêu hủy;
e) Họ tên, chức vụ của người tham gia tiêu hủy;
g) Đại diện tổ chức, doanh nghiệp ký tên, đóng dấu.
3.1.1. Công bố hợp quy đối với pháo hoa, pháo hoa nổ:
a) Đối với sản phẩm trong nước sản xuất, công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, doanh nghiệp:
- Phương thức đánh giá phục vụ công bố hợp quy là Phương thức 7 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây được gọi là Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN); Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN;
- Việc thử nghiệm phục vụ công bố hợp quy được thực hiện tại tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký hoặc được chỉ định theo quy định của pháp luật;
b) Đối với sản phẩm nhập khẩu, công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận hoặc giám định được chỉ định theo quy định:
- Phương thức đánh giá phục vụ công bố hợp quy được thực hiện theo Phương thức 7 quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN;
- Tổ chức thử nghiệm phục vụ cho việc chứng nhận/giám định là tổ chức theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.
3.1.2. Trình tự đăng ký công bố hợp quy được thực hiện theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
3.2. Nghiệm thu pháo hoa, pháo hoa nổ
3.2.1. Pháo hoa, pháo hoa nổ là sản phẩm nghiên cứu chế thử hoặc nhập khẩu lần đầu phải được kiểm tra trong phòng thử nghiệm để thẩm định tính năng kỹ thuật và điều kiện sử dụng.
3.2.2. Pháo hoa, pháo hoa nổ được nghiệm thu theo lô sản phẩm. Việc nghiệm thu do nhân viên thí nghiệm của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất tiến hành theo quy chuẩn về an toàn của từng loại sản phẩm. Chỉ được nhập kho, đưa vào sử dụng những lô sản phẩm có thông số kỹ thuật phù hợp với quy định Danh mục pháo hoa, pháo hoa nổ. Nội dung và khối lượng kiểm tra, nghiệm thu đối với pháo hoa, pháo hoa nổ sau sản xuất để đưa vào lưu thông do tổ chức sản xuất thực hiện theo quy định.
3.3. Kiểm tra và thử nghiệm pháo hoa, pháo hoa nổ
3.3.1. Pháo hoa, pháo hoa nổ là sản phẩm của dự án nghiên cứu chế thử và sản phẩm nhập khẩu lần đầu được kiểm tra, thử nghiệm theo quy định tại Phụ lục B Quy chuẩn kỹ thuật này.
3.3.2. Cho phép kiểm tra, thử nghiệm tại khu vực thử nghiệm được chỉ định đối với pháo hoa, pháo hoa nổ nhập khẩu lần đầu tại Việt Nam hoặc nước ngoài nhưng phải phù hợp các quy định của Việt Nam về tiêu chuẩn và phương pháp thử.
3.3.3. Pháo hoa, pháo hoa nổ thành phẩm vào cuối hạn sử dụng và định kỳ 06 tháng 01 lần sau hạn sử dụng phải kiểm tra, đánh giá chất lượng.
3.3.4. Nội dung kiểm tra, thử nghiệm đối với pháo hoa, pháo hoa nổ do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất thực hiện theo quy định tại Phụ lục B của Quy chuẩn kỹ thuật này.
3.3.5. Việc kiểm tra, xác định các chỉ tiêu đặc tính kỹ thuật của pháo hoa, pháo hoa nổ tuân theo quy định tại Phụ lục B của Quy chuẩn kỹ thuật này.
4.1. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật này.
4.2. Tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này có trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ.
4.3. Các văn bản quy phạm pháp luật, điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong Quy chuẩn kỹ thuật này khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì nội dung dẫn chiếu trong Quy chuẩn kỹ thuật này cũng được điều chỉnh và thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật, điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
4.4. Trong quá trình thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật này, nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để được hướng dẫn kịp thời./.
- 1Thông tư 185/2017/TT-BQP về Quy chuẩn QCVN 10:2017/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với pháo phòng không do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 2Thông tư 184/2017/TT-BQP Quy chuẩn QCVN 09:2017/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với pháo mặt đất do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 3Thông tư 15/2021/TT-BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với áptômát phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 4Quyết định 1808/QĐ-BQP năm 2022 về đính chính số hiệu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kèm theo Thông tư 23/2022/TT-BQP do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 5Công văn 3491/GSQL-GQ1 năm 2019 về việc vướng mắc kiểm tra chuyên ngành mặt hàng thép có mã số HS thuộc Quyết định 765/QĐ-BCT và 3482/QĐ-BKHCN do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
- 1Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006
- 2Nghị định 127/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
- 3Thông tư 28/2012/TT-BKHCN về Quy định công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 4Thông tư 27/2015/TT-BTNMT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5Thông tư 24/2017/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 6Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017
- 7Luật Quản lý ngoại thương 2017
- 8Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa
- 9Thông tư 02/2017/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 10Thông tư 185/2017/TT-BQP về Quy chuẩn QCVN 10:2017/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với pháo phòng không do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 11Thông tư 184/2017/TT-BQP Quy chuẩn QCVN 09:2017/BQP, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với pháo mặt đất do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 12Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa
- 13Nghị định 78/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 127/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
- 14Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương
- 15Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và quy định về kiểm tra chuyên ngành
- 16Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH năm 2018 hợp nhất Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật do Văn phòng Quốc hội ban hành
- 17Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019
- 18Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa
- 19Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo
- 20Thông tư 06/2020/TT-BKHCN hướng dẫn và biện pháp thi hành Nghị định 132/2008/NĐ-CP, 74/2018/NĐ-CP, 154/2018/NĐ-CP và 119/2017/NĐ-CP do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 21Thông tư 150/2020/TT-BCA quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành do Bộ Công an ban hành
- 22Thông tư 15/2021/TT-BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với áptômát phòng nổ sử dụng trong mỏ hầm lò do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 23Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa
- 24Quyết định 1808/QĐ-BQP năm 2022 về đính chính số hiệu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kèm theo Thông tư 23/2022/TT-BQP do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 25Công văn 3491/GSQL-GQ1 năm 2019 về việc vướng mắc kiểm tra chuyên ngành mặt hàng thép có mã số HS thuộc Quyết định 765/QĐ-BCT và 3482/QĐ-BKHCN do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
- 26Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BCA về An toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ
Thông tư 125/2021/TT-BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ; Danh mục pháo hoa, pháo hoa nổ; Danh mục chi tiết mã số HS pháo hoa, pháo hoa nổ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 125/2021/TT-BCA
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/12/2021
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Tô Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra