Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/2020/TT-BCA

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CHO LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG, LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CƠ SỞ, LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CHUYÊN NGÀNH

Căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an:

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về danh mục, số lượng, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Lực lượng dân phòng;

2. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở;

3. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

4. Công an các đơn vị, địa phương;

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

Điều 3. Nguyên tắc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành

1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

3. Bảo đảm đúng tiêu chuẩn, mục đích, đối tượng sử dụng.

4. Phù hợp với điều kiện ngân sách của địa phương và khả năng bảo đảm kinh phí của cơ sở.

Chương II

TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CHO LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG, LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CƠ SỞ, LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CHUYÊN NGÀNH

Điều 4. Danh mục, số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng

1. Danh mục, số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho 01 đội dân phòng được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tùy theo tính chất, đặc điểm về địa lý, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, yêu cầu của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên từng địa bàn cấp xã thuộc phạm vi quản lý và khả năng bảo đảm ngân sách của địa phương, lực lượng dân phòng có thể được trang bị thêm các loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết khác quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).

3. Căn cứ vào danh mục, số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm trang bị cho lực lượng dân phòng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và yêu cầu thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên từng địa bàn cấp xã thuộc phạm vi quản lý, cơ quan Công an có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng bảo đảm theo quy định và xem xét, quyết định trang bị thêm các loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết khác.

Điều 5. Danh mục, số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành

1. Danh mục, số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trang bị cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Trang bị phương tiện tại các mục 3, 4, 5 và mục 6 của Phụ lục II và Phụ lục III phụ thuộc vào số lượng đội viên nhưng không ít hơn số lượng quy định và phù hợp với đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở.

2. Trường hợp cơ sở được trang bị phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì việc trang bị loại, số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng được thực hiện theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động, sản xuất, kinh doanh và yêu cầu của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở để xem xét, quyết định số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành bảo đảm theo quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và xem xét, quyết định trang bị cụ thể loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các chức danh của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4. Ngoài danh mục phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm về cháy, nổ tại cơ sở và khả năng bảo đảm kinh phí, có thể quyết định việc trang bị thêm cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý các loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết khác quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Điều 6. Kinh phí bảo đảm trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành

1. Kinh phí bảo đảm trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng được thực hiện theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 4 Điều 48 Nghị định số 136/2020/NĐ-CPđiểm c khoản 1 Điều 29, khoản 2 Điều 42 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở bảo đảm kinh phí trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 136/2020/NĐ-CPđiểm b khoản 1 Điều 29 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

Kinh phí bảo đảm trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành thuộc các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm và thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2021 và thay thế Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

2. Lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành đã được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo định mức bằng hoặc cao hơn quy định tại Thông tư này trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng cho đến khi phương tiện bị hỏng phải thay thế; trường hợp chưa được trang bị hoặc đã được trang bị nhưng thấp hơn số lượng quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo Thông tư này. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ vào cuối tháng 11 hàng năm báo cáo Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) việc thực hiện quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

b) Tổng hợp đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung danh mục, số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trang bị cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

c) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quy chế về quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý với các nội dung: Nguyên tắc quản lý, sử dụng phương tiện; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, lực lượng dân phòng được trang bị, sử dụng phương tiện; điều kiện, trách nhiệm của cán bộ, đội viên lực lượng dân phòng được giao sử dụng phương tiện; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi bảo quản phương tiện; các chức danh của lực lượng dân phòng được sử dụng phương tiện và loại phương tiện được trang bị, sử dụng; các nội dung khác có liên quan.

3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để có hướng dẫn kịp thời./.

Chat với chúng tôi
Chat ngay