Hệ thống pháp luật

Chương 7 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương VII

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ KINH DOANH DỊCH VỤ HỖ TRỢ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 55. Quy định về bãi đỗ xe

1. Yêu cầu đối với bãi đỗ xe

a) Đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;

b) Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.

2. Nội dung kinh doanh tại bãi đỗ xe

a) Dịch vụ trông giữ phương tiện;

b) Tổ chức các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện;

c) Kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Quy định đối với đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe

a) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe;

b) Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;

c) Bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi;

d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;

e) Thu tiền trông giữ phương tiện;

g) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa;

h) Có quyền từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.

4. Trách nhiệm, quyền hạn của chủ phương tiện hoặc người lái xe tại bãi đỗ xe

a) Chấp hành nội quy và sự hướng dẫn của nhân viên điều hành bãi đỗ xe;

b) Có quyền lựa chọn sử dụng các dịch vụ tại bãi đỗ xe;

c) Có quyền phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của bãi đỗ xe.

5. Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, quản lý hoạt động của bãi đỗ xe trên địa bàn.

Điều 56. Quy định đối với đơn vị kinh doanh bến xe khách

1. Báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương các quy định của đơn vị về quyền hạn, trách nhiệm, danh sách, chức vụ và chữ ký của những người được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận vào Lệnh vận chuyển.

2. Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bến xe khách theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành; xây dựng và thực hiện đúng, đầy đủ nội dung quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

3. Thực hiện quản lý, áp dụng thông tin từ phần mềm quản lý bến xe khách theo quy định

a) Trang bị phần mềm quản lý bến xe và cung cấp các thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 51 của Thông tư này về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với thời gian không quá 03 phút, kể từ khi được cập nhật trên phần mềm của bến xe khách. Dữ liệu phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, không cắt xén, không bị sửa đổi hoặc hiệu chỉnh làm sai lệch giá trị trước, trong và sau khi truyền;

b) Thông tin do bến xe khách cung cấp được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách và cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông vận tải khi có yêu cầu;

c) Cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào phần mềm quản lý bến xe khách cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi có yêu cầu;

d) Cập nhật, lưu trữ có hệ thống các thông tin về phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến và các thông tin tại điểm a khoản này tối thiểu 03 năm;

đ) Trực tiếp thực hiện các quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản này hoặc ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua hợp đồng có hiệu lực pháp lý.

4. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 57. Quy định về bến xe hàng

1. Bến xe hàng đáp ứng đầy đủ các nội dung theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe.

2. Nội dung kinh doanh bến xe hàng

a) Dịch vụ xe ra, vào bến;

b) Dịch vụ xếp, dỡ hàng hoá;

c) Dịch vụ trông giữ phương tiện vận tải hàng hóa;

d) Kinh doanh các dịch vụ khác hỗ trợ cho hoạt động vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.

3. Quy định đối với đơn vị kinh doanh bến xe hàng

a) Thực hiện các quy định tại khoản 13 Điều 3, khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 11, khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và các quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

b) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ tại bến xe hàng;

c) Niêm yết công khai nội quy bến xe hàng, giá các dịch vụ tại bến xe, tên và số điện thoại Sở Giao thông vận tải địa phương để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;

d) Bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng tài sản, hàng hoá trong thời gian đơn vị cung ứng dịch vụ theo Hợp đồng giữa hai bên đã ký kết hoặc theo thảo thuận giữa hai bên hoặc theo phán quyết của Tòa án hoặc Trọng tài;

đ) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

e) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;

g) Thu giá dịch vụ xe ra, vào bến xe theo quy định;

h) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bến xe hàng để đón, trả khách;

i) Có quyền từ chối phục vụ đối với khách hàng không chấp hành nội quy bến xe;

k) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và quy định pháp luật khác có liên quan.

4. Định kỳ hàng tháng, Sở Giao thông vận tải công bố thông tin về danh mục các bến xe hàng trên địa bàn trên Trang thông tin điện tử của Sở.

Điều 58. Quy định về đại lý bán vé

1. Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Hợp đồng đại lý bán vé với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định phải có quy định cụ thể về nghĩa vụ, quyền hạn của các bên.

3. Đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm nơi đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp trùng với điểm cho phép xe dừng đón, trả khách do Sở Giao thông vận tải địa phương công bố.

Điều 59. Quy định về đại lý vận tải hàng hóa

1. Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Được hưởng tiền công dịch vụ đại lý vận tải theo thoả thuận với chủ hàng và được ghi trong hợp đồng.

Điều 60. Quy định về dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng

1. Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Bảo quản hàng hóa theo quy định của chủ hàng và phải có hợp đồng về việc gom hàng, chuyển tải hàng hoặc cho thuê kho hàng với chủ hàng.

3. Xếp hàng hóa trên xe ô tô đảm bảo không vượt khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô.

Điều 61. Quy định về dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ

1. Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Trước khi hoạt động kinh doanh, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ thông báo bằng văn bản đến Sở Giao thông vận tải và Công an cấp tỉnh nơi đăng ký kinh doanh các thông tin tối thiểu: Tên, địa chỉ, số điện thoại, người đại diện theo pháp luật; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và danh sách xe cứu hộ. Thông báo bổ sung khi có thay đổi các thông tin nêu trên trong quá trình hoạt động kinh doanh.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ phải đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình thực hiện cứu hộ.

Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 12/2020/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/05/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 643 đến số 644
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH