Hệ thống pháp luật

Điều 9 Thông tư 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Điều 9. Hủy niêm yết chứng quyền, tạm ngừng giao dịch

1. Chứng quyền bị hủy niêm yết trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức phát hành đình chỉ, tạm ngừng hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản hoặc bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động;

b) Chứng khoán cơ sở bị hủy niêm yết; hoặc không thể xác định được chỉ số chứng khoán vì các nguyên nhân bất khả kháng đã được quy định tại bộ nguyên tắc về xác định chỉ số;

c) Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày chào bán, số lượng chứng quyền đang lưu hành ít hơn 50% số lượng chứng quyền đã phát hành. Tổ chức phát hành phải hủy niêm yết một phần chứng quyền chưa lưu hành tương đương 40% số lượng chứng quyền đã phát hành;

d) Tổng số lượng chứng khoán cơ sở được quy đổi từ các chứng quyền đã phát hành thuộc tất cả các tổ chức phát hành so với tổng số lượng chứng khoán cơ sở tự do chuyển nhượng vượt quá một tỷ lệ phần trăm theo quy chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong trường hợp này tổ chức phát hành phải hủy niêm yết một phần chứng quyền chưa lưu hành có thời gian tính từ ngày phát sinh tỷ lệ vượt đến ngày đáo hạn còn ít hơn hai 02 tháng theo nguyên tắc:

- Hủy niêm yết 80% số lượng chứng quyền đã phát hành trong trường hợp số lượng chứng quyền đang lưu hành ít hơn 5% số lượng đã phát hành;

- Hủy niêm yết 70% số chứng quyền đã phát hành trong trường hợp số lượng chứng quyền đang lưu hành từ 5% đến 10% số lượng đã phát hành;

đ) Các chứng quyền đã được hoàn tất việc thực hiện quyền hoặc đã đáo hạn. Trường hợp này chứng quyền được tự động bị hủy niêm yết.

e) Trường hợp Sở Giao dịch chứng khoán xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

2. Tổ chức phát hành được hủy niêm yết tự nguyện một phần hoặc toàn bộ chứng quyền chưa lưu hành sau ngày niêm yết tối thiểu là 01 tháng theo nguyên tắc:

a) Trường hợp vẫn còn chứng quyền đang lưu hành, số chứng quyền còn lại (sau khi trừ phần dự kiến hủy niêm yết) đạt tối thiểu 10% số chứng quyền đã phát hành;

b) Trường hợp tổ chức phát hành đã sở hữu toàn bộ số chứng quyền đã phát hành, tổ chức phát hành được đề nghị hủy niêm yết tất cả số chứng quyền đã phát hành.

3. Việc hủy niêm yết chứng quyền theo quy định tại điểm a, b, e khoản 1 Điều này được thực hiện theo trình tự sau:

a) Trong vòng 24 giờ kể từ ngày có quyết định hủy niêm yết chứng quyền, tổ chức phát hành phải công bố cách thức xác định giá thanh toán chứng quyền cho người sở hữu chứng quyền từ ngày hủy niêm yết có hiệu lực. Cách thức xác định mức giá này cũng phải phù hợp với nội dung tại Bản cáo bạch và theo quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán;

b) Kể từ ngày công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này đến ngày liền trước ngày hủy niêm yết có hiệu lực, tổ chức phát hành thực hiện việc mua lại chứng quyền thông qua hoạt động tạo lập thị trường. Giá mua lại được xác định theo mức giá thị trường và theo quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán;

c) Kể từ ngày hủy niêm yết có hiệu lực, tổ chức phát hành có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán thanh toán tiền cho các nhà đầu tư vẫn nắm giữ chứng quyền theo mức giá được tính theo quy định tại điểm a khoản này. Việc thanh toán tiền được thực hiện theo quy chế của Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

4. Việc hủy niêm yết chứng quyền thực hiện theo quy chế của Sở Giao dịch chứng khoán.

5. Sau mỗi ngày giao dịch, Trung tâm Lưu ký chứng khoán thông báo cho Sở Giao dịch chứng khoán về khối lượng chứng quyền đã được hoàn tất thực hiện quyền cho nhà đầu tư để Sở Giao dịch chứng khoán thực hiện thủ tục hủy niêm yết.

6. Chứng quyền bị tạm ngừng giao dịch trong các trường hợp sau đây:

a) Chỉ số cơ sở của chứng quyền bị tạm ngừng tính toán;

b) Chứng khoán cơ sở của chứng quyền bị tạm ngừng giao dịch;

c) Sự cố bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố kỹ thuật tại hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán;

d) Các trường hợp Sở Giao dịch chứng khoán thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và sau khi đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Trường hợp có sự cố hệ thống thanh toán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng thời gửi thông báo cho Sở Giao dịch chứng khoán. Sở Giao dịch chứng khoán báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngay sau khi có quyết định tạm ngừng giao dịch.

Thông tư 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 107/2016/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/06/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: 19/10/2016
  • Số công báo: Từ số 1133 đến số 1134
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH