Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Chương IV

THÔNG TIN GIỚI THIỆU SẢN PHẨM, BÁO CÁO VÀ CÔNG BỐ THÔNG TIN

Điều 18. Quy định về thông tin giới thiệu sản phẩm chứng quyền

1. Bản cáo bạch bao gồm mọi thông tin liên quan đến đợt phát hành chứng quyền, trong đó nêu rõ điều khoản về quyền của người sở hữu chứng quyền, phương án bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với người sở hữu chứng quyền trong các trường hợp đặc biệt và phải được cập nhật khi phát sinh các thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản cáo bạch phải được trình bày dễ hiểu và được đăng trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành.

3. Trong thời gian Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền, tổ chức phát hành chỉ được sử dụng trung thực và chính xác các thông tin trong Hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền đã gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thăm dò thị trường, trong đó phải nêu rõ các thông tin về ngày phát hành và giá chào bán là thông tin dự kiến.

4. Tài liệu thông tin giới thiệu về chứng quyền phải có nội dung đầy đủ, chính xác, rõ ràng và không gây hiểu nhầm về chứng quyền là công cụ tài chính có thu nhập ổn định hoặc được bảo đảm về lợi nhuận, không được bao hàm các nhận định khiến nhà đầu tư hiểu nhầm là giá trị khoản đầu tư luôn luôn gia tăng hoặc được bảo đảm.

5. Tài liệu thông tin giới thiệu về chứng quyền phải khuyến cáo nhà đầu tư về các loại hình rủi ro khi đầu tư vào chứng quyền, giải thích rõ về các phương án phòng ngừa rủi ro.

6. Tổ chức phát hành và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính pháp lý của thông tin về chứng quyền của mình.

Điều 19. Nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin của tổ chức phát hành

1. Tổ chức phát hành phải gửi báo cáo định kỳ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán về chứng quyền như sau:

a) Báo cáo về hoạt động phòng ngừa rủi ro và số lượng đã chào bán trong ngày chậm nhất vào 17 giờ ngày làm việc tiếp theo;

b) Báo cáo định kỳ hàng tháng trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc tháng:

- Báo cáo về các giao dịch tự doanh đối với chứng khoán cơ sở;

- Báo cáo về vị thế mở và giá trị hiện tại của tất cả các chứng quyền.

2. Tổ chức phát hành phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

a) Khi nhận được Giấy chứng nhận chào bán chứng quyền;

b) Khi nhận được quyết định chấp thuận niêm yết hoặc quyết định thay đổi niêm yết hoặc quyết định hủy niêm yết;

c) Khi nhận được văn bản thông báo về tạm ngừng giao dịch chứng quyền, đình chỉ chào bán chứng quyền, hủy bỏ đình chỉ chào bán chứng quyền, hủy bỏ chào bán chứng quyền;

d) Khi tổ chức phát hành điều chỉnh chứng quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này;

đ) Khi tổ chức phát hành không đáp ứng được các điều kiện chào bán chứng quyền;

e) Quyết định thay đổi về ngân hàng lưu ký, ngân hàng bảo lãnh thanh toán (nếu có) hoặc khi nhận được thông báo ngân hàng lưu ký bị giải thể, phá sản hoặc bị kiểm soát đặc biệt theo quy định pháp luật ngân hàng;

g) Khi nhận được yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán nơi tổ chức phát hành niêm yết chứng quyền về các sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thông tin liên quan đến công ty ảnh hưởng lớn đến giá chứng quyền và cần phải xác nhận thông tin đó.

3. Tổ chức phát hành thực hiện công bố thông tin trên phương tiện công bố thông tin theo quy định pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

4. Tổ chức phát hành được miễn trừ nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin của cổ đông lớn đối với phần sở hữu chứng khoán cho mục đích phòng ngừa rủi ro tính theo vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết.

Điều 20. Nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin của nhà đầu tư

1. Nhà đầu tư khi thực hiện chứng quyền trở thành cổ đông lớn của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở phải báo cáo và công bố thông tin tương tự như khi tham gia giao dịch cổ phiếu theo quy định pháp luật về báo cáo và công bố thông tin đối với nhà đầu tư cổ phiếu.

2. Cổ đông lớn của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở khi thực hiện chứng quyền làm thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tại tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở phải báo cáo và công bố thông tin tương tự như khi tham gia giao dịch cổ phiếu theo quy định pháp luật về báo cáo và công bố thông tin đối với cổ đông lớn.

3. Người nội bộ của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở và người có liên quan của đối tượng này khi tham gia giao dịch chứng quyền dựa trên chứng khoán cơ sở đó phải báo cáo và công bố thông tin tương tự như khi tham gia giao dịch cổ phiếu theo quy định pháp luật về báo cáo và công bố thông tin áp dụng đối với người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ.

Điều 21. Nghĩa vụ báo cáo của ngân hàng lưu ký

Trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc tháng, ngân hàng lưu ký lập và gửi cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán báo cáo giám sát tháng về tài sản bảo đảm thanh toán của tổ chức phát hành theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo giám sát của ngân hàng lưu ký phải đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định tại Bản cáo bạch như sau:

a) Đánh giá tính tuân thủ của tổ chức phát hành trong hoạt động ký quỹ;

b) Các vi phạm (nếu có) của tổ chức phát hành và kiến nghị hướng giải quyết, khắc phục.

Thông tư 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 107/2016/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/06/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: 19/10/2016
  • Số công báo: Từ số 1133 đến số 1134
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH