Hệ thống pháp luật

Chương 6 Thông tư 105/2021/TT-BQP quy định về việc xây dựng, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Chương VI

HIỆU LỰC, SỬA ĐỔI BỔ SUNG, GIA HẠN, CHẤM DỨT, RÚT KHỎI, TẠM ĐÌNH CHỈ; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC RÚT GỌN VÀ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ

Điều 50. Hiệu lực của thỏa thuận quốc tế

1. Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực theo quy định tại thỏa thuận quốc tế đó.

2. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế không quy định về hiệu lực thì thỏa thuận quốc tế có hiệu lực theo sự thống nhất bằng văn bản giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

Điều 51. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế

1. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 6 Thông tư này có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế đó.

2. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế được tiến hành theo trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế được quy định tại Thông tư này.

Điều 52. Chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế

1. Thỏa thuận quốc tế có thể bị chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện theo quy định của thỏa thuận quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

2. Bên ký kết Việt Nam phải chấm dứt hiệu lực hoặc rút khỏi thỏa thuận quốc tế nếu quá trình thực hiện thỏa thuận quốc tế có sự vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 6 Thông tư này có thẩm quyền quyết định việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế đó.

4. Trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế được tiến hành theo trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế được quy định tại Thông tư này.

Điều 53. Trình tự, thủ tục rút gọn

1. Trình tự, thủ tục rút gọn áp dụng đối với việc ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và nhân danh cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định tại Điều 36, Điều 38, Điều 39, Điều 40 và Điều 41 Luật Thỏa thuận quốc tế.

2. Trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng do cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này quyết định.

Điều 54. Lưu trữ thỏa thuận quốc tế

1. Việc lưu trữ thỏa thuận quốc tế thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2. Văn phòng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lưu trữ bản gốc văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng; gửi bản sao cho Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định.

3. Cơ quan, đơn vị ký kết thỏa thuận quốc tế có trách nhiệm lưu trữ bản gốc văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh cấp mình,

Điều 55. Thực hiện thỏa thuận quốc tế

1. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết, cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng thỏa thuận quốc tế, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận quốc tế, trình chỉ huy cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.

2. Nội dung cơ bản của kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận quốc tế gồm:

a) Lộ trình thực hiện thỏa thuận quốc tế;

b) Phân công trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế;

c) Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác để thực hiện thỏa thuận quốc tế;

d) Tuyên truyền, phổ biến thỏa thuận quốc tế;

đ) Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Điều 56. Rà soát, hệ thống hóa thỏa thuận quốc tế

1. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng tổ chức và thực hiện rà soát, hệ thống hoá các thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng; nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì kiến nghị cơ quan chức năng kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản thỏa thuận quốc tế mới hoặc thay thế văn bản thỏa thuận quốc tế đó.

2. Cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thực hiện rà soát, hệ thống hóa các thỏa thuận quốc tế của cấp mình. Nếu phát hiện căn cứ pháp lý, thẩm quyền không đúng hoặc nội dung trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mâu thuẫn chồng chéo, không còn phù hợp vơi tình hình thực tiễn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền đã quyết định ký kết quyết định việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hiệu lực thỏa thuận quốc tế đó.

3. Hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản thỏa thuận quốc tế phải được tiến hành định kỳ, thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát văn bản và kịp thời công bố tập hệ thống hóa văn bản thỏa thuận quốc tế còn hiệu lực, hết hiệu lực.

4. Định kỳ hằng năm, Bộ Quốc phòng công bố danh mục văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và nhân danh cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hết hiệu lực, ngưng hiệu lực. Cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng công bố danh mục văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh cấp thuộc quyền quản lý hết hiệu lực, ngưng hiệu lực.

Điều 57. Cơ sở dữ liệu về thỏa thuận quốc tế

1. Cơ sở dữ liệu về thỏa thuận quốc tế trong Quân đội nhân dân là tập hợp các thỏa thuận quốc tế thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng dưới dạng văn bản điện tử.

2. Cơ sở dữ liệu về thỏa thuận quốc tế trong Quân đội nhân dân được xây dựng, sử dụng chung nhằm cung cấp chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và thực hiện các thỏa thuận quốc tế đã ký kết.

3. Thông tin về nội dung thỏa thuận quốc tế trong Quân đội nhân dân cập nhật vào cơ sở dữ liệu gồm:

a) Tên gọi, nội dung thỏa thuận quốc tế, tên các bên ký, ngày ký, ngày có hiệu lực, tình trạng hiệu lực;

b) Văn bản liên quan gồm văn bản làm căn cứ ký và các văn bản ký kết để triển khai thực hiện (nếu có);

c) Quá trình thay đổi hiệu lực của văn bản;

d) Những thông tin cần thiết khác (nếu có).

4. Thỏa thuận quốc tế được xác định độ mật không đăng tải trên cơ sở dữ liệu về thỏa thuận quốc tế.

5. Kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật văn bản trên cơ sở dữ liệu về thỏa thuận quốc tế trong Quân đội nhân dân được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư 105/2021/TT-BQP quy định về việc xây dựng, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 105/2021/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/08/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Giang
  • Ngày công báo: 27/08/2021
  • Số công báo: Từ số 727 đến số 728
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH