Hệ thống pháp luật

Chương 5 Thông tư 105/2021/TT-BQP quy định về việc xây dựng, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Chương V

XÂY DỰNG, KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC QUYỀN QUẢN LÝ CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG

Điều 40. Trình tự, thủ tục xây dựng thỏa thuận quốc tế

1. Lập kế hoạch, phê duyệt kế hoạch soạn thảo thỏa thuận quốc tế.

2. Thành lập Tổ soạn thảo (nếu cần thiết).

3. Xây dựng dự thảo thỏa thuận quốc tế, dự thảo tờ trình.

4. Lấy ý kiến cơ quan, đơn vị có liên quan.

5. Kiểm tra, thẩm định hồ sơ dự thảo thỏa thuận quốc tế.

6. Quyết định đàm phán thỏa thuận quốc tế.

7. Đàm phán thỏa thuận quốc tế.

8. Ký thỏa thuận quốc tế.

9. Báo cáo kết quả ký kết và thực hiện các thủ tục sau ký kết

Điều 41. Lập kế hoạch, phê duyệt kế hoạch soạn thảo thỏa thuận quốc tế

1. Cơ quan, đơn được giao chủ trì soạn thảo lập kế hoạch xây dựng thỏa thuận quốc tế báo cáo chỉ huy cơ quan, đơn vị theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này xem xét, quyết định.

2. Nội dung cơ bản của kế hoạch xây dựng thỏa thuận quốc tế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

Điều 42. Thành lập Tổ soạn thảo (nếu cần thiết)

1. Cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này quyết định thành lập Tổ soạn thảo thỏa thuận quốc tế. Thành phần Tổ soạn thảo gồm:

a) Chỉ huy cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo;

b) Đại diện cơ quan (cán bộ) làm công tác đối ngoại, pháp chế (nếu có);

c) Chỉ huy cơ quan, đơn vị có liên quan;

d) Các thành phần khác (nếu cần thiết);

2. Trách nhiệm Tổ soạn thảo

a) Tổ chức xây dựng dự thảo thỏa thuận quốc tế và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng nội dung dự thảo thỏa thuận quốc tế. Trường hợp dự thảo thỏa thuận quốc tế đã được bên ký kết nước ngoài chuẩn bị thì cơ quan, đơn vị được giao chủ trì có trách nhiệm tham mưu, đề xuất thành lập Tổ soạn thảo (nếu cần) để triển khai thực hiện và Tổ soạn thảo có trách nhiệm xây dựng phương án đàm phán của bên Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

b) Đánh giá sự phù hợp của dự thảo thỏa thuận quốc tế với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; đảm bảo tính khả thi của thỏa thuận quốc tế;

c) Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu có liên quan đến nội dung thỏa thuận quốc tế;

d) Thảo luận về nội dung dự thảo thỏa thuận quốc tế;

đ) Tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung của dự thảo thỏa thuận quốc, tế; tiếp thu, chỉnh lý dự thảo thỏa thuận quốc tế; lấy ý kiến cơ quan (cán bộ) làm công tác pháp chế, đối ngoại cùng cấp và cấp trên trực tiếp (nếu có);

e) Chuẩn bị hồ sơ về thỏa thuận quốc tế để trình Chỉ huy cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này xem xét, quyết định việc đàm phán, ký kết;

g) Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 43. Xây dựng dự thảo thỏa thuận quốc tế, dự thảo tờ trình

1. Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo chủ trì xây dựng nội dung dự thảo thỏa thuận quốc tế, dự thảo tờ trình và các tài liệu liên quan.

2. Nội dung dự thảo thỏa thuận quốc tế thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

3. Nội dung dự thảo tờ trình theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này.

Điều 44. Lấy ý kiến cơ quan, đơn vị có liên quan

1. Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo thỏa thuận quốc tế có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, đơn vị có liên quan và cơ quan (cán bộ) đối ngoại, pháp chế về hồ sơ xây dựng, đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế.

2. Hồ sơ gửi lấy ý kiến thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này.

3. Cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày nhện đủ hồ sơ.

Điều 45. Kiểm tra, thẩm định hồ sơ dự thảo thỏa thuận quốc tế

1. Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo lấy ý kiến kiểm tra, thẩm định của cơ quan (cán bộ) làm công tác đối ngoại, pháp chế. Trường hợp không có tổ chức, cán bộ làm công tác đối ngoại, pháp chế thì cơ quan, cán bộ đối ngoại, pháp chế cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định.

2. Hồ sơ gửi kiểm tra, thẩm định gồm:

a) Dự thảo tờ trình;

b) Dự thảo thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài;

c) Dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận quốc tế;

d) Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan;

đ) Bản sao văn bản tham gia ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan;

e) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

3. Thời hạn kiểm tra, thẩm định: 05 (năm) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

4. Nội dung kiểm tra, thẩm định thực hiện theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 15 Thông tư này.

Điều 46. Quyết định đàm phán thỏa thuận quốc tế

1. Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến kiểm tra, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ, trình Chỉ huy cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này xem xét, quyết định.

2. Hồ sơ trình gồm:

a) Tờ trình;

b) Dự thảo thỏa thuận quốc tế;

c) Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan;

d) Bản sao văn bản kiểm tra và thẩm định;

đ) Bản sao ý kiến tham gia của cơ quan, đơn vị có liên quan;

e) Dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận quốc tế;

g) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

Điều 47. Đàm phán thỏa thuận quốc tế

Sau khi được Chỉ huy cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này quyết định cho đàm phán, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo thông báo cho bên ký kết nước ngoài qua đường ngoại giao:

1. Trường hợp bên ký kết nước ngoài thống nhất với nội dung dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế, cơ quan, đơn vị là chủ thể ký kết dự thảo thỏa thuận quốc tế phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức ký.

2. Trường hợp bên ký kết nước ngoài có ý kiến khác nhưng không làm thay đổi nội dung cơ bản của dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế, cơ quan, đơn vị là chủ thể ký kết phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan, đơn vị có liên quan chỉnh lý dự thảo và tổ chức ký.

3. Trường hợp bên ký kết nước ngoài có ý kiến khác làm thay đổi nội dung cơ bản của dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế, cơ quan, đơn vị là chủ thể ký kết phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất, báo cáo cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp đến cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định tổ chức đàm phán trực tiếp để thống nhất nội dung dự văn bản thỏa thuận quốc tế hoặc dừng việc đàm phán.

Điều 48. Ký thỏa thuận quốc tế

Sau khi Chỉ huy cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, Chỉ huy cơ quan, đơn vị ký hoặc ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế bằng văn bản cho cấp phó thuộc quyền và quyết định thời gian, địa điểm, thành phần, hình thức ký.

Điều 49. Báo cáo việc ký kết, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế

Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết, cơ quan, đơn vị ký thỏa thuận quốc tế có trách nhiệm lưu trữ bản gốc thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật về lưu trữ, báo cáo và gửi bản sao thỏa thuận quốc tế về Chỉ huy cấp trên để tổng hợp báo cáo cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng để gửi bản sao thỏa thuận quốc tế về Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, Văn phòng Bộ Quốc phòng, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng và cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thông tư 105/2021/TT-BQP quy định về việc xây dựng, ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 105/2021/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/08/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Giang
  • Ngày công báo: 27/08/2021
  • Số công báo: Từ số 727 đến số 728
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH