Chương 5 Thông tư 10/2021/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG VÀ KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG TRONG QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG
Điều 19. Yêu cầu về diện tích phòng thí nghiệm, công tác bảo vệ môi trường và an toàn lao động
1. Tổ chức tham gia hoạt động quan trắc môi trường phải có phòng thí nghiệm đủ diện tích để bố trí hợp lý các phân khu chức năng, tách biệt các hoạt động thử nghiệm không tương thích để không làm ảnh hưởng lẫn nhau và bố trí đủ không gian cần thiết theo yêu cầu cho từng hoạt động thử nghiệm.
2. Chất thải từ hoạt động của phòng thí nghiệm phải được phân loại theo tính chất, được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định pháp luật. Nước thải có tính chất nguy hại từ hoạt động phân tích, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm phải được phân loại, lưu giữ theo tính chất, thành phần riêng biệt nhằm tránh các tương tác hóa học phát sinh chất độc hại ra môi trường.
3. Các hoạt động xử lý mẫu và phân tích mẫu làm bay hơi các chất độc hại ra môi trường phải thực hiện trong tủ hút.
4. Phải xây dựng chương trình, nội quy, quy định về phòng chống cháy nổ và an toàn lao động tại phòng thí nghiệm và khi đi quan trắc hiện trường để phổ biến, hướng dẫn cho toàn thể người lao động, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người thực hiện quan trắc hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm.
5. Người tham gia thực hiện quan trắc hiện trường phải được huấn luyện về an toàn lao động theo quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động và các quy định pháp luật liên quan.
Điều 20. Hệ thống quản lý chất lượng quan trắc môi trường
1. Tổ chức tham gia hoạt động quan trắc môi trường phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 hoặc tương đương để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ nhằm đảm bảo chất lượng kết quả quan trắc. Hệ thống quản lý chất lượng phải thiết lập bằng văn bản và phổ biến cho người lao động để biết và thực hiện. Hệ thống quản lý chất lượng phải được duy trì và liên tục cải tiến phù hợp với phạm vi hoạt động, bảo đảm tính khách quan và chính xác của các kết quả quan trắc.
2. Hàng năm, tổ chức phải lập kế hoạch và tự đánh giá nội bộ hệ thống quản lý chất lượng. Việc đánh giá bao gồm đánh giá hệ thống hồ sơ tài liệu liên quan đến quản lý chất lượng và đánh giá các hoạt động quan trắc môi trường nhằm kiểm tra và xác nhận mức độ tuân thủ của tổ chức thực hiện đối với các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng. Sau khi đánh giá, tổ chức phải có các biện pháp khắc phục, cải tiến các lỗi phát hiện (nếu có).
Điều 21. Hoạt động thử nghiệm thành thạo
1. Tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường phải tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo do các đơn vị có năng lực phù hợp theo ISO/IEC 17043:2010 tổ chức. Trong thời hạn của Giấy chứng nhận, Tổ chức phải tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo tối thiểu trên 01 nền mẫu cho các thông số đã được chứng nhận, theo các nhóm sau đây:
a) Tham gia tối thiểu 01 lần/năm đối với phân tích các thông số đã được chứng nhận thuộc nhóm thông số cơ bản gồm có: BOD5, COD, TSS, NH3+, Cl-, F-, NO3-, NO2-, PO43-;
b) Tham gia tối thiểu 01 lần/năm đối với phân tích các thông số đã được chứng nhận thuộc nhóm thông số kim loại gồm có: As, Cd, Pb, Tổng Cr, Cu, Zn, Ni, Mn, Hg, Fe;
c) Tham gia tối thiểu 01 lần trong thời hạn của Giấy chứng nhận đối với phân tích nhóm thông số được chứng nhận gồm có: Tổng phenol, Xyanua (CN-), chất hoạt động bề mặt, Hóa chất bảo vệ thực vật clo, Hóa chất bảo vệ thực vật photpho, PCB, Dioxin, PAHs.
2. Đối với các thông số quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này nhưng không có đơn vị trong nước đủ năng lực tổ chức chương trình thử nghiệm thành thạo, tổ chức có thể tham gia các chương trình thử nghiệm liên phòng với quy mô tối thiểu 03 phòng thí nghiệm tham gia hoặc tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo do các tổ chức quốc tế có năng lực phù hợp theo ISO/IEC 17043:2010 tổ chức.
3. Trường hợp kết quả tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo có giá trị │Zscore│> 2, tổ chức phải có các biện pháp khắc phục, phòng ngừa các lỗi đã phát hiện.
Điều 22. Bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong hoạt động quan trắc hiện trường
Tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường phải thực hiện các yêu cầu về bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng như sau:
1. Thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ thực hiện quan trắc môi trường. Người thực hiện quan trắc hiện trường phải được đào tạo với chuyên ngành phù hợp với công việc được giao và chỉ được giao chính thức thực hiện quan trắc hiện trường khi được đánh giá là đạt theo yêu cầu của tiêu chí nội bộ và đã tham gia các khóa đào tạo về an toàn phục vụ công tác đi hiện trường được đánh giá là đạt yêu cầu.
2. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất và chất chuẩn, phương tiện vận chuyển, an toàn bảo hộ lao động theo chương trình, kế hoạch quan trắc hiện trường đã thiết lập.
3. Hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn: được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của từng phương pháp quan trắc, được đựng trong các bình chứa phù hợp, có dán nhãn thể hiện đầy đủ các thông tin về: tên hoặc loại hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn; tên nhà sản xuất; nồng độ; ngày chuẩn bị; người chuẩn bị; thời gian sử dụng và các thông tin khác (nếu có). Hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn phải được để tại khu vực riêng biệt, bảo quản phù hợp, đảm bảo an toàn. Đơn vị quan trắc phải có sổ kho hóa chất thể hiện lượng hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn nhập và xuất để sử dụng, định kỳ thực hiện kiểm kê và theo dõi thời hạn sử dụng của hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn.
4. Phải kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng và đảm bảo các thiết bị được hiệu chuẩn định kỳ theo quy định trước khi ra hiện trường.
5. Thực hiện lấy mẫu theo phương pháp phù hợp. Các mẫu được chứa vào dụng cụ chứa mẫu phải sạch và phù hợp với từng thông số quan trắc, không làm ảnh hưởng hoặc biến đổi chất lượng của mẫu và được dán nhãn để nhận biết. Nhãn mẫu thể hiện các thông tin về thông số quan trắc, mã mẫu (ký hiệu mẫu), thời gian lấy mẫu và các thông tin khác (nếu có).
6. Mẫu kiểm soát chất lượng (mẫu QC) được lấy tại hiện trường là mẫu trắng vận chuyển, mẫu trắng thiết bị, mẫu trắng hiện trường, mẫu lặp hiện trường hoặc các mẫu QC khác với số lượng phù hợp theo yêu cầu của chương trình quan trắc hoặc chương trình bảo đảm chất lượng quan trắc hiện trường đề ra. Chương trình quan trắc có số lượng dưới 30 mẫu thì tối thiểu phải lấy 01 mẫu lặp hiện trường (trừ các mẫu về mặt kỹ thuật không thực hiện được việc lấy mẫu lặp như các mẫu khí thải, bụi,…) và 01 mẫu trắng hiện trường hoặc mẫu trắng thiết bị. Chương trình quan trắc có số lượng từ 30 mẫu trở lên thì số lượng mẫu kiểm soát chất lượng được lấy tại hiện trường bằng 10% tổng lượng mẫu của chương trình quan trắc. Các mẫu QC hiện trường phải được giao nhận, mã hóa và phân tích trong phòng thí nghiệm như các mẫu khác.
7. Biên bản đo và lấy mẫu hiện trường được thực hiện và hoàn thành ngay sau khi kết thúc việc lấy mẫu tại hiện trường. Mẫu biên bản quan trắc hiện trường quy định tại Biểu 2, Biểu 3 và Biểu 4 của Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.
8. Phương pháp bảo quản và vận chuyển mẫu: mẫu được bảo quản và xử lý sơ bộ (nếu có) tại hiện trường phải phù hợp với các thông số quan trắc. Việc vận chuyển mẫu phải bảo toàn mẫu về chất lượng và số lượng. Thời gian vận chuyển và nhiệt độ bảo quản mẫu trong quá trình vận chuyển tuân theo các tiêu chuẩn lấy mẫu, phân tích hoặc các văn bản, quy định hiện hành đối với từng thông số quan trắc. Cần có phương án vận chuyển hợp lý để đảm bảo quy định thời gian tiến hành phân tích sau khi lấy mẫu đối với một số thông số quan trắc.
9. Giao và nhận mẫu: phải có biên bản giao và nhận mẫu, trong đó có đầy đủ tên, chữ ký của các bên có liên quan.
10. Phương pháp quan trắc tại hiện trường được lựa chọn phù hợp và được quy định tại Phụ lục 2, Phụ lục 3, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Đối với các thông số đo tại hiện trường thì phải sử dụng chất chuẩn (dung dịch chuẩn, khí chuẩn) để kiểm soát chất lượng các kết quả đo tại hiện trường. Khi thực hiện đo tại hiện trường phải tiến hành đo lặp mẫu để lấy trung bình của các kết quả đo.
Điều 23. Bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong hoạt động phân tích môi trường
Tổ chức thực hiện hoạt động phân tích môi trường phải thực hiện các yêu cầu về bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng như sau:
1. Có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ thực hiện phân tích môi trường. Người thực hiện phân tích phải được đào tạo trong lĩnh vực phân tích môi trường phù hợp với công việc được giao và chỉ được giao chính thức thực hiện phân tích khi được đánh giá là đạt theo yêu cầu của tiêu chí nội bộ.
2. Các phương pháp phân tích phải được phê duyệt để đánh giá sự phù hợp theo điều kiện áp dụng thực tế của phòng thí nghiệm trước khi đưa vào triển khai thực hiện. Việc phê duyệt phương pháp phải được lập thành báo cáo theo quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Xây dựng quy trình thao tác chuẩn (SOP) cho các phương pháp phân tích đã được phê duyệt. Một quy trình thao tác chuẩn tối thiểu phải bao gồm các nội dung theo quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn: được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của từng phương pháp quan trắc, được đựng trong các bình chứa phù hợp, có dán nhãn thể hiện đầy đủ các thông tin về: tên hoặc loại hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn; tên nhà sản xuất; nồng độ; ngày chuẩn bị; người chuẩn bị; thời gian sử dụng và các thông tin khác (nếu có). Hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn phải được đặt tại khu vực riêng biệt, bảo quản phù hợp, đảm bảo an toàn. Đơn vị quan trắc phải có sổ kho hóa chất thể hiện lượng hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn nhập và xuất để sử dụng, định kỳ thực hiện kiểm kê và theo dõi thời hạn sử dụng của hóa chất, mẫu chuẩn, chất chuẩn.
5. Kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng và hiệu chuẩn các thiết bị phân tích môi trường.
6. Kiểm soát các điều kiện môi trường phòng thí nghiệm, bảo đảm không ảnh hưởng đến kết quả phân tích hoặc không ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng của các phép phân tích.
7. Quản lý mẫu: khi tiếp nhận để phân tích, mẫu phải đáp ứng các điều kiện về bảo quản mẫu phù hợp với từng thông số phân tích theo quy định. Mẫu phải được mã hóa và mã mẫu được gắn với mẫu trong suốt thời gian lưu mẫu tại tổ chức thực hiện phân tích môi trường. Sau khi được phân tích xong, các mẫu phải được lưu giữ và bảo quản theo chỉ dẫn trong các tiêu chuẩn phân tích, lấy mẫu tương ứng hoặc trong quy định hiện hành để sử dụng trong trường hợp cần kiểm tra và phân tích lại.
8. Kiểm soát chất lượng trong hoạt động phân tích môi trường: ngoài các mẫu QC hiện trường được phân tích, mẫu QC phòng thí nghiệm phải được phân tích trong từng mẻ mẫu. Số lượng mẫu QC tối thiểu cần thực hiện trong mỗi mẻ mẫu phải đủ để kiểm tra sự nhiễm bẩn của dụng cụ, hóa chất, thuốc thử, các yếu tố ảnh hưởng và đánh giá độ chụm, độ chính xác của kết quả phân tích. Tùy thuộc vào phương pháp phân tích áp dụng, mẫu QC sử dụng trong phòng thí nghiệm gồm: mẫu trắng thiết bị, mẫu trắng phương pháp, mẫu lặp, mẫu thêm chuẩn, mẫu chuẩn đối chứng, mẫu chuẩn được chứng nhận, mẫu chuẩn thẩm tra hoặc mẫu QC khác do phương pháp tiêu chuẩn và chương trình quan trắc yêu cầu hoặc chương trình bảo đảm chất lượng của tổ chức đề ra.
9. Xây dựng tiêu chí chấp nhận kiểm soát chất lượng theo phương pháp tiêu chuẩn yêu cầu và theo quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 24. Sử dụng và quản lý thiết bị quan trắc môi trường
1. Thiết bị quan trắc môi trường trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về chất lượng, sản phẩm hàng hóa. Thiết bị quan trắc môi trường phải được kiểm soát về đo lường (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) theo quy định của pháp luật hiện hành về đo lường.
2. Sử dụng thiết bị quan trắc môi trường phải bảo đảm theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, quy trình sử dụng thiết bị, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam.
3. Trước khi sử dụng, các thiết bị quan trắc môi trường phải được kiểm tra (kiểm tra bên ngoài, kiểm tra kỹ thuật và kiểm tra độ chính xác). Trường hợp phát hiện thiết bị không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định thì phải ngừng sử dụng, lập biên bản và lưu lại trong hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường.
4. Bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị quan trắc môi trường: phải lập kế hoạch và thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế định kỳ các thiết bị quan trắc môi trường theo hướng dẫn của nhà sản xuất và quy trình sử dụng thiết bị.
5. Hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường: tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc môi trường có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường. Hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường được lưu giữ tại tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc môi trường và sẵn sàng xuất trình hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ quản lý thiết bị quan trắc môi trường gồm:
a) Danh mục và đặc tính kỹ thuật của thiết bị quan trắc; hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất;
b) Quy trình thao tác chuẩn, quy trình kiểm tra;
c) Sổ theo dõi giao nhận, sử dụng thiết bị;
d) Sổ theo dõi việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế linh, phụ kiện;
đ) Hồ sơ kiểm soát về đo lường của thiết bị quan trắc;
e) Giấy chứng nhận kèm theo báo cáo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và các hồ sơ chứng minh chủ sở hữu thiết bị.
Điều 25. Quản lý dữ liệu quan trắc môi trường
1. Số liệu quan trắc hiện trường và phân tích môi trường phải được kiểm tra, xử lý thống kê và đánh giá.
a) Kiểm tra kết quả: kiểm tra tổng hợp về tính hợp lý của kết quả quan trắc và phân tích môi trường. Việc kiểm tra dựa trên hồ sơ của mẫu (biên bản quan trắc tại hiện trường, biên bản giao và nhận mẫu, biên bản đo tại hiện trường, biểu ghi kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm, …) kết quả mẫu QC (mẫu trắng, mẫu lặp, mẫu chuẩn,…);
b) Kết quả quan trắc và phân tích môi trường chỉ được chấp nhận sau khi xem xét, đánh giá kết quả phân tích các mẫu QC đảm bảo độ tin cậy theo tiêu chí kiểm soát chất lượng của phòng thí nghiệm;
c) Xử lý thống kê: căn cứ theo lượng mẫu và nội dung của báo cáo, việc xử lý thống kê có thể sử dụng các phương pháp khác nhau nhưng tối thiểu phải có các số liệu thống kê về giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất, giá trị trung bình, số giá trị vượt chuẩn;
d) Đánh giá kết quả: so sánh, đối chiếu các kết quả quan trắc đã được kiểm tra, xử lý thống kê với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.
2. Toàn bộ tài liệu, dữ liệu, hồ sơ có liên quan đến hoạt động quan trắc hiện trường và phân tích môi trường phải được tập hợp đầy đủ, bảo đảm tính trung thực, kịp thời và được lưu giữ, quản lý theo quy định.
3. Hồ sơ gốc của hoạt động quan trắc hiện trường và phân tích môi trường phải được lưu giữ và sẵn sàng cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Hồ sơ gốc bao gồm:
a) Hồ sơ quan trắc hiện trường gồm: biên bản lấy mẫu tại hiện trường, biên bản giao và nhận mẫu, phiếu kết quả đo tại hiện trường, biên bản đo lặp mẫu tại hiện trường (nếu có), dữ liệu gốc được lưu trong bộ nhớ từ các thiết bị đo trực tiếp tại hiện trường hoặc được sao lưu trực tiếp từ bộ nhớ các thiết bị đo trực tiếp tại hiện trường, kết quả tính toán, quan trắc hiện trường;
b) Hồ sơ phân tích môi trường gồm: biên bản phân tích, báo cáo kết quả phân tích, dữ liệu gốc được lưu trong bộ nhớ của các thiết bị phân tích hoặc được sao lưu trực tiếp từ bộ nhớ các thiết bị phân tích;
c) Hồ sơ thực hiện công tác bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng hiện trường và phân tích môi trường tối thiểu bao gồm biên bản lấy mẫu và kết quả mẫu kiểm soát chất lượng hiện trường, kết quả kiểm tra thiết thiết bị bằng chất chuẩn tại hiện trường, kết quả mẫu kiểm soát chất lượng trong hoạt động phân tích môi trường.
4. Dữ liệu trong hoạt động quan trắc hiện trường và phân tích môi trường phải bảo đảm đầy đủ, thống nhất với hồ sơ quan trắc hiện trường và hồ sơ phân tích môi trường; phù hợp, thống nhất với thời gian, vị trí lấy mẫu và thời gian, thông số phân tích; phù hợp, thống nhất với phương pháp, thiết bị quan trắc; phù hợp với tiêu chí chấp nhận kết quả phép đo.
5. Trường hợp nghi ngờ có sai sót trong các hoạt động quan trắc môi trường thì phải kiểm tra lại số liệu hoặc huỷ bỏ, không sử dụng số liệu cho mục đích viết báo cáo kết quả quan trắc. Các tài liệu, số liệu ban đầu trước khi hủy bỏ phải được lưu giữ như hồ sơ gốc để sử dụng trong các trường hợp cần tra cứu.
Thông tư 10/2021/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- Số hiệu: 10/2021/TT-BTNMT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/06/2021
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Võ Tuấn Nhân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/08/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Nguyên tắc áp dụng các phương pháp quan trắc môi trường
- Điều 4. Giải thích thuật ngữ
- Điều 5. Xây dựng chương trình quan trắc chất lượng môi trường định kỳ
- Điều 6. Quan trắc chất lượng không khí xung quanh
- Điều 7. Quan trắc tiếng ồn, độ rung
- Điều 8. Quan trắc chất lượng nước mặt
- Điều 9. Quan trắc chất lượng nước dưới đất
- Điều 10. Quan trắc chất lượng nước biển
- Điều 11. Quan trắc nước mưa
- Điều 12. Quan trắc chất lượng đất
- Điều 13. Quan trắc chất lượng trầm tích
- Điều 14. Danh sách các chất POP theo quy định của Công ước Stockholm và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa POP
- Điều 15. Quan trắc các chất POP trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị
- Điều 16. Quan trắc nước thải
- Điều 17. Quan trắc khí thải
- Điều 18. Quan trắc bùn thải từ hệ thống xử lý nước
- Điều 19. Yêu cầu về diện tích phòng thí nghiệm, công tác bảo vệ môi trường và an toàn lao động
- Điều 20. Hệ thống quản lý chất lượng quan trắc môi trường
- Điều 21. Hoạt động thử nghiệm thành thạo
- Điều 22. Bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong hoạt động quan trắc hiện trường
- Điều 23. Bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong hoạt động phân tích môi trường
- Điều 24. Sử dụng và quản lý thiết bị quan trắc môi trường
- Điều 25. Quản lý dữ liệu quan trắc môi trường
- Điều 26. Yêu cầu cơ bản đối với trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục
- Điều 27. Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục
- Điều 28. Yêu cầu về quản lý, vận hành trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục
- Điều 29. Phân loại các trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục
- Điều 30. Yêu cầu cơ bản đối với trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục
- Điều 31. Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục
- Điều 32. Yêu cầu về quản lý, vận hành trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh tự động, liên tục
- Điều 33. Yêu cầu cơ bản đối với hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục
- Điều 34. Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục
- Điều 35. Yêu cầu về quản lý, vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục
- Điều 36. Yêu cầu cơ bản đối với hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục
- Điều 37. Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục
- Điều 38. Yêu cầu về quản lý, vận hành hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục
- Điều 39. Yêu cầu đối với hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu (data logger) tại các trạm, hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục
- Điều 40. Yêu cầu đối với hệ thống nhận, truyền và quản lý dữ liệu tại các Sở Tài nguyên và Môi trường
- Điều 41. Yêu cầu đối với hệ thống truyền, nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục tại Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường