Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 090-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 1960

THÔNG TƯ

BAN HÀNH THỂ LỆ TẠM THỜI VỀ HỢP ĐỒNG VẬN TẢI HÀNG HÓA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

- Ông Bộ trưởng các Bộ
- Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh
- Ông Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Thủ tướng phủ

Để tăng cường mối quan hệ kinh tế trên tinh thần hợp tác xã chủ nghĩa, để cùng nhau đẩy mạnh sản xuất, cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, vận tải, xây dựng, trong việc đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, và đảm bảo thực hiện đầy đủ những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế;

Để tăng cường trách nhiệm của xí nghiệp, cơ quan đối với Nhà nước và giữa xí nghiệp cơ quan có hàng với cơ quan vận tải Nhà nước cũng như giữa cơ quan vận tải Nhà nước đối với xí nghiệp cơ quan có hàng trong việc thực hiện những điều đã ký kết về hợp đồng vận tải hàng hóa.

Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ (Hội nghị của Thường vụ của Hội đồng Chính phủ phiên họp ngày 29-03-1960) nay ban hành thể lệ tạm thời về hợp đồng vận tải hàng hóa giữa xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước và cơ quan vận tải Nhà nước kèm theo Thông tư này.

Thủ tướng Chính phủ mong các Bộ, Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh các đơn vị trực thuộc Thủ tướng phủ, một mặt tích cực chấp hành, mặt khác trong khi thực hiện kịp thời báo cáo những khó khăn và kinh nghiệm để Hội đồng Trọng tài trung ương kịp thời tổng kết những kinh nghiệm và hướng dẫn thực hiện cho có kết quả tốt.

K.T.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng

THỂ LỆ TẠM THỜI

VỀ HỢP ĐỒNG VẬN TẢI HÀNG HÓA

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Căn cứ những điều khoản trong điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo Nghị định số 004-TTg ngày 04-01-1960 và các thể lệ vận chuyển hàng hóa của Chính phủ, để định ra những nguyên tắc chung về hợp đồng vận tải hàng hóa.

- Ký kết hợp đồng vận tải hàng hóa nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước với cơ quan vận tải Nhà nước và tăng cường trách nhiệm đối với Nhà nước nhằm thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa; đồng thời tăng cường trách nhiệm lẫn nhau giữa các xí nghiệp, cơ quan có hàng và cơ quan vận tải Nhà nước, để cùng nhau bảo đảm hoàn thành kế hoạch Nhà nước và củng cố những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế.

- Cơ sở để ký kết hợp đồng vận tải hàng hóa là chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm về vận chuyển hàng hóa đường sắt, thủy, bộ. Khi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước được Hội đồng Chính phủ thông qua, các cơ quan vận tải Nhà nước từ trung ương đến địa phương phải cùng nhau ký kết các loại hợp đồng vận tải hàng hóa với các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước.

Điều 2. - Hợp đồng vận tải hàng hóa có hai loại: Hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng cụ thể.

- Hợp đồng nguyên tắc là hợp đồng dài hạn trong một năm. Trong hợp đồng năm, cần phân bổ khối lượng hàng hóa vận chuyển từng quý.

- Hợp đồng cụ thể là hợp đồng ngắn hạn, hàng quý, hàng tháng; Trong hợp đồng cụ thể hàng quý cần phân bổ khối lượng hàng hóa vận chuyển trong mỗi tháng và hợp đồng cụ thể tháng cần phân bổ khối lượng hàng hóa vận chuyển trong 10 ngày.

- Trong hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng cụ thể, phải căn cứ các điều khoản trong thể lệ tạm thời này, ghi rõ trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện hợp đồng vận tải hàng hóa.

Điều 3. – Các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước cùng cơ quan vận tải Nhà nước, ký kết các loại hợp đồng vận tải theo khối lượng hàng hóa quy định sau đây:

- Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và tầu thủy với khối lượng vận chuyển từ 5.000 tấn trở lên trong một năm, thì hai bên phải ký kết hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng cụ thể; nếu dưới 5.000 tấn trong một năm, thì chỉ ký kết hợp đồng cụ thể, không ký kết hợp đồng nguyên tắc.

- Đối với hàng hóa vận chuyển bằng thuyền với khối lượng vận chuyển từ 3.000 tấn trở lên trong một năm, thì hai bên phải ký kết hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng cụ thể; nếu dưới 3.000 tấn trong một năm, thì chỉ ký kết hợp đồng cụ thể, không ký kết hợp đồng nguyên tắc.

- Đối với hàng hóa vận chuyển bằng ô-tô với khối lượng vận chuyển từ 1.000 tấn trở lên trong một năm, thì hai bên phải ký kết hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng cụ thể; nếu dưới 1.000 tấn trong một năm, thì chỉ ký kết hợp đồng cụ thể, không ký kết hợp đồng nguyên tắc.

- Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt với khối lượng vận chuyển từ 100 tấn, bằng ô-tô với khối lượng vận chuyển dưới 10 tấn, bằng thuyền với khối lượng dưới 20 tấn trong một năm, thì hai bên không ký kết hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng cụ thể, mà chỉ ký kết hợp đồng vận chuyển từng chuyến.

II. CHUẨN BỊ KÝ KẾT - NỘI DUNG HỢP ĐỒNG – TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 4. - Để đảm bảo kế hoạch vận tải được điều hòa, bố trí phương tiện vận tải được hợp lý, phục vụ kịp thời cho sản xuất, cho lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng khí có hàng, thiếu phương tiện vận tải, khi có phương tiện vận tải, thiếu hàng, tránh được khẩn trương dồn dập, hoặc có lúc nhàn rỗi, các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước có hàng phải có kế hoạch vận chuyển gửi trước cho cơ quan vận tải Nhà nước tuần tự như sau:

- Trước 1 tháng ký kết hợp đồng nguyên tắc, phải gửi dự kiến kế hoạch vận chuyển hàng hóa một năm.

- Trước 20 ngày ký kết hợp đồng cụ thể một quý, phải gửi bản kế hoạch vận chuyển quý. Nếu gửi kế hoạch chậm, số hàng vận chuyển tháng này, sẽ bố trí lùi lại tháng sau.

- Trước 10 ngày ký kết hợp đồng cụ thể một tháng, phải gửi bản kế hoạch vận chuyển tháng. Nếu gửi kế hoạch chậm, số hàng vận chuyển tháng này, sẽ bố trí lùi lại tháng sau.

- Vì tính chất hàng nhập khẩu về không đều đặn, khi thì về dồn dập, khi thì rỗi rãi, vì vậy cơ quan ngoại thương có trách người nhiệm báo trước cho cơ quan vận tải Nhà nước và cơ quan đặt hàng trong nước biết từ 29 ngày đến một tháng, trước khi hàng nhập khẩu về đến Bằng-tường hoặc Cảng Hải phòng; ngoài ra, cơ quan ngoại thương phải có dự kiến kế hoạch hàng nhập khẩu về từng quý, gửi trước cho cơ quan vận tải Nhà nước và cơ quan đặt hàng trong nước để có kế hoạch vận chuyển.

Điều 5. – Sau khi cơ quan vận tải Nhà nước đã nhận được các bản kế hoạch vận chuyển hàng hóa của xí nghiệp, cơ quan có hàng, hai bên phải tiến hành ký kết các loại hợp đồng vận tải chậm nhất là trong 5 ngày, trước ngày thực hiện kế hoạch vận chuyển hàng hóa.

Đối với những khối lượng hàng hóa không nằm trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, chỉ tiêu kế hoạch Bộ và chỉ tiêu kế hoạch tỉnh, thì cơ quan vận tải Nhà nước có quyền từ chối ký kết hợp đồng vận tải. Trường hợp hàng hóa cần vận chuyển, nhưng không ghi trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hoặc hàng hóa trong kế hoạch đột xuất, phải có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hoặc Bộ trưởng Bộ Giao thông nếu luồng hàng do trung ương chịu trách nhiệm, Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh nếu luồng hàng do địa phương chịu trách nhiệm, thì cơ quan vận tải Nhà nước mới nhận vận chuyển. Nếu vì vận chuyển hàng hóa ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, hoặc hàng hóa đột xuất này có ảnh hưởng đến hợp đồng vận tải đã ký kết với các xí nghiệp, cơ quan khác, thì bên xí nghiệp cơ quan có hàng đột xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường những phí tổn do việc ảnh hưởng các hợp đồng vận tải khác gây ra.

Hàng hóa trong kế hoạch vận chuyển và hai bên đã ký kết hợp đồng vận tải, nhưng vì sản xuất tăng, được mùa, thu mùa tăng, do đó khối lượng hàng vận chuyển có trội hơn, thì cơ quan có hàng trội phải thấy trước tình hình và thương lượng trước với cơ quan vận tải Nhà nước ít nhất là một tháng để cơ quan vận tải Nhà nước có thể bố trí kế hoạch vận chuyển số hàng trội đó cho xí nghiệp cơ quan có hàng.

Điều 6. – Khi cơ quan ngoại thương báo ngày, tháng hàng hóa nhập khẩu về tới Bằng-tường cho cơ quan vận tải Nhà nước, và cơ quan đặt hàng trong nước, và cơ quan ngoại thương chịu trách nhiệm ký kết ngay với cơ quan vận tải Nhà nước, những hợp đồng vận tải hàng hóa đó về đến địa điểm giao cho cơ quan đặt hàng trong nước. Địa điểm giao nhận hàng hóa giữa cơ quan ngoại thương và cơ quan đặt hàng trong nước, do hai bên thương lượng trước. Riêng về hàng hóa nhập khẩu về đến Cảng Hải phòng thì do cơ quan đặt hàng trong nước, có trách nhiệm ký kết hợp đồng vận tải hàng hóa đó với cơ quan vận tải Nhà nước.

Điều 7. - Nội dung hợp đồng vận tải phải ghi đầy đủ những điểm cần thiết sau đây:

Tên hàng hóa, loại hàng, số lượng hàng, trọng lượng hàng, luồng hàng, tỷ lệ hao hụt, giá cước vận tải, quy cách đóng gói, thể thức giao nhận, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành, nơi đến, trách nhiệm bốc xếp hàng lên phương tiện vận tải, dỡ hàng xuống, nguyên tắc thanh toán và các điều khoản bồi thường v.v… Đồng thời, phải ghi những điều cơ bản cần thiết đã quy định trong các thể lệ vận chuyển hàng hóa đã quy định, nhằm định rõ trách nhiệm của mỗi bên cố gắng thực hiện đúng những điều quy định trong hợp đồng vận tải.

Điều 8. - Khối lượng hàng hóa ký kết trong hợp đồng nguyên tắc là khối lượng mà Nhà nước đã phân bổ cho bên cơ quan vận tải và bên cơ quan có hàng. Khi ký kết hợp đồng nguyên tắc cần phân chia khối lượng cụ thể cho từng quý.

Hai bên ký kết hợp đồng nguyên tắc phải ghi những điểm cần thiết ở điều 7, để làm cơ sở cho các xí nghiệp, cơ quan trực thuộc của hai bên ký kết hợp đồng cụ thể.

Điều 9. – Hợp đồng cụ thể phải ghi cụ thể những điều đã quy định trong hợp đồng nguyên tắc. Khối lượng hàng hóa ký kết trong hợp đồng cụ thể quý là khối lượng hàng có ghi trong khối lượng đã ký kết ở hợp đồng nguyên tắc, hoặc khối lượng hàng đã có ghi trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, chỉ tiêu kế hoạch Bộ, chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh, hoặc chỉ tiêu kế hoạch cụ thể của xí nghiệp quốc doanh.

Khối lượng hàng hóa ký kết trong hợp đồng cụ thể tháng phải phù hợp với kế hoạch quý, khối lượng hàng vận chuyển trong tháng cần phân bổ điều hòa cho từng 10 ngày được hai bên thỏa thuận.

Điều 10. – Hợp đồng cụ thể ghi rõ quy cách đóng gói, quy cách xếp dỡ hàng hóa, hàng để rời hay đóng gói. Nếu hàng nào đóng gói được thì phải đóng gói (đóng vào bao, vào thùng, đóng thành hòm, thành kiện, có niêm phong cặp chì, nếu là hàng hóa cần chú ý xếp dỡ trong khi vận chuyển phải có dấu hiệu riêng viết rõ vào bao bì) và phải ghi rõ mã ký hiệu vào bao bì.

Nếu hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt thì quy cách đóng gói sẽ tạm thời căn cứ vào điều 23, 24 trong thể lệ chuyên chở hàng hóa của đường sắt.

Những hàng hóa để rời, kỵ ướt, xếp đóng lên xe ô tô, lên tàu thủy, lên thuyền thì cơ quan có hàng có trách nhiệm chèn, lót hàng, cơ quan vận tải Nhà nước chịu trách nhiệm che đậy, ràng buộc hàng hóa. Nếu hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt thì khi dùng xe có thành hay xe bằng để chở hàng, đường sắt phải cung cấp bạt để che hàng. Nếu đường sắt không có bạt, bạt do cơ quan có hàng đem đến thì tiền cước phí được trừ 2%. Cơ quan có hàng phải lo liệu lấy các vật liệu, dụng cụ để bảo vệ hàng và chịu trách nhiệm chèn lót, che đậy, ràng buộc hàng hóa. Sau khi nhân viên đường sắt kiểm tra kỹ thuật chèn lót, che đậy, ràng buộc và thừa nhận đúng kỹ thuật, kể từ khi đó cho đến khi giao hàng, bên đường sắt phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc hư hỏng số hàng hóa đó.

Những loại hàng hóa đặc biệt cần phải phòng hộ, có tỷ lệ hao hụt, hoặc có người đi áp tải cũng phải ghi rõ trong hợp đồng. Người áp tải hàng hóa do bên cơ quan có hàng có trách nhiệm bố trí.

Điều 11. – Việc xếp dỡ hàng lên hoặc xuống phương tiện vận tải quy định như sau:

Việc xếp dỡ hàng hóa lên xe, xuống xe của ngành đường sắt, căn cứ theo đúng những điều quy định về trách nhiệm xếp dỡ, thời gian xếp dỡ, kỹ thuật quy cách xếp dỡ các loại hàng vượt kích thước giới hạn toa xe tạm thời theo quy định ở điều 26 đến 35 trong thể lệ chuyên chở hàng hóa của đường sắt.

Nếu xếp dỡ hàng tại các xí nghiệp, các công trường, nông trường, tại các kho của cơ quan có hàng, tại các ga chưa có công nhân thường trực thì trách nhiệm xếp dỡ hàng hóa thuộc bên cơ quan có hàng. Tại các ga có công nhân thường trực, tại các nơi công cộng thì trách nhiệm xếp dỡ thuộc bên cơ quan vận tải.

Thời gian xếp dỡ hàng hóa lên hoặc xuống phương tiện vận tải: Nếu hàng chuyên chở bằng ô tô và thuyền từ 10 phút đến 20 phút mỗi xe đối với hàng thông thường; còn đối với hàng dễ xếp, dễ dỡ, hoặc khó dỡ, khó xếp, hàng nặng và ở những bến tàu, bến thuyền, bến xe chưa tổ chức công nhân bốc dỡ thường xuyên sẽ có quy định riêng; đối với sà lan, việc bốc dỡ từ 40 đến 50 tấn một giờ.

Việc giao nhận, thủ tục giấy tờ, việc xếp dỡ hàng hóa nguyên tắc là phải khẩn trương theo tinh thần Chỉ thị số 338-TTg ngày 14-09-1959 của Thủ tướng Chính phủ và xếp dỡ phải tiến hành cả đêm, trưa, ngày lễ, ngày chủ nhật.

Điều 12. – Cơ quan vận tải Nhà nước phải cung cấp phương tiện vận tải kịp thời và chính xác. Nếu bên công nghiệp vận tải Nhà nước không đủ loại xe, tầu, thuyền như đã ký kết trong hợp đồng vận tải thì phải báo trước cho bên cơ quan có hàng ít nhất là hai ngày và phải cung cấp các loại xe, tầu, thuyền khác cho bên cơ quan có hàng theo đúng ngày giờ đã xác báo.

Đối với đường sắt thì tùy theo tính chất của hàng hóa mà cấp loại xe thích hợp để đảm bảo hàng không bị hư hỏng, mất mát trong khi vận chuyển.

Việc cấp xe, tầu, thuyền và giao hàng để vận chuyển, hai bên điều phải bảo đảm kế hoạch vận chuyển và hợp đồng quý, tháng. Trong quá tình thực hiện hợp đồng, sẽ tùy theo tình hình cụ thể hai bên có thể thương lượng thỏa thuận giao hàng hóa hoặc giao phương tiện vận tải tăng hay giảm so với kế hoạch phân bổ quý, tháng hoặc 10 ngày, nhưng không quá 10% khối lượng hàng hóa đã ký kết trong hợp đồng. Những công việc giao hàng hóa, giao phương tiện vận tải chênh lệch ấy không được làm ảnh hưởng đến khối lượng hàng hóa với thời gian vận chuyển đã ký kết trong hợp đồng vận tải.

Điều 13. –Việc báo tin giao nhận hàng phải ghi rõ vào hợp đồng và quy định như sau:

- Đối với đường sắt phải báo trước cho bên cơ quan có hàng, giờ chính xác xe đến địa điểm xếp dỡ, chậm nhất là 3 giờ trước khi xe đến địa điểm.

- Đối với tầu thủy, thuyền, ô tô khi đến địa điểm giao nhận hàng thì sau nửa giờ đối với ô tô, sau một giờ đối với sà lan, thuyền, bên cơ quan có hàng phải tiến hành bốc dỡ.

Điều 14. – Các xí nghiệp, cơ quan có hàng phải báo cho cơ quan vận tải Nhà nước biết chính xác tên và địa chỉ người giao và nhận hàng. Trường hợp không tìm được người giao nhận hàng, nếu đường sắt tạm thời áp dụng điều 36 và 37 trong thể lệ chuyên chở hàng hóa của đường sắt, nếu tầu, ô tô, thuyền, thì báo cho cơ quan chính quyền địa phương để yêu cầu giải quyết, trường hợp này bên cơ quan có hàng phải chịu mọi trách nhiệm và mọi phí tổn.

Điều 15. – Việc giao nhận hàng hóa phải căn cứ vào giấy vận chuyền của cơ quan vận tải và dựa trên nguyên tắc lấy trọng lượng (tấn, tạ) làm cơ sở và nếu nhận bằng thùng trả bằng thùng, nhận bằng kiện trả bằng kiện, nhận bằng số lượng trả số lượng, nhận bằng trọng lượng trả trọng lượng, nhận hàng rời trả hàng rời. Những hàng hóa đóng trong bao bì có niêm phong, cặp chì, khi giao nhận phải trọn vẹn bao bì tốt, niêm phong, cặp xi tốt. Khi giao nhận nếu cần thiết thì hai bên đo, cân.

Nếu hàng thuộc loại cát, sỏi, đá vận chuyển bằng thuyền thì giao nhận theo mớn thuyền.

III. THANH TOÁN CƯỚC PHÍ, TẠP CHÍ

Điều 16. – Trong hợp đồng vận tải phải ghi rõ tiền cước phí, tạp phí, trả theo thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng Nhà nước, ban hành theo Nghị định số 04-CP ngày 07 tháng 03 năm 1960.

Thanh toán tiền cước phí, tạp chí vận tải theo nguyên tắc cơ quan nào ký hợp đồng vận tải cơ quan đó phải thanh toán và thanh toán căn cứ giấy vận chuyển của cơ quan vận tải Nhà nước. Tiền cước phí, tạp chí bên cơ quan có hàng phải trả như sau:

- Trả ngay trước, từng chuyến khi hàng đã xếp lên xe, tàu, tuyền.

- Có thể trả ngay sau khi nhận hàng.

- Hoặc cứ 10 ngày trả một lần.

IV. BỒI THƯỜNG

Điều 17. – Hai bên đã ký kết hợp đồng, nếu một trong hai bên không thực hiện đúng những điều đã ký kết trong hợp đồng, thì phải chịu bồi thường cho bên bị thiệt hại.

- Không hoàn thành kế hoạch : nếu cơ quan vận tải Nhà nước không thực hiện đúng nhiệm vụ cung cấp phương tiện vận tải cho bên cơ quan có hàng, hoặc bên cơ quan có hàng không đủ khối lượng hàng như đã ký kết trong hợp đồng cụ thể, thì bên việc phạm hợp đồng phải bồi thường cho bên bị thiệt hại 0đ25 một tấn hàng hay 5đ00 một xe (xe 4 trục) sau khi tổng hợp kế hoạch vận chuyển tháng hoặc quý.

Nếu bên cơ quan vận tải Nhà nước, hoặc bên cơ quan chủ hàng không thực hiện đúng ngày giờ xác báo hay không xếp dỡ kịp gây tình trạng đọng xe, đọng tầu, đọng hàng, thì bên nào vi phạm hợp đồng vận tải phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Việc bồi thường tạm thời dựa vào biểu phạt theo điều 88 thể lệ chuyên chở hàng hóa của đường sắt, cụ thể là:

Cơ quan vận tải đường sắt, nếu đưa xe đến địa điểm chậm quá 30 phút đầu so với giờ xác báo thì đường sắt phải bồi thường cho bên cơ quan có hàng một xe 4 trục là 1 đồng. Nếu không có xe hoặc thiếu xe như đã xác báo thì cứ mỗi xe thiếu, đường sắt phải bồi thường cho bên cơ quan có hàng mỗi xe 4 trục là 2 đồng. Trong phạm vi thời gian này, không báo lại kịp gây ứ đọng hàng, thì tạm thời áp dụng biểu phạt theo điều 88 thể lệ vận chuyển hàng hóa của đường sắt.

Nếu bên cơ quan có hàng thiếu hàng gây ứ đọng xe của đường sắt thì tạm thời áp dụng biểu phạt theo điều 88 trong thể lệ vận chuyển hàng hóa của đường sắt. Trường hợp nếu bên cơ quan có hàng xin hủy bỏ xe thì tạm thời áp dụng điều 47 và 48 trong thể lệ vận chuyển hàng hóa của đường sắt.

Cơ quan vận tải đường thủy và ô tô, nếu không cung cấp phương tiện vận tải đúng giờ đã xác báo hoặc bên cơ quan có hàng không bảo đảm thời gian xếp dỡ đã quy định trong thể lệ này gây tình trạng đọng xe, đọng tàu thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại : ô tô 0đ56 một tấn/giờ, xà lan 0đ12 một tấn/giờ.

- Làm mất mát, hư hại hàng hóa, hư hại phương tiện vận tải: Nếu cơ quan vận tải Nhà nước gây nên việc hư hại mất mát hàng hóa, thì phải bồi thường cho bên cơ quan có hàng:

Đối với đường sắt tạm thời theo quy định ở điều 63, 65 trong thể lệ chuyên chở hàng hóa của đường sắt.

Đối với ô tô và thuyền, trường hợp hàng hóa bị hư hỏng, hoặc mất mát không có lý do chính đáng thì phải bồi thường cho cơ quan có hàng theo giá thị trường nơi hàng đến.

Nếu bên cơ quan có hàng, vì khai không đúng trọng lượng, tính chất hàng hóa gây thiệt hại, hư hỏng phương tiện, phải bồi thường cho cơ quan vận tải Nhà nước tất cả những phí tổn trong sự thiệt hại.

Sau khi đã xác nhận trách nhiệm, bên phải bồi thường phải thanh toán trong 15 ngày.

Nếu trách nhiệm không định được cho một bên, thì việc bồi thường sẽ theo quyết định của Hội đồng trọng tài.

- Trường hợp được miễn bồi thường cho cả hai bên:

Vì thiên tai, vì những biến cố bất khả kháng làm hư hỏng hàng hóa, lỡ kế hoạch cung cấp tàu xe, thiếu hoặc không có hàng hóa để vận chuyển, thì đều được miễn bồi thường.

MẪU

HỢP ĐỒNG VẬN TẢI (HỢP ĐỒNG NGUYÊN TẮC)

Căn cứ Nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 004-TTg ngày 04-01-1960 ban hành điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 90-TTg ngày 06-04-1960 ban hành thể lệ tạm thời về hợp đồng vận tải hàng hóa;
Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch vận tải năm 1960;

Một bên là ông ………………… chức vụ ………………. (ghi rõ Bộ trưởng hay Thứ trưởng, Tổng cục trưởng hay Tổng Cục phó) đại diện cho cơ quan…………...

Một bên là ông …………………. chức vụ ………………... (ghi như trên) đại diện cho cơ quan ………………...

............................................................................................................................................

Cùng nhau thỏa thuận ký kết bản hợp đồng nguyên tắc này về vận chuyển hàng hóa bằng ………………. (ô tô, đường thủy, hay đường sắt) ………………… với những điều kiện sau đây để làm ơ sở cho các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan trực thuộc của hai bên ký kết các hợp đồng cụ thể và trao đổi các kế hoạch vận chuyển để thực hiện kế hoạch Nhà nước đã giao cho hai bên.

Điều 1. - Khối lượng vận chuyển

Số thứ tự

TÊN HÀNG

Luồng đường

Trọng lượng bình quân

Tổng trọng lượng

Nơi đi

Luồng đi

Quý I

Quý II

Quý III

Quý IV

Điều 2.- Thời gian vận chuyển: hai bên cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch vận chuyển khối lượng và trọng lượng hàng hóa đạ ký kết trong hợp đồng này trong một thời hạn là : ……………………………………………

Cơ quan vận tải sẽ cung cấp đủ phương tiện vận tải ……………………………….

Cơ quan có hàng sẽ cung cấp đủ khối lượng và trọng lượng hàng hóa như đã ghi ở điều 1.

Điều 3. – Trách nhiệm - để thực hiện hợp đồng này, hai bên sẽ thi hành đúng tất cả các điều đã quy định trong Thông tư ……. Ngày ……… của Thủ tướng Chính phủ, cam kết có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi và đôn đốc, hướng dẫn các cấp trực thuộc của mình ký kết các hợp đồng cụ thể để đảm bảo hoàn thành tốt hợp đồng này.

Điều 4. – Hợp đồng này làm thành 6 bản chính:

- 1 bản gửi Hội đồng trọng tài trung ương.

- 2 bản gửi Hội đồng trọng tài Bộ ……… và Bộ ………

- 1 bản gửi Ngân hàng trung ương.

- 1 bản cơ quan có hàng giữ.

- 1 bản cơ quan vận chuyển giữ

Làm tại …………, ngày ……… tháng ………… năm 196 ……

Đại diện cơ quan thuê chở hàng
(Người đại diện hợp pháp ký tên đóng dấu)

Đại diện cơ quan vận tải hàng
(Người đại diện hợp pháp ký tên đóng dấu)

MẪU

HỢP ĐỒNG CỤ THỂ VỀ VẬN TẢI BẰNG ĐƯỜNG THỦY, ĐƯỜNG BỘ

Để thực hiện hợp đồng nguyên tắc,

Một bên là ông ………………. chức vụ (ghi rõ Giám đốc, Phó Giám đốc, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm …………………..); đại diện xí nghiệp vận tải.

Một bên là ông ……………….. chức vụ (ghi rõ như trên); đại diện cho cơ quan…………. (nếu đại diện hai bên là người được ủy nhiệm thì ghi rõ cả số ngày …………… của giấy tờ ủy nhiệm, do ai ký giấy ủy nhiệm và đính giấy ủy nhiệm theo hợp đồng);

Hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng vận tải hàng hóa cụ thể này với những điều kiện sau đây:

Điều 1. - Khối lượng vận chuyển:

Số thứ tự

TÊN HÀNG

Luồng đường

NGƯỜI GỬI

NGƯỜI NHẬN

Số lượng bình quân

Nơi đi

Nơi đến

Hàng ngày

10 ngày

Trong tháng

Tấn

Xe

Tấn

Xe

Tấn

Xe

Điều 2. – Quy cách, tính chất hàng hóa:

a) ………………………………

1. Tính chất hàng hóa: b) ………………………………

c) ………………………………

a) ………………………………

2. Quy cách kích thước: b) ………………………………

c) ………………………………

3. Cách xếp, chở, ràng buộc cần thiết:

a) ………………………………

4. Cách phòng hộ dọc đường: b) ………………………………

c) ………………………………

5. Các điều kiện khác (Hải quan, Công an, Y tế v.v...)

Điều 3. - Địa điểm giao nhận:

- Địa điểm giao hàng (ghi rõ tên bến, tên kho, ở khu vực, đường phố, số nhà).

- Địa điểm trả hàng (ghi như trên, nếu trả hàng ở nhiều nơi trên cùng một luồng đường thì phải ghi rõ địa điểm từng nơi).

Điều 4. – Cách giao nhận:

- Hai bên quy định cách giao nhận như sau: giao nhận theo số lượng (thúng, hòm, bao gói, chiếc, mét) hay theo trọng lượng (tấn, tạ) hoặc vừa số lượng vừa trọng lượng.

- Giao nhận ở trong kho, ngoài bãi, trên cầu tàu hay trên cần trục…

- Giao nhận sẽ căn cứ vào giấy gửi hàng, khi trả hàng người nhận hàng phải ký vào giấy gửi hàng.

- Khi giao hàng, nhận hàng nếu gặp trường hợp hàng hư hỏng, thiếu mất, không đúng quy cách, phẩm chất thì hai bên tiến hành lập biên bản kiểm nghiệm hàng và ghi rõ cách giải quyết.

Điều 5. - Bốc dỡ:

Việc bốc dỡ áp dụng theo điều 11 của thể lệ tạm thời về hợp đồng vận tải hàng hóa ban hành theo Thông tư số 90-TTg ngày 06 tháng 04 năm 1960.

Điều 6. - Tỷ lệ hao hụt …………………………………………….

Điều 7. - Cước phí vận chuyển: ……………………………………………………

- Tổng số giá cước vận tải phải trả:…………………………………………………

Ngoài giá cước chính trên đây, cơ quan thuê chở còn phải trả các khoản phụ phí sau đây:

Huy động phí:……………………………………………………………………….

Chênh lệch xăng ……………….. theo khu vực ……………………………………

Lệ phí qua phà, qua cầu cống: ……………………………………………………...

- Tổng số giá cước và các khoản phụ phí là: ……….(ghi rõ chữ số và cả chữ viết).

- Thanh toán vào nguồn vốn nào? Tài khoản số ……………… tại Ngân hàng ……

Thể thức thanh toán áp dụng theo điều 16 của thể lệ tạm thời về hợp đồng vận tải hàng hóa ban hành theo Thông tư số 90-TTg ngày 06 tháng 04 năm 1960.

Điều 8. - Bồi thường: nếu bên nào không áp dụng đúng những điều đã ký kết trong hợp đồng này có trách nhiệm bồi thường cho bên kia theo quy định trong điều 17 của thể lệ tạm thời về hợp đồng vận tải ban hành theo Thông tư số 90-TTg ngày 06 tháng 04 năm 1960.

Điều 9. – Các điều khoản khác: Ngoài các điều trên, tùy đặc điểm của từng loại hợp đồng mà 2 bên bổ sung thêm những điều cần thiết cho thích hợp.

Điều 10. – Trách nhiệm thực hiện hợp đồng: để đảm bảo hoàn thành tốt hợp đồng 2 bên cần họp với nhau để sơ kết, tổng kết kiểm điểm việc thực hiện hợp đồng, giúp đỡ xây dựng cho nhau. Họp sơ kết vào ngày ………………… Họp tổng kết vào ngày ……………….

Hai bên cam kết thực hiện đúng các điều đã ký kết trong hợp đồng này, nếu bên nào không áp dụng đúng sẽ chiếu theo những nguyên tắc đã quy định trong các Thông tư, điều lệ của Thủ tướng phủ mà thi hành.

Hợp đồng này làm thành 7 bản chính:

- 2 bản cho cơ quan thuê chở hàng

- 2 bản cho cơ quan vận tải hàng.

- 1 bản gửi Hội đồng trọng tài trung ương.

- 1 bản gửi Hội đồng trọng tài tương đương.

- 1 bản gửi Ngân hàng Nhà nước.

Làm tại……………. ngày ……….. tháng ………….. năm 1960

Đại diện cơ quan thuê chở hàng
(Người đại diện hợp pháp ký tên đóng dấu)

Đại diện cơ quan vận tải hàng
(Người đại diện hợp pháp ký tên đóng dấu)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 090-TTg năm 1960 ban hành thể lệ tạm thời về hợp đồng vận tải hàng hóa do Phủ Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 090-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/04/1960
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 21/04/1960
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản