Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-TC/TCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 1995

THÔNG TƯ

BỘ TÀI CHÍNH SỐ 09 TC/TCT NGÀY 24/1/1995 HƯỚNG DẪN XỬ LÝ NỢ ĐỌNG THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU VÀ PHẠT CHẬM NỘP THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ tại Công văn số 3934/ KTTH ngày 18/7/1994, số 6412 / KTTH ngày 16/11/1994 của Chính Phủ về việc xử lý nợ đọng thuế xuất nhập khẩu; Để chấp hành nghiêm Luật thuế, đồng thời để tạo điều kiện hỗ chợ các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu giải quyết dứt điểm số nợ đọng thuế xuất nhập khẩu; Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc xử lý nợ đọng thuế xuất nhập khẩu và phạt chậm nộp thuế xuất nhập khẩu như sau:

I. XỬ LÝ NỢ ĐỌNG THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU:

1/ Đối với các đơn vị có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan hàng hoá xuất nhập khẩu với cơ quan Hải quan trước ngày 1/4/1992, nhưng đến nay còn nợ tiền thuấ xuất nhập khẩu được xử lý cụ thể như sau:

a/ Đối với những đơn vị đã có quyết định giải thể nhưng còn nợ thuế xuất nhập khẩu, thì Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh, Thành phố hoặc Bộ chủ quản chỉ đạo Ban thanh lý giải thể của các đơn vị hoặc Ban thanh toán công nợ (đối với những đơn vị đã có quyết định giải thể trước đây) thực hiện việc thanh toán các khoản công nợ của đơn vị bị giải thể theo đúng thứ tự ưu tiên quy định tại Điểm 3, Mục II Thông tư số 54 TC/CN ngày 13/11/1990 của Bộ Tài Chính hướng dẫn xử lý tài chính khi giải thể Xí nghiệp quốc doanh.

Trường hợp nguồn vốn thanh lý giải thể không đủ trả nợ thuế xuất nhập khẩu thì Cục Hải quan Địa phương kết hợp với Ban thanh lý, Sở tài chính Vật giá báo cáo với UBND Tỉnh, thành phố (hoặc Bộ chủ quản) Bộ Tài Chính và Tổng Cục Hải quan xem xét xoá nợ cho đơn vị.

b/ Đối với các đơn vị đang còn hoạt động (kể cả các đơn vị giải thể sát nhập vào đơn vị khác, đơn vị tách thành nhiều đơn vị khác) nhưng còn nợ thuế xuất nhập khẩu của các lô hàng có tờ khai hải quan đăng ký trước ngày 1/4/1992 thì được xử lý như sau:

b.1/ Đối với những đơn vị có số nợ thuế dưới 1.000 triệu đồng mà khó khăn chưa nộp ngay một lúc toàn bộ số nợ thuế vào Ngân sách thì được phép đăng ký thời gian trả nợ thuế cũ. Song mức thấp nhất mỗi tháng phải nộp là 150 triệu đồng cho đến khi trả xong nợ thuế.

b.2/ Đối với những đơn vị có số nợ thuế từ 1000 triệu đồng trở lên mà có khó khăn chưa nộp ngay một lúc toàn bộ số nợ thuế vào Ngân sách thì được cam kết đăng ký kế hoạch nộp hết số nợ đọng thuế, nhưng thời hạn chậm nhất đến hết ngày 15/11/1995 phải nộp xong toàn bộ số thuế còn nợ vào Ngân sách.

Việc đăng ký cam kết kế hoạch nộp nợ thuế xuất nhập khẩu phát sinh trước ngày 1/4/1992 phải được tiến hành đồng thời trong cả nước theo hướng dẫn và mẫu thống nhất do Tổng Cục Hải quan quy định. Mọi trường hợp vi phạm cam kết kế hoạch nộp thuế hay đăng ký kế hoạch nộp thuế không đúng quy định đều phải xử lý cưỡng chế nghiêm minh theo đúng Luật định.

c/ Đối với những đơn vị có nhận uỷ thác xuất, nhập khẩu hàng hoá cho các đơn vị khác còn nợ thuế phát sinh trước ngày 1/4/1992, cơ quan Hải quan cần phân biệt:

- Số nợ thuế xuất, nhập khẩu còn phải nộp của các lô hàng nhận uỷ thác xuất nhập khẩu cho các đơn vị khác (có bản đối chiếu xác nhận nợ giữa các đơn vị nhận uỷ thác XNK và đơn vị có hàng hoá đưa XNK uỷ thác).

- Số nợ thuế xuất nhập khẩu còn phải nộp của các lô hàng do đơn vị xuất nhập khẩu cho đơn vị mình;

Để trên cơ sở đó, cơ quan Hải quan theo dõi, đôn đốc thu nợ đọng thuế.

c.1/ Trường hợp đơn vị còn nợ thuế của các lô hàng nhận uỷ thác XNK cho đơn vị khác, nếu có đủ các điều kiện sau đây thì được chuyển số nợ thuế sang đơn vị có hàng đưa uỷ thác XNK để cơ quan Hải quan theo dõi đôn đốc thu nợ thuế:

+ Đơn vị có hàng đưa uỷ thác XNK phải là đơn vị có chức năng kinh doanh XNK trực tiếp.

+ Đơn vị có hàng đưa uỷ thác XNK phải cam kết đăng ký kế hoạch nộp thuế nợ đọng theo quy định tại điểm b, mục 1, Phần 1 Thông tư này.

+ Được cơ quan Hải quan nơi đơn vị còn nợ thuế đồng ý cho chuyển nợ sang đơn vị có hàng đưa uỷ thác XNK.

Trong quá trình thực hiện, nếu đơn vị có hàng đưa uỷ thác XNK vi phạm kế hoạch nộp thuế đã cam kết thì sẽ bị xử lý cưỡng chế theo Luật định.

c.2/ Trường hợp đơn vị có hàng đưa uỷ thác xuất nhập khẩu còn nợ thuế thì đơn vị đưa uỷ thác cũng phải cam kết đăng ký kế hoạch nộp thuế nợ đọng theo quy định tại điểm b, mục 1, Phần I Thông tư này mới được cơ quan Hải quan cho làm thủ tục xuất nhập khẩu đối với các lô hàng đưa uỷ thác xuất nhập khẩu qua đơn vị khác.

Mọi vi phạm kế hoạch nộp thuế đã cam kết đều sẽ bị xử lý, cưỡng chế theo Luật định.

c.3/ Trường hợp đơn vị nhận uỷ thác còn nợ thuế của các lô hàng uỷ thác XNK do đơn vị đưa uỷ thác đã bị giải thể, đã có giấy xác nhận nợ với Ban thanh lý công nợ Trung ương thì được xem xét cho khoanh nợ đến khi Ban thanh toán công nợ giải quyết nợ cho đơn vị nhận uỷ thác.

d/ Trường hợp đơn vị được sát nhập với đơn vị khác đã giải thể nhưng còn nợ đọng thuế XNK, thì đơn vị tiếp nhận cũng phải đăng ký kế hoạch và nộp thuế theo quy định tại điểm b, mục I, Phần I của Thông tư này đối với số nợ đọng thuế của đơn vị đã giải thể.

2/ Đối với các đơn vị có tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan từ ngày 1/4/1992 trở về sau thì Hải quan Địa phương phải cương quyết yêu cầu các đơn vị nộp ngay toàn bộ số thuế XNK còn nợ đọng quá hạn và số tiền phạt chậm nộp thuế XNK phải nộp vào Ngân sách Nhà nước. Mọi trường hợp nộp thuế và nộp phạt chậm nộp thuế không đúng thời hạn quy định đều phải xử lý các biện pháp cưỡng chế theo Luật định.

Trường hợp đối với các đơn vị nhận uỷ thác XNK hoặc đi uỷ thác XNK còn nợ đọng thuế XNK và nợ phát chậm nộp thuế của các tờ khai Hải quan đăng ký từ ngày 1/4/1992 trở về sau thì được xử lý như sau:

a/ Trường hợp đơn vị còn nợ thuế và nợ phạt chậm nộp thuế XNK thuộc diện cưỡng chế theo Luật định nhận uỷ thác XNK cho đơn vị khác không còn nợ thuế và nợ phạt chậm nộp thuế thuộc diện cưỡng chế (có Hợp đồng uỷ thác XNK kèm theo) thì sẽ được cơ quan Hải quan cho phép làm thủ tục xuất nhập khẩu đối với các lô hàng nhận uỷ thác XNK đó với điều kiện đơn vị phải nộp ngay toàn bộ số thuế XNK phải nộp cho lô hàng đó trước khi làm thủ tục nhận hàng.

b/ Trường hợp đơn vị nhận uỷ thác XNK không có nợ quá hạn và nợ phạt thuộc diện cưỡng chế nhưng lại nhận uỷ thác XNK cho các đơn vị khác có nợ thuế và nợ phạt chậm nộp thuế XNK thuộc diện phải cưỡng chế thu theo Luật định, thì cơ quan Hải quan cũng thực hiện biện pháp cưỡng chế XNK lô hàng uỷ thác đó.

II/ XỬ LÝ PHẠT CHẬM NỘP THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Việc xử lý phạt chậm nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thực hiện theo tinh thần Thông tư số 52 TC/TCT ngày 15/6/1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tiền phạt chậm nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét miễn phạt chậm nộp thuế đối với các lô hàng xuất nhập khẩu từ 1/4/1992 đến 1/9/1993 nếu đã nộp xong thuế nợ đọng mà đơn vị vẫn bị khó khăn do nguyên nhân khách quan, cụ thể như sau:

1/ Các trường hợp có khó khăn do nguyên nhân khách quan được xét miễn phạt chậm nộp thuế:

- Các trường hợp được giải quyết cấp lại tiền thuế xuất nhập khẩu đã nộp (dưới dạng Ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị )

- Đơn vị được thành lập (từ sát nhập hoặc giải thể các đơn vị cũ) có số nợ phạt phát sinh từ các lô hàng XNK của đơn vị cũ đã giải thể. (Có quyết định thành lập và biên bản thanh lý giải thể, bàn giao kèm theo).

- Các đơn vị được thành lập từ việc tách một đơn vị thành nhiều đơn vị khác.

- Các đơn vị có khó khăn do bị thiên tai bão lụt, hoả hoạn gây thiệt hại hàng hoá, tài sản của đơn vị.

- Số nợ phạt chậm nộp thuế phát sinh của những lô hàng nhận uỷ thác XNK mà đơn vị có hàng đưa uỷ thác đã bị phá sản, giải thể với điều kiện : Đơn vị đi uỷ thác không trả đúng thời hạn số tiền thuế phải nộp dẫn đến bị phạt chậm nộp thuế, nhưng chưa trả tiền phạt chậm nộp thuế cho đơn vị nhận uỷ thác để nộp Ngân sách.

2/ Thủ tục xét miễn phạt chậm nộp thuế :

- Công văn đề nghị xét miễn phạt chậm nộp thuế của đơn vị, có kiểm tra xác nhận của Cục thuế Địa phương và đề nghị của UBND Tỉnh, thành phố hoặc Bộ chủ quản.

- Bản đối chiếu nợ phạt chậm nộp thuế giữa đơn vị với cơ quan Hải quan nơi đơn vị còn nợ phạt chậm nộp thuế (có xác nhận đã nộp xong tiền thuế nợ đọng).

3/ Đối với các trường hợp thuộc diện được xét miễn phạt chậm nộp thuế xuất nhập khẩu, nhưng đơn vị đã nộp một phần hoặc toàn bộ số tiền phạt chậm nộp thuế vào Ngân sách đều được giải quyết hoàn trả bằng cách khấu trừ vào số tiền thuế phải nộp hoặc tiền phạt chậm nộp kỳ sau của đơn vị.

Bộ Tài chính xem xét giải quyết miễn phạt chậm nộp thuế cho từng trường hợp cụ thể.

Tổng Cục Hải quan chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể để Cục hải quan các Tỉnh, Thành phố triển khai thực hiện thống nhất, thông báo kịp thời cho các đơn vị xuất nhập khẩu còn nợ tiền thuế, nợ tiền phạt tiến hành đăng ký và cam kết thực hiện đầy đủ những quy định ở Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lục kể từ ngày ký.

Vũ Mộng Giao

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 09-TC/TCT-1995 hướng dẫn xử lý nợ đọng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và phạt chậm nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 09-TC/TCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/01/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Mộng Giao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản