Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 08/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật lập bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1:25.000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương III

KỸ THUẬT THỂ HIỆN BẢN ĐỒ CHẤT LƯỢNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT TỶ LỆ 1: 25.000

Điều 9. Nguyên tắc thể hiện bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1: 25.000

Bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1: 25.000 phải thể hiện được nội dung các kết quả nghiên cứu đã được tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 25.000. Các nội dung, thông tin thể hiện trên bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1: 25.000 dựa theo các nguyên tắc sau:

1. Đơn vị chứa nước phân chia theo tầng chứa nước và các thành tạo không chứa nước, thể hiện bằng các thông tin: Tên tầng, tên thành tạo, diện phân bố, ranh giới phân bố.

2. Diện phân bố của nước có độ tổng khoáng hóa khác nhau thích hợp với các mục đích sử dụng khác nhau được thể hiện bằng màu.

3. Độ tổng khoáng hóa (M) của các tầng chứa nước tại vị trí có kết quả phân tích thể hiện tại điểm đại diện; ranh giới mặn của các tầng chứa nước bị phủ được thể hiện bằng đường đẳng giá trị M=1g/l.

4. Dấu hiệu ô nhiễm nước dưới đất do các chỉ tiêu vi lượng, hợp chất ni-tơ, vi sinh và hợp chất hữu cơ có giá trị vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 09:2008/BTNMT và QCVN 01:2009/BYT được thể hiện bằng dạng vùng và dạng điểm.

5. Thành phần hóa học: Các ion chính được thể hiện bằng ký hiệu hàm lượng chiếm ưu thế nhất của chúng tại từng điểm điều tra có lấy mẫu và công th ức Kurlov trên mặt cắt.

6. Các điểm khảo sát nước dưới đất như: Lỗ khoan, giếng đào, điểm lộ nước dưới đất thể hiện bằng các biểu tượng kèm theo số hiệu và ký hiệu tầng hoặc phức hệ chứa nước được khảo sát.

7. Các đứt gãy: Trên bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1:25.000 thể hiện các đứt gãy chứa nước, dự báo chứa nước và không xác định điều kiện chứa nước bằng dạng đường.

8. Các mặt cắt: Các mặt cắt được thành lập theo hướng đặc trưng như vuông góc với phương cấu trúc, theo chiều dòng chảy điển hình nước dưới đất. Số lượng tuyến mặt cắt được chọn lựa tùy theo từng vùng lập bản đồ cụ thể nhưng phải đảm bảo thể hiện đầy đủ thông tin của vùng lập bản đồ.

Điều 10. Hình thức bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1: 25.000

1. Tên bản đồ, khung, êtiket được thể hiện theo mẫu quy định ở Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

2. Trong trường hợp bản đồ gồm nhiều mảnh thì thể hiện sơ đồ ghép mảnh ở góc bên phải, phía dưới khung của bản đồ.

3. Chú giải của bản đồ thường được đặt ở bên phải khung bản đồ, các mặt cắt được đặt ở phía dưới khung bản đồ. Trong một số trường hợp, chú giải có thể được đặt trong khung bản đồ ở vị trí thích hợp hoặc bên dưới khung bản đồ.

4. Kích thước đối tượng thể hiện

Trên bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1: 25.000, các đối tượng thể hiện theo dạng vùng phải có bề rộng tối thiểu thực tế lớn hơn hoặc bằng 50m; các đối tượng thể hiện theo dạng đường phải có chiều dài thực tế lớn hơn hoặc bằng 250m.

Điều 11. Nội dung thể hiện bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1: 25.000

1. Tầng chứa nước và thành tạo không chứa nước:

a) Ranh giới các tầng chứa nước thứ nhất là đường liền màu tím nét 0,4mm

và ranh giới phân bố các tầng chứa nước bị phủ là đường đứt đoạn màu tím nét

0,7mm có hướng nét vạch chỉ về vùng phân bố kèm theo ký hiệu tầng chứa nước;

b) Các thành tạo không chứa nước thể hiện bằng vùng màu nâu.

2. Diện phân bố các vùng có độ tổng khoáng hóa khác nhau:

a) Thang giá trị độ tổng khoáng hóa M (g/l):

- Nước siêu nhạt: M <0,1;

- Nước nhạt: 0,1 £ M <1,0;

- Nước khoáng hóa cao: 1,0 £ M <1,5;

- Nước hơi lợ: 1,5 £ M <3,0;

- Nước lợ: 3,0 £ M < 10,0;

- Nước mặn: M ≥10,0.

b) Thể hiện giá trị độ tổng khoáng hóa: Đối với tầng chứa nước thứ nhất trên bản đồ và các tầng chứa nước trên mặt cắt, độ tổng khoáng hóa sẽ được thể hiện bằng màu theo thang phân chia:

- Vùng nước dưới đất có giá trị M đến nhỏ hơn 0,1g/l được thể hiện bằng màu vàng nhạt;

- Vùng nước dưới đất có giá trị M từ 0,1 g/l đến nhỏ hơn 1,0 g/l được thể hiện bằng màu vàng;

- Vùng nước dưới đất có giá trị M từ 1,0 g/l đến nhỏ hơn 1,5g/l được thể hiện bằng màu cam nhạt;

- Vùng nước dưới đất có giá trị M từ 1,5g/l đến nhỏ hơn 3,0 g/l được thể hiện bằng màu cam;

- Vùng nước dưới đất có giá trị M từ 3,0 g/l đến nhỏ hơn 10,0g/l được thể hiện bằng màu tím nhạt;

- Vùng nước dưới đất có giá trị M bằng hoặc lớn hơn 10,0 g/l được thể hiện bằng màu tím.

c) Ranh giới các vùng có độ tổng khoáng hóa khác nhau của tầng chứa nước thứ nhất được thể hiện bằng đường liền màu xanh lá cây nét 0,7mm.

3. Độ tổng khoáng hóa của các tầng chứa nước bị phủ

Độ tổng khoáng hóa của các tầng chứa nước bị phủ sẽ được thể hiện dưới hai dạng sau:

a) Ranh giới mặn M=1g/l màu cam đứt đoạn, nét 0,7mm kèm theo ký hiệu tầng chứa nước, có số nét vạch tương ứng với từng tầng chứa nước, hướng nét vạch quay về vùng có giá trị M lớn hơn 1g/l;

b) Khoảng giá trị M của các tầng chứa nước thể hiện bằng nét chải màu đỏ trong cột tại điểm đại diện.

4. Dấu hiệu ô nhiễm

Thể hiện các thành phần có hàm lượng vượt giá trị giới hạn của QCVN 09:2008/BTNMT và QCVN 01:2009/BYT.

a) Vùng nước dưới đất có dấu hiệu ô nhiễm bởi các yếu tố gây ô nhiễm:

- Các hợp chất Nitro: Thể hiện bằng dạng vùng có ký hiệu nền sọc ngang màu xanh biển, ranh giới nét 0,3mm cùng màu kèm theo ký hiệu tầng chứa nước;

- Các nguyên tố vi lượng: Thể hiện bằng dạng vùng có ký hiệu nền sọc đứng màu xanh lá cây, ranh giới nét 0,3mm cùng màu kèm theo ký hiệu tầng chứa nước;

- Các hợp chất hữu cơ (DDT và lindane): Thể hiện bằng dạng vùng có ký hiệu nền sọc xiên 45o màu tím, ranh giới nét 0,3mm cùng màu kèm theo ký hiệu tầng chứa nước;

- Vi sinh: Thể hiện bằng dạng vùng có ký hiệu nền chấm nhỏ màu xanh dương, ranh giới nét 0,3mm cùng màu kèm theo ký hiệu tầng chứa nước.

b) Điểm có dấu hiệu ô nhiễm nước dưới đất bởi các yếu tố gây ô nhiễm:

- Các hợp chất Nitro: Thể hiện bằng vòng tròn đường kính 3mm có tô màu xanh biển trong phần tư phía trên bên trái kèm theo ký hiệu các hợp chất đó và ký hiệu tầng chứa nước màu đỏ, được thể hiện dưới dạng phân số;

- Các nguyên tố vi lượng: Thể hiện bằng vòng tròn đường kính 3mm có tô màu xanh lá cây trong phần tư phía trên bên phải kèm theo ký hiệu các nguyên tố đó và ký hiệu tầng chứa nước màu đỏ, được thể hiện dưới dạng phân số;

- Các hợp chất hữu cơ (DDT và lindane): Thể hiện bằng vòng tròn đường kính 3mm có tô màu tím trong phần tư phía dưới bên phải kèm theo ký hiệu các hợp chất đó và ký hiệu tầng chứa nước màu đỏ, được thể hiện dưới dạng phân số;

- Vi sinh: Thể hiện bằng vòng tròn đường kính 3mm có tô màu xanh dương trong phần tư phía dưới bên trái kèm theo ký hiệu định danh vi sinh và ký hiệu tầng chứa nước màu đỏ, được thể hiện dưới dạng phân số;

- Ô nhiễm do hỗn hợp các yếu tố được thể hiện bằng vòng tròn đường kính 3mm có tô màu theo các yếu tố gây ô nhiễm tương ứng kèm theo ký hiệu các hợp chất đó và ký hiệu tầng chứa nước màu đỏ, được thể hiện dưới dạng phân số.

5. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học nước thể hiện tại điểm lỗ khoan, giếng đào, nguồn lộ bằng ký hiệu thể hiện hàm lượng ion chiếm ưu thế nhất của các nguyên tố đa lượng và công thức Kurlov trên mặt cắt.

6. Các điểm khảo sát nước dưới đất:

a) Lỗ khoan: Thể hiện bằng vòng tròn màu đen đường kính 3mm kèm theo các thông tin: số hiệu lỗ khoan, ký hiệu tầng chứa nước khảo sát, độ tổng khoáng hóa và thành phần hóa học;

b) Giếng đào: Thể hiện bằng hình vuông màu đen cạnh 3mm kèm theo các thông tin: Số hiệu lỗ khoan, ký hiệu tầng chứa nước khảo sát, độ tổng khoáng hóa và thành phần hóa học;

c) Nguồn lộ: Thể hiện bằng vòng tròn màu đen đường kính 3mm có mũi tên hướng lên trên đối với các điểm lộ chảy lên và hướng xuống dưới đối với các điểm lộ chảy xuống kèm theo các thông tin: Số hiệu nguồn lộ, ký hiệu tầng chứa nước khảo sát, độ tổng khoáng hóa và thành phần hóa học.

7. Các đứt gãy: Thể hiện bằng đường màu đỏ nét 0,7mm. Các đứt gãy chứa nước được thể hiện bằng đường liền nét có dấu nhân (×), các đứt gãy dự báo chứa nước được thể hiện bằng đường đứt đoạn có dấu chấm (.) và các đứt gãy không xác định điều kiện chứa nước được thể hiện bằng đường đứt đoạn.

8. Các mặt cắt: Trên các mặt cắt, thể hiện sự phân bố các tầng chứa nước và lớp cách nước; các vùng nước có độ tổng khoáng hóa khác nhau trong từng tầng chứa nước; thành phần hóa học và công thức Kurlov tại các lỗ khoan, ký hiệu các thông số gây ô nhiễm theo QCVN 09:2008/BTNMT và QCVN 01:2009/BYT.

9. Quy cách thể hiện nội dung và ký hiệu trên bản đồ và chú giải được quy định chi tiết tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

Thông tư 08/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật lập bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1:25.000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 08/2014/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/02/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thái Lai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 277 đến số 278
  • Ngày hiệu lực: 07/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra