Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/1998/TT-TCHQ | Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 1998 |
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Nghị định 16/CP ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Điều 7 Nghị định 54/1998/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
1- Khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, phải căn cứ vào Nghị định 16/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan (những Điều còn hiệu lực thi hành) và Nghị định 54/1998/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 16/CP (Sau đây gọi chung là Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan).
2- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý, hoặc vô ý xâm phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về hải quan mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.
3- Cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 1 được hiểu như sau:
a) Tổ chức gồm: Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Cá nhân gồm: Người Việt Nam và người nước ngoài, người không quốc tịch có đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài có hành vi vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về hải quan, đều phải chịu trách nhiệm hành chính về hải quan theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan (gọi tắt là Nghị định) và các Nghị định khác của Chính phủ có quy định thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết có quy định khác.
4- Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan bao gồm: Người vận chuyển, người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người kinh doanh kho ngoại quan, khi thực hiện vi phạm hành chính về hải quan; người mua bán, chứa chấp, vận chuyển hàng hoá, vật phẩm có nguồn gốc xuất nhập khẩu trái phép; người mua bán không đúng quy định hàng hoá thuộc đối tượng ưu đãi thuế quan; người có hành vi cản trở, xúc phạm nhân viên hải quan thi hành công vụ.
5- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Khi Quyết định xử phạt bằng tiền một người trong cùng thời điểm thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì được cộng lại thành mức phạt chung, nhưng phải ghi rõ mức phạt đối với từng hành vi. Nếu một trong các hành vi vi phạm trên không thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp mình thì chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật lên cấp có thẩm quyền xử phạt.
6- Đối với các vi phạm phức tạp, khó xác định là vi phạm hành chính hay hình sự thì người có thẩm quyền trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đồng thời gửi báo cáo Tổng cục Hải quan và chỉ ra quyết định xử phạt hành chính khi đã có ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân.
7- Hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu là tang vật vi phạm hành chính thuộc đối tượng chịu thuế thì ngoài việc phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc phải nộp đủ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các loại thuế khác và lệ phí hải quan theo quy định của pháp luật.
8- Những hành vi vi phạm hành chính về hải quan quy định tại Nghị định trùng với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại các Nghị định khác được ban hành sau, có xác định thẩm quyền xử phạt của Hải quan, thì xử phạt theo quy định tại văn bản được ban hành sau cùng.
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới có cùng giá trị pháp lý, quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với vi phạm hành chính về hải quan xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
9. a) Đối với những vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan thì cơ quan nào phát hiện, lập biên bản đầu tiên, cơ quan đó ra quyết định xử phạt;
b) Những hành vi gian lậu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Thông tư số 06/TTLN ngày 20 tháng 9 năm 1996 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án tối cao- Bộ Nội vụ, do cơ quan khác không có thẩm quyền xử phạt phát hiện được thì chuyển hồ sơ, tang vật để cơ quan Hải quan ra quyết định xử phạt theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
c) Đối với những vụ vi phạm pháp luật hải quan đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà không thuộc thẩm quyền của Hải quan thì khi chuyển giao hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời chuyển vật chứng để cơ quan đó bảo quản theo quy định tại khoản 2, Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, trừ trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo khác;
d) Đối với vi phạm hành chính mà hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị Hải quan thì đơn vị nào phát hiện, lập biên bản đầu tiên, đơn vị đó ra quyết định xử phạt; những đơn vị liên quan có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ tài liệu cần thiết theo yêu cầu của đơn vị có thẩm quyền xử phạt; khi có ý kiến khác nhau trong việc xử phạt thì trong thời hạn quy định phải báo cáo xin ý kiến Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan.
10- Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính về hải quan của các doanh nghiệp khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghiệp, thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà áp dụng mức phạt tương ứng với các hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan và các Nghị định khác có quy định hành vi và thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan.
11- Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính: Hàng hóa, vật phẩm, phương tiện vận tải đưa vào Việt Nam do bị hoả hoạn, thiên tai, địch họa, sự kiện bất ngờ, trong tình thế khẩn thiết, có khai báo hải quan, cơ quan có thẩm quyền khác hoặc chính quyền địa phương theo đúng quy định của pháp luật thì không bị xử phạt hành chính. Trường hợp không khai báo sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2, Điều 6 Nghị định.
12- Trong Thông tư này, những cụm từ sau đây được hiểu như sau:
a) "Hàng hoá, vật phẩm": Là hàng hoá, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện, ngoại hối, tiền Việt Nam và những vật phẩm khác, gọi chung là "hàng hoá, vật phẩm".
b) "Mã hàng": Là mã số thuế theo quy định pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
c) "Hàng hoá khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu": Là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không phải quản lý bằng hạn ngạch, giấy phép, kế hoạch định hướng.
d) "Mức trung bình của khung hình phạt": Là mức trung bình cộng của mức phạt tiền đầu và cuối của khung phạt đối với một vi phạm hành chính.
e) "Không đúng khai báo hải quan": Là sự khác nhau giữa hàng hoá, vật phẩm khai báo hải quan với hàng hoá, vật phẩm thực xuất, thực nhập.
g) "Tái phạm": Được hiểu là trong thời hạn một năm kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan hoặc trong thời hạn chưa hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt lại có vi phạm hành chính mới tương tự về hải quan.
h) "Vi phạm nhiều lần": Là hành vi vi phạm hành chính về hải quan xảy ra nhiều lần đối với một chủ thể trong lĩnh vực hải quan trong vòng một năm, kể từ thời điểm vi phạm hành chính về hải quan được phát hiện trước đó.
i) "Đưa hàng hoá trái phép vào Việt Nam": Là hành vi đưa hàng hoá vào Việt Nam trái với các quy định của luật pháp Việt Nam.
13- Khi tiếp nhận bộ hồ sơ hải quan để làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá vật phẩm, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn người khai bổ sung các chứng từ còn thiếu, không lập biên bản vi phạm.
II-ÁP DỤNG CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC XỬ PHẠT.
1- Hình thức xử phạt: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về hải quan phải chịu một trong các hình thức phạt chính là: Cảnh cáo hoặc phạt tiền.
a) Cảnh cáo: áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu có tình tiết giảm nhẹ, được quy định tại khoản 1 thuộc các Điều 6, 8, 9a, 9b, 11 và Điều 10 Nghị định.
b) Ngoài hình thức phạt chính, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức, có thể còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung sau:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;
- Tước quyền sử dụng giấy phép.
Các hình thức phạt bổ sung trên không được áp dụng độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức phạt chính.
2- Cá nhân, tổ chức bị áp dụng hình thức phạt chính, phạt bổ sung trên còn có thể buộc phải thực hiện các biện pháp hành chính khác quy định tại Nghị định như:
- Buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm;
- Đình chỉ làm thủ tục hải quan;
- Buộc tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm.
Biện pháp hành chính khác được áp dụng kèm theo hình thức phạt chính, không áp dụng độc lập.
3- Chỉ áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép đối với giấy phép trực tiếp liên quan đến hàng hoá, vật phẩm, phương tiện vận tải là tang vật vi phạm.
Các cấp Hải quan có thẩm quyền xử phạt chỉ được tước quyền sử dụng giấy phép đối với giấy phép do cơ quan Hải quan cấp. Trường hợp các giấy phép do cơ quan khác cấp, cơ quan Hải quan thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đề nghị tước quyền sử dụng giấy phép; sau khi thực hiện đề nghị của Hải quan, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thông báo kết quả cho cơ quan Hải quan.
Khi phát hiện giấy phép giả mạo, giấy phép cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật, phải lập biên bản thu giữ, sau đó thông báo bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước, tổ chức liên quan biết.
4- Thời hạn quy định làm thủ tục hải quan nói tại khoản 1 và thời gian đi đến của phương tiện vận tải nói tại điểm a, khoản 2 Điều 6 là thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 3 Bản quy định cụ thể về thủ tục hải quan và lệ phí hải quan ban hành kèm theo Nghị định 171/HĐBT ngày 27 tháng 5 năm 1991;
5- Đối với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định, chỉ xử phạt nếu trong giấy phép, tờ khai hải quan, quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật, có quy định thời gian phải tái nhập hoặc tái xuất.
6- Đối với quy định tại khoản 1, Điều 7, chỉ xử phạt khi xác định đối tượng được giao bảo quản niêm phong hải quan có thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
7- Đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 7 mà tự ý tiêu thụ hàng hoá, vật phẩm, trong trường hợp số hàng hoá vật phẩm đó là tang vật vi phạm hành chính khác bị áp dụng phạt bổ sung tịch thu sung công quỹ, thì ngoài việc xử phạt theo khoản 3, Điều 7, phải thu hồi lại tiền bán hàng theo giá bán thực tế. Trường hợp cần thiết để đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt thì thu hồi số tiền bằng số tiền bị xử phạt.
8- Chủ thể "vi phạm quy định về trao đổi hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới", bao gồm cư dân khu vực biên giới và ngoài khu vực biên giới. Trị giá và mặt hàng cư dân biên giới được phép trao đổi phải theo quy định của pháp luật hiện hành; Nếu Điều ước quốc tế về trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế.
Các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm dưới hình thức khác tại Cửa khẩu biên giới đường bộ, phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về Hải quan và pháp luật liên quan.
9- Hành vi xuất khẩu, nhập khẩu quà biếu trái quy định của Nhà nước về xuất nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 9a là hành vi xuất khẩu, nhập khẩu bằng hình thức quà biếu hàng hoá, vật phẩm thuộc diện quản lý bằng hạn ngạch, giấy phép, kế hoạch định hướng, hàng hoá tạm ngưng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc hàng hoá, vật phẩm cấm xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong trường hợp quà biếu xuất khẩu, nhập khẩu vượt tiêu chuẩn Nhà nước quy định, có khai báo hải quan, là hàng hoá khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu, không quản lý bằng hạn ngạch, kế hoạch định hướng hoặc xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện khác thì không xử phạt; nhưng người xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá đó phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Trường hợp sau khi đã kiểm tra hải quan mà người nhận quà biếu từ chối nhận, thì được phép đưa quà biếu đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (trừ ma tuý, tài liệu phản động, vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự).
10- Đối với các trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hành lý không khai báo hoặc khai báo không đúng quy định của khai báo hải quan (quy định trong nội dung tờ khai hải quan) mà không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 9b thì xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Trong trường hợp hành lý xuất khẩu, nhập khẩu vượt tiêu chuẩn Nhà nước quy định, có khai báo hải quan là hàng hoá khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu thì xử lý như điểm 9 phần II Thông tư này.
Các trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm không mang tính chất quà biếu, hành lý thì xử lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định 88/CP ngày 14/12/1995 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội.
Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu quà biếu, hành lý thuộc loại hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (trừ ma tuý, tài liệu phản động, vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự) có khai báo hải quan thì không được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu và không xử phạt.
11- Phương tiện vận tải chở hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, chuyển khẩu quy định tại Nghị định bao gồm phương tiện vận tải trên không, trên biển, trên sông, trên bộ di chuyển trong khu vực kiểm soát hải quan;
11.1) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 11 bao gồm cả phương tiện vận tải chở hàng hoá xuất khẩu xuất phát từ một cảng của Việt Nam hoặc chở hàng chuyển khẩu, cập cảng không có trong hành trình của tàu, nhưng không khai báo hải quan theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Bản quy định về thủ tục hải quan và lệ phí hải quan ban hành kèm theo Nghị định 171/HĐBT.
11.2) Hàng hoá, vật phẩm không khai báo hải quan trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh trong khu vực kiểm soát hải quan, không phải thuộc sở hữu của thuyền viên thì xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 11 Nghị định. Trường hợp xác định được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện vận tải... hoặc hành khách xuất nhập cảnh thì xử phạt theo quy định tại Điều 9b Nghị định.
11.3) Khi phát hiện được hàng hoá, vật phẩm có nguồn gốc nhập khẩu trái phép, hàng hoá quá cảnh, tạm nhập, tái xuất tiêu thụ trên thị trường Việt
Nam thì căn cứ vào điểm b, khoản 4 Điều 11 và khoản 2 Điều 17 của Nghị định để xử phạt.
12- Đối với các vi phạm quy định tại Điều 12a Nghị định:
- Nếu có đủ căn cứ pháp lý khẳng định hành vi trốn thuế được quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự mà số thuế ẩn lậu dưới 50.000.000 đồng Việt Nam, nhưng đã bị xử lý hành chính về hành vi trốn thuế, hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án về tội trốn thuế; hoặc số thuế ẩn lậu có số lượng lớn từ 50.000.000 đồng Việt Nam trở lên thì Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố không xử phạt vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp không đủ các yếu tố cấu thành tội trốn thuế thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Khi không có đủ căn cứ xác định được hành vi vi phạm dẫn đến thất thu tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì tùy theo tính chất hành vi, mức độ vi phạm mà xử phạt theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 12a Nghị định.
12.2) Đối với hành vi không chịu nhận thông báo thu thuế, quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; nộp chậm tiền thuế, tiền phạt hoặc dây dưa nộp thuế, nộp phạt thì lập biên bản vi phạm để xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 22/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
12.3) Trong trường hợp nhập khẩu hàng hoá để góp vốn vào liên doanh đầu tư mà khai báo trị giá hàng hoá cao hơn thực tế, nếu xác định việc giả mạo giấy tờ để tăng góp vốn đầu tư thì ngoài việc phạt về hành vi khai sai trị giá, còn xử phạt về hành vi giả mạo giấy tờ; nếu có dấu hiệu phạm tội thì chuyển cho cơ quan Điều tra.
12.4) Trường hợp khai báo tên hàng hoá, vật phẩm bằng tiếng Việt Nam chưa chính xác so với tên hàng hoá bằng tiếng Anh trên chứng từ trong hồ sơ hải quan và tài liệu kỹ thuật liên quan (nếu có) do dịch thuật, thì yêu cầu dịch lại chính xác, không xử phạt.
13- Đối với hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép và văn bản thay thế giấy phép:
13.1) Giấy phép quá hạn:
a) Hàng xuất khẩu: Chủ hàng phải xin gia hạn giấy phép mới cho làm thủ tục xuất khẩu, đồng thời xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 01/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại;
b) Hàng nhập khẩu: Nếu khi ký hợp đồng, hoặc khi xếp hàng lên phương tiện vận tải hiệu lực giấy phép vẫn còn, nhưng khi hàng về tới cảng giấy phép hoặc hợp đồng hết hạn thì xử phạt về hành vi sử dụng giấy phép quá hạn để nhập khẩu hàng hóa, theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 01/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, không coi đây là trường hợp nhập khẩu trái phép.
13.2) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu không đúng nội dung giấy phép, nhưng tang vật vi phạm là hàng hoá khuyến khích nhập khẩu, không phải là đối tượng chịu thuế, hoặc là vật tư máy móc góp vốn liên doanh đầu tư thuộc công nghệ tiên tiến phù hợp với yêu cầu sử dụng, được xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, có khai báo hải quan thì không xử phạt, nhưng phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
13.3) Đối với các trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu không đúng nội dung giấy phép hoặc không có giấy phép nhưng không phải là giấy phép trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu như giấy phép kinh doanh ngành hàng, giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, giấy phép nhập dây chuyền sản xuất để góp vốn đầu tư theo Luật Đầu tư, giấy phép kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất, kinh doanh cửa hàng miễn thuế... thì xử phạt theo quy định tại các Điều 15, 16, 17, 19 Nghị định 01/CP.
13.4) Trường hợp nhập khẩu không đúng với khai báo hải quan mà người nhận hàng từ chối nhận, trả lại người bán với lý do xác đáng, phù hợp với Luật Thương mại và quy định khác của pháp luật Việt Nam, tập quán thương mại quốc tế, không có dấu hiệu hợp pháp hoá cho các lô hàng buôn lậu, thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 12a Nghị định, buộc đưa hàng hoá ra khỏi Việt Nam.
Trường hợp nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm đúng với khai báo hải quan (không phải là hàng hoá, vật phẩm cấm xuất khẩu, nhập khẩu) mà người nhận hàng từ chối nhận, trả lại người bán thì được phép đưa hàng hoá, vật phẩm đó ra khỏi Việt Nam và không bị xử phạt, nhưng phải kiểm tra thực tế chặt chẽ mới cho thực hiện.
13.5) Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm không đúng với khai báo hải quan nhưng không ảnh hưởng đến tiền thuế và các nghĩa vụ tài chính phải nộp, chính sách mặt hàng, vệ sinh môi trường hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật chung thì không xử phạt, nếu pháp luật không quy định khác.
14- Trường hợp khai báo đúng hàng hoá, vật phẩm thực xuất khẩu, nhập khẩu, nhưng áp mã sai lần đầu, hải quan sẽ hướng dẫn áp mã lại cho chính xác và không xử phạt. Nếu đã được hướng dẫn một lần mà tiếp tục áp mã sai thì áp dụng điểm b, khoản 3, Điều 12a để xử phạt.
15- Đối với quy định tại điểm d, khoản 8 Điều 12a, Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố phải báo cáo đầy đủ, kịp thời để Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc giải phóng hàng hoá hoặc uỷ quyền cho Cục trưởng Hải quan chịu trách nhiệm giải phóng hàng hoá.
16- Quy định tại điểm e, điểm g, khoản 5 Điều 12a Nghị định không áp dụng đối với trường hợp hàng hoá, vật phẩm đưa vào Việt Nam trên cơ sở hợp đồng thương mại, phù hợp với giấy phép kinh doanh của người nhập khẩu mà trong thời hạn quy định tại khoản 1, Điều 3 Bản quy định cụ thể về thủ tục hải quan và lệ phí hải quan ban hành kèm theo Nghị định 171/HĐBT, người nhập khẩu đã xuất trình được giấy phép.
17- Những viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự lợi dụng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao để thực hiện hoạt động thương mại ngoài phạm vi chức năng chính thức của họ, vi phạm hành chính về hải quan thì trước khi xử phạt, cần trao đổi với cơ quan Ngoại giao.
Những trường hợp không được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, nhưng lợi dụng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao để trốn tránh sự kiểm tra hải quan nhằm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá trái phép, trốn lậu thuế hoặc giả mạo các giấy tờ để được nhập khẩu hàng hoá theo tiêu chuẩn ưu đãi miễn trừ hải quan, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đều bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 12a Nghị định.
18- Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu ngoại hối:
a) Các trường hợp khai khống ngoại hối có số lượng lớn tương đương 5.000.000 đồng Việt Nam trở lên đều bị xử phạt;
b) Khi vi phạm khoản 4 Điều 13 Nghị định mà số ngoại hối khai khống tương đương 100.000.000 đồng trở lên, nếu có tình tiết tăng nặng, thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu ngoại hối trái phép nhưng cố tình giấu diếm để trốn tránh sự kiểm tra hải quan thì ngoài việc phạt tiền theo quy định tại các khoản 1, 2, 5, 6 Điều 13 Nghị định, còn bị tịch thu tang vật vi phạm sung công quỹ, trừ số ngoại hối theo quy định của pháp luật được miễn khai báo hải quan.
19- Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu tiền Việt Nam:
a) Vi phạm khoản 1 Điều 14 Nghị định không có tình tiết tăng nặng, tang vật vi phạm dưới 10.000.000 đồng thì áp dụng hình thức phạt cảnh cáo;
b) Vi phạm khoản 1, 2, 3 Điều 14 khi xuất khẩu, ngoài việc phạt tiền còn bị đình chỉ xuất khẩu;
c) Vi phạm khoản 1, 2, 3 Điều 14, nếu cố tình giấu diếm để trốn tránh sự kiểm tra hải quan thì ngoài việc bị phạt tiền còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm sung công quỹ.
1- Thủ trưởng trực tiếp của nhân viên hải quan, bao gồm Đội trưởng Đội công tác nghiệp vụ thuộc cửa khẩu và Phòng nghiệp vụ, do Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Hải quan Tỉnh) bổ nhiệm; các Phòng nghiệp vụ không tổ chức Đội, được thực hiện thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định. Cấp trên trực tiếp của Đội trưởng các Đội công tác nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu những người thuộc quyền chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi ra quyết định xử phạt. Những trường hợp chủ thể vi phạm là người nước ngoài hoặc vụ việc có tình tiết phức tạp thì chuyển lên cấp lên trực tiếp để ra quyết định xử phạt.
2- Trưởng Hải quan cửa khẩu, Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan Tỉnh; Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định.
Quyết định xử phạt 2.000.000 đồng và quyết định tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị 5.000.000 đồng trở lên, những người có thẩm quyền trên đây phải gửi lên Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (nếu là quyết định của Đội Kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu) để gửi sang Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở Hải quan Tỉnh.
Đối với những hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 2.000.000 đồng hoặc tịch thu tang vật có trị giá trên 20.000.000 đồng, Trưởng Hải quan cửa khẩu, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan Tỉnh phải làm báo cáo, chuyển hồ sơ, tang vật lên Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh ra quyết định xử phạt.
Những trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt của Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, thì vi phạm được phát hiện, lập biên bản tại địa bàn quản lý của Hải quan khu vực nào, sẽ chuyển giao Cục trưởng Cục Hải quan nơi đó ra quyết định xử phạt.
Trưởng Hải quan cửa khẩu, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan Tỉnh hoặc thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, được xử phạt theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu với mức phạt tối đa là 20.000.000 đồng.
3- Cục trưởng Hải quan Tỉnh thực hiện quyền xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Nghị định.
a) Đối với những vụ vi phạm có tình tiết phức tạp, hoặc áp dụng hình thức phạt bổ sung mà tang vật tịch thu trị giá trên 200.000.000 đồng thì Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh phải gửi hồ sơ và báo cáo xin ý kiến Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan; chỉ khi được sự đồng ý của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan mới được ra quyết định xử phạt;
b) Đối với những vụ vi phạm áp dụng hình thức phạt tiền có mức phạt trên 20.000.000 đồng thì làm thủ tục chuyển hồ sơ sang Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương ( sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân Tỉnh) nơi bắt giữ để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh ra quyết định xử phạt. Sau khi có quyết định xử phạt, Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh phải báo cáo lên Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan;
c) Đối với những vi phạm pháp luật Hải quan do Đội Kiểm soát cơ động trên biển phát hiện, lập biên bản vi phạm, bắt giữ ở vùng lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế hoặc những địa bàn chưa có tổ chức Hải quan mà vượt thẩm quyền của Đội kiểm soát, thì đưa về trụ sở Hải quan nơi gần nhất để thực hiện xử phạt theo quy định chung;
d) Hồ sơ vụ vi phạm hành chính về hải quan khi chuyển sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh phải kèm theo bản tóm tắt nội dung sự việc và ý kiến của Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh về biện pháp xử lý. Thủ tục bàn giao hồ sơ những vụ vi phạm hành chính về hải quan có mức phạt trên 20.000.000 đồng sang Uỷ ban nhân dân Tỉnh phải thực hiện theo đúng quy định chung. Thời gian xem xét giải quyết ở mỗi cấp được quy định như sau:
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Cục trưởng Cục hải quan Tỉnh phải gửi hồ sơ, kiến nghị biện pháp xử phạt vi phạm hành chính sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét; trong thời hạn từ 5 đến 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, kiến nghị biện pháp xử phạt của Cục trưởng Hải quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh ra quyết định xử phạt. Tang vật vi phạm vẫn giữ tại kho của Hải quan để bảo quản. Riêng tang vật là ngoại tệ, đồng Việt Nam, kim khí quý, đá quý phải niêm phong và gửi kho bạc Nhà nước;
e) Các vụ vi phạm hành chính do cơ quan Hải quan chuyển sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh giải quyết theo thẩm quyền, thì sau khi có quyết định xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Cục trưởng Hải quan nơi thụ lý vụ vi phạm hành chính chịu trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt. Hàng tháng, Cục trưởng Hải quan phải báo cáo kết quả việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh với Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan;
g) Trong trường hợp Cục Hải quan phụ trách nhiều Tỉnh, các vụ vi phạm hành chính về hải quan bắt giữ tại địa bàn tỉnh nào thì chuyển sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi đã bắt giữ ra quyết định xử phạt, nếu vượt thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh;
h) Thẩm quyền xử phạt theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh thực hiện theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đối với số thuế ẩn lậu ở dưới mức truy cứu trách nhiệm được quy định tại Thông tư số 06/TTLB ngày 20/9/1996 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn xử lý tội trốn thuế thì Cục trưởng Hải quan Tỉnh được phạt tiền đến 5 lần số thuế ẩn lậu, nhưng tối đa khi phạt 1 lần thuế ẩn lậu phải dưới 50 triệu đồng; khi phạt 5 lần thuế ẩn lậu phải dưới 250 triệu đồng.
Đối với những trường hợp có mức phạt vượt quy định nêu trên thì Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh chỉ ra quyết định xử phạt theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan Điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau khi ra quyết định xử phạt phải báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
IV- THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ ĐẢM BẢO VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1- Khi áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
a) Chỉ những người có thẩm quyền quy định tại Điều 19 Nghị định mới được tạm giữ người theo thủ tục hành chính;
b) Khi tạm giữ người phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản;
c) Chỉ tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng để làm căn cứ ra quyết định xử phạt hành chính hoặc để ngăn chặn, đình chỉ ngay những vi phạm hành chính.
2- Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
a) Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, phải tiến hành lập biên bản vi phạm và xem xét hành vi đó có phải áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật hay không; chỉ tạm giữ tang vật khi xác định hành vi vi phạm đó có thể phải áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật sung công quỹ hoặc số tang vật có trị giá tương đương với mức phạt theo hành vi vi phạm để đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt. Trường hợp chưa xác định được có vi phạm xảy ra hay không, thì chỉ lưu mẫu tang vật. Đối với tang vật là ngoại hối của hành khách xuất nhập cảnh, chỉ tạm giữ số ngoại hối vượt tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với tang vật là nguyên liệu sản xuất hàng gia công, nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, hàng góp vốn đầu tư liên doanh, hàng nhập khẩu theo vốn ODA được miễn thuế, hàng gửi kho ngoại quan, mà có trong giấy phép, hợp đồng thì chỉ lưu mẫu, cho giải phóng hàng và yêu cầu các đối tượng này có văn bản cam kết thực hiện quyết định xử phạt sau này.
Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ tang vật phải tuân thủ đúng quy định về thời hạn tạm giữ và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định tại khoản 5, Điều 41 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện đúng quy định về thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm gây thiệt hại vật chất cho chủ hàng thì Cục trưởng Hải quan các địa phương hoặc Thủ trưởng đơn vị là cấp trên của người ra quyết định tạm giữ hoặc người được uỷ quyền thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan phải chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại vật chất cho chủ hàng theo Điều 7, 8, 9, 10, 11 Nghị định 47/CP ngày 3/5/1997 quy định về bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Sau đó, xác định mức bồi thường thiệt hại của cá nhân, người có thẩm quyền tạm giữ gây ra, theo Điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 Nghị định 47/CP;
b) Những người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm theo thủ tục hành chính;
c) Đội trưởng Đội công tác nghiệp vụ chỉ được tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp phạm pháp quả tang, mà nếu không áp dụng biện pháp tạm giữ thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, đánh tráo để xoá dấu vết. Nhưng trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tạm giữ, người ra quyết định phải báo cáo Thủ trưởng trực tiếp theo quy định tại Điều 19 Nghị định và phải được sự đồng ý bằng văn bản;
d) Để đảm bảo việc ngăn chặn hành chính kịp thời, có hiệu quả, Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh được uỷ quyền cho Trưởng phòng Điều tra chống buôn lậu tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Người uỷ quyền và người được uỷ quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3- Khám người theo thủ tục hành chính.
a) Thẩm quyền và trình tự khám người theo thủ tục hành chính phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định.
b) Nhân viên Hải quan đang thi hành công vụ được phép khám người theo thủ tục hành chính. Trước khi khám, bắt buộc phải cho người bị khám xem Chứng minh thư Hải quan; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng đơn vị phụ trách trực tiếp.
4- Khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.
a) Nhân viên Hải quan đang thi hành công vụ có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, trừ trường hợp phương tiện vận tải là tàu biển, máy bay, tàu hoả của Việt nam và nước ngoài vận chuyển trên các tuyến đường quốc tế thì phải có quyết định của Trưởng Hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương trở lên;
b) Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật của các đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao, miễn trừ lãnh sự phải tuân thủ các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia và phải có quyết định của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan.
Khi có cơ sở khẳng định hành lý của người được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, miễn trừ lãnh sự xuất cảnh, nhập cảnh chứa đựng những đồ vật không được hưởng ưu đãi, hoặc chứa những đồ vật thuộc loại Nhà nước Việt Nam cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc không tuân thủ các chế độ kiểm dịch của Việt Nam, thì việc khám xét thực hiện theo quyết định của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan, trước mặt viên chức ngoại giao hoặc người được uỷ quyền đại diện cho họ.
5- Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Khi xét thấy cần khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong khu vực kiểm soát hải quan thì cơ quan Hải quan phải phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc khám xét theo quy định tại Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
V- THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH.
1- Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000 đồng thì không phải lập biên bản vi phạm mà ra quyết định xử phạt tại chỗ.
2- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có thể ghi ngày có hiệu lực (như trường hợp xử phạt đối với người nước ngoài vắng mặt; những trường hợp vì điều kiện thời gian, không gian hoặc những lý do khác không thể thực hiện được đầy đủ quyết định trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt).
3- Đối với những trường hợp áp dụng hình thức phạt tiền hoặc phạt tiền kèm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm mà quá thời hạn chấp hành Quyết định xử phạt, đương sự cố tình không thực hiện nộp phạt thì phải tổ chức việc cưỡng chế.
Căn cứ vào điểm c, khoản 3 Điều 30 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì Cục trưởng Cục Hải quan cấp Tỉnh được áp dụng hình thức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng biện pháp đình chỉ làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu và chỉ thực hiện biện pháp này sau khi đã phối hợp với các cơ quan quy định tại Điều 30 Nghị định mà không thực hiện được các biện pháp cưỡng chế khác, khi đương sự cố tình không thực hiện quyết định xử phạt.
1- Khiếu nại việc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính.
a) Cá nhân, tổ chức bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính như tạm giữ người; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22 Nghị định thì cá nhân, tổ chức hoặc người đại diện hợp pháp của họ được quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn;
b) Việc giải quyết khiếu nại phải thực hiện trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, bằng Quyết định giữ nguyên các biện pháp ngăn chặn, thay đổi hoặc huỷ bỏ một phần hay toàn bộ biện pháp ngăn chặn.
2- Khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.
- Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần thứ nhất.
Đối với quyết định của Đội trưởng Đội công tác nghiệp vụ thì Trưởng phòng nghiệp vụ, Trưởng Hải quan cửa khẩu giải quyết khiếu nại lần thứ hai.
Đối với các quyết định xử phạt của Trưởng Hải quan cửa khẩu, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan, Trưởng phòng nghiệp vụ (nếu không thành lập Đội) thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 là Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh hoặc Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu.
Đối với các Quyết định xử phạt của Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần thứ hai là Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan.
Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan giải quyết khiếu nại lần thứ hai đối với các quyết định xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh; nếu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh đồng ý với quyết định của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan thì ra quyết định sửa đổi quyết định của mình. Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh không đồng ý với quyết định của Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp Tỉnh khiếu nại lên Tổng Thanh tra Nhà nước.
Mọi khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan được giải quyết theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và điều 31, 32 của Nghị định, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, thì có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của họ hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền. Trong trường hợp vừa có khiếu nại lên cấp trên trực tiếp (của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại), vừa có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì thực hiện theo Điều 13 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
3- Khi giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải căn cứ vào khoản 3, Điều 88 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và mẫu ấn chỉ HC20 để ra quyết định giải quyết khiếu nại.
1- Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức phối hợp với các Vụ, Cục liên quan thuộc Tổng cục Hải quan, thực hiện phúc tra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan và kiểm tra việc tuân theo pháp luật trong quá trình thực hiện xử phạt để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính về hải quan đúng quy định của pháp luật.
2- Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện nguyên tắc, trình tự xử phạt vi phạm hành chính (được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Bản quy định về trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan - ban hành kèm theo Quyết định số 97/TCHQ-PC ngày 5/8/1996 và công văn số 2505/TCHQ-PC ngày 6/8/1996 hướng dẫn thi hành quyết định trên.) của các đơn vị thuộc quyền.
Tại các đơn vị cửa khẩu, Đội kiểm soát trực thuộc Cục Hải quan Tỉnh, Phòng nghiệp vụ, phải cử cán bộ chuyên theo dõi, hướng dẫn kiểm tra việc xử phạt vi phạm hành chính của các Đội nghiệp vụ; giải quyết kịp thời các khiếu nại về biện pháp ngăn chặn hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định và hướng dẫn tại Thông tư này.
3- Đối với những vụ vi phạm hành chính hoặc khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp, Hội đồng tư vấn xử lý các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét để kiến nghị Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh ra quyết định được kịp thời, đúng đắn.
4- Những cán bộ theo dõi, hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính phải được lựa chọn từ các cán bộ, nhân viên đã được rèn luyện tốt, trung thực, am hiểu pháp luật và nghiệp vụ.
5- Việc thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cục trưởng Cục Kiểm tra thu thuế XNK Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn cụ thể chế độ thu nộp theo quy định hiện hành.
6- Những cán bộ, nhân viên Hải quan có thẩm quyền xử phạt hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính hoặc được giao nhiệm vụ làm công tác xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, nếu có hành vi vi phạm nguyên tắc, trình tự xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm hay sách nhiễu, vụ lợi thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật; nếu gây thiệt hại về vật chất cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, thay thế Thông tư số 242/1997/TT-TCHQ ngày 14/10/1997 và Thông tư số 1/1998/TT-TCHQ ngày 6/5/1998 và các văn bản của Tổng cục Hải quan ban hành trước đây trái với Thông tư này.
Phạm Văn Dĩnh (Đã ký) |
- 1Thông tư 242/TCHQ-PC-1997 hướng dẫn thi hành Nghị định 16/CP-1996 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan do Tổng Cục Hải Quan ban hành
- 2Thông tư 05/1999/TT-TCHQ hướng dẫn thi hành Nghị định 16/CP và Nghị định 54/1998/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Quyết định 87/2003/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành hết hiệu lực pháp luật, bị bãi bỏ hoặc có văn bản thay thế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 242/TCHQ-PC-1997 hướng dẫn thi hành Nghị định 16/CP-1996 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan do Tổng Cục Hải Quan ban hành
- 2Thông tư 05/1999/TT-TCHQ hướng dẫn thi hành Nghị định 16/CP và Nghị định 54/1998/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Quyết định 87/2003/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành hết hiệu lực pháp luật, bị bãi bỏ hoặc có văn bản thay thế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Nghị định 171-HĐBT năm 1991 Quy định cụ thể thủ tục hải quan và lệ phí hải quan do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Nghị định 88-CP năm 1995 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội
- 3Nghị định 22-CP năm 1996 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
- 4Nghị định 16-CP năm 1996 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan
- 5Thông tư liên ngành 06/TTLN năm 1996 hướng dẫn xử lý tội trốn thuế do Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ ban hành
- 6Nghị định 47-CP năm 1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra
- 7Nghị định 54/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan
- 8Thông tư 05/1999/TT-TCHQ hướng dẫn thi hành Nghị định 16/CP và Nghị định 54/1998/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành
- 9Quyết định 97/TCHQ-PC năm 1996 quy định về trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 10Công văn về việc giải thích một số điểm trong Thông tư số 05/1998/TT-TCHQ
- 11Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 1991
Thông tư 05/1998/TT-TCHQ hướng dẫn thi hành Nghị định 16/CP-1996 và Nghị định 54/1998/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan do Tổng Cục Hải Quan ban hành
- Số hiệu: 05/1998/TT-TCHQ
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 29/08/1998
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Phan Văn Dĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: 13/09/1998
- Ngày hết hiệu lực: 10/08/1999
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra