Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 04/2015/TT-BTP về hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng do Bộ Tư pháp ban hành

Chương IV

QUẢN LÝ TẬP SỰ HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG

Điều 27. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp

1. Cục Bổ trợ tư pháp là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về công chứng, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Thông tư này;

b) Kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tập sự hành nghề công chứng theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết.

Đối tượng kiểm tra là Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự, Người tập sự và công chứng viên hướng dẫn tập sự. Nội dung kiểm tra bao gồm việc đăng ký tập sự; việc quản lý tập sự; việc đề nghị kiểm tra kết quả tập sự, đề nghị bổ nhiệm công chứng viên và các vấn đề khác có liên quan đến việc tập sự.

Thời gian và nội dung kiểm tra phải được thông báo cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 07 ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra;

c) Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng theo quy định của Thông tư này;

d) Thanh tra; xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tập sự hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật công chứng, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Thanh tra Bộ, Học viện Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình liên quan đến việc tập sự hành nghề công chứng và phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chỉ định tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện tại địa phương nhận Người tập sự; xem xét việc từ chối nhận tập sự của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Thông tư này.

2. Đăng ký tập sự, quyết định chấm dứt tập sự theo quy định của Thông tư này.

3. Lập và đăng tải Danh sách người tập sự của Sở Tư pháp, tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự tại địa phương trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp, thường xuyên rà soát, cập nhật các danh sách này; gửi Danh sách người tập sự của Sở Tư pháp cho Bộ Tư pháp để lập Danh sách người tập sự trong toàn quốc; gửi Danh sách người tập sự của Sở Tư pháp cho Hội công chứng viên (ở những nơi đã thành lập); lập Sổ theo dõi tập sự hành nghề công chứng (Mẫu TP-TSCC-03).

4. Kiểm tra việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên hướng dẫn tập sự và Người tập sự theo quy định của Thông tư này.

5. Lập danh sách người đủ điều kiện đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng và gửi đề nghị về Bộ Tư pháp theo quy định của Thông tư này.

6. Xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên đối với Người tập sự tại địa phương đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng sau khi có ý kiến bằng văn bản của Hội công chứng viên (ở những nơi đã thành lập).

7. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tập sự hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật công chứng, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 29. Trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên

1. Tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị liên quan đến tập sự hành nghề công chứng của Người tập sự, công chứng viên hướng dẫn tập sự và tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự với cơ quan quản lý nhà nước về công chứng.

2. Giám sát tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự, công chứng viên hướng dẫn tập sự và Người tập sự trong quá trình tập sự; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về tập sự hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.

3. Hòa giải các mâu thuẫn phát sinh giữa Người tập sự với công chứng viên hướng dẫn tập sự và tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự.

4. Tham gia tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật công chứng, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Thông tư 04/2015/TT-BTP về hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 04/2015/TT-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/04/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thúy Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 545 đến số 546
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH